NHỮNG ĐỨC TÍNH NHÂN BẢN VÀ TÂM LINH CẦN CÓ
TRONG CÁC TỔ CHỨC BÁC ÁI CÔNG GIÁO


(Cha Larry Snyder, Chủ Tịch các tổ chức bác ái Công Giáo Hoa Kì)

Lời nói đầu

Từ ngày 28.03. đến ngày 02.04.2008, tại Rô-ma đã diễn ra phiên họp khoáng đại lần thứ 28 của Hội Đồng Tòa Thánh Đồng Tâm nhằm đọc lại tông thư đầu tiên của đức giáo hoàng Be-ne-dic-tô XVI “Thiên Chúa là Tình Yêu” (TCTY) và kiểm tra xem tông thư ấy có làm thay đổi và nếu có, thì thay đổi như thế nào, thái độ của những người đang làm việc trong các tổ chức bác ái của Hội Thánh Công Giáo. Phiên họp cũng cứu xét vấn đề đào tạo toàn diện và liên tục dành cho những người đứng đầu và những người làm việc của các tổ chức bác ái Công Giáo khác nhau trong Giáo Hội. Sau đây là một trong hai bài tham luận đọc tại hội nghị, của cha Larry Snyder, Chủ tịch các tổ chức bác ái Công Giáo, có trụ sở đặt tại Alexandra, Virginia, Hoa Kì:


“…những người trợ giúp này, ngoài việc đào tạo nghề nghiệp, còn cần đến việc đào luyện con tim: họ cần được hướng dẫn để gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Ki-tô, cuộc gặp gỡ này sẽ đánh thức tình yêu trong họ và mở rộng con tim của họ cho tha nhân” (TCTY số 31).

Có một khuynh hướng mới nổi lên trong các tổ chức Bác Ái Công Giáo tại Hoa Kì: nhiều tổ chức của giáo phận đã thuê người làm giám đốc điều hành hay chỉ huy cao cấp là một giáo dân, thường là có trình độ về kinh doanh, rất năng nổ trong Giáo Hội, thiết tha với sứ mạng xã hội của Giáo Hội, có khi còn có bằng Thạc Sĩ về Quản Trị Kinh Doanh do phân khoa Kinh Doanh rất uy tín của một đại học Công Giáo nào đó cấp, có kinh nghiệm điều hành và hướng dẫn một tổ chức phi lợi nhuận, nhưng lại không được đào tạo chính thức bao nhiêu về thần học hay không có nhiều học vấn chính thức về thần học…, những nhà giám đốc ấy sẽ được chúng ta đón nhận thế nào và đào tạo ra sao ? Tông thư “Thiên Chúa Là Tình Yêu” sẽ chỉ cho chúng ta hướng đi nào để đối phó với tình hình ấy ?

Nếu trường hợp trên đây được cho là khẩn cấp vì có liên quan tới vai trò lãnh đạo của người làm giám đốc điều hành thì chúng ta cũng có thể đặt và rất nên đặt câu hỏi tương tự cho những người khác đang tham gia hội đồng quản trị, đang làm nhân viên hay tình nguyện viên trong các tổ chức bác ái Công Giáo – vì tất cả mọi thành phần này đều đang là đại diện của một tổ chức được Giáo Hội bảo trợ và đều đang thi hành sứ mạng bác ái xã hội của Giáo Hội. Tin Mừng rất quan tâm không chỉ xem chúng ta có thi hành sứ vụ cho những người nghèo và những người bị mất quyền lợi hay không, mà còn xem sứ vụ ấy được thi hành thế nào. Làm sao người ta có thể nhìn thấy một cách cụ thể và có thể xác định được một nền văn hóa Ki-tô Giáo cho các cơ quan tổ chức ấy ? Sau đây, tôi xin đề xuất một vài cách để nền văn hóa ấy có thể trở thành hiện thực.

Khi công bố tông thư đầu tiên của mình – “Thiên Chúa là Tình Yêu” -, đức giáo hoàng Be-ne-dic-tô XVI đã tặng cho Giáo Hội một món quà không thể ngờ được, đồng thời cũng đưa ra một thách đố rất ý nghĩa cho những ai đang làm việc trong các tổ chức bác ái được Giáo Hội bảo trợ. Món quà ấy chính là một suy tư vừa mang tính thần học và triết học, vừa đôi khi mang đậm nét thi ca, về nhân đức “caritas” (đức Ái), nhờ đó các hành vi bác ái được đặt vào chính bản chất của sứ mạng Giáo Hội. Thách đố đặt ra cho những người thi hành đức bác ái có tổ chức ấy là phải đáp lại sự tín nhiệm thiêng liêng mà Giáo Hội đã trao cho họ, bằng cách tôn vinh bản sắc Công Giáo – là nền tảng cho mọi việc người ấy làm và là chuẩn mực xác định sự đóng góp hết sức độc đáo của họ.

Tông thư ấy xem ra đã đánh động tâm hồn rất nhiều người. Tại Hoa Kì, tôi có thể xác nhận rằng tông thư ấy đã được đọc rộng rãi và được nồng nhiệt tiếp đón, đặc biệt là đối với những người đang làm việc trong các công tác bác ái. Tông thư ấy vừa là đề tài cho các tổ chức bàn luận vừa là một phương thế để cầu nguyện. Tôi cho rằng một trong những lí do giải thích điều ấy là vì tông thư ấy chính là một cách phát biểu mới các chân lý xưa. Đức giáo hoàng Be-ne-dic-tô XVI đã làm cho các chân lý ấy trở nên dễ tiếp thu đối với con người hôm nay.

Mục đích của tôi hôm nay là suy nghĩ về những hệ luận thực tiễn mà tông thư có thể mang tới cho các tổ chức bác ái đang hoạt động dưới sự bảo trợ của Giáo Hội. Rốt cuộc, những hệ luận ấy sẽ giúp chúng ta phân biệt thế nào các tổ chức bác ái của Giáo Hội với các tổ chức nhân loại, vừa về mặt thẩn học vừa về mặt thực tế. Bây giờ tôi sẽ tập trung nói tới lề lối thực hành (“praxis”) của các tổ chức bác ái Công Giáo.

Xem ra nếu bắt đầu những suy tư này bằng cách nêu ra một tiền đề đã được đức giáo hoàng Be-ne-dic-tô XVI đề xuất thì quả là thích đáng và rất cần thiết: đó là cần phải phục vụ một cách chuyên nghiệp. “Ai muốn phục vụ cho những người đau khổ cần phải được đào tạo cho có nghiệp vụ: những người thi hành công tác trợ giúp phải được đào tạo cho biết phải làm gì và làm thế nào, cũng như phải cam kết tiếp tục công tác trợ giúp ấy” (TCTY số 31). Trong tình hình hôm nay và hiện nay, nói thế có nghĩa là họ phải cam kết không những tuân theo các mô hình phổ biến nhất để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo và làm công tác xã hội, mà còn phải quản lí và điều hành theo những phương cách tốt nhất. Có thế, chúng ta mới an tâm là mình đang quản lí tốt các nguồn tài nguyên được giao cho mình phục vụ người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội – không chỉ vì mình phải chịu trách nhiệm với những người đã hào hiệp cấp tặng để giúp xúc tiến công tác bác ái, mà quan trọng hơn cả vì người nghèo đáng được phục vụ tốt nhất và chuyên nghiệp nhất. Nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đây, thì cho dù chúng ta đã phục vụ họ một cách chuyên nghiệp nhất, chúng ta vẫn chưa thực thi hết sứ mạng “diakonia” (‘phục vụ’) của chúng ta. Như tông thư đã vạch rõ, những ai làm việc bác ái nhân danh Giáo Hội trước tiên phải là những người đem tình yêu của Chúa đến cho những ai đang túng thiếu và thường thiếu thốn niềm hy vọng. “Khả năng nghề nghiệp là đòi hỏi đầu tiên và căn bản, thế nhưng chỉ như thế thôi thì không đủ. Chúng ta đang làm việc với những con người, mà con người thì luôn cần đến một cái gì hơn nữa chứ không chỉ cần sự chăm sóc thích đáng về mặt kĩ thuật. Họ cần tình người. Họ cần sự quan tâm xuất phát tự con tim. Vì thế, những ai đang làm việc cho các tổ chức bác ái của Giáo Hội cần phải có khác ở chỗ họ không chỉ đáp ứng các nhu cầu trước mắt mà còn phải tận tụy phục vụ người khác bằng sự quan tâm xuất phát tự con tim, nhờ đó có thể cảm nghiệm được sự phong phú của tình người” (TCTY số 31a). Tương tự như thế, thánh Vinh-sơn Phao-lô nhắc nhở chúng ta nếu chúng ta không trao ban cho người nghèo tình yêu của chúng ta ngay trong lúc phục vụ họ thì họ sẽ khinh rẻ chúng ta.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, nói theo ngôn ngữ quản trị, chúng ta sẽ cố gắng xây dựng một nền văn hóa cho các cơ quan tổ chức, đặt nền móng trên các nguyên tắc đức tin. Chúng ta sẽ không xác định ảnh hưởng của các cơ quan bác ái dựa vào những hiểu biết mới mẻ nhất về bản tính con người, mà sẽ dựa vào nguyên tắc thần học căn bản, theo đó – vì là các thụ tạo được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa – chúng ta sẽ gặp gỡ từng người với phẩm giá và lòng tôn trọng xứng đáng, được chúng ta nhìn như anh chị em của mình. Đây không phải là một ý niệm triết học trừu tượng, nhưng là một nguyên tắc căn bản, được cụ thể hóa qua những thái độ và những ước muốn hết sức cụ thể. Tông thư chỉ rõ: “Trong tư cách một cộng đoàn, Giáo Hội phải thực hành đức bác ái. Thế nên, muốn phục vụ cộng đoàn một cách có trật tự thì cần phải tổ chức những hành vi yêu thương, Ngay từ đầu, trong Giáo Hội, người ta đã ý thức trách nhiệm này như một điểm then chốt mang tính cơ cấu” (TCTY số 20).

Nhưng làm thế nào xây dựng một nền văn hóa cho các cơ quan tổ chức, bắt nguồn sâu xa từ Tin Mừng và từ giáo huấn xã hội của Giáo Hội ? Trước tiên, để cho chắc, cần xác định những nhiệm vụ riêng biệt của ban điều hành có ăn lương, của những người tổ chức, các nhân viên trong hội đồng và những thiện nguyện viên, tất cả mọi người làm nên tổ chức. Tuy nhiên, các vai trò này chỉ có ý nghĩa khi người ta biết nhìn tổ chức của mình trong tương quan với cơ cấu rộng lớn hơn của Giáo Hội. Bắt đầu bằng sự nhìn nhận vai trò riêng biệt của đức giám mục. Nhiệm vụ của đức giám mục là làm thầy dạy và làm người điều hành trên hết của giáo phận, nhưng công tác bác ái của giáo hội địa phương cũng xuất phát từ chức vụ giám mục. “Trong nghi thức truyền chức giám mục, trước khi đọc lời nguyện thánh hiến, ứng viên phải trả lời một vài câu hỏi, những câu hỏi diễn tả những khía cạnh thiết yếu của chức vụ giám mục và nhắc lại nhiệm vụ của đức giám mục tương lai. Ngài công khai tuyên hứa rằng sẽ nhân danh Chúa đón tiếp và thương xót những người nghèo cũng như những người đang cần sự an ủi và trợ giúp” (TCTY số 32). Nếu vậy, điều này giả thiết đức giám mục không những phải biết hoạt động của một tổ chức bác ái, mà còn đưa ra những hướng dẫn tâm linh và đóng góp vào việc đào tạo những người đang làm việc nhân danh Giáo Hội.

Quay sang vấn đề lãnh đạo các tổ chức bác ái Công Giáo, chúng ta có thể nói: vì là một sự mở rộng chức vụ giám mục, các tổ chức bác ái Công Giáo phải có trách nhiệm quan trọng là thực thi sứ mạng và bản sắc Công Giáo của mình. Trải qua phần lớn lịch sử Giáo Hội, vai trò lãnh đạo các tổ chức này thường do các linh mục và tu sĩ đảm nhận, dù họ có thể có hay không có học hành về công tác xã hội hay việc quản trị, nhưng được đưa lên các chức vụ này là vì đã được đào tạo về mặt thần học. Kể từ hậu bán thế kỉ 20, chúng ta bắt đầu thấy ngày càng có nhiều giáo dân nắm giữ các chức vụ này, đóng vai trò giám đốc điều hành, lãnh đạo cao cấp, thành viên trong hội đồng, có thể đã được đào tạo về công tác xã hội hay nhiều hơn nữa, được đào tạo về mặt điều hành và quản trị, nhưng lại chưa được đào tạo thích đáng về thần học Công Giáo. Hoặc nếu đã được đào tạo đôi chút về thần học, thì lại không được đào tạo thần học liên tục. Các cơ quan trợ giúp cần phải hiểu điều ấy và hiểu đòi hỏi ấy của chức vụ. Ít ra tại Hoa Kì, chính phủ, các nhà cấp tặng và các nhà hảo tâm luôn mong muốn và càng ngày càng mong muốn các nhà lãnh đạo và điều hành các tổ chức phi lợi nhuận phải hết sức giỏi giang trong việc quản trị và sử dụng tài chính. Điều này vừa tạo ra nhiều cơ hội tốt vừa gây ra những trở ngại cho các nhà lãnh đạo các tổ chức bác ái ở chỗ làm sao vừa đạt được những yêu cầu của việc quản trị vừa thỏa mãn một đòi hỏi dành cho các nhà lãnh đạo cũng như các cơ quan bác ái là phải nắm vững thần học, tu đức và bản sắc Công Giáo.

Tông thư còn nói: “Những ai đang ở trong vị thế trợ giúp người khác phải nhận thức rằng khi làm như thế, chính họ cũng đang được trợ giúp; có khả năng trợ giúp người khác, đó là một khả năng không hể do công trạng hay thành tích nào của mình. Mà đó chính là một ân huệ” (TCTY số 35). Điều tác giả muốn nói tới ở đây là khả năng biến đổi của đức ái Ki-tô Giáo. Đối với các tình nguyện viên, nhất là đối với giới trẻ thường làm việc trong các nhóm hay các tổ, kinh nghiệm gặp Chúa trong đời sống của những người nghèo đói càng làm họ thêm tin rằng tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu tặng không và là tình yêu phổ quát dành cho hết mọi người. Nó cũng làm họ thêm xác tín vào một sự mâu thuẫn đã được diễn tả rất khéo léo trong kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô: “Chính khi cho đi là khi được nhận lãnh”. Những ai đã trải qua kinh nghiệm sống với các cộng đoàn “Tàu Nô-ê” của cha Jean Vanier cũng làm chứng về sự thật này một cách rất lạ lùng. Ngay cả những nhân viên được trả lương cũng thường nhận xét rằng họ nhận được nhiều hơn là cho đi.

Đức giáo hoàng Be-ne-dic-tô XVI cũng đề cập tới vấn đề chiêu mộ tín đồ. “Những ai thực hành bác ái nhân danh Giáo Hội sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt đức tin của Giáo Hội lên trên người khác. Họ phải ý thức rằng một tình yêu thuần khiết và quảng đại chính là lời chứng hùng hồn nhất về Thiên Chúa mà họ đang tin tưởng và đã đưa họ đến với tình yêu. Một ki-tô hữu sẽ biết khi nào phải nói về Thiên Chúa, khi nào chẳng nên nói gì mà cứ để tình yêu tự lên tiếng” (TCTY số 31). Đoạn văn này ưu tiên nói về các hoạt động bác ái và bổn phận phải tôn trọng các cá nhân, đi đôi với các việc bác ái, nhưng đoạn văn này cũng là một phương cách giúp những người làm việc bác ái giữ thế quân bình: phải làm sao giữ cho tâm hồn họ hòa hợp với những nguyên tắc và những giá trị thiết yếu liên quan tới việc bác ái của Hội Thánh. Đây là mấu chốt của việc “đào tạo tâm hồn” đã được tông thư cổ võ.

Những thách đố

Đến đây tôi xin phép đề cập tới một vài thách đố đặt ra cho các tổ chức bác ái Công Giáo trong thực tế hằng ngày. Nhiệm vụ thi hành sứ vụ bác ái của Giáo Hội trở nên phức tạp là do chính bối cảnh xã hội trong đó chúng ta đang sống. Vào những thế kỉ trước, cách riêng tại Hoa Kì, chủ trương đề cao giáo xứ xem ra rất cần thiết để giúp duy trì đức tin và văn hóa của người Công Giáo đang sống trong những hoàn cảnh nếu không công khai thù nghịch thì ít là dửng dưng với đức tin của họ. Cách làm việc bác ái lúc đó xem ra không còn phù hợp với hoàn cảnh hôm nay nữa. Đâu đâu trên thế giới người ta cũng thấy môi trường xã hội, ít hay nhiều, ngày càng trở nên đa dạng và đa nguyên. Chính quyền cũng trở nên nghiêm khắc hơn trong việc xem xét những công tác phục vụ nào là được phép và nên thi hành, những công tác nào không. Các tổ chức Công Giáo đang phải đương đầu với những thách đố do xã hội thế tục đặt ra cũng như phải đương đầu với những đòi hỏi của luật pháp, nhưng cả hai điều này rất có thể đi ngược với giáo huấn xã hội và luân lí của đạo Công Giáo. Chẳng hạn như một tình huống đang xảy ra trong lãnh vực phục vụ những người bị nhiễm HIV. Một số cơ quan chính phủ đã cho kèm theo chương trình tài trợ một điều kiện là phải phát bao cao su cho các thân chủ. Các tổ chức Công Giáo không thể nào kí kết những hợp đồng có kèm theo đòi hỏi ấy. Hay có những chính phủ cứ đòi mở rộng định nghĩa về những giai cấp cần được bảo vệ bằng cách gộp cả những thành phần đồng tính luyến ái vào số đó và đòi các tổ chức phải phục vụ những thành phần này bằng cách phải nhận làm con nuôi chẳng hạn thì mới được cấp giấy phép hoạt động. Nếu không tìm ra giải pháp nào khác, có lẽ chúng ta cần rút lui khỏi các công tác ấy.

Trước tình hình ấy, chúng ta không được để cho chính quyền tự ý ấn định vai trò riêng biệt của Giáo Hội: “Mặt khác, các tổ chức bác ái của Giáo Hội là ‘một công trình riêng’ [‘opus proprium’], là một nhiệm vụ thích đáng của Giáo Hội, trong đó Giáo Hội không cộng tác tay đôi mà là hành động như một chủ thể có trách nhiệm trực tiếp, có thể làm những gì thích hợp với bản chất của mình. Giáo Hội không bao giờ được miễn làm việc bác ái như một hoạt động có tổ chức hẳn hoi của những người tin…” (TCTY số 29).

Lý tưởng là khi quan hệ giữa các tổ chức Giáo Hội này với Nhà Nước không trở nên đối kháng nhau. “Các tổ chức Giáo Hội thông qua các hoạt động hết sức minh bạch và luôn trung thành làm chứng cho tình yêu chắc chắn sẽ đóng góp cho các tổ chức dân sự tính chất Ki-tô Giáo riêng của mình, tạo điều kiện cho sự phối hợp hỗ tương và sự phối hợp này chỉ làm cho công việc bác ái thêm phần hiệu quả” (TCTY số 30). Tuy nhiên, các tổ chức bác ái Công Giáo phải luôn luôn trung thành với những nguyên tắc đức tin của mình.

Trên đây, tôi đã nhắc tới một thách đố khác. Khác với những thế kỉ trước, khi đại đa số các tổ chức Công Giáo được lãnh đạo bởi các nam nữ tu sĩ, ngày nay các giáo dân ngày càng nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Chúng ta không nên coi đây chỉ là vấn đề nhu cầu kinh tế theo định luật cung cầu, nhưng nên coi đây là một sự trưởng thành tích cực trong việc ý thức vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội, đòi hỏi họ dấn thâm làm việc bác ái. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn lực lượng lao động không chỉ là các giáo dân mà thậm chí không phải là người Công Giáo. Nếu cho rằng các tổ chức bác ái Công Giáo có sự khác biệt không chỉ về động cơ tại sao phải làm việc bác ái mà cả trong cách thế chăm sóc người túng thiếu, chúng ta sẽ thấy có một thách đố nghiêm trọng đặt ra là làm sao bảo đảm tổ chức bác ái ấy đã thấm nhuần các giá trị Công Giáo và không làm điều gì trái ngược với luân lí Ki-tô Giáo.

Một thách đố nữa là hiện nay người ta có khuynh hướng chia vụn các hoạt động của Giáo Hội. Ở đây tôi muốn nói tới tình trạng bắt Giáo Hội chỉ được tham gia vào các tổ chức có thể gây nguy hại cho cá nhân và giáo xứ có liên hệ. Giáo Hội phải có quyền hoạt động trên nhiều cấp độ khác nhau và ở cấp độ nào Giáo Hội cũng chỉ bị ràng buộc với mệnh lệnh thi hành tác vụ để phục vụ con người. “Yêu thương tha nhân, xuất phát từ tình yêu đối với Thiên Chúa, trước tiên và trên hết là trách nhiệm của mỗi thành phần dân Chúa, nhưng đó cũng là trách nhiệm của toàn thể cộng đoàn Giáo Hội ở mọi cấp: từ cộng đoàn cơ sở tới Giáo Hội địa phương và tới Giáo Hội hoàn cầu” (TCTY số 20).

Những cơ hội thực tế

Bây giờ tôi sẽ giới thiệu một vài đề xuất thực tế về các hoạt động mà các tổ chức Công Giáo có thể thực hiện để bảo đảm và để phát huy các cơ sở Công Giáo vốn là điểm tựa của chúng ta. Xin phép thông báo rằng những đề xuất này được rút ra từ kinh nghiệm trực tiếp của tôi khi điều hành một cơ quan Caritas địa phương trước đây và khi lãnh đạo một tổ chức tầm cỡ quốc gia tại Hoa Kì hiện nay. Tuy nhiên, vì đây là những kinh nghiệm rút ra từ khoảng 160 tổ chức Caritas quốc gia và vô số tổ chức khác như Hội thánh Vinh-sơn Phao-lô, hội Các Bà Bác Ái và nhiều hội khác, nên tôi tin rằng những ý tưởng và kinh nghiệm nêu ra ở đây rất đáng được quan tâm và áp dụng cho các tổ chức Công Giáo ở các nơi khác.

Những việc làm hằng năm của các cơ quan

Mỗi cơ quan cần phải tổ chức một buổi định hướng cho các nhân viên mới, các thành viên trong hội đồng và các thỉnh nguyện viên. Những vấn đề được bàn tới trong buổi họp này phải bao gồm vấn đề các chính sách về nhân sự và bổng lộc, những biện pháp an toàn và các tập quán làm việc của cơ quan. Trong buổi định hướng ấy cũng nên có phần giới thiệu bản chất Công Giáo của cơ quan và những nguyên tắc điều hành công việc của cơ quan. Có thể coi phần giới thiệu này như bài giáo lí về truyền giáo. Tôi hi vọng là mỗi năm buổi họp định hướng ấy sẽ được kéo dài thêm với một ngày tập huấn hay một khóa tập huấn cho tất cả mọi nhân viên về một khía cạnh nào đó trong bản sắc Công Giáo. Về sau có thể thêm mỗi năm có một cuộc họp của tất cả các nhân viên với đức giám mục. Có thể coi đó là một việc làm ở mức tối thiểu hay một điểm khởi hành.

Tôi rất muốn đưa ra một thí dụ về việc huấn giáo cho nhân viên đề cập tới mệnh lệnh bác ái, mà tôi đã từng làm. Lớp huấn giáo ấy sẽ bắt đầu bằng mấy chương đầu của sách Sáng Thế, cho thấy mọi thụ tạo của Chúa đều cưu mang sự tốt lành. Đặc biệt là những câu 26-27 của chương thứ nhất: “Rồi Thiên Chúa phán: ‘ chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh chúng ta, giống chúng ta. Hãy cho họ thống trị cá biển, chim trời, gia súc và tất cả thú rừng, cùng tất cả loài vật bò trên mặt đất’. Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài; Ngài tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Ngài tạo dựng con người có nam có nữ” (St 1, 26-27).

Đây chính là nền tảng cho chúng ta dựa vào để biết cách tiếp cận con người: làm việc với con người đúng phẩm giá của họ và với lòng tôn trọng, mà hình ảnh Thiên Chúa nơi họ đáng được, bất kể bên ngoài họ trông ra sao.

Khi lắng nghe các lời sấm của các ngôn sứ, chúng ta biết được Thiên Chúa chăm sóc cách riêng những cô nhi quả phụ và kiều bào đang sống giữa chúng ta. Chúng ta cũng biết được rằng tiêu chuẩn cho chúng ta dựa vào mà đánh giá một xã hội chính là xem xã hội ấy tỏ lòng thương cảm đối với những người yếu đuối nhất như thế nào.

Có ba dụ ngôn của Đức Giê-su – hoàn tất truyền thống ngôn sứ - mang ý nghĩa hết sức đặc biệt là: dụ ngôn người Samari nhân hậu (x. Lc 10, 29-37): “Theo ý ông, ai trong ba người này đã làm người thân cận với người bị cướp bóc ?... Hãy đi và làm theo như thế”; dụ ngôn ngày Chung Thẩm (x. Mt 25, 31-46): “Bất cứ điều gì anh em làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây là làm cho chính Ta”; việc Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13, 1-20): “Thầy vừa cho anh em một tấm gương để noi theo; Thầy đã làm cho anh em những gì, anh em cũng hãy làm cho nhau”.

Mệnh lệnh sống bác ái rõ ràng không phải là một nhận xét qua đường của Đức Giê-su trong Tin Mừng, mà đó chính là giáo huấn cốt lõi và đòi hỏi căn bản cho người môn đệ. Ngay cả những lời nói hết sức thô sơ ấy cũng làm những người đang hoạt động trong các tổ chức bác C6ng Giáo có cảm tưởng rằng họ đang được tham gia vào một việc làm linh thiêng, vì họ đang tiếp tục sứ vụ của Đức Giê-su bên cạnh các người túng thiếu.

Trung Tâm Quốc Gia về Nguồn Nhân Lực

Vì bản sắc Công Giáo không chỉ là điều căn bản mà còn là yếu tố sống còn trong các hoạt động của chúng ta, nên trong các tổ chức Caritas Công Giáo của Hoa Kì luôn có một Ủy Ban thường trực chuyên lên kế hoạch chiến lược và quan tâm tới hiệu năng truyền giáo của Hội Đồng Quốc Gia các cơ quan ủy thác, cũng như tại văn phòng quốc gia luôn có một nhân viên chăm lo bảo vệ Bản Sắc Công Giáo và phát huy việc Truyền Giáo. Không kể bổn phận duy trì bộ phận chuyên nghiệp gồm các nhân viên địa phương cũng chăm lo các việc ấy, nhân viên ủy thác này còn đóng vai trò làm nguồn tham vấn trong những buổi trình bày và làm việc của cơ quan. Nguồn tham vấn này – bao gồm cả những bài trình bày theo chương trình PowerPoint, có nối kết với các nguồn tin Công Giáo khác – có thể tìm được trên mạng thông tin, sẽ giúp thêm cho việc đào tạo cơ quan ở tại địa phương. Trong mùa Vọng và mùa Chay chúng tôi còn cung cấp những suy tư hằng ngày do chính các nhân viên trong hệ thống cơ quan bác ái đưa ra, dựa trên bản văn Thánh Kinh đọc trong ngày. Ủy Ban thường trực của Hội Đồng Quốc Gia các cơ quan ủy thác đang chuẩn bị phát hành một tập thủ bản mới mẻ, đã được xét duyệt, cho các thành viên trong Hội Đồng Caritas địa phương và cho các nhà lãnh đạo cao cấp, trong đó họ sẽ được giới thiệu các bài vở thần học, tu đức, lịch sử và luật pháp có liên quan tới bản sắc Công Giáo và các cơ cấu tập thể thích hợp trong bối cảnh xã hội và luật pháp của Hoa Kì, vì hiện nay chưa có một nguồn tư liệu nào là hàm sức.

Họp hằng năm

Hằng năm các tổ chức Caritas Công Giáo ở Hoa Kì thường qui tụ các đại biểu từ khắp nơi trong nước đến tham dự đại hội các hội viên và các hệ thống bác ái xã hội. Tại các đại hội hằng năm ấy, chúng ta khám phá có rất nhiều biên khảo và khóa tập huấn tập trung nghiên cứu các đề tài về đạo đức, tu đức, học thuyết xã hội Công Giáo và thần học mục vụ (Thừa tác vụ làm công tác xã hội trong giáo xứ). Trong mấy năm qua, chúng tôi đã bảo trợ những khóa tập huấn về Qui luật đạo đức cho các tổ chức bác ái Công Giáo, đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo và suy tư cho các chuyên viên khi áp dụng các nguyên tắc cộng tác trong các vấn đề đạo đức học liên quan tới việc hợp tác và liên minh. Mỗi năm chúng tôi cũng bảo trợ cho những diễn giả chuyên môn về các đề tài liên quan đến giáo huấn xã hội của Công Giáo.

Khóa tập huấn dành cho các tân giám đốc

Hằng năm có thể có tới 20 đến 30 người tham gia hệ thống bác ác xã hội toàn quốc trong tư cách là các giám đốc mới. Vì nhiều người chưa có kinh nghiệm trong một vị trí có liên quan tới Giáo Hội như thế, nên chúng tôi tự bỏ tiền ra bảo trợ cho họ tham gia một khóa tập huấn ba ngày tại trung tâm quốc gia để hướng dẫn họ tìm hiểu bản sắc công Giáo và có cái nhìn rộng rãi hơn về Giáo Hội. Trong khóa học này sẽ có những bài trình bày về nền tảng thần học của công tác bác ái xã hội, lịch sử và quá trình phát triển hệ thống các tổ chức Caritas Công Giáo tại Hoa Kì, giới thiệu vắn tắt về Giáo Luật và cơ cấu giáo luật của các tổ chức bác ái xã hội trong khuôn khổ một giáo phận, và những nguồn hỗ trợ giúp họ xúc tiến việc đào tạo tu đức cho các nhân viên và thiện nguyện viên. Họ cũng được cung cấp, kèm với bài giới thiệu, hai tài liệu là “Sách Giáo Lí Hội Thánh Công Giáo” và “Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh”.

Hội Đồng Quốc Gia các nhân viên ủy thác và Chuyến công du của các giám đốc tới Rô-ma

Trong ba năm qua, đã có hai lần Hội Đồng Quốc Gia Các cơ quan Ủy Thác của các tổ chức Caritas Công Giáo Hoa Kì bảo trợ một chuyến công du cho các thành viên trong Hội Đồng và các Giám Đốc cấp giáo phận tới Rô-ma và nước Vatican. Trong những chuyến đi ấy, chúng tôi đã dành thời giờ suy niệm và cử hành Thánh Thể, thăm các nơi thánh, gặp gỡ các đại diện của Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum, Hội Đồng Tòa Thánh Công Lí và Hòa Bình, cũng như các bộ khác và cơ quan Caritas quốc tế. Phái đoàn chúng tôi đã viếng thăm Đại Sứ Hoa Kì tại Tòa Thánh để tạo những mối quan hệ và để giúp Đại Sứ Hoa Kì am hiểu công việc của Caritas cũng như những quan điểm chính sách xã hội của Caritas. Những ai tham dự các cuộc gặp mặt và tham quan ấy đều ghi nhận thật là quan trọng khi được chứng kiến hoạt động của Giáo Hội toàn cầu và kinh nghiệm ấy đã giúp họ hiểu biết hơn về giáo hội học, cũng như việc thực hành bác ái của Giáo Hội trên cấp quốc tế.

Từ sứ mạng tới phục vụ

Cộng tác với trường đại học Đức Bà tại tiểu bang Indiana, chúng tôi đã tổ chức một khóa hai tuần lể cho các nhân viên biết cách kết hợp những kiến thức thần học nền tảng lành mạnh với những phương cách làm việc của tổ chức. Đây là chương trình hợp tác của hai phân khoa, một của trường Thần Học và một của trường Quản Trị Kinh Doanh. Mỗi năm có 10 cơ quan được phép tham gia chương trình này và mỗi cơ quan được cử 5 người tham dự. Một trong năm người ấy phải là Giám Đốc Điều Hành, một người khác phải là người đại diện Hội Đồng các cơ quan ủy thác và ba người còn lại có thể là thành viên trong các vị trí lãnh đạo hay thành viên của các hội đồng khác. Từ tuần lễ thứ nhất vào mùa Xuân tới tuần lễ cuối cùng vào mùa Thu, các cơ quan tham dự khóa học sẽ làm việc trên một đề tài cụ thể nào đó có liên quan tới chương trình “Từ sứ mạng tới phục vụ”. Được tiếp xúc và làm việc với một phân khoa có tiếng như thế quả là một ân huệ không thể tả nổi và là một nguồn lợi lớn cho hệ thống Caritas toàn quốc. Hiện nay chúng tôi đã bước sang năm thứ tư của chương trình này và tôi hết sức biết ơn đại học Đức Bà Indiana đã hỗ trợ những phí tổn cho các khóa học, như một cách biểu hiện ước nguyện của đại học muốn đẩy mạnh sứ mạng xã hội của Hội Thánh.

Linh đạo đề nghị cho các cơ quan lãnh đạo

Kể từ khi cơ quan Cứu Trợ Công Giáo được coi là tổ chức chính thức cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kì vươn ra quốc tế, một trong các chiều kích thường hay bị các giám đốc cơ quan Caritas địa phương của Hoa Kì bỏ quên là ý thức chiều kích toàn cầu của Giáo Hội và công tác bác ái xã hội của Giáo Hội. Kì tĩnh tâm sắp tới tổ chức tại Guadalajara (Mexico) vào tháng 6/2008 cho các giám đốc cơ quan Caritas Bắc Mỹ và Nam Mỹ do Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum bảo trợ sẽ là một nỗ lực đáng khích lệ nhằm tổ chức việc “đào tạo tâm hồn” trên cấp Giáo Hội toàn cầu và sẽ có ích rất lớn. Một nỗ lực khác đang được các cơ quan Caritas Hoa Kì hoạch định là tổ chức khóa đào tạo tu đức kéo dài hai tuần cứ sáu tháng một lần cho các nhà lãnh đạo cơ quan. Tuần thứ nhất sẽ diễn ra ở Freiburg im Breisgau (Đức). Đại Học Freiburg đã từng cấp phát những học vị cao cấp trong khoa điều hành Caritas trên một trăm năm nay. Nhiều năm qua chương trình này đã do giáo sư Heinrich Pompey điều khiển – vị này sẽ nhận một bằng danh dự đặc biệt của đức giáo hoàng tại Hội Nghị Khoáng Đại Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum lần này. Linh mục giáo sư tiến sĩ Klaus Baumann – giám đốc đương nhiệm – đóng góp rất nhiều cho việc xúc tiến chương trình này. Phân khoa đại học sẽ cung cấp các bài thuyết trình về đạo đức xã hội học Ki-tô Giáo và vai trò của công tác bác ái trong đời sống Giáo Hội (Freiburg cũng là trung tâm của tổ chức Caritas Đức). Tuần thứ hai sẽ tổ chức tại Rô-ma tập trung tìm hiểu quá trình phát triển công tác phục vụ (diakonia) trong Giáo Hội, cũng như sẽ có buổi giới thiệu và trao đổi với Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum, với Caritas quốc tế. Tôi xác tín rằng những kinh nghiệm ấy càng giúp đẩy mạnh công việc bác ái của giáo hội địa phương để phục vụ người nghèo.

Kết luận

Tôi đã cố gắng giới thiệu một vài nỗ lực cụ thể mà một tổ chức Công Giáo có thể thực hiện để phát huy một nền văn hóa, kết hợp bản sắc đức tin của chúng ta với các nguyên tắc căn bản trong giáo huấn xã hội Công Giáo. Tôi nói lên điều này là vì xác tín rằng đức tin của chúng ta chính là tài sản và món quà quí báu nhất mà chúng ta phải trao tặng cho con người. Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, chúng ta đang có cơ hội làm chứng cho truyền thống vĩ đại của mình, vẫn luôn sống động từ thời cộng đoàn Giáo Hội sơ khai cho tới ngày hôm nay. Tin Mừng không chỉ đưa ra cho chúng ta một đề nghị mà đúng hơn, trao cho chúng ta một mệnh lệnh rất rõ: đó là hãy bày tỏ tình thương của Đức Ki-tô cho thế giới. Trong số đông đảo vị thánh cao cả, hai thánh Vinh-Sơn Phao-lô và Louise de Marillac thúc giục chúng ta hãy coi bổn phận chúng ta phải làm cho người nghèo là một đặc ân. Gần đây hơn, chân phước Frederic Ozanam và chân phước Teresa Calcutta đã tỏ cho chúng ta thấy khuôn mặt của Đức Ki-tô nơi chính những khuôn mặt của những người nghèo và xấu số. Các vị thánh này, và nhiều vị khác nữa, đã trở thành mẫu mực cho biết sứ vụ bác ái của Công Giáo đã từng và sẽ tiếp tục đưa ra những “mô hình tốt nhất” giúp kết hợp tu đức, suy tư thần học với công tác xã hội và những việc quản trị. Một gợi ý quan trọng mà các vị thánh này mang đến cho chúng ta hôm nay là muốn làm chứng và thể hiện bản sắc Công Giáo trong các tổ chức của mình, chúng ta phải không ngừng đào tạo các nhà lãnh đạo, các nhân viên, các tình nguyện viên theo đức tin của chúng ta, và phải làm sao luôn tỉnh táo đưa các giá trị đạo đức học Công Giáo vào trong quá trình quyết định và cơ cấu có thẩm quyền quyết định. Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” có thể chỉ cho chúng ta thấy con đường giúp làm sống lại tinh thần ấy trong các tổ chức bác ái của chúng ta hiện nay.

Xin Chúa – Đấng đã khởi sự điều tốt lành nơi chúng ta – hãy hoàn thành điều ấy.