GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
Phật lịch 2546 Số : 01 /VTT/XLTV

THÔNG ĐIỆP XUÂN QUÝ MÙI - 2003

Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Tết đến mang hoa sắc và hương thơm mùa xuân vào nở giữa lòng người, dù ở bất cứ vị trí hay hoàn cảnh nào. Riêng tôi, nơi lưu đày ở quận Nghĩa hành tỉnh Quảng Ngãi hơn hai mươi năm qua, thì mỗi khi xuân đến, tấm lòng ưu tư cho Chánh pháp và Dân tộc của chư Tôn Đức và nam nữ Phật tử, trong cũng như ngoài nước, là những đóa hoa Xuân nở ấm nơi tâm tư. Vậy nhân dịp xuân về, tôi xin gửi đến toàn thể chư liệt vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, nam nữ Cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước lời cầu chúc một năm an lành, như ý và viên thành Phật sự.

Nói đến Phật sự là nói đến quá trình hoằng dương Chánh pháp từ quá khứ đến vị lai. Quá khứ Phật giáo Việt Nam huy hoàng, là nhờ chư lịch đại Tổ sư dày công un đúc. Vị lai Phật giáo Việt Nam tùy thuộc ở hiện tại. Mà hiện tại Phật giáo Việt Nam còn ngổn ngang trăm mối. Tuy nhiên, người con Phật luôn tự tại vô ngại trước mọi hoàn cảnh thịnh suy. Tự tại vô ngại mới thoát ly khỏi hai thái cực bi quan và lạc quan, là sản phẩm nhất thời của những tình cảm nông nổi. Tự tại vô ngại mới vượt khỏi vô minh, cố tín, để hoàn thành sự nghiệp cứu độ và giải thoát quần sinh.

"Bậc chí nhân thị hiện, tất lo việc cứu người, không hạnh nào là chẳng đủ, không việc gì là chẳng làm, không chỉ có sức định tuệ, mà cũng có công phò tá". Đây là lời vua Lý Nhân Tông nói với thiền sư Mãn Giác gần một ngàn năm trước. Đây cũng là tiêu chí của Phật giáo Việt Nam suốt hai ngàn năm qua. Không riêng "sức định tuệ" của người xuất gia hay tại gia trong công cuộc tu trì tự giác, mà còn phải "có công phò tá" việc quốc gia, xã hội bằng chí nguyện lợi tha. Chẳng việc gì là không làm, miễn việc đó nhằm cứu người, miễn việc đó giải thoát xã hội khỏi cảnh lầm than, bất công, miễn việc đó bảo vệ được chủ quyền đất nước từ lãnh thổ đến văn hóa và tinh thần. Từ xưa, chư lịch đại Tổ sư biết rất rõ rằng, phục vụ đất nước là phục vụ cho Phật giáo, vì Phật giáo đặt sự tồn tại của mình trong sự tồn tại của đất nước. Vạn Hạnh thiền sư "trụ tích trấn vương kỳ" (chống gậy trấn kinh vua) là người đã hoàn mãn tiêu chí ấy.

Nhằm khẳng định bản lĩnh của nền văn hóa Phật giáo và văn hóa Việt Nam, nên từ xưa, người Phật tử Việt Nam luôn ngăn chống những nền văn hóa nô dịch, ngoại lai, để bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ quyền sống, quyền tự do tín ngưỡng, quyền hạnh phúc, quyền ấm no cho mỗi con người. Ngoài nỗ lực bảo tồn nền văn hiến Việt Nam, sự khẳng định này cốt làm cho đạo Phật là đạo "ở nhà có thể đem mà thờ cha mẹ, giúp nước có thể đem giáo hóa dân, sống một mình có thể đem trị thân", như Mâ𵠂ác, bậc thức giả Trung quốc ở thế kỷ thứ II Tây lịch nhận xét về Phật giáo nước ta.

Xã hội nước ta ngày nay nhân tâm ly tán, đạo lý suy vong, tệ nạn đầy dẫy, đoàn thể phân hóa, bè đảng hoành hành. Người Phật tử không thể nhắm mắt bước theo nếp sống bại hoại, suy đồi ấy. Mà phải kiến tạo cộng nghiệp thanh cao, tốt lành, để giải trừ cộng nghiệp hắc ám, bi thảm. Sáu phép Lục Hòa là bửu bối cho Giáo hội ta chữa trị những loạn tưởng và lịch sử bi thảm của thời đại. Người đời tranh chấp, giành giật, thì Giáo hội ta hỷ xả, từ bi. Người đời phân hóa, ly tán, thì Giáo hội ta hòa hiệp như ánh sáng với không khí. Áp dụng triệt để sáu phép hòa kỉnh này, nạn sư tử trùng và phân hóa mới chấm dứt, đạo khí bình đẳng hình thành, xã hội bình quân, tương ái mới xuất hiện.

Với trí tuệ Bát nhã, chư lịch đại Tổ sư ở nước ta đã không ngừng khế cơ, khế lý nền giáo lý cao cả của Đức Thế tôn vào mọi bối cảnh đương thời, đương địa, đương cơ. Ngày nay, người Phật tử Việt Nam cần học hỏi và kế thừa truyền thống khế cơ, khế lý của tiền nhân, mà sự sáng tạo trên mọi lĩnh vực của đời sống sẽ là bửu bối cho công cuộc hoằng dương Chánh pháp và cứu khốn trừ nguy.

Chưa bao giờ trong lịch sử nước ta lại có đông đảo Cao tăng và Phật tử có mặt và sinh sống trên năm châu thế giới như ngày nay. Tôi hết lòng kỳ vọng vào chư Liệt vị để tiếng đại hồng chung của Phật giáo Việt Nam thành lời cảnh tỉnh và sức sống tâm linh trên toàn thế giới.

Vì cảnh tù đày, quản chế, ước vọng ấy của hàng Giáo phẩm thuộc Hội đồng Lưỡng viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chưa đủ duyên thi hành, thì nay trông cậy vào toàn thể chư liệt vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, nam nữ Cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước, hiện đang sống trong cảnh tự do, xin chư Liệt vị nỗ lực thực hiện, làm nên một Nhân gian Phật giáo "cư trần lạc đạo" như tôi đã nhắc đến trong Thông điệp Xuân năm ngoái.

Nam Mô Đương lai Đại từ Di Lặc Tôn Phật.
P.L. 2546 - Quảng Ngãi, Xuân Quý Mùi, 2003
Thay mặt Hội đồng Lưỡng viện
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống
(Ký tên và đóng dấu)
Tỳ kheo THÍCH HUYỀN QUANG