GIỚI TRUYỀN THÔNG ĐỐI XỬ SỐNG SƯỢNG VỚI ĐTC GIOAN PHAOLÔ VÀ MẸ TÊRÊXA?

Rome (Zenit) – Với những lời kết án Mẹ Têrêxa và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gần đây, dường như giới truyền thông thế tục đang cố gắng gieo mối hoài nghi trên tiếng tăm của hai con người nổi tiếng đức hạnh khắp thế giới này.

Mới đây tạp chí Time tung ra câu chuyện với lời đồn đoán không biết Giáo hoàng Gioan Phaolô II có được trợ tử vào những ngày cuối đời bằng cách rút ống chuyển thực phẩm ra không.

Câu chuyện dựa trên suy diễn của Bác sĩ Lina Pavanelli là một chuyên viên về gây mê tại Ý. Tạp chí Time tường trình là bà Pavanelli “tin rằng các bác sĩ của ĐTC đã theo đúng nhiệm vụ giải thích tình trạng cho Giáo hoàng, và phỏng đoán rằng chính ĐTC là người từ chối không chịu tiếp nhận ống dẫn dưỡng chất sau hai lần được chở tới bệnh viện cứu cấp trong tháng 2 và tháng 3.”

Lời suy đoán của Pavanelli thoạt đầu được phổ biến hồi tháng 5 vừa qua, nhưng đợi cho mãi tới trung tuần tháng 9 khi Thánh bộ Tín lý và Đức tin giải thích các hướng dẫn về việc cung cấp thực phẩm và nước uống cho các bệnh nhân trong “tình trạng thực vật trường kỳ”, báo chí Ý và tạo chí Time mới đăng.

George Weigel, tác giả cuốn “Withness to Hope” (Chứng Nhân Hy Vọng) là một cuốn tiểu sử của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nói với cơ quan thông tấn Zenit: “Pavanelli hoặc là dốt nát hoặc là ma mãnh – có lẽ cả hai.

“Tả phái tại nước Ý không thỏa mãn với Tòa thánh Vatican vì những lời tuyên bố mới đây về cách săn sóc các bệnh nhân trong trạng thái thực vật; đây là cách họ trả thù.

“Không có ai đứng đắn lại coi đó là chuyện nghiêm chỉnh cả.”

Đêm tăm tối

Trước khi có cuộc hỗn chiến gần đây nhất về những sự việc liên quan đến cái chết của ĐTC Gioan Phaolô II, đã có các cuộc thảo luận được quảng bá rùm beng về kinh nghiệm của Mẹ Têrêxa trải qua cảm giác sâu xa nỗi hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Giới truyền thông ngoài đời nghi ngờ sự thành tâm của Mẹ Têrêxa, cho là mẹ bị cám dỗ nặng nề về đức tin. Cũng chính tạp chí Time đã đưa tin về hiện tượng đó.

Cha Brian Kolodiejchuk, là cáo thỉnh viên án phong thánh cho Mẹ Têrêxa và là người biên tập cuốn sách nói về các thư từ Mẹ Têrêxa để lại (nhan đề: Mother Teresa: Come Be My Light, Hãy Đến Trở Thành Ánh Sáng Của Cha) nói với hãng tin Zenith: “Trước hết, chúng ta cần công nhận rằng những khía cạnh trong cuộc sống tâm linh Kitô giáo thảo luận trong cuốn sách không được nhiều người biết đến hoặc không dễ hiểu biết tường tận, và đối với một số người khác, không dễ chấp nhận, ngay cả những Kitô hữu thuần thành – chẳng hạn như :’Tại sao các thánh phải khổ đau nhiều như thế?’

”Còn về giới truyền thông thế tục, tôi nghĩ một lý do căn bản tại sao đêm tăm tối của Mẹ Têrêxa đã bị giải thích sai lạc là vì tính cách thiển cận họ dùng để lý giải bóng tối.”

“Bài viết trên tạp chí Time, trên tổng thể, ngoài tiêu đề và bức hình ngoài bìa ra, còn cố trình bầy các sắc thái khác biệt của đêm tối tăm trong đời Mẹ Têrêxa.”

Vì ngu muội?

Cha nói tiếp: “Nhiều người khác vội nhẩy xổ vào một vài phát biểu của Mẹ Têrêxa và do vậy hoàn toàn trình bày sai lạc về bóng tối, chẳng hạn tiêu đề một bài báo: ‘Điều bí mật của Mẹ Têrêxa: Tôi không có đức tin’. Một số có thể đã làm như thế chỉ vì ngu muội, còn một ít người khác thì cố tình làm mất thế giá của Mẹ.

”Có lẽ một số người đã mất niềm tin, hoặc là yếu nhân đức tin hoặc không tin gì hết, cảm thấy mình được ‘biện minh’ phần nào, nghĩ rằng :’Ngay cả Mẹ Têrêxa mà còn không có niềm tin hay ít ra cũng nghi ngờ về đức tin của mình, thế thì làm sao người ta lại đòi hỏi tôi phải có lòng tin chứ?’ Và những người khác trong các cuộc ‘chiến về văn hoá’ đã rất vui thích khi hạ được giá trị của các vị anh hùng của phe bên kia.

“Những kẻ không có kinh nghiệm hoặc chuyên môn về tâm linh học hoặc tâm lý học nên có lương tri và lòng khiêm tốn, đừng làm ra bộ có thể phân tích được những gì quả thật ngoài tầm hiểu biết của mình.”

Lm George Rutler, tác giả cuốn sách “Coincidentally” (Một cách ngẫu nhiên) do Crossroad Books xuất bản, và thường xuyên viết bình luận cho tạp chí Crisis, nói với hãng tin Zenit rằng các nhà báo thường làm đảo ngược vai trò của họ: “Nghề làm báo là để tường thuật các sự việc. Những người thổi phồng cái tôi trong nghề làm báo lại nghĩ rằng họ có phận sự thay hình đổi dạng các sự việc.

“Điều này, bất hạnh thay, khuyến khích một thiểu số đáng kể, thực sự nói dối để hoàn thành một mục tiêu. Khi không có niềm tin vào sự thực khách quan, tất cả đều chỉ là tuyên truyền, cũng như trong chính trị, công lý được thay thế hoàn toàn bẳng quyền lực.”

Nhà bình luận nói trên cũng công nhận rằng tường trình sai lạc không phải lúc nào cũng là do cố ý: “Đã từng làm việc lâu với giới truyền thông, tôi được biết rằng hầu hết những người liên hệ đến các ngành truyền thông khác nhau đã không cố tình lừa dối. Nhiều người bị hạn chế vì lý do đã không được huấn luyện.”

Phụng Nghi