Trái đất nóng dần!



Cuối tháng Mười Một, trời nắng đổ lửa. Đầu tháng Mười Hai Melbourne tiếp tục vừa nắng lại vừa mưa. Trời hôm nay nắng gắt đổ lửa cháy khô mặt đường nhựa. Chỉ qua một đêm, nhiệt độ 37ºC rớt xuống 18ºC, gió lạnh ngắt, mưa kéo tới. Nắng mưa bất chợt khiến một vài băn khoăn thoáng hằn trên vầng trán… Trái đất tiếp tục nóng dần bởi thán khí dư thừa trên bầu khí quyển. Trái đất ấm đầu, băng tuyết Bắc và Nam Cực tan, hồng thủy kéo tới, nhân loại bồng bế dẫn nhau lên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn tái định cư!?

Thật thà mà nói có lẽ nhiều người vẫn quên đi rằng trái đất vẫn đang tiếp tục chuyển mình tiến hóa. Bây giờ là năm châu: Châu Úc, Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Âu. Nhưng trước đó Nam Mỹ và Châu Phi nhập một, Úc Châu từ dưới Nam Cực trôi lên, Ấn Độ ở đâu đâm sầm vào Nam Á. Cú đụng lịch sử sáng thế của Ấn Độ và Nam Á Châu tạo nên rặng núi Hy Mã Lạp Sơn cao ngất trời, khiến bầu khí quyển thay đổi. Hệ quả đầu tiên của sự thay đổi là Phi Châu không còn là đất xanh tươi sông ngòi rậm rạp rừng cây, nhưng trở nên nắng cháy, đất nứt khô môi. Môi trường sinh thái thay đổi, con người châu Phi bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đi tìm đất mới. Nhóm đi lên Âu Châu, nhóm băng qua Á Châu. Để rồi, ngày hôm nay trái đất trở nên đẹp rực rỡ với bao nhiêu sắc tộc và văn hóa.

Hồi xưa là hỗn độn, rồi là năm châu. Vào trong tương lai sẽ là mấy châu? Có ai biết! Hồi xưa là người từ Châu Phi dẫn ra đa sắc tộc đa văn hóa. Bước tới tương lai, có ai mà biết sắc tộc nào sẽ biến mất, văn hóa nào lại trổi vượt lên? Trái đất vẫn đang tiếp tục những vòng quay tiến hóa.

Hơn 65 triệu năm về trước là khủng long rộn ràng những bước chân khổng lồ móng sắc, rượt đuổi cắn xé con mồi. 65 triệu năm sau, khủng long biến mất; bây giờ là con người đầu mình tay chân mua vé máy bay Qantas bay từ Melbourne, VIC qua Los Angeles, CA du lịch; bây giờ là con người trí tuệ xây cao tòa nhà con sò Opera soi bóng bên cạnh cầu Harbour trứ danh của nước Úc. Nhưng sau con người sẽ là ai? Không ai biết, nhưng trái đất vẫn cứ tuần tự tiếp tục vòng quay tiến hóa.

Tuy nhiên, bởi độ thán khí CO2 dầy đặc bầu khí quyển, khoa học gia thế giới đồng loạt khẳng định với nhau rằng con người hiện đại phải gọi là khá thành công trong những “nỗ lực” tiếp tay, đẩy mạnh, và giúp sức cho địa cầu quay nhanh hơn vòng quay tiến hóa bình thường. Đến ngày hôm nay, khoa học vẫn chưa khẳng định được nguyên nhân nào đã khiến khủng long biến mất trên mặt đất. Nhiều giả thiết được đặt ra, được tranh luận, nhưng được nhiều khoa học gia ưa chuộng nhất vẫn là giả thiết khoảng 65 triệu năm về trước có một vẫn thạch khổng lồ từ ngoài không gian lạc đường đâm sầm vào trái đất khiến bầu khí quyển địa cầu xáo trộn, lấy đi sinh mạng khủng long. Nếu khoa học chính xác về nguyên nhân dẫn đến tình trạng tuyệt chủng của khủng long, người ta có thể nói rằng bởi thiên tai, khủng long diệt vong. Vật làm thì may ra còn né, nhưng trời làm thì chịu. Nhưng ngày hôm nay, không còn bởi thiên tai nữa, nhưng bởi sự vô trách nhiệm của cư dân địa cầu, thán khí tiếp tục bốc hơi bám dầy che kín bầu khí quyển khiến trái đất chuyển mình nóng sốt ho khan.

Rất có thể con người rồi sẽ bước theo vết xe đổ của khủng long!, nếu con người tiếp tục chọn lựa sống thờ ơ và vô trách nhiệm với môi trường sinh thái. (1)

Mùa Vọng là mùa của trông ngóng và hy vọng, hy vọng rất nhiều nhân loại ý thức hiểm họa cận kề. Hơn thế nữa, hy vọng rất nhiều Thiên Chúa ghé mắt thương nhìn, trời cao đổ xuống trần gian bạc vàng ân sủng, phép lạ xảy ra, trái đất thôi nóng, nhưng nguội dần, để đời sống nhân loại tiếp tục sinh sôi, nẩy nở đúng như lời chúc năm xưa của Giavê Thiên Chúa tới muôn loài thụ tạo trong tuần lễ đầu tiên của Sáng Thế Ký (Genesis 1:1-2:4a).

www.nguyentrungtay.com

Chú thích

(1). Hội nghị Bali diễn ra từ ngày 3/12/2007 tới ngày 14 tại Bali, Nam Dương với chủ đề Our Climate Future đề nghị các quốc gia phát triển trên thế giới phải cắt giảm từ 25 tới 40% lượng thán khí vào năm 2020. Trước đó, hội nghị Kyoto nhóm họp tháng 12, 1997 tại Nhật cũng đã có những đề nghị tương tự.