Kinh Lạy Cha (7): Được Tha và Tha

Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con (Mt 6:12). Có người căn cứ vào tiếng Anh mà cho là lời cầu xin này thật thích hợp bởi sau giving (cho) mà nói tới forgiving (tha thứ) thì còn gì thích hợp hơn. Lời cầu xin trước: Xin Cha cho (to give) chúng con hôm nay lương thực hàng ngày. Còn lời cầu xin tiếp liền là: Xin tha (to forgive) nợ chúng con. Tertullian cũng cho hay: Qủa là thích hợp sau khi chiêm ngắm lòng đại lượng của Chúa, ta nhắc đến lượng khoan hồng của Người” (Về Cầu Nguyện 7). Thích hợp hơn nữa, khi càng nhớ đến sự phong phú và hào phóng của lượng từ bi Chúa bao nhiêu, ta càng xấu hổ bấy nhiêu vì nhớ lại mình thật bất xứng với lượng từ bi ấy xiết bao.

Tha Tội Hay Tha Nợ

Giống các lời cầu xin ta đã bàn qua, lời cầu xin này cũng có nhiều cách dịch khác nhau. Một số bản tiếng Anh dịch câu này như sau: Forgive us our debts, as we forgive our debtors (Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con). Nhưng trong phần lớn các bản dịch xưa và mới đây trong bản Thánh Kinh của Đức Ông Knox và trong bản chính thức dùng trong phụng vụ Công Giáo, câu ấy được dịch là forgive us our trespasses, as we forgive those who trespass against us (Xin tha các sai phạm của chúng con, như chúng con cũng tha các kẻ sai phạm đến chúng con).

Bản The Jerusalem Bible và phần lớn các bản Thánh Kinh tiếng Anh đều dịch lời kinh trong Mátthêu và lời kinh trong Luca khác nhau:

And forgive our debts, as we have forgiven those who are in debts to us (Mt 6:12)

(Xin tha nợ chúng con, như chúng con đã từng tha cho những kẻ mắc nợ chúng con)

And forgive us our sin, for we ourselves forgive each one who is in debt to us (Lc 11:4).

(Xin tha tội cho chúng con, vì chúng con cũng tha cho những ai mắc nợ chúng con)

Bản Good News Bible, Today’s English Version, của The Bible Societies, dịch câu của Mátthêu rất thoáng: forgive us the wrongs we have done, as we forgive the wrongs that others have done to us (Xin tha các sai trái chúng con đã làm như chúng con cũng tha các sai trái người khác từng làm cho chúng con). Nhưng khi dịch câu của Luca, họ vẫn phân biệt hai ý niệm tội và sai trái: forgive us our sins, for we forgive everyone who does us wrong (Xin tha tội cho chúng con, vì chúng con cũng tha những ai làm sai với chúng con).

Các bản Thánh Kinh tiếng Việt có khác, phần đông, kể cả bản của Tin Lành, đều dùng chữ tội trong cả Mátthêu lẫn Luca:

Bản Tin Lành: Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi (Mt 6:12); Xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha kẻ mích lòng mình (Lc 11:4).

Bản của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ và bản của Cha An Sơn Vị na ná như nhau: Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con (Mt 6:12, Lc 11:4).

Hai bản trên bỏ hẳn chữ nợ. Bản của Cha Nguyễn Thế Thuấn dùng cả chữ tội và chữ nợ làm thành một chữ kép “tội nợ” trong Mátthêu: Xin tha tội nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha khách nợ (Mt 6:12); nhưng trong Luca, Cha Thuấn chỉ dùng chữ tội một mình: Xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha cho mọi khách nợ” (Lc 11:4).

Trong phụng vụ, ta biết hiện ta đọc câu này như sau: Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con (Sách Lễ Rôma, Nghi Thức Thánh Lễ, Uỷ Ban Phụng Tự trược thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt-Nam, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2005, tr.133). Nhưng mấy năm gần đây, không hiểu do bức xúc chi, Hội Đồng Giám Mục Việt-Nam đã cho thử nghiệm một lời Kinh khác hình như là thế này: Xin Cha tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có lỗi với chúng con. Còn nhớ việc thử nghiệm này kéo dài một hai năm, sau đó, nghe tin vì các nhà soạn nhạc “chê” lời kinh mới không hợp vần hợp điệu gì đó, khiến họ không sáng tác nổi một bài hát cho ra hồn, nên các vị hữu trách Giáo Hội đã cho dẹp việc thử nghiệm trên và chúng ta lại trở lại với lời kinh quen thuộc cũ. Trong thời đại của Liturgiam authenticam (chỉ thị năm 2001 của Bộ Phụng Tự), chắc chắn lời Kinh này còn được duy trì lâu dài vì nó phù hợp với lời kinh trong Sách Lễ Rôma: et dimítte nóbis débita nostra, sicut et nos dimíttimus debitóribus nostris (Liber Usualis, Desclee & Co 1959, tr.6). Débitadebitóribus có nghĩa lần lượt là nợ và người mắc nợ.

Lời Kinh này chắc chắn đã dựa vào Phúc Âm Mátthêu hơn là Phúc Âm Luca vì trong Bản Phổ Thông, Mátthêu đọc câu này là: et dimitte nobis debita nostra sicut et nos dimisimus debitoribus nostris (Mt 6:12), trong khi Luca đọc khác: et dimitte nobis peccata nostra siquidem et ipsi dimittimus omni debenti nobis (Lc 11:4). Peccata là tội, debenti là người mắc nợ dưới dạng phân từ.

Tất cả những điều trên cho thấy lời Kinh không đơn giản như người ta vốn nghĩ. Thiển nghĩ tìm hiểu đôi điều về ý nghĩa lời Kinh trên không hẳn là việc dư thừa.

Nghĩa Tài Chánh Nghĩa Tôn Giáo

Trong bản Hy Lạp, Phúc Âm Mátthêu (6:12) sử dụng chữ opheilemata, số nhiều của opheilema. Mà opheilema là một chữ có nhiều nghĩa nhưng tất cả đều xoay quanh một ý tưởng chung, không thay đổi, chỉ điều gì đó ta mắc nợ một người nào, một điều đến lúc phải trả, một nghĩa vụ hay một trách nhiệm phải cho đi hay phải đền trả. Nói tóm lại, nó có nghĩa một món nợ, mà nghĩa hẹp nhất chỉ món nợ bằng tiền và nghĩa rộng nhất chỉ món nợ luân lý hay tôn giáo mà người ta phải hoàn trả.

Opheilema rất hiếm thấy trong ngôn ngữ Thánh Kinh. Trong Tân Ước nó chỉ xuất hiện một lần trong Thư Rôma 4:4; trong Cựu Ước, nó cũng chỉ xuất hiện một lần trong Đệ Nhị Luật 24:10. Ở cả hai chỗ ấy, nó đều có nghĩa nợ tiền. Nhưng động từ opheilein (mắc nợ) tương đương như động từ ought của tiếng Anh (phải, nên) thì xuất hiện nhiều hơn: hơn 30 lần trong Tân Ước trong đó 8 lần với nghĩa nợ tiền, và 25 lần với nghĩa nợ luân lý hay tôn giáo.

Trong tiếng Hy Lạp thế tục, ta có thể căn cứ trên một số thí dụ để hiểu nghĩa rất rộng của chữ opheilema. Trong các bản giấy sậy (papyri), nó thường được giấy tờ buôn bán dùng để chỉ các món nợ tài chánh. Thucydides dùng nó chỉ nghĩa vụ phải đáp trả lòng tốt mình nhận được (2.40). Plato dùng nó để chỉ nghĩa vụ con cái phải trả món nợ đối với cha mẹ (Luật Lệ, 717B). Aristotle dùng nó để chỉ loại nợ tài chánh mà trong moị hoàn cảnh thông thường người ta phải trả (Đạo Đức Học Nicomachean 1165a 3). Tóm lại, opheilema chỉ điều mình nợ, điều người ta bắt buộc phải cho đi hay hoàn trả, một nghĩa vụ luân lý hay tôn giáo phải thực hiện.

Lời cầu xin trong Mátthêu 6:12 vì thế có nghĩa là xin tha thứ mọi sai phạm không thực hiện bổn phận, không làm cho Chúa và người ta điều ta có bổn phận phải làm cho Người và cho họ, xin tha món nợ ta nợ Chúa và nợ anh em mà ta đã thiếu sót không hoàn trả.

Trái lại, trong bản Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp, Phúc Âm Luca (11:4) sử dụng chữ hamartia, một chữ được người Hy Lạp năng dùng nhất để chỉ tội. Nhưng thực ra, xét về nguyên ủy, hamartia không phải là một hạn từ đạo đức, mà chỉ có nghĩa là mất điểm, không trúng đích khi một cây thương hay một mũi tên đi trệch mục tiêu. Theo nghĩa này, tội đúng là một thất bại không đánh đúng điểm nhắm, không thực hiện được mục tiêu thực sự của cuộc đời, một thất bại không trở nên hay không làm được điều ta có bổn phận đáng lẽ phải làm, mà ta đáng lẽ đã trở nên hay làm được. Như thế, xét cho cùng, dù dựa trên các hình ảnh khác nhau, opheilemahamartia tựu chung không khác nghĩa bao nhiêu.

Nợ Do Thái Nợ Hy Lạp

Khi truyền cho các môn đệ đọc Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đâu có dùng tiếng Hy Lạp mà dùng tiếng A-ram. Vào thời Chúa Giêsu lúc ấy, ở Palestine, các thầy rabbis vốn cho tội đơn giản chỉ có nghĩa là không vâng lời Thiên Chúa. Đối với họ, điều thiện là vâng lời, điều xấu hay tội là không vâng lời. Điều ấy chỉ rằng nghĩa vụ trước hết của con người là vâng lời Thiên Chúa, không vâng lời Người là mắc nợ Người; và do đó, chữ thông thường nhất của họ để chỉ tội là choba’, có nghĩa là nợ. Cho nên, nếu dịch chữ opheilema trong lời cầu xin của Mátthêu 6:12 là tội thì quả không có gì sai cả vì nó quả là từ Hy Lạp tương đương của choba’ trong tiếng A-ram, mà chiểu tự có nghĩa là nợ nhưng đã được các thầy rabbis hiểu là tội.

Phúc Âm Mátthêu và Phúc Âm Luca vì thế không có gì khác biệt, cả hai đều dịch chung một chữ choba’ của A-ram. Nhưng vì Mátthêu nặng Do Thái hơn, nên đã dùng chữ nợ, còn Luca vốn nặng Hy Lạp hơn, nên đã dùng chữ tội.Tiếc rằng sắc thái văn hóa ấy đã một phần mất đi khi các bản Thánh Kinh tiếng Việt chỉ dùng một chữ tội cho cả bản văn Mátthêu lẫn bản văn Luca. Và ta rất lấy làm vui khi Hội Đồng Giám Mục Việt-Nam cho đọc lại lời Kinh vẫn đọc xưa nay trong đó nét độc đáo của bản văn Mátthêu vẫn được duy trì. Việc duy trì này không hẳn nhằm phá vỡ nỗ lực hội nhập văn hóa, hay nói theo Cha Vũ Kim Chỉnh S.J. là bản vị hóa Thánh Kinh, cho bằng tôn trọng nét đặc thù của từng soạn giả Phúc Âm, cho thấy Thánh Kinh quả không phải là một cuốn sách duy nhất mà là một hợp tuyển của rất nhiều tác phẩm trải dài qua rất nhiều năm tháng, thời đại khác nhau và do đó phản ảnh rất nhiều cái nhìn độc đáo khác nhau, tuy cùng một sứ điệp như nhau về Thiên Chúa và các công trình của Người đối với con người.

Một lý do nữa của việc duy trì trên là để khuyến khích óc tò mò học hỏi của người giáo dân. Ít có ai không nhớ phản ứng dữ dội gần đây của khối nói tiếng Anh đối với việc sửa lại bản dịch Sách Lễ Rôma, cụ thể qua câu đọc trước khi rước lễ: Lord, I am not worthy to receive you, but only say the word and I shall be healed (Lạy Chúa, con không đáng rước Chúa, chỉ xin phán một lời, thì con sẽ lành mạnh). Nghe đâu nay mai, họ sẽ không còn được đọc như thế mà phải đi xát hơn lời viên sĩ quan bách quản xưa kia thưa với Chúa Giêsu, nhất là phần đầu của câu ấy: “Lord, I am not worthy to have you under my roof” (The Jerusalem Bible, Mt 8:8) với việc nhấn mạnh đến cụm từ under my roof. Bộ Phụng Tự cho hay điều ấy sẽ kích thích giáo dân chịu tìm hiểu và do đó có thái độ tích cực hơn với bản văn phụng vụ. Rất may, bản tiếng Việt của câu này đã có sẵn chữ “nhà con”: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Nên không cần phải thay đổi chi.

Nợ Mọi Người, Mọi Người Nợ

“Xin tha nợ chúng con”. Chúng con đây không phải chỉ là kẻ có tội, mà là mọi người, ai cũng phải đọc lời xin này. Điều ấy nói lên tính phổ quát của tội, hay tính “thổ địa” (indigence) của tội, nghĩa là chúng ta sống trên lãnh thổ mắc nợ, lãnh thổ của tội. Xin tha thứ tội là xưng thú tội. Tertullian từng nói: “Xin tha thứ tự nó là một xưng thú vì ai nài xin tha thứ là đã tự mình nhìn nhận tội lỗi của mình” (Về Cầu Nguyện 7).

Thánh Kinh không bao giờ sợ mà không trình diễn những con người vĩ đại tự ý thức được tội lỗi của mình. Thánh Phêrô từng thưa với Chúa Giêsu: “Hãy tránh xa khỏi con, vì con là kẻ tội lỗi” (Luca 5:8). Thánh Phaolô quả quyết: “Chúa Giêsu Kitô đến thế gian để cứu vớt các kẻ tội lỗi. Và tôi là kẻ tội lỗi hơn cả” (Thư 1 gửi Ti-mo-tê 1:15). Còn thánh Gioan thì cho hay: “Nếu ta bảo mình không có tội là ta tự đánh lừa mình, và trong ta không có chân lý. Còn nếu ta xưng thú tội lỗi mình, thì Người, Đấng trung tín và công chính, sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và tẩy rửa ta khỏi mọi dơ bẩn” (Thư 1 của Thánh Gioan 1:8,9). Kẻ bị kết án chính là những người như Biệt Phái luôn tự mãn tạ ơn Chúa vì mình không giống người khác, nhất là “tên” thu thuế đang khóc lóc vì tội lỗi của “hắn” ở đàng kia (Luca 18:9-14).

Người muốn đọc Kinh Lạy Cha, vì thế, trước nhất phải ý thức mình có tội như một điều kiện tiên quyết. Cho nên, thế hệ nào không còn quan tâm gì đến tội quả tình không thể nào đọc được lời xin này. Kẻ không ý thức mình có tội quả đã phạm thứ tội nặng hơn bất cứ tội nào khác.

Để ý thức được mình là kẻ có tội, Origen, trong Về Cầu Nguyện 28.1-5, kể ra những món nợ mà con người nhân bản nào cũng mắc chỉ vì mình là người. Trước nhất, anh ta mắc nợ đồng loại, đồng loại Kitô hữu, đồng loại công dân (đồng bào) và đồng loại khắp nơi trên thế giới. Anh ta mắc nợ khách lạ, người già, bất cứ ai thuộc gia đình anh ta như con cái, anh chị em… Thứ hai, anh ta mắc nợ chính anh ta. Nợ đối với thân xác, không được phí phạm sức khỏe trong những thú vui gây hại. Nợ đối với tâm trí, biết dùng nó cách nào đó mà vẫn duy trì được tính sắc bén của nó. Nợ đối với linh hồn, vì anh ta có bổn phận chăm sóc linh hồn mình cách cẩn trọng. Sau hết anh ta mắc nợ Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa dựng nên anh ta theo hình ảnh Người, nên anh ta phải yêu Người hết tâm hồn, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức anh ta (Máccô 12:30; Luca 10:27; Mátthêu 22:37). Anh ta mắc nợ Chúa Giêsu Kitô đã dùng giá máu Người mà mua lại anh ta (Công vụ 20:28; Thư 1 Phêrô 1:18,19); Khải huyền 5:9). Anh ta mắc nợ Chúa Thánh Thần, Đấng anh ta không được làm phật lòng (thư Êphêsô 4:30). Origen cũng không quên nói rằng con người còn mang nợ thiên thần bản mệnh, người hàng chăm sóc, bảo bọc anh ta (Mátthêu 18:10). Ông cũng trích dẫn Thư 1 Côrintô 4:9 trong đó nói rằng ta đã nên trò mua vui cho thế gian, cho các thiên thần và loài người. Bởi thế, giống như các người mua vui khác (tài tử), ta mang nợ các khán giả đã đến thưởng lãm trò mua vui của ta! Và vì thế, phải biểu diễn vở kịch đời ta cách lịch lãm thế nào cho mọi khán giả trên trời và dưới thế thưởng thức nó ngon lành! Ngoài các khoản nợ tổng quan ấy, ta còn mang nợ các quả phụ và cô nhi, các phó tế, linh mục và giám mục, và vợ chồng mang nợ lẫn nhau (1 Côrintô 7:3,5). Origen cho hay: “còn sống, thì không một giờ nào, không một ngày hay một đêm nào, con người lại không phải là một con nợ”. Chính sự kiện ta được đặt vào thân phận nhân bản đã làm ta nằm dưới một loạt nhiều khoản nợ khác nhau, những khoản nợ mà ít ai có thể hoàn trả đầy đủ. Xét theo bản chất sự vật, con người sinh ra để trở thành kẻ không có cách chi trả hết nợ, và do đó lúc nào anh ta cũng buộc lòng mình phải đối diện với nhu cầu được tha nợ.

Thánh Gregory thành Nyssa, trong Các Bài Giảng Về Kinh Lạy Cha 5, cũng nhấn mạnh đến các khoản nợ của con người. Con người mắc nợ Thiên Chúa vì anh ta đã tự tách mình ra khỏi Đấng Tạo Ra mình, và đào thoát về phía kẻ thù, và do đó, trở thành kẻ chạy trốn và phản đạo đối với Đấng Hóa Công tự nhiên của mình. Con người đã mang ý chí tự do của mình đổi lấy ách nô lệ tội lỗi xấu xa và đã ưa chuộng nền độc tài chuyên chế của các thế lực phá hủy hơn là tình bè bạn với Thiên Chúa. Chính sự kiện họ tự chọn cho mình con đường như trên đã khiến họ ra nợ nần đối với Thiên Chúa.

Chính cấu trúc con người khiến họ thành kẻ tội lỗi. Thánh Gregory thành Nyssa có một lối giải thích lạ về một câu trong Giêrêmia 9:20: “cái chết đã vào qua cửa sổ”. Theo ngài, cửa sổ chính là các giác quan; qua chúng, tội lỗi và do đó cái chết đã xâm nhập vào sự sống. Con người, ngay trong hữu thể họ, là cửa ngõ cho tội lỗi xâm lăng. Bất cứ ai trung thực nhìn nhận thân phận làm người của mình thì đều ý thức được món nợ của mình và do đó nhu cầu phải cầu xin cho được tha nợ.

Tha Hay Đã Tha

Về vế thứ hai trong lời cầu xin này bằng tiếng Việt, chúng ta thấy phụng vụ dùng động từ tha ở thì hiện tại: như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Phụng vụ tiếng Anh cũng thế: as we forgive those who trespass against us. Mà phụng vụ La-tinh cũng vậy thôi: sicut et nos dimíttimus debitóribus nostris.

Tuy nhiên, trong bản Tân Ước Phổ Thông bằng tiếng Latinh, ta thấy động từ ấy ở quá khứ: sicut et nos dimisimus debitoribus nostris. Khiến cho nhiều dịch bản sau này cũng bắt chước dịch theo. Bản Revised Standard Version dịch thế này: as we also have forgiven our debtors. Các bản tiếng Anh mới đây đều theo khuynh hướng này kể cả bản The Jerusalem Bible: as we have forgiven those who are in debt to us. Chỉ có bản của Đức Ông Knox là dùng nó ở thì hiện tại giống phần lớn các bản tiếng Anh xưa hơn.

Phần lớn các bản dịch Tân Ước của Việt-Nam đều đã dùng động tự tha này ở thì hiện tại. Duy có bản của Cha An Sơn Vị đã dịch câu ấy ở thì quá khứ: như chính chúng con đã từng tha thứ cho các người lỗi với chúng con. Cha An Sơn Vị, trong phần chú thích, có viết rằng: “Đức Giêsu liên kết sâu xa nghĩa vụ ta đối với Thiên Chúa và nghĩa vụ ta đối với anh em, theo đề tài Thánh Kinh về Giao Ước. Vì thế, nhiều lần Đức Giêsu tuyên bố (như Hc 28:1-5) rằng Thiên Chúa đòi ta tha lỗi anh em, thì Ngài mới tha tội cho ta (Mt 5:7; 6:14-15; 18:23-35; Mc 11:25). Việc anh em tha thứ cho nhau không phải là giá mua hay công nghiệp cho ta đáng ơn tha thứ, nhưng làm chứng sự thành tâm của lời ta xin [Mt dùng thì quá khứ để nhấn mạnh điều ấy])”.

Có tác giả như William Barclay thì cho rằng hai lối dịch trên chỉ là vì đã căn cứ vào các bản chép tay khác nhau mà thôi. Có những bản chép tay ghi động từ này trong tiếng Hy lạp là aphionem (hiện tại), có bản chép tay lại ghi động từ này là aphekamen (quá khứ). Nhưng về ý nghĩa, hai lối dịch ấy không khác nhau bao nhiêu. Một bên thì cầu xin Chúa tha thứ cho ta cũng như ta vốn có thói quen tha thứ cho người khác; bên kia xin Người tha thứ cho ta cũng như trên thực tế, ta đã tha thứ cho người khác trước khi cầu lời xin này.

Muốn Tha Thứ Phải Tha Thứ

Nhưng phải hiểu sao về chữ “như”. Nó nói lên sự tương tự hay tỷ lệ? Phải chăng lời xin ấy nghĩa là: Xin Cha tha nợ cho chúng con cùng cách như chúng con đã tha cho người khác, hoặc, Xin tha thứ cho chúng con theo tỷ lệ như chúng con đã tha cho người khác?

Có hai điều giúp ta hiểu đôi chút về chữ như này. Thứ nhất, Phúc Âm Luca (11:4) khá rõ ràng trong lời cầu xin này vì đã không dùng chữ như ấy, nhưng đã dùng chữ vì thay thế: Và xin Cha tha tội chúng con, vì chúng con cũng tha mọi người lỗi với chúng con. Các bản tiếng Việt cũng như các bản tiếng Anh đều nhất trí như thế. Ở đây, ta nhìn nhận ta không có quyền chi để cầu xin ơn tha thứ tội lỗi mình trước khi ta tha thứ cho kẻ có lỗi với ta. Ở đây, ta đến thân thưa với Chúa rằng ta đã tha thứ trước khi đến xin Chúa tha thứ cho mình. Điều thứ hai giúp ta hiều chữ “như” này là đọc thêm mấy câu kế tiếp Kinh Lạy Cha: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15).

Thành ra dù đọc ra sao, dù căn cứ vào thủ bản nào, thì ý nghĩa lời cầu xin vẫn không ra khác, nó vẫn là một nối kết không thể tách ly giữa sự tha thứ nhân bản và sự tha thứ của Thiên Chúa: kẻ không tha thứ tự cắt đứt mình khỏi sự tha thứ của Thiên Chúa; muốn được tha thứ, phải tha thứ. Chân lý này thách thức và xem ra còn đe dọa con người đến độ Thánh Chrysostom kể lại rằng vào thời ngài nhiều người đã lược bỏ hẳn lời xin này khỏi Kinh Lạy Cha!

Sự nối kết trên được nhấn mạnh một cách đặc biệt trong bộ Tân Ước. Dụ ngôn kẻ mắc nợ không biết tha nợ trong Mátthêu 18:23-35 là một chứng minh cụ thể. Ở nơi khác như Mátthêu 7:1, 2 hay Máccô 4:24, Luca 6:37,38, ta thấy: đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán; đong đấu nào, sẽ được đong đấu ấy; hãy cho, sẽ được cho lại. Hay: ai có lòng thương xót sẽ được thương xót (Mátthêu 5:7) và “Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót” (Thư Giacôbê 2:13).

Trong Các Bài Giảng về Kinh lạy Cha 5, Thánh Gregory thành Nyssa có một ví von thật hay rằng lời cầu xin tha tội của một ai đó sẽ không được nghe biết khi tiếng rên của người anh ta mắc lỗi bị át đi. Tuy nhiên, đoạn Thánh Kinh hay nhất phải kể là của Sách Huấn Ca (28:1-5):

“Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Thiên Chúa, tội lỗi nó, Người xem sét từng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Thiên Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó?”

Lời Cầu Tội Lỗi

Thành thử ra, lời cầu xin này có một đe dọa xem ra khá hữu lý: Không tha thứ mà đọc lời xin này là cố tình xin Chúa đừng tha thứ cho ta. Y như lời kết tội trong Thánh Vịnh 109:7: “và lời xin ân xá thành lời buộc tội”. Mà đúng thật, ai dám đến trước tôn nhan Chúa mà xin Người tha thứ cho mình vì mình đã tha thứ cho người khác, trong khi thực sự mình không tha thứ cho một ai khác? Chúa sẽ nghĩ sao về người ấy, Người sẽ có phản ứng gì đối với họ, ngoại trừ coi họ là kẻ phạm cái tội không thể tha thứ được như các Phúc âm đã ghi lại (Mt 12:31; Mc 3:29;Lc 12:10).

Người ta thuật lại tại đảo Tahiti, ông Robert Louis Stevenson hàng ngày có thói quen làm việc thờ phượng chung trong gia đình, trong đó có đọc kinh Lạy Cha. Một ngày kia, đến phần đọc kinh ấy, ông bỗng nhiên bỏ ra ngoài. Vợ ông tưởng ông khó ở, đuổi theo hỏi thăm, được ông cho hay: “hôm nay, anh không xứng đáng đọc Kinh Lạy Cha”. Thiển nghĩ, nếu hành động cho đúng, chắc nhiều người trong chúng ta cũng phải làm như Stevenson.

Vì thế ta cần luôn luôn xét mình trước khi đọc lời Kinh này, nếu không ta sẽ tự biến mình thành quan án cho chính bản thân mình. Thánh Chrysostom cho hay: “Thiên Chúa làm bạn trở thành người trọng tài phán xử; bạn phán xử bản thân bạn ra sao, Thiên Chúa phán xử bạn như vậy”. Còn Thánh Gregory thành Nyssa thì viết: “Hãy là phán quan cho chính bạn; hãy tự cho mình bản trắng án. Bạn có muốn nợ nần của bạn được Thiên Chúa tha không? Vậy bạn hãy tự tha thứ các nợ nần đó đi thì Thiên Chúa sẽ chuẩn y bản án ấy. Vì việc bạn phán xử người khác, một phán xử trong thẩm quyền của bạn, bất cứ ra sao, sẽ kéo theo một phán xử tương ứng cho chính bạn. Bất cứ điều gì bạn xác định cho mình cũng sẽ được phán xử của Thiên Chúa xác nhận” (Các Bài Giảng Về Kinh Lạy Cha 5). Tóm lại, luật phổ quát là thái độ của Thiên Chúa đối với một người được xác nhận bởi thái độ của họ đối với đồng loại.

Chúa Bắt Chước Ta?

Thánh Gregory thành Nyssa, trong bài giảng đã trích dẫn ở trên, cũng bạo mồm bạo phổi mà viết rằng: “Chúa Giêsu muốn cho thiên nhướng của bạn thành gương lành gương tốt cho Thiên Chúa! Ta mời Thiên Chúa bắt chước ta: Chúa hãy làm điều con đã làm. Lạy Chúa, xin Chúa bắt chước đầy tớ Chúa, dù con chỉ là kẻ hành khất khốn khổ, còn Chúa, Chúa là Vua Vũ Trụ. Con đã tỏ lòng thương xót với người lân cận của con. Lạy Chúa, xin Chúa hãy bắt chước đức ái của tôi tớ Chúa”. Quả là một bước táo bạo dám cầu xin Chúa đối xử với ta như ta đã đối xử với người khác.

Dĩ nhiên ta chả dám thưa với Chúa một cách “hỗn xược” như thế, nhưng sự thực không hẳn khác thế. Như người Do Thái vẫn thường chủ trương, tha thứ là đặc quyền của Thiên Chúa: “ai có thể tha tội ngoại trừ Thiên Chúa?”. Thế nhưng trong lời cầu xin này, rõ ràng ta có nghĩa vụ phải tha thứ “tội” cho kẻ khác. Điều ấy chứng tỏ con người chưa bao giờ gần gũi và giống Thiên Chúa bằng lúc anh ta tha thứ cho người anh em mình.

“Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”: ở đây ta xưng thú tội lỗi ta và nhìn nhận sự thực này là muốn được tha thì phải tha. Ở đây ta theo gương Thiên Chúa, như lời Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Chúa Kitô” (Eph. 4:32). Đấy là Đấng Kitô đã cầu nguyện cho kẻ đóng đinh mình (Lc 23:34). Ai tha thứ sẽ được tha thứ.

Viết theo William Barclay, The Plain Man Looks At The Lord’s Prayer, Fontana Books 1964.

Còn một kỳ.