Mắt là đèn soi. Vì là đèn soi nên soi kiểu nào, cách nào cũng không thấu triệt được sự việc. Soi sáng góc này sẽ tối cạnh kia. Đó là chưa kể chính đèn cũng có lúc hết dầu, phải châm thêm. Rất khó nhìn thấu toàn diện. Ngay cả làn chớp cũng chỉ loé sáng một góc trời nói chi đến đèn soi.

Có một ngọn đèn duy nhất chiếu sáng đáng tin đó là đèn trời. Ai cũng nhìn thấy đèn trời nhưng phải học cách coi ánh sáng của đèn trời mới có thể thấy được.

Ví von một cách khác mắt là cửa sổ của tâm hồn. Vì là cửa sổ nên tầm nhìn bị giới hạn trong khung cửa. Nếu đặt hết niềm tin vào mắt là cửa sổ của tâm hồn thì có khác chi câu chuyện ếch ngồi đáy giếng, nhìn bầu trời bao la, lúc nào cũng thấy bầu trời tròn quành quạnh. Thực tế bầu trời đâu có tròn như nhìn thấy.

NGẮM NHÌN

Có nhiều cách, kiểu nhìn khác nhau. Nhìn xa, nhìn gần, nhìn thẳng, nhìn ngay, nhìn xéo, nhìn nghiêng, đưa tận mắt nhìn, kể cả nhìn trộm. Khi được tự do nhìn, khi bắt buộc phải nhìn. Có khi nhìn mà không thấy. Đôi khi thấy giả bộ làm lơ, hoặc ngay cả không dám nhìn. Kinh nghiệm của người thích du lịch cho biết khi muốn nhìn lại không có giờ, nhìn qua rồi phải đi vì không thể ở lâu hơn; lúc dư giờ lại không có gì đáng nhìn.

MỤC ĐÍCH

Mục đích nhìn cũng khác nhau, khi thì nhìn cho ta, khi thì nhìn cho người, nhìn vì lịch sự làm vừa lòng người. Nhìn ăn tiền là nghề của thầy bói, nhìn chữa bệnh dành cho bác sĩ, nhìn xác định thật- giả nghề của các chuyên gia. Nhìn để đặt kế hoạch làm ăn, xây dựng. Nhìn dùm là nghề mai mối, đưa ý kiến, đề nghị. Nhìn soi mói do tò mò, nhìn trừng trừng để điều tra thẩm vấn, áp đảo tinh thần. Nhìn người lại nhớ đến ta là nhìn lại quá khứ.

NHÌN SAI

Khi nhìn vào thực tế, lúc nhìn cảnh vật, lúc khác lại nhìn vào thinh không. Nóng giận phủ mờ lí trí. Chủ quan đưa tới cái nhìn một chiều. Thích quá có cái nhìn thiên kiến. Tin vào chủ thuyết bị cái nhìn lãnh tụ chi phối. Tiền tài chức tước, thế lực điều khiển cách nhìn. Chỉ có một cách nhìn trong sáng đó là tình yêu hi sinh. Không có tình yêu nào cao quý hơn là tình yêu hi sinh, yêu hơn cả mạng sống mình.

CHIÊM NIỆM

Nhìn thoáng qua, không chú tâm đến mấy. Phải chăng cái nhìn của ta bị hướng dẫn, thu hút không phải bởi con mắt xác thịt mà là con mắt tâm hồn, tâm tình bên trong. Tâm hồn thoải mái giúp thưởng thức cảnh vật, tâm hồn sầu lo dẫn đến cái nhìn khác lạ. Trường hợp phải mở to mắt nhìn đi, nhìn lại, xem tới xem lui vẫn không thấy chi khác lạ. Trong khi đó ta biết chắc có điều bí ẩn, kì diệu, ta nhìn hoài không thấy.

Nhìn thoải mái say sưa đến độ những hàng chữ kia giúp mường tượng ra khung cảnh, hình ảnh, nhân vật sau các hàng chữ. Chữ nghĩa biến mất qua khung cảnh. Nhân vật xuất hiện và cảm xúc dâng trào qua ngắm nhìn. Cảm xúc có thể là vui vẻ, rộn ràng, hoặc là căng thẳng, lo lắng, buồn sầu. Hoặc là bình an trong tâm hồn. Càng nhìn ngắm bức tranh trong tâm càng rõ và thông cảm với các nhân vật trong chuyện. Người đọc sách lúc khóc, lúc cười, lúc bực, lúc vui vì họ cảm thông với nhân vật trong truyện.

Chính mình cảm nghiệm, chia sẻ cái cảm xúc của sự việc phơi bày trong trí. Càng nhìn càng bị thu hút, dường như hình ảnh đã nhập tâm, ngầm tâm sự với ta. Nhìn như thế tôn giáo gọi là chiêm niệm. Giúp người đọc nhìn thấy chính họ nằm trong khung cảnh, cùng với các nhân vật khác sinh hoạt. Nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy và cảm nghiệm thấy sự việc đang diễn ra. Như thế là chiêm niệm.

KINH THÁNH

Bao lần Đức Kitô nhìn cảm động đến rơi lệ. Phúc âm kể lại Ngài chạnh lòng thương làm phép lạ nuôi đám đông vì thấy họ đói khổ (Mat 14). Ngài rơi lệ vì cái chết của Lazaro (Gioan 11). Ngài xúc động khi nhìn thấy bà goá thành Nain khóc con (Luca 7,13).Nhìn như thế không phải là nhìn bằng mắt trần mà là mắt tâm linh, mắt của tâm hồn vì thế mà Đức Kitô làm phép lạ cứu giúp họ.

Người mù từ lúc mới sinh mù mắt thể lí nhưng mắt tâm linh của anh rất sáng. Anh nhìn bằng con mắt đức tin, hy vọng và trọn vẹn yêu thương. Vì thế anh đã nhìn ra Đức Kitô và Chúa chữa anh. Hãy sống và thực hành theo cảm nhận và hướng dẫn của con mắt tâm linh.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html