Cha Pascual Chávez Villanueva, S.D.B.

Bề Trên Cả Tu Hội Salêdiêng Don Bosco thân mến,

1. Cha rất vui sướng gởi đến cha, và đến toàn thể thành viên của TTN26, lời chào mừng thân thương trong giây phút cha và các thành viên TTN đang cử hành thời gian hồng ân trong đời sống của Tu Hội Salêdiêng. Điều này mời gọi lòng tri ân đối với hồng ân phong phú và khác biệt về kinh nghiệm, về văn hoá và về viễn ảnh các hội viên Salêdiêng đang hoạt động tông đồ không mỏi mệt và luôn mong ước phục vụ Giáo Hội cách hữu hiệu nhất. Đặc sủng Don Bosco chính là ơn Chúa Thánh Thần ban xuống cho toàn dân Thiên Chúa, mà chỉ qua việc lắng nghe và sự sẵn lòng cộng với hoạt động thần linh mới có thể hiểu và quảng diễn, cách đặc biệt trong chính thời đại chúng ta. Ước chi Chúa Thánh Thần, trong ngày Lễ Ngũ Tuần đã ngự xuống Giáo Hội mới khai sinh, tiếp tục ban ơn cho Tu Hội như ngọn gió thổi bất cứ nơi đâu Ngài muốn, như ngọn lửa phá tan băng giá của lòng ích kỷ, như làn nước thấm mát mảnh đất khô cằn. Ước chi Chúa Thánh Thần ban muôn ơn của Ngài xuống các thành viên TTN, ngự xuống trong tim mỗi hội viên, nung nấu ngọn lửa tình yêu trong lòng họ, thắp lên ước vọng nên thánh, thúc đẩy lòng hoán cải và ban sức mạnh trong công việc phục vụ tông đồ của họ.

2. Những người con của Don Bosco thông dự vào trong đoàn ngũ các môn đệ Chúa Kitô, Đấng đã thánh hiến chính mình cho Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần với tình yêu đặc biệt. Chính Ngài đã chọn gọi và dành riêng họ; chính vì thế việc ưu tiên cho Thiên Chúa và cho sáng kiến của Ngài phải toả sáng trong đời sống của các hội viên. Một khi từ bỏ tất cả mà theo Chúa Kitô, một khi dành riêng cho Ngài một những gì là quý giá nhất trong đời sống, thì sẽ không tìm vinh danh nào khác ngoài vinh danh cho Đấng mình yêu mến, là thầy dạy thần linh; điều này trở thành “dấu chỉ của nghịch lý”, bởi vì cách thức suy nghĩ và sống của đời sống thánh hiến trái ngược với lý luận trần thế. Điều đó là động lực của sự can đảm, bởi vì làm chứng rằng đời sống thánh hiến cao cả và mang tính ngôn sứ. Tuy nhiên cũng cần thiết lưu tâm đến ảnh hưởng của chủ nghĩa trần tục và như thế có thể theo đuổi con đường mình đã chọn, có thể vượt qua những khuôn mẫu tự do của đời sống thánh hiến và tập trung vào căn tính của mình là tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

3. Chủ đề của Tổng Tu Nghị chính là chương trình đời sống thiêng liêng và tông đồ được chính Don Bosco thực hiện: “Da mihi animas, cetera tolle” (xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác xin Ngài cứ lấy đi”. Chủ đề này chứa đựng toàn bộ con người Don Bosco: sâu xa trong đời sống thiêng liêng, sáng tạo trong hoạt động, năng động trong tông đồ, làm việc không mỏi mệt, nhiệt tình trong mục vụ và nhất là tận hiến chính mình cho Thiên Chúa và cho giới trẻ. Don Bosco là một vị thánh với một nhiệt tâm duy nhất: “vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn”. Thật quan trọng khi mỗi người Salêdiêng tiếp tục gợi hứng từ Don Bosco: hiểu biết ngài, yêu mến, học hỏi, bắt chước, khẩn cầu ngài, và thi hành chính nhiệt tâm tông đồ của ngài được bắt nguồn từ con tim của Chúa Kitô. Lòng nhiệt thành này chính là khả năng trao hiến chính mình, chạnh lòng thương các linh hồn, hy sinh vì tình yêu, đón nhận trong niềm vui đời sống thường nhật và sẵn sàng từ bỏ tất cả vì lý tưởng tông đồ. Châm ngôn "Da mihi animas, cetera tolle" diễn tả một tổng hợp thiêng liêng của người Salêdiêng. Không thể trở thành một nhà thần bí nếu không có một đời sống thiêng liêng vững chắc nâng đỡ; cũng vậy không ai có thể sẵn sàng hy sinh nếu không khám phá ra một kho tàng hấp dẫn và vô giá. Trong thời đại mỏng dòn như thời đại chúng ta, thì điều cần thiết là vượt thắng ảnh hưởng của chủ nghĩa hoạt động và không ngừng vun trồng ơn hiệp nhất trong đời sống thiêng liêng qua việc xây dựng một nền tảng về thiêng liêng vững chắc. Điều này nuôi dưỡng hoạt động tông đồ và là nguồn bảo đảm cho việc mục vụ. Tất cả hệ tại ở con đường nên thánh của mỗi người Salêdiêng, và lưu tâm đến việc đào luyện các ơn gọi trong đời thánh hiến Salêdiêng. Việc suy gẫm Lời Chúa và cử hành Thánh Thể là ánh sáng và sức mạnh của đời thánh hiến Salêdiêng. Người hội viên Salêdiêng phải nuôi dưỡng ngày sống của mình bằng việc lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, từ đó giúp các bạn trẻ và các tín hữu nhận thức giá trị của đời sống thường nhật và làm chứng cho mọi người theo như Lời Chúa hướng dẫn. “Thánh Thể hút chúng ta trong tình yêu trao hiến của Chúa Giêsu. Chúng ta không chỉ đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể, mà còn trong chính hành động trao hiến của Ngài” (Thông Điệp Deus Caritas Est, 13). Một đời sống đơn sơ, nghèo khó, kỷ luật và nghiêm túc sẽ giúp người Salêdiêng thăng tiến trong ơn gọi của mình, sẽ đem họ lại gần người nghèo khổ và bị bỏ rơi, giúp họ đối diện với những khủng hoảng của đời sống và đe doạ của sự an nhàn và tìm tiện nghi,

4. Theo gương Đấng Sáng Lập, người Salêdiêng phải được nung đốt bằng nhiệt tâm tông đồ. Giáo Hội hoàn vũ và giáo hội địa phương trong đó họ được sai đến để phục vụ mong chờ nơi họ một sự hiện diện đặc thù của nhiệt tâm mục vụ và của nhiệt thành rao giảng tin mừng. Tông Huấn Thượng Hội Đồng Giám Mục về việc phúc âm hoá khắp năm châu có thể trở nên nguồn cảm hứng và định hướng cho họ trong việc rao giảng tin mừng trong nhưng môi trường khác nhau. Tài liệu lưu tâm về những chiều kích của việc rao giảng Tin Mừng có thể giúp họ đào sâu cách thế đối thoại và rao giảng cho tất cả mọi người, cách đặc biệt cho giới trẻ nghèo khổ, sự phong phú của ân sủng và của Tin Mừng. Ước chi việc rao giảng Tin Mừng là điều tiên quyết và chính yếu của truyền giáo ngày nay. Điều này mô tả những nhiệt tâm, những thách đố và những lãnh vực hoạt động rộng lớn; nhưng nhiệm vụ chính yếu hệ tại ở việc hướng dẫn tất cả sống như Chúa Giêsu đã sống. Trong nền văn hoá đa tôn giáo và trần thế hoá thì cần thiết tìm kiếm những cách thế gián tiếp để loan báo Chúa Giêsu, cách đặc biệt cho người trẻ, để họ cảm nhận được sự hấp dẫn của Ngài. Việc loan báo Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài phải là trọng tâm của hoạt động tông đồ và mục vụ, cùng với lời mời gọi hoán cải, đón nhận đức tin và gia nhập Giáo Hội; từ đây nảy sinh hành trình đức tin và việc dạy giáo lý, cử hành phụng vụ, và chứng từ của nhiệt tâm bác ái. Đặc sủng của họ ở những hoàn cảnh cụ thể thúc đẩy việc giáo dục trong việc rao giảng tin mừng cho giới trẻ. Không có giáo dục sẽ không có việc rao giảng tin mừng các sâu xa và bền vững, sẽ không có thăng tiến và trưởng thành, sẽ không có tương quan hỗ tương giữa văn hoá và lối suy nghĩ. Giới trẻ nuôi dưỡng những ước muốn sâu xa của đời sống viên mãn, của tình yêu đích thực, của tự do; nhưng thông thường họ gặp sự phản bội và không thể thực hiện những điều đó. Thật cần thiết giúp giới trẻ thăng tiến những giá trị trong tâm hồn như những năng lực và ước muốn tích cực; trao cho họ sự phong phú của giá trị nhân loại và của Tin Mừng; thúc đẩy họ sống trong xã hội như những thành phần tích cực qua công việc, qua việc tham dự và lãnh trách nhiệm trong công ích. Điều này đòi hỏi những ai hướng dẫn họ phải mở rộng lãnh vực hoạt động giáo dục với sự lưu tâm đến những cái “nghèo”mới của giới trẻ, đến việc giáo dục, đến vấn đề di dân; điều này cũng đòi hỏi họ lưu tâm đến giá trị của gia đình cũng như nhưng chiều kích của nó. Về điểm quan trọng này Cha dừng lại nơi lá thư mới đây về sự khẩn thiết của việc giáo dục mà cha gởi cho các tín hữu địa phận Roma, và giờ đây Cha cũng muốn trao cho tất cả các Salêdiêng.

5. Ngay từ khởi đầu, Dòng Salêdiêng đã loan báo Tin Mừng khắp thế giới: từ Patagonia và từ Châu Mỹ Latin, đến Á Châu và Úc Châu, đến Phi Châu lẫn miền Madagascar. Giờ đây tại Châu Âu số ơn gọi giảm và kéo theo nhiều thách đố của việc rao giảng tin mừng, Dòng Salêdiêng phải không ngừng kiện cường lời mời gọi kitô giáo, kiện cường sự hiện diện của Giáo Hội và đặc sủng Don Bosco trong châu lục này. Châu Âu đã rộng lượng gởi nhiều hội viên trong các cánh đồng truyền giáo, giờ đây toàn Tu Hội kêu mời những vùng giàu ơn gọi rộng rãi với những biên cương mới. Để nối dài sứ mệnh giữa giới trẻ, Chúa Thánh Thần đã khơi dậy trong Don Bosco những hình thức tông đồ khác nhau cùng một đặc sủng và một tinh thần. Trách nhiệm loan báo tin mừng và giáo dục đòi hỏi những sự giúp đở; do đó người Salêdiêng có sự cộng tác của vô số giáo dân, các gia đình và cả của chính giới trẻ, nhằm khơi dậy trong họ ơn gọi tông đồ và nhờ thế đặc sủng Don Bosco không ngừng sống động và bền vững. Cũng cần giới thiệu cho các bạn trẻ dung mạo của đời sống thánh hiến, ý nghĩa sâu xa của việc theo Chúa Kitô vâng phục, nghèo khó và thanh khiết, sự ưu tiên dành cho Thiên Chúa và ân huệ của Chúa Thánh Thần, đời sống hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn, việc tận hiến hoàn toàn cho sứ mệnh. Giới trẻ rất nhạy cảm với những lời mời gọi của nhu cầu cuộc sống, và họ cần những chứng nhân và những người hướng dẫn biết đồng hành với họ trong việc khám phá và đón nhận hồng ân như thế. Trong viễn cảnh này, Tu Hội Salêdiêng đang lưu tâm cách đặc biệt đến ơn gọi sư huynh, nếu thiếu ơn gọi này, nhà dòng sẽ đánh mất dung mạo mà Don Bosco muốn diễn tả. Dĩ nhiên, đó là một ơn gọi không dễ dàng để biện phân và đón nhận; ơn gọi này sẽ trổ sinh hoa trái cách dễ dàng nơi đâu làm thăng tiến ơn gọi tông đồ giáo dân giữa giới trẻ và ban tặng một chứng từ tươi vui cũng như đầy nhiệt huyết của đời thánh hiến tu sĩ. Ước chi gương mẫu và sự chuyển cầu của Chân Phước Artemide Zatti và các Đấng Đáng Kính sư huynh, đã tận hiến đời sống vì Vương Quốc nước Trời, ban cho đại gia đình Salêdiêng nhiều ơn gọi này.

6. Cha cũng nhân cơ hội này để nói lên lời tri ân đến Tu Hội Salêdiêng vì sự phục vụ và đào luyện tại Giáo Hoàng Đại Học Salêdiêng (UPS), nơi hình thành một số cộng sự viên thân tín của Cha hiện nay. Đại Học đã và đang cống hiến đặc biệt cho toàn thể Giáo Hội tinh thần và đặc sủng của Don Bosco. Đại học duy nhất trong các Đại Học Giáo Hoàng có phân khoa Khoa Học Giáo Dục và phân Ngành Mục Vụ Giới Trẻ và Giáo Lý, được liên kết với các khoa khác. Việc học tập và đào luyện dành cho sinh viên đến từ các nền văn hoá khác nhau cũng như sự phức hợp của trạng huống đòi hỏi sự đa dạng của giáo sư trong toàn thể Tu Hội. Với nhu cầu khẩn thiết của việc giáo dục ở những vùng khác nhau trên thế giới, Giáo Hội cần sự đóng góp của các chuyên gia và những nhà nghiên cứu chuyên về sư phạm và đào luyện, về loan báo tin mừng cho người trẻ, về việc giáo dục luân lý, hoạt động và tìm kiếm giải pháp cho những thách đố của thời nay, của vấn đề đa văn hoá và của truyền thông xã hội, đồng thời cũng tìm cách giúp đỡ các gia đình. Hệ Thống Giáo Dục Dự Phòng của Don Bosco là truyền thống giáo dục Kitô giáo chắc chắn sẽ thúc đẩy Tu Hội đề xuất mô hình sư phạm Kitô giáo hiện hành, được gợi hứng từ đặc sủng Don Bosco. Giáo Dục hình thành nên một trong những điểm then chốt của khoa học về con người (nhân học) thời hiện đại, về điểm này thì Đại Học Giáo Hoàng Salêdiêng sẽ không thiếu, Cha chắc chắn về điều này, và Đại Học sẽ góp phần không nhỏ.

7. Cha Bề Trên Cả thân mến, nhiệm vụ của cha trước toàn thể Tu Hội thật nặng nề, nhưng cũng cao cả: mỗi thành viên của Tu Hội Salêdiêng được mời gọi trở nên Don Bosco giữa giới trẻ trong thời đại chúng ta. Vào năm 2015 các con sẽ kỷ niệm 200 sinh nhật Don Bosco và với việc chọn chủ đề cho TTN này, các con đã bắt đầu chuẩn bị cho việc cử hành biến cố trọng đại này. Ước chi điều đó thúc đẩy các con trở thành “dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa cho giới trẻ” và làm cho giới trẻ trở thành niềm hy vọng của Giáo Hội và Tu Hội. Ước chi Mẹ Maria, Đấng mà Don Bosco đã truyền cho các con khẩn cầu với tước hiệu Mẹ Giáo Hội và là Đấng Phù Hộ các Giáo Hữu trợ giúp các con. Chính “Mẹ đã làm tất cả”, vào cuối đời Don Bosco đã không ngừng nói như thế; Mẹ sẽ là bà giáo, Mẹ sẽ giúp các con thông truyền “đặc sủng Don Bosco”. Ước chi Mẹ Maria, Mẹ của niềm hy vọng sẽ đồng hành với Tu Hội, với Đại Gia Đình Salêdiêng, với các sư huynh và đặc biệt với giới trẻ. Một lần nữa, Cha hết lòng cám ơn các con vì sự phục vụ trong Hội Thánh; Cha nhớ đến các con trong lời cầu nguyện và với tất cả tâm tình, Cha ban phép lành toà thánh cho cha Bề Trên Cả, các thành viên TTN và toàn thể gia đình Salêdiêng.

Vatican, 01 tháng 03 năm 2008

BENEDICTUS PP. XVI