Truyện NHỮNG ĐÊM GIÁNG SINH CUỐI CÙNG

“Trưa hôm đó, sau khi truyện vãn với lớp tu sĩ du học đương hớn hở sống những ngày cuối cùng của vụ hè trên đất Pháp, hai cha người Bỉ đứng lên và giơ tay nắm lấy tay người chung quanh và hát ‘Ce n’est qu’un au- revoir, mes frères’. Đây chỉ là lời tạm biệt trước khi lên đường, bạn hữu của tôi. Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng! Tiếng hát bỗng nhiên có cái gì lưu luyến. Lớp du học sinh quen hát bài này, khi họ nhổ Trại Hè, tạm biệt để rồi lại gặp nhau vào năm học mới. Nhưng lần này có thể là lời vĩnh biệt. Hai vị linh mục trẻ trung này đã chia tay gia đình và bạn hữu khi họ bỏ nhà ga Bruxelles sang Paris, và lần này nhắc lại bài hát thấm thía lần cuối cùng, trước khi lên máy bay từ giã trời Âu, mà từ biệt đây là từ biệt những người sẽ để lại quê hương mình sau lưng không biết bao nhiêu năm, một quê hương thời chinh chiến, nơi máu lửa, nơi hai cha sẽ đến để chia sẻ thân phận của người bản xứ. Thấy hai cha vui mừng chờ ngày lên đường, và không ngừng hỏi tin tức về đời sống của ngôi nhà trường lạ lẫm hai cha sẽ đến dậy học, làm tôi cũng vui lây. Tôi muốn quên đi các tiếng súng bắn vào ban đêm, nghe tắc bọp, nhắc nhở đến tình trạng chiến tranh và sự đe dọa lơ lửng trên đầu. Thôi để hai cha được chứng kiến cảnh tượng đó. Các xứ đạo ở quê nhà sống nhờ vào lòng tin. Tin để sống và để chết nữa. Nhưng làm sao hai linh mục đương sống cuộc đời êm ái bỗng nhiên có thể chịu đựng được các thử thách ghê ghớm này? Hai vị là sứ thần của Chúa. Được sang Á Đông là hân hạnh, đón nhận cái chết là chuyện thường tình. Lý luận như vậy quả thực đơn giản và lại đầy đủ nữa, đối với nhà tu. Hiểu như vậy, tôi không có quyền bi quan và lo sợ. Chỉ có một điều tôi cần ý thức là một khi khi đã tới Việt Nam, họ cần được tôi nâng đỡ. Gia đình họ tin cậy vào tôi. Cái gì chứ, bỏ rơi hai vị thừa sai này là điều tôi không bao giờ làm. Thế vậy đó mà bây giờ chúng tôi xa nhau, hai người em chết đói, chết khát, chịu đủ mọi cực hình, thân xác chôn vùi nơi nào chính tôi cũng không biết nữa…”

Người kể lể câu chuyện đau đớn để trút niềm tâm sự dài dẳng giữa bạn tù với nhau, là một linh mục, cha Hoàn. Cha kể đến đâu tôi đau xót đến đó. Khi hai linh mục người Bỉ còn ở cùng một nhà tù, có bao giờ chúng tôi được trao đổi với nhau câu nào đâu, và cũng chẳng mấy khi được nhìn được mặt nhau. Các bạn tù đôi khi cho biết vài tin tức vì có người đã trông thấy họ ốm yếu, râu mọc che cả hai môi, bị đánh đập và đẩy xô vào phòng đen tối, nhưng hai người không có kêu ca gì hết. Rồi lại có tin là hai người đã rời trại, và đã chết ở đâu đây. Hoàn cảnh khổ sở đủ mọi mặt đối với chúng tôi là như là nếp sống tự nhiên của mỗi người. Chúng tôi dù bệnh tật gần đất xa trời, vẫn mong có ngày đuợc tự do, đuợc thấy lại cha mẹ và mọi người, được trở về các xứ đạo để hát lễ với những bài thánh ca réo rắt. Trừ hai cha người Bỉ, dĩ nhiên! Nhưng xem ra cha Hoàn quên cảnh tù đày của bản thân để bồi hồi về thân phận hai linh mục ngoại quốc. Kể cũng lạ! Tôi không cần đặt câu hỏi, cha từ từ kể những gì hai linh mục đã sống dưới mái trường trung học, bên bờ sông Ninh, và bên cạnh cha.

Cha Hoàn tiếp: “Lúc ở Pháp, báo chí cho tin tức hàng ngày về chiến sự Đông Dương. Kể từ khi thất trận ở Đồng Khê, người Pháp mất hết ảo mộng. Nhưng khi tới Sài gòn thì bầu khí thay đổi hẳn. Phố phường tấp nập dười tàn lá xanh tươi. Các cô thiếu nữ mặc áo ngắn trắng tinh cắm đầu đạp xe từ phố này đến phố khác, bình an vô sự, chẳng bận tâm khi gặp một vài xe nhà binh chở sĩ quan hay lình nhảy dù. Hình ảnh Việt Nam đầu tiên đập vào mắt hai cha người Bỉ, đưa lại những nụ cười tươi thắm. Nhà thờ Gia Định nhiệt tâm và hồn nhiên hơn các xứ đạo bên Bỉ. Vào buổi chiều, cả một cộng đoàn đọc kinh hát xướng trước đài Đức Mẹ, nghe các cô thiếu nữ áo dài trắng, mái tóc đen thắm để dọc sau lưng, hát àze, áze Maria, nghe lạ tai mà lại dễ thương. Nhưng chỉ sau năm ngày chúng tôi phải từ giã con sông Đồng Nai hiền hòa, hai bờ sông cây cối um tùm. Đây là quê hương an bình, không phải là vùng chiến địa. Trên máy bay con sông mất hút, để lại một màu xanh rì như chiếc thảm vô tận kéo dài cho tới tận miền Bắc, nhưng cái cảm giác êm đềm đó có cái gì rất mông lung. Dưới máy bay là những vị trí quân sự, những con đường đẫm máu, chúng tôi đương sống trong chiến tranh. Bao chiến sĩ đã hy sinh để dành cho chúng tôi một mảnh đất tạm bợ để học hành, và ước mơ.

Khi đặt chân tới Hà nội, thì hình ảnh chiến tranh hiện ra rõ ràng, ít nữa với người Pháp. Trên đường phố không thiếu những chiếc xe màu xám chở đầy lính tráng vội vã ra phi trường. Người Hà Nội tiếp tục sống hăm hở nhưng không vô tư như người trong Nam. Tin tức chiến sự quen thuộc với họ, chẳng cần phải xem báo. Nhà thờ lớn nguy nga, sáng láng dưới ánh trăng. Hai người bạn tôi mừng rỡ như tới Paris. Người dân yên lặng ngồi trong thánh đường, bên cạnh những cột nhà cao vót, mầu trắng nhạt. Thái Hà Ấp, ngày thứ bảy đón tiếp cả một đoàn thiện nam tín nữ về trung tâm Đức Mẹ để cầu nguyện. Những tà áo trắng đi từ Đống Đa đến đây, nhẹ nhàng khoan thai, tiến tới thánh đường, không chút vương vấn về thời cuộc. Đó là những hình ảnh đầu tiên có sức thôi thức đối với hai tu sĩ vừa bước ngưỡng cửa của đời hoạt động. Tôi chăm chú theo dõi phản ứng của hai người bạn, và an tâm về thái độ an bình, cởi mở của họ. Trong một vài gia đình mở tiệc đón tiếp, có những cô gái mặc áo sang trọng, có mái tóc mượt mà uyển chuyển bao bọc nét mặt trắng tươi, đối đáp bằng Pháp ngữ rất tự nhiên. Một trời một vực so với miền quê của tôi.

Nhưng thôi, xin từ giã Hà Nội đài các, đường phố thăm thẳm của các em bé bán kem, để bước vào những xe máy bay bé tí hon, đưa chúng tôi thẳng về Nam Định, rồi từ thành phố, chúng tôi đi xe hàng tới bến đò Lạc Quần. Cuộc chu du của tôi như vậy là hết. Có điều khi ra đi, cũng vào một buổi chiều như hôm nay, tôi nuôi những ước vọng to lớn cho cuộc hành hương duy nhất của đời người, ngày nay thì chỉ còn lại tinh thần trách nhiệm. Đối với tôi, vào giữa thời loạn, mà lại có hai linh mục từ Bruxelles đến miền quê Nam Định, ăn cơm trắng, thịt kho, trứng luộc, rau muống, canh cua, và ngày đêm nghe tiếng súng tắc bọp xé tan sự an bình của đồng ruộng. Điều đó có cái gì không ổn, mặc dầu ở Phát Diệm vẫn có một vài linh mục cùng một xuất xứ hành đạo từ nhiều năm nay. Nhưng bên này và bên kia hai bờ sông Đáy, hoàn cảnh không giống nhau.

Con sông Ninh Cơ yêu dấu, mỗi khi qua đò, nước chảy dạt dào vào bờ, bao giờ tôi cũng xúc động. Cách đây hơn bốn thế kỷ, các thừa sai đã theo con sông này để thăm viếng viếng dân quê chúng tôi y như hai linh mục Bỉ lúc này. Tình thế không thay đổi là bao, những đe dọa vẫn chồng chất trên đầu người giáo dân. Nhưng sống là xây dựng, người dân quê đồng chua nước mặn chỉ biết có vậy. Một trường trung học được sáng lập cho tu sĩ, đón tiếp thêm người đời, lương cũng như giáo. Cơ sở của chúng tôi là những mái nhà xám, những bức tường trắng, vàng, và trước nhà là những làn cỏ xanh, tất cả hiện ra rõ mồn một nhìn từ bờ đê. Cả một thế hệ thiếu niên được đào tạo ở đây, những gì sẽ đến với miền quê này lệ thuộc vào khuôn viên khiêm tốn này. Có tiếng chuông lanh lảnh vừa đủ nghe, tiếng đàn dìu dặt, tiếng reo hò vang động, những bài hát hùng hồn hay êm thắm, đời sống trí thức im lìm và mãnh liệt như dòng sông đổ dồn ra biển.

Hai người bạn của tôi sửa soạn bước vào nhà trường, trước sự vui mừng khôn xiết của lớp tu sĩ. Sự hiện diện của hai cha chứng tỏ là chúng tôi cũng có dư âm ở ngoại quốc. Ở đây chúng tôi cách xa các thành phố bằng bao nhiêu con sông. Hai cha được mời vào phòng hội, tôi nói vài câu, hai người chào bằng tiếng Việt rồi diễn tả theo tiếng Pháp, tự giới thiệu là cha Cung, cha Kính. Bao nhiêu hồi hộp âm ỉ từng mấy tháng nay hôm nay đến phần kết thúc. Hai cha dậy ngành khoa học, dùng ngoại ngữ không phải là một cản trở, học sinh lại còn hăng hái nữa. Còn có loại học sinh nào chăm chú và trật tự hơn các chủng sinh? Chỉ vài tháng thầy trò quen biết nhau, hai linh mục lại còn hy vọng nhà Dòng gởi thêm nhân sự và dụng cụ khoa học hoặc tìm học bổng cho du học sinh. Một luồng gió mới trổi dậy trong lớp giáo sư, sẽ có sức biến ngôi trường trở thành một trung tâm văn hóa cho cả vùng quê.

Thế rồi đến lễ Giáng Sinh năm ấy, trong bầu khí tưng bừng náo nhiệt nhưng nghèo nàn. Không có quà bánh, đồ chơi la liệt khắp phòng, chỉ có những hồi chuông rộn rã vào lúc nửa đêm, những bài thánh ca cảm động trong thánh đường. Về nhà gia đình mừng lễ âm thầm, chung quanh bát cháo, tụi con nít được ăn nhiều hoa quả hơn ngày thường. Chắc hai cha nhớ nhà lắm, nhưng không nói ra. Suốt ngày hai cha đi thăm các phòng học, nói chuyện huyên thuyên, đàn địch, hát bài Still Nacht, Đêm An Bình, các học sinh nghe mê lắm. Đó là kỷ niệm đẹp nhất của hai cha từ khi tới đây.

Cuộc sống êm đềm có thể tiếp tục mãi, nếu không có cái đêm hãi hùng mấy tháng sau. Thử thách đến đột ngột và chớp nhoáng, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Tôi đang an giấc thì bỗng nghe tiếng súng cối bắn vào nhà trường, tiếp đó tiếng tiểu liên lẹt đẹt, lúc đầu ở ngoài đồng, tôi đoán vậy, nhưng rồi tiếng súng kêu sát bên tường và tiếng quát tháo. Thôi chết rồi, nhà trường bị tấn công dữ dội. Phòng ngủ học sinh và giáo sư đều ở tầng trên, chỉ có vài cầu thang để rút lui. Thanh niên trai trẻ xuống tầng dưới, thì bộ đội đẩy họ ra ngoài sân. Trong lúc lộn xộn không ai để ý đến tôi. Dưới phòng ngủ của tôi là một khu vườn, đi xa một chút là bờ ao với lớp rau khoai. Tôi chui vào lớp rau này, đúng hơn chui vào bóng tối, trống ngực nổ thình thình. Tiếng súng, tiếng lựu đạn, rồi lại tiếng đại bác bắn từ một đồn Pháp, cách nhà trường mấy cây số, nghe rát tai kinh khủng. Bỗng nhiên tôi nghĩ tới hai cha người Bỉ, và đâm lo lắng vô cùng. Tôi ngồi thu lu như vậy không biết bao lâu, hoàn toàn vô ý thức về thời gian. Nhưng tiếng súng dần dần êm đi, tiếng đại bác xa dần. Tôi đứng dậy, chưa biết làm gì, thì một du kích gí mũi súng vào lưng tôi và bảo tôi đi trước. Ra tới sân tôi nhận ra một số chủng sinh bị đẩy đi như tôi. Đại đa số đã ra đường cái, bảo nhau cứ thấy đại bác bắn vào chỗ nào là chạy ào vào chỗ đó, đại bác luôn thay đổi đối tượng. Tôi đã vậy, nhưng còn hai cha Cung và cha Kính? Không ai rõ hoàn cảnh của hai ngài, nhưng chắc là bị bắt ngay từ lức đầu, hai cha biết lần mò thế nào được. Trong bóng tối, ai cũng tìm cách rẽ ra khỏi hàng ngũ, hay nằm yên lặng bên bờ đê, nhưng vô ích, quân tấn công có đèn pin, và những khẩu súng đen thui sẵn sàng nhả đạn. Tốt hơn là cứ theo lệnh mà đi. Đối với học sinh, hành động như vậy là phải. Đầu óc tôi trống rỗng, không rõ số phận mình sẽ ra sao. Khi trời rạng đông, tôi bị nhận diện, và được lệnh đi theo bốn người lính, súng ốc kề kề bên cạnh. Kể từ phút đó, tôi hoàn toàn mất liên lạc với nhà trường, nơi tôi đã làm nhiệm vụ từ hơn chục năm nay. Tôi bị giam trong các gia đình, chỉ khởi hành vào ban chiều. Người ta cho tôi bát cơm, nước mắm, đĩa dưa. để tôi còn dủ sức đi xa. Tới bờ sông Đáy tôi mới thực sự ý thức là tôi đang bỏ đất Nam Định. Nước sông chảy xiết, mãi mãi rồi thuyền chài mới đưa tôi và nhóm vệ binh sang tới đất Ninh Bình. Sau đó lại tiếp tục đi, qua những con đường xa lạ, không thấy bóng tháp chuông. Hơn một tuần lễ sau, tôi tới bờ sông Mã, như vậy là tôi sẽ bị giam ở miền Thanh Hóa mênh mông, dân cư thưa thớt, chỗ nào cũng rừng là rừng. Nhưng là nơi tu tập đoàn tù nhân linh mục của bốn giáo phận Bắc Việt hữu ngạn sông Hồng. Mừng mừng tủi tủi. Tôi gặp lại cha Cung, cha Kình và cha Huyển nữa. Mỗi người một ngả, sau cùng chúng tôi xum hợp trong một khu, mỗi khu có nhiều phòng. Nhưng hai cha người Bỉ bị giam biệt lập. Gìờ đây gia đình hai cha đã được báo tin. Chân trời Âu Châu xa vời vợi, hình ảnh của các thành phố Việt Nam cũng tiêu tán như giấc mơ. Nhìn hai cha người Bỉ chúng tôi không biết nghĩ gì. Hai cha đã tình nguyện sang đây, xin chia sẻ trọn vẹn cái thân phận của người Việt chúng tôi.

Hôm nay cũng là ngày lễ Giáng Sinh, ở xứ Hoàng Mai. Cái tin cha Thiều ở nhà tù về, sẽ làm lễ tại xứ đạo thuộc địa hạt Ninh Bình làm náo động cả một vùng. Nhân vật đây có danh tiếng ngay từ lâu, có nhiệm vụ liên lạc với chính quyền kháng chiến, phân biệt với vùng Kim Sơn, và con đường chiến lược Trì Chính. Cha cũng là linh mục đầu tiên trong giáo phận nếm mùi nhà tù, nhưng may mắn hơn các linh mục Châu Sơn đi tù với cha, tất cả bị kết chung thân hay từng chục năm. Được thả tự do tương đối, đi đâu cũng phải có giấy phép, có khi bị bắt, bị trói vào cột nhà, lúc nào cũng bị đe doạ, mắng nhiếc. Nhưng mặc kệ. Hôm nay là ngày lễ. Từ chiều hôm qua, cha không rời nhà thờ để đón tiếp tín hữu từ các họ đạo và cả nhưng xứ đạo bên cạnh đến xưng tội. Mọi việc tổ chức cha giao cho ông chánh trương Hoàng Mai, Yên Thổ, Thường Phượng, Quảng Nạp. Nhìn thấy nét mặt các giáo dân mừng rỡ. Một người ở cõi chết đã trở về với họ. Trưa nay có ba chục mâm cơm, đặt hẳn trên nền đất, người ngồi ăn nói nhẹ nhàng, sau khi đã hát bài thánh ca Đêm Đông. Và bây giờ cha có chút giờ tiếp khách, kể lại những kỷ niệm còn nóng hổi.

“Cách đây đúng một năm tôi ở nhà tù với các cha của bốn giáo phận, trong đó có các cha Bùi Chu. Cha Thiều bắt đầu như vậy. Trời rét cắt da cắt thịt, mặt mũi chúng tôi xám xịt. Nhất là khi phải đi khuôn bè, khuôn nứa, những cây nứa dài, còn ngọn, nặng ơi là nặng, vai vác, hai chân lê thê với cái xiềng ghìm hai cổ chân lại, nghiến vào da thịt, cắn răng mà chịu. Mà chúng tôi già lão cả, nhiều khi khát nước khô cả cổ, cố gắng giúp nhau, người khỏe giúp người yếu. Hôm đó, tôi còn nhớ rõ, cha Hoàn, cha linh giám của trường Trung Linh, phải ở nhà. Cha đương hấp hối.Vào chính đêm Giáng Sinh, phòng A có tiếng hát vang dội, với nhiều bài thánh ca. Phòng Đ chúng tôi im lặng, chúng tôi đương bảo nhau cầu nguyện, tưởng nhớ tới các xứ đạo đêm nay đương đón mừng Chúa xuống trần. Một số bài hát chính tôi phổ biến giữa các cha và bảo nhau một ngày kia sẽ đồng ca cho thỏa mãn. Cảnh vệ thúc giục: Phòng Đ hát đi chứ. Chúng tôi đồng ý với điều kiện là mọi người phải giữ im lặng. Cha Hân và tôi cất tiếng hát bài Đêm Đông, rồi từng mấy chục giáo dân hát điệp khúc. Bài hát là hơi thở của con sông Ninh, vừa êm du vừa rộn rã, như gió lộng ở đồng quê, như sóng cuộn ở Cồn Thoi, người Bùi Chu quen thuộc lắm, vừa hát rơi nước mắt. Hát xong mà mọi người còn sống trong tâm trí. Tôi sực nhớ tới cha Hoàn, muốn lại gần ngài chúc lễ. Nhưng có tiếng nói:

- Cha vừa tắt thở rồi. Miệng còn động đậy theo nhịp hát, nhưng rồi hai môi cứng lại, tôi thấy rõ là ngài mất vào chính lúc bài hát kết thúc”

- Lạy Chúa, mấy linh mục chúng tôi đều thốt ra như vậy. Người cảnh vệ lại gần, nhìn vào cái thân người bất động, bọc bằng tấm chiếu mong manh, cái đầu nho nhỏ, đôi môi xâm, thực ảo não. Anh ta không nói gì. Chúng tôi hiểu là phải tự động lấy vải vóc khâm liệm, rồi người ta đem xác chôn ở đâu đó. Thấy mấy cha Bùi Chu tủi thân và thất vọng quá, nhất là cha Huyền, cũng là cha giáo Trung Linh, tôi nói vài câu để an ủi các ngài:

“Một ngày nào con sẽ đi dọc sông Ninh, tới tận ngôi trường thân yêu của các cha, và chúng ta sẽ tổ chức tổ một lễ trọng thể, đề bù đắp cho cái thời mạt vận này. Cho cha Cung, cha Kính, cha Hoàn hôm nay, và cho tất những tù nhân đã chết tất tưởi ở nơi đây.”

“Thế là một năm đã qua đi. Tôi đã từng chứng kiến những lễ Giáng Sinh cuối cùng từ ba năm ở nhà tù. Có thể lễ hôm nay là cũng là lễ sau cùng của tôi: Tâm trí tôi tưởng tượng như vậy, rồi tùy Chúa an bài. thì ra bài thánh ca bất hủ vừa là lời chúc mừng Chúa xuống trần, vừa là lời ca đưa đón con người về chầu Chúa. Cũng là những đêm đông lạnh lẽo heo hắt cả. Chẳng có gì đáng vui mừng vĩnh viễn ở trần gian này, ngoại trừ tiếng đàn dìu dặt của các thiên thần vang dội trên không trung và trong tâm hồn chúng ta. Tôi đâu có thể đặt chân lên đất Nam Định vào lúc này. Bên đó các xứ đạo cũng điêu đứng như ta. Người dân ào ạt vào Nam, nhà xứ bỏ ngỏ, các cộng đoàn phải tổ chức lại nội bộ. Nhìn chung quanh lòng buồn man mác, ngỡ ngàng, bơ vơ. Cũng may là ta còn những giáo đường cổ kính, những cánh đồng phì nhiêu, chỗ nào cũng có dấu ấn của Nguyễn Công Trứ, của Trần Lục. Phát Diệm đã gắn liền với Hoa Lư, với triền núi thoai thoải, rừng xanh âm u bí hiểm…Không phải là nơi con người có thể thất vọng!

Đây không phải là lần đầu tiên cha Thiều kể chuyện nhà tù. Cha kể lại lời tâm sự của cha Hoàn, rồi đến cái chết tê tái của ngài vào đêm Giáng Sinh. Những công việc nặng nhọc hay chán chường, xé đay, bóc lá nón, bóc lạc, bóc vỏ sắn, nhạt rau thối. Tinh thần bền vững và thản nhiên khi người ta gọi mình là thằng, uy hiếp bằng những lời tục tằn, thô lỗ. Trong ba năm không trông thấy con cá tươi, chỉ có dịp gìm mình xuống sông Mã trong chốc lát. Những con sông miền Bắc sung sức. Vào mùa mưa, nhìn dòng sông cuồn cuộn, con thuyền bé nhỏ như lá tre lênh đênh trên mặt nước, thấy đáng lo ngại. Nhưng con sông Mã giam cầm chúng tôi trong mảnh đất cơ cực, lúc này lại thu hút chúng tôi. Nước sông mát mẻ, đưa lại sức sống êm dịu cho cơ thể khô héo.”

Chung quanh cha xứ Hoàng Mai, đủ mọi tuổi tác. Người nghe xúc động, nhưng im lặng. Cho đến khi mấy cô gái Mường xứ An Ngãi đứng lên xin phép rút lui, và muốn tặng cha một món quà, được bọc bằng tấm vải lụa. Cha mở ra, và sững sờ: Một cái áo cánh, vải thô, mầu nâu, mẫu Trung Quốc. Trời ơi!, cha nói, cái áo này y như cái áo tôi mặc cho cha Hoàn. Lúc đó, cha đã mất rồi, đâu có cần ăn mặc, nhưng chúng tôi chỉ có áo để tiễn biệt cha. Vậy là công ơn các chị cả.

- Dạ chính vậy. Một thiếu nữ đáp: “Chúng con tham dự vào chiến dịch Điên Biên Phủ. Trên đường về thấy cái cổng trại có đề chữ “Nơi trừng trị bọn phản động gian ác” chúng con tò mò ngắm nghía, thì một vệ binh nói nhỏ: “Trong này có cả mấy ông cha!” Thế là chị em cố làm thân với anh ta. Chúng em đã đánh chiêng để hỗ trợ bộ đội thì bây giờ đến lúc bộ đội đáp lại, nghĩa là vui lòng đưa cho linh mục nào cũng được hai cái áo cánh đây. Anh vệ binh chỉ nhận một cái, không ngờ nó lại đến tay cha. Cái áo thứ hai còn giữ lại, cũng là để tặng cha!

- Cái loại áo này ấm lắm, tôi đã mặc thử. Hôm đó tôi đang bổ củi, dưới trời nắng, hai chân deo xiềng, thì một vệ binh vất vào mặt tôi một bao giấy, không nói gì hết. Mở ra tôi mừng quá, nghĩ đến mùa lạnh sắp tới. Tôi vẫn nghĩ như vậy về cái áo tôi đang cầm trong tay đây, vì biết đâu…

Trời mùa đông bắt đầu trải rộng màn đêm. Cha Thiều xin từ giã bà con để rút vào phòng riêng, và đương nghĩ cách đi tới họ đạo Yên Thổ làm lễ vào chính sáng hôm sau mà chính quyền không kịp kiểm soát. Phải đi về như bóng ma, công an có khi làm ngơ, có khi hạch hỏi, có khi gọi cha là cụ, có khi là anh. Đi về Bình Sa, rồi lọt vào khu thánh đường nhà thờ Lớn, còn gì bằng. Có khi không ai biết gì hết, trừ cha xứ ở đó.

Vài hôm sau, hai vệ binh và một cán bộ Ninh Bình, nét mặt nghiêm nghị như một sĩ quan ở bưng về, tới Hoàng Mai, vào buổi trưa. Đi vào thẳng vần đề: “Cách mạng thả bọn phản động rồi khi cần tóm lại đâu có khó gì. Tại sao ông không ý thức như vậy? Cả một ngày ăn nhậu, hát hỏng, không đủ sao, lại còn bỏ ra kể câu chuyện nhà tù. Ông nói gì cách mạng đều biết cả, kể cả những điều ông nói úp mở. Hai vệ binh đây sẽ đưa ông về huyện Yên Môn và ông sẽ được lệnh của công an ở đó. Đi ngay!”

Cha xứ im lặng. Đâu cần gì lớn tiếng, được lệnh là ra đi, như mấy lần trước. Tuy nhiên lần này công an Ninh Bình can thiệp, có thể là quan trọng. Nhưng bảo là người ta thiếu ý thức thì không đúng. Cha đeo cái sắc cỗ hữu có một vài phụ tùng cho người đi tù, lại có cả áo cánh ấm áp.

Đi Yên Mô. Trên con đường dài, cha xứ đi trước, hai vệ binh không đeo súng theo sát sau. Nhà của hai bên đường im lìm, không gặp ai quen. Sau Yên Mô rồi đi đâu, hướng về Nho Quan hay đi thẳng tới đất Thanh Hóa, gặp lại con sông quen thuộc? Cả giáo phận còn lại một nhóm linh mục, các xứ đạo hoang mang, không người dẫn dắt, không liên lạc bình thường với nhau. Cuộc cải cách ruộng đất bắt đầu khởi sự, sẽ đảo lộn mọi trật tự, sẽ có thể làm tan nát các gia đình, các cộng đoàn. Một phần nào đó, nếu vào nhà tù, đi lao động, chịu mọi khổ hình, nhưng không chịu trách nhìệm của một cha xứ dưới thời cách mạng vô sản, có lẽ an tâm hơn. Những ý tưởng mâu thuẫn lẩn quẩn trong óc. Yên Mô trước mắt kia rồi. Tôi đây, Nguyễn Quang Thiều, cụ Sáu Việt Minh, như có thời người ta gọi tôi như vậy. Bước chân nặng nề, tâm hồn thanh thản. Ơn Chúa như hương trầm tỏa ra khắp nơi, gió bay thoang thoảng, lá cây xào xạc, lời nguyện cầu lâm râm trên đầu môi●

Paris, đêm 23 tháng 12 năm 2007 sau ngày Chúa giáng trần