Cuộc đời luôn có những khao khát, ước mong. Khát khao điều công chính rất cần cho sự sống, giúp con người phát triển, vươn lên và sinh ích cho cuộc sống tâm linh. Bên cạnh đó có những khao khát bất chính không cần thiết, đã không sinh ích cho sự sống trái lại còn làm khổ tâm linh, hao mòn thân xác, gây đau khổ cho mình, người thân và làm hại xã hội.

KHAO KHÁT

Bản chất của khao khát là tốt lành, chính đáng. Cơ thể mạnh khỏe cần thực phẩm nuôi thân, phát triển lớn mạnh. Tâm hồn mạnh khỏe cần nuôi dưỡng bằng nguồn sinh lực Sách Thánh, thi hành đức ái, tăng ơn thánh, tiến vững trên đàng nhân đức hầu phát triển tài năng Chúa ban, sinh ích cho nhân loại. Một cơ thể khoẻ mạnh biết đòi hỏi thực phẩm khi đói, nước khi khát, nghỉ khi mệt, xả hơi khi lo lắng, thơ, phú, âm nhạc khi thanh thản.

Khi đau bệnh cơ thể không màng chi đến nhu cầu ăn uống. Tâm linh cũng thế, một tâm hồn bệnh hoạn từ chối điều công chính nhưng khao khát điều bất chính. Hậu quả của bất chính dày vò tâm hồn, mất bình an nội tâm, dẫn đến cuộc sống trụy lạc. Đánh mất ý nghĩa trong sáng, tốt đẹp cuộc đời Thiên Chúa ban và tạo nên đau khổ không cần thiết gây nên bởi khao khát bất chính.

MƯU SINH

Cần cố gắng lao nhọc kiếm cơm ăn, áo mặc. Mong có công ăn việc làm vững chắc là điều tốt. Tuy nhiên tình nguyện làm nô lệ cho vật chất là một khao khát bất chính vì của cải dùng để phục vụ con người, nâng cao phẩm giá. Cần tránh xa khi vật chất, nhục dục là nguyên cớ gây vấp phạm về công bình, lẽ phải, làm giảm giá trị nhân bản. Của cải kiếm được bằng cách bất chính. Gian tham của công, gian lận trốn thuế, lừa gạt người thân quen, dù với mục đích tốt, giúp kẻ đui mù, nghèo khó, bần cùng cũng đều là bất chính vì tự căn bản của sự việc đã là bất chính. Bản chất việc bất chính không mang lại kết quả công chính. Ý ngay lành bị hai điều xấu bẻ cong. Gian tham là thiếu ngay thẳng. Lắt léo tiền của người để bố thí.

LAO TÁC

Chức tước, địa vị dù lớn nhỏ đều có chung mục đích giúp tha nhân, phục vụ công ích xã hội, tạo công ăn việc làm mang cơm no áo ấm cho đại chúng, gầy dựng một xã hội bác ái, yêu thương, hạnh phúc, công bình, trật tự, tình người được đề cao, phẩm giá con người được tôn trọng và cổ võ một đời sống hướng về tâm linh hơn là thiên về vật chất.

Đạo cũng như đời lạm dụng quyền hành, làm điều sai trái từ thanh quan dẫn đến tham quan. Tham quan lúc đầu cắt chỗ này, xén chỗ kia, đút cấp trên lót cấp dưới. Khi chỗ đứng an toàn tham quan biến thành cẩu quan lừa trên, gạt dưới, hãnh diện làm điều bất chính. Cẩu quan một đời khao khát chức tước, bổng lộc. Sống đời tầm gửi, tin kẻ nịnh bợ. Gần người giảo hoạt đầu môi, chóp lưỡi.

Chủ thuyết giải thích khác nhau về tình người, sự sống, công bình và bác ái. Vì thế xảy ra tình trạng nhóm này nhân danh tự do, nhân quyền bôi lọ, bỏ tù nhóm kia. Vì có giải thích khác nhau về tự do, nhân quyền nên phải khôn ngoan chọn định nghĩa đúng nhất. Tự do của phe mạnh đúng; phe yếu sai. Phe khéo tuyên truyền nhiều ủng hộ. Dở tuyên truyền thất thế. Chủ thuyết nào cũng tự nhận tự cho phe mình đúng; nhân quyền phe mình hay. Tự do và nhân quyền là nguyên cớ đấu lí. Vững lí thắng, đuối lí thua.

Phe thắng tự kiêu, tự đắc nên lí của phe mạnh bao giờ cũng sai vì thiếu khiêm nhường. Dùng tự do để đánh mất tự do. Vin vào nhân quyền để chà đạp nhân quyền. Vì thế phe thắng thường áp đặt, đàn áp, chèn ép phe thua.

Linh hồn của tự do là tâm đạo. Thiếu tâm đạo tất cả là bánh vẽ.

TÂM ĐẠO

Đạo nào cũng là đạo. Có đúng chăng? Về tu đức các tôn giáo có điểm tương đồng như dậy tín hữu ăn ngay ở lành, làm lành, lánh dữ, cứu nhân độ thế. Tu đức là thế. Niềm tin khác biệt. Niềm tin hướng dẫn cuộc sống, đưa đến cách hành xử khác biệt trong việc sống đạo. Chọn tôn giáo để tin theo là chọn sống cho niềm tin, không chọn sống cho tu đức. Chính niềm tin dẫn đến khác biệt về tôn giáo. Hiểu lầm giữa tu đức và niềm tin đưa đến lập luận đạo nào cũng là đạo. Nhận xét như thế là nhận xét về vỏ mà bỏ lòng. Tương tự như câu nước nào cũng là nước. Nước sông nước suối cũng là nước nhưng phẩm chất của mỗi loại nước khác nhau. Tại bờ giếng Đức Kitô giúp người phụ nữ thành Samarita phân biệt sự khác biệt giữa nước giếng và nước hằng sống.

NƯỚC HẰNG SỐNG

Nước hằng sống không chảy ra từ lòng đất mà đến từ lòng người. Nước đó không phải lấy gầu để múc mà trở thành suối mát tắm gội lòng người. Lòng thanh thản đời vui tươi. Đời vui là đời hạnh phúc. Ai nhận nước đó sẽ không còn khát. Ai uống nước đó sẽ được sống trường sinh. Ai thành tâm van xin Đức Kitô sẽ ban cho. Nước Hằng Sống có thể hiểu là nước uống bổ sức tâm hồn, cũng có thể hiểu là nơi chốn, nơi đó có sự sống muôn đời. Tự do nhân quyền trong Nước Hằng Sống là tự do đích thực vì đặt căn bản trên tâm linh, đến từ lòng người, tình yêu và lòng nhân ái.

Đấng sáng tạo và làm chủ Nước Hằng Sống là Đấng ban con tim của Ngài cho những ai chấp nhận nước đó. Ai sống bằng tình yêu thì gia nhập nước này vì Đấng Sáng Lập đã hy sinh mạng sống Ngài cho đạo hữu. Ngài làm thế vì yêu. Không có tình yêu nào cao quí hơn là chết cho người mình yêu. Có đấng sáng lập tôn giáo nào làm được điều đó. Thưa chỉ có một. Đức Kitô Đấng muôn đời khát khao cứu vớt các linh hồn.

Ta Khát là thế đó.

TÌM BÀI CŨ:

SUY NIỆM: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

TRUYỆN NGẮN: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

HÌNH ẢNH: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html