Đại sứ Michael Michalak gặp gỡ cộng đồng Việt Nam Nam California, khẳng định 3 ưu tiên--Nhân quyền, Kinh tế và Giáo dục

WESTMINSTER, California (NV) - Trong một ngày Chủ Nhật bận rộn với nhiều cuộc họp mặt với nhiều nhóm trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak một lần nữa khẳng định ba điều ưu tiền hàng đầu trong thời gian ông công tác tại Hà Nội là: Bảo vệ nhân quyền, phát triển kinh tế thương mại giữa hai nước, và giúp cải thiện giáo dục tại Việt Nam.

DB Sanchez, ĐS Michael Michalak, DB Rohrabacher và DB Ed Royce. (Hình: Đỗ Dzũng)
Đây là lần đầu tiên một người đại diện Hoa Kỳ tại Việt Nam đến nghe tiếng nói của công dân Mỹ gốc Việt tại nơi có cộng đồng Việt Nam đông dân nhất nước Mỹ. Đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ, ông Pete Peterson, chưa bao giờ đến Quận Cam. Vị kế nhiệm ông Peterson và tiền nhiệm ông Michalak là Michael Marine chỉ một lần đến đại học UC Irvine theo lời mời của trường này.

Cuộc họp mặt quy mô nhất trong những cuộc gặp gỡ cộng đồng của Đại sứ Michalak, là buổi gặp dân chúng và báo chí tổ chức tại Le-Jao Center, Coastline Community College, Westminster, vào lúc 3 giờ chiều ngày Chủ Nhật. Hơn 200 đồng hương Việt Nam, một số vị dân cử và đại diện truyền thông đã đến dự buổi họp mặt này.

Ngoài buổi gặp gỡ cộng đồng kéo dài 2 tiếng đồng hồ, Đại sứ Michalak còn có những buổi gặp riêng các tổ chức chuyên môn như Phòng Thương mại, Luật sư đoàn, giới lãnh đạo cộng đồng, các nhà dân cử gốc Việt, v.v.

Tại cuộc gặp gỡ cộng đồng ở trung tâm Le-Jao Center, cử tọa đoàn ngoài Đại sứ Michalak còn có Dân biểu Loretta Sanchez, người tổ chức buổi gặp gỡ, và hai dân biểu Dana Rohrabacher và Ed Royce. Vùng Little Saigon nằm trong địa hạt của ba vị dân biểu này.

Trong bài diễn văn mở đầu kéo dài chừng ba phút, đại sứ Michalak cho biết mục đích ông gặp cộng đồng Việt Nam lần này là để lắng nghe nguyện vọng của họ trong sự phát triển bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đã có 17 người phát biểu hoặc đặt câu hỏi liên quan đến Việt Nam, về nhân quyền, kinh tế, bắt bớ dân quê lên Sài Gòn khiếu kiện, bắt những nhà đấu tranh cho tự do ngôn luận cũng như tự do tôn giáo, giáo dục, lao động, môi trường và Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam 2007.

Sau buổi họp, anh Cao Tuệ Anh, cư dân Garden Grove, nói: “Tôi đã nêu lên ba vấn đề lao động, môi trường và chống thải hàng hóa vào Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, nếu Hoa Kỳ giúp Việt Nam phát triển, họ phải quan tâm đến giá lao động của đồng bào chúng ta. Tôi muốn họ có đời sống tốt đẹp hơn, muốn các nước vô đầu tư không làm khổ người dân, không muốn họ phá hoại môi trường thiên nhiên và không muốn Việt Nam trở thành một thùng rác.”

“Môi trường là một quan trọng về lâu về dài,” anh nói tiếp.

Ông Michalak nói trong bài diễn văn mở đầu: “Trong buổi điều trần của tôi tại Thượng Viện trước khi sang Việt Nam tôi đã nói điều đầu tiên tôi sẽ làm là khuyến khích chính quyền Việt Nam cải thiện thêm nhân quyền bao gồm tự do tôn giáo, tự do báo chí và tự do ngôn luận. Trong chuyến viếng thăm của Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, Tổng Thống Bush có nói ‘một điều quan trọng để Việt Nam phát triển là quốc gia này phải phát triển luôn nhân quyền, tự do và dân chủ.’ Một số dân cử khác gặp ông Triết cũng nêu những vấn đề này lên.”

“Vì thế tôi sẽ tiếp tục thực hiện những gì tổng thống và các dân cử đã đề cập. Tôi có rất nhiều công việc phải làm, trong đó có tới 200 điều ưu tiên phải thực hiện, mà đứng đầu là vấn đề nhân quyền,” vị đại sứ nói tiếp.

Ông nói thêm: “Ngoài ra, tôi còn có hai ưu tiên khác nữa. Đó là tham gia và làm cho nền kinh tế Việt Nam mạnh hơn nữa và, không chỉ kiếm tiền, chúng ta sẽ giúp Việt Nam làm việc minh bạch hơn nữa để các nước có thể đầu tư vào thêm.”

“Một ưu tiên khác nữa là phát triển môi trường giáo dục của Việt Nam. Tôi sẽ làm mọi cách để tăng gấp đôi số sinh viên học sinh Việt Nam sang Hoa Kỳ du học.”

Dự luật Nhân quyền Việt Nam

Trong phần mở đầu, ông Thomas J. Bohigian, giám đốc văn phòng tiểu bang của Nghị sĩ Barbara Boxer, cho biết bà Boxer sẽ mở cuộc điều trần tại Thượng Viện về Dự luật Nhân quyền Việt Nam nội trong vài tuần tới. Nghị sĩ Boxer, đại diện tiểu bang California, hiện nay là chủ tịch tiểu ban Á châu Thái Bình Dương trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Được hỏi ông sẽ làm gì để vận động cho Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam, Đại sứ Michalak khẳng định là ông tôn trọng việc làm của ngành lập pháp và do đó ông sẽ không tham gia gì vào việc vận động cho dự luật này. Ông nói: “Tôi là người rất tôn trọng Hiến Pháp Hoa Kỳ. Tôi tin vào sự tam quyền phân lập, tách rời hành pháp và lập pháp. Vì thế, tôi không thể vận động cho dự luật được. Hãy để các vị dân cử của quý vị làm việc này.”

Nhân quyền và tự do tôn giáo

Nhiều lần trong lúc trả lời câu hỏi của cử tọa, Đại Sứ Michael Michalak thừa nhận “Việt Nam có những tiến bộ, mặc dù vẫn còn những vụ vi phạm nhân quyền, và Hoa Kỳ đang từng bước nói chuyện để Việt Nam thay đổi.”

“Chúng ta không thể mong đợi Việt Nam đa đảng trong một thời gian ngắn. Tôi mới làm đại sứ có hơn một tháng. Vị tiền nhiệm của tôi ở đó ba năm mà còn chưa làm được như mong muốn. Tôi hy vọng lần tới gặp quý vị, chúng ta có thể ghi nhận một số thay đổi tại Việt Nam,” vị đại sứ Hoa Kỳ giải thích như vậy.

Ông nói: “Nếu họ không thay đổi, họ sẽ phải tiếp tục nghe chuyện 3 điều ưu tiên của tôi. Và họ sẽ tiếp tục nghe phàn nàn của các vị dân cử đại diện cho quý vị.”

Việc Việt Nam còn cầm tù nhiều nhà tranh đấu cho dân chủ, nhất là Linh mục Nguyễn Văn Lý, được lập đi lập lại nhiều lần.

Đại sứ Michalak khẳng định, “Tôi luôn luôn nhắc nhở phía chính quyền Việt Nam về vụ cha Lý. Tổng Thống Bush khi gặp Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết cũng nhắc đến vấn đề Cha Lý. Phía Việt Nam biết chúng tôi quan tâm, và đang làm hết sức để Việt Nam tôn trọng quyền tự do của người bất đồng chính kiến ôn hòa.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Người Việt trong buổi họp báo sau buổi gặp gỡ cộng đồng, Đại sứ Michalak tiết lộ Việt Nam đang chuẩn bị sửa lại điều 88 luật Hình Sự, tội “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa.”

Đại sứ Michalak cho biết ông đã gặp người Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, và ông này cho biết phía Việt Nam muốn sửa đối điều 88. Một số viên chức cao cấp khác trong chính quyền Việt Nam cũng, theo ông Michalak, cho điều 88 là “lỗi thời và cần được cập nhật hóa. Tôi cho rằng điều này nên bỏ đi.”

Đại sứ Michalak cũng cho rằng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nên đăng ký theo luật tôn giáo mới của Việt Nam. “Hiện nay chúng tôi không biết phía Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã đăng ký chưa, hay đã làm giấy tờ đăng ký mà chưa được chấp thuận.” Tuy nhiên, cả Đại sứ Michalak và Dân biểu Rohrabacher đều khẳng định lập trường của Hoa Kỳ là một nền tự do tôn giáo thật sự thì người dân có thể thờ phượng mà không cần phải xin phép hay đăng ký với chính quyền nào cả.

Một người đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ có thể kêu gọi Việt Nam cho các phái đoàn nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch hoặc Amnesty International (Ân xá Quốc tế) vào trong nước để điều tra hay không, ông Michalak đáp: “Nhân quyền là một cuộc đối thoại lâu dài. Chúng ta vẫn đang cố gắng. Việt Nam có một ít tiến bộ, mặc dù vẫn còn vi phạm vấn đề này. Tôi được biết Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ sẽ đi Việt Nam trong tháng tới.”

Không hợp tác quân sự với Việt Nam

Trả lời một câu hỏi khác của báo Người Việt tai buổi họp báo, ông Michalak khẳng định là trước mắt “Hoa Kỳ sẽ không có sự hợp tác quân sự nào với Việt Nam.”

Tuy nhiên, sẽ vẫn có lúc quân đội hai bên làm việc với nhau, “như chuẩn bị đối phó với dịch cúm gia cầm nếu cơn dịch này trở thành một trận dịch toàn cầu,” ông nêu thí dụ. Ông cũng cho biết phía Hoa Kỳ đã đề nghị hợp tác giúp quân đội Việt Nam trong việc cứu trợ và phòng chống thiên tai. Nhưng về hợp tác quân sự và bán vũ khí, ông Michalak khẳng định là “Không.”

Dân Biểu Ed Royce tiếp lời: “Chúng ta chỉ có thể hợp tác quân sự khi nào Việt Nam cải thiện nhân quyền, không bắt bớ người dân. Vì nếu chúng ta hợp tác, các lực lượng an ninh Việt Nam có thể dùng sự hợp tác này mà bắt bớ người dân.”

“Cá nhận tôi đã thấy lực lượng an ninh hành động như thế nào khi tôi mời người thân của các nhà đấu tranh dân chủ đến uống trà tại tư dinh đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Tôi cũng đồng ý với đồng viện của tôi,” Dân Biểu Loretta Sanchez thêm vào. “Chúng ta không những không muốn bán vũ khí tinh vi (‘sophisticated weapons’) cho Việt Nam, chúng ta còn chẳng muốn bán vũ khí tốt (‘good weapons’) cho Việt Nam.”

Ảnh hưởng của hợp tác kinh tế

Đại sứ Michalak khẳng định việc hợp tác kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã dẫn đến việc minh bạch hóa và cởi mở hơn trong xã hội Việt Nam.

Ông nói, “Các công ty Hoa Kỳ là tấm gương cho giới làm ăn tại Việt Nam. Các hãng Mỹ trả lương cao hơn, đối xử công nhân tốt hơn, có quy chế rèn luyện và có khi có cả săn sóc y tế cho nhân viên.”

Trước đó, trong một cuộc họp mặt riêng tại tư gia Bác sĩ Nguyễn Trọng Việt với một số nhân vật cộng đồng, Đại sứ Michalak nói, “Các công ty Mỹ không ăn hối lộ và cũng không hối lộ. Họ làm gương cho Việt Nam thấy là làm ăn không hối lộ vẫn có thể thành công được.”

Gia tăng số du học sinh

Nói về mục tiêu tăng gấp đôi số du học sinh Việt Nam, Đại sứ Michalak cho biết, “Riêng trong tài khóa 2007, tới nay số thị thực du học cấp ra đã tăng trên 50%. Chúng ta sẽ cố gắng tăng thêm nữa.”

Ông nói thêm, “Hãy tưởng tượng, trong vòng 20 năm nữa, chúng ta sẽ thấy không chỉ tiền của chúng ta đầu tư tại Việt Nam tăng lên mà có thể chúng ta sẽ thấy 75% thành phần chính phủ Việt Nam tốt nghiệp tại Hoa Kỳ.”

Một nhân vật của Cộng Đồng Việt Nam San Diego đặt câu hỏi: “Việt Nam đang đàn áp những nhà bất đồng chính kiến và những người đấu tranh cho tự do. Tại sao Hoa Kỳ lại cho sinh viên Việt Nam vào du học. Sau khi học xong, họ sẽ đàn áp tinh vi hơn. Ông nghĩ thế nào?”

Đại Sứ Michalak đáp: “Tôi tin rằng nền giáo dục Hoa Kỳ là một trong những nền giáo dục hàng đầu trên thế giới và đã tạo ra nhiều lãnh đạo tài năng. Nền giáo dục của Hoa Kỳ là nền giáo dục nên những người tôn trọng dân chủ. Tôi nghĩ sinh viên Việt Nam sang đây du học sẽ có lợi cho Việt Nam phát triển và đi đến dân chủ hơn.”

(Nguồn: Người Việt, Đỗ Dzũng & Vũ Quí Hạo Nhiên)