KIÊN GIANG, (NV) - Ông Trương Quốc Tuấn, bí thư Kiên Giang vừa ký một thông báo xác định chính quyền các cấp tại Kiên Giang “đã buông lỏng quản lý đất đai, xử lý chưa nghiêm các sai phạm, chậm đối thoại, giải quyết tranh chấp đất đai”. Thay mặt tỉnh ủy Kiên Giang, ông này yêu cầu “cán bộ, đảng viên phải kê khai, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng đất tại tứ giác Long Xuyên” đồng thời chính quyền các cấp phải “làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc qui hoạch sử dụng đất nông-lâm-ngư nghiệp cũng như làm rõ việc xét giao, cấp, cho thuê đất và quản lý nhà nước về đất đai ở vùng tứ giác Long Xuyên”.

(Nông dân đòi đất, Photo: Frank Zeller/AFP)
Thông báo này để thực hiện một chỉ đạo của thủ tướng CSVN ban hành từ... tháng 7 năm 2000. Vào lúc đó, chính phủ CSVN đã yêu cầu tỉnh Kiên Giang đem 7,000ha đất tại vùng tứ giác Long Xuyên vốn từng do Quân Khu 9 quản lý, giao cho các gia đình nông dân không có đất sản xuất...”. Tuy nhiên suốt tám năm qua, chính quyền các cấp tại Kiên Giang phớt lờ chỉ đạo này.

Theo tờ Tuổi Trẻ, 7,000 hecta đất kể trên đã được UBND tỉnh Kiên Giang chia cho: Sở Tài Nguyên-Môi Trường 420 héc ta, công an tỉnh 235 héc ta, bộ đội biên phòng tỉnh 200 héc ta, văn phòng UBND tỉnh 186 héc ta... Chưa kể UBND huyện Kiên Lương đã lấy đất trong quỹ đất kể trên chia cho tất cả các cơ quan trong huyện. Các cơ quan lại đem phần đất được chia cắt thành nhiều suất để cấp lại cho cán bộ của mình.

Sau khi nhận đất, đa số cán bộ đem bán hoặc cho nông dân thuê lại. Ðáng lưu ý là gần như toàn bộ giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã để họ đem bán hoặc cho thuê đều chồng lấn lên đất của nông dân. Ðây là nguyên nhân dẫn tới tranh chấp, khiếu nại.

Dù nông dân nhiều xã tại huyện Kiên Lương đội đơn kêu cứu trong nhiều năm và Văn Phòng Chính Phủ CSVN, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đã nhiều lần yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang giải quyết nhưng tỉnh này phớt lờ.

Theo tờ Tuổi Trẻ, trong tranh chấp đất đai giữa cán bộ với nông dân tại Kiên Giang, cán bộ có đầy đủ giấy tờ luôn luôn thắng tại tòa. Chưa kể, trong thực tế, cán bộ còn thuê du đãng để giải quyết tranh chấp. Nhiều gia đình nông dân bị tấn công, nhà bị đốt, người bị đánh trọng thương rồi bị đuổi ra khỏi mảnh ruộng nơi nhiều thế hệ từng đổ mồ hôi khai hoang.

Ông Huỳnh Văn Ðỡ, một nông dân ngụ tại ấp Mẹc Lung, xã Vĩnh Phú, huyện Kiên Lương, kể: “Tôi gửi đơn tố cáo cho xã, huyện, tỉnh quanh việc chính quyền lấy đất của nông dân đang sản xuất cấp cho cán bộ nhưng chẳng ai đoái hoài. Trong vụ của tôi, chính quyền trung ương đã gửi nhiều văn bản đề nghị chính quyền tỉnh Kiên Giang xem xét, giải quyết, nhưng không thấy ai giải quyết cả. Rồi Thanh Tra Chính Phủ thanh tra, kết luận sai phạm, yêu cầu sửa sai, tỉnh cũng không thực hiện. Chúng tôi ở đây làm nên ấp, nên xóm, dựng nhà, sinh con,... nhưng vẫn bị phủ nhận quyền sử dụng đất”. Ông Ðỡ thắc mắc: “Tại sao lại phi lý như vậy?”.

Do sự bất bình trong dân chúng đang dâng cao, trong thông báo đã kể ở trên, bí thư tỉnh ủy Kiên Giang hứa “một số đất của tổ chức, cá nhân không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích sẽ thu hồi giao cho dân chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất”.

Về ngữ nghĩa, một số không đồng nghĩa với toàn bộ 7,000 héc ta lẽ ra phải giao cho nông dân từ tháng 7 năm 2000. (G.Ð)

(Nguồn: Người Việt, ngày April 09, 2008)