CITTA’ DEL VATICANO, 19.09.2007 (ZENIT.org). Đức Thánh Cha Benedetto XVI trong buổi triều yết chung thứ tư hàng tuần quảng trường Thánh Phêrô đã trình bày những nét đặc trưng trong giáo huấn của Thánh Gioan Kim Khẩu

Nhân kỷ niệm 1600 năm ngày mất của Thánh Gioan Kim Khẩu (407-2007), Đức Thánh Cha đã nêu bật lên đặc điểm của thánh nhân: “giáo phụ thành Antiochia, được mệnh danh “Kim Khẩu” bởi nghệ thuật giảng thuyết độc đáo, vẫn còn sống mãi giữa chúng ta. Những giáo huấn của ngài cho phép chúng ta, như các tín hữu thời bấy giờ, sống theo lời ngài dạy cho dẫu ngài không có mặt ở địa phận vì bị lưu đày.”

Thánh Gioan Kim Khẩu sinh năm 349 tại Antiochia, Siria (hiện nay là Antakya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ), theo đuổi đời sống tu trì từ năm 11 tuổi, cho đến năm 397 được tấn phong giám mục thành Costantinopoli, thủ đô của vương quốc thời bấy giờ và cai quản ở đó cho đến trước khi ngài bị lưu đày hai lần, năm 403 và 407.

Mồ côi cha, Gioan sống với người mẹ là Antusa, người đã dạy dỗ Gioan có được một cảm thức nhân bản và một đức tin Kitô giáo mạnh mẽ. Theo học tiểu học và trung học, sau đó thành công với các khoá học về triết học và thuyết giảng, ngài là một nhà thuyết giáo nổi tiếng thời bấy giờ (thời Hy Lạp cổ đại). Lãnh nhận phép rửa tội năm 368 và được đào luyện bởi giáo mục Melezio. Từ năm 367 đến 372, sống theo lối Asceterio, một hình thức đan tu ở Antiochia, cùng với một nhóm trẻ, một số sau này trở thành các giám mục dưới sự hướng dẫn của nhà chú giải nổi tiếng Diodoro thành Tarso, đã hướng Gioan theo lối chú giải văn tự và lịch sử, đặc trưng của truyền thống Antiochia.

4 năm sau đó ngài chuyển đến sống đời đan sĩ gần núi Silpio và theo lối sống ẩn tu này thêm 2 năm nữa. Trong thời gian này ngài quyết định dành cả cuộc đời để suy niệm “Lề Luật của Đức Kitô”, tin mừng và đặc biệt là các thư của thánh Phaolo. Bị bệnh, không thể tự mình chữa khỏi và vì thế bắt buộc ngài trở về với cộng đoàn kitô hữu ở Antiochia. Thiên Chúa đã can thiệp đúng trong lúc đau khổ bệnh tật để Gioan có thể theo đúng ơn gọi của mình. Chính thánh nhân đã viết rằng chính ngài rất ấn tượng với đời sống đan sĩ và hệ tại ở điều này mà thánh nhân cảm nhận tiếng gọi của Chúa, hoàn thiện ơn gọi của mình.

Từ năm 378 đến năm 379 thánh nhân trở về thành phố, lãnh tác vụ phó tế năm 381 rồi thụ phong linh mục năm 386 trở nên nhà giảng thuyết xuất sắc. Các bài giảng của ngài, dựa trên những chứng nhân tử đạo ở Antiochia để chống lại lạc giáo Ariô, mang giáo huấn mạnh mẽ về đức tin vào Đức Kitô và các thánh nhân.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã để lại nhiều trước tác: 17 bài viết, 700 bài giảng, những bài chú giải tin mừng đa số về Matthêu và các thư của Phaolo (thư gửi giáo đoàn Roma, Corinto, Efesô và tín hữu Do Thái) và 241 lá thư các loại. Không phải là một nhà thần học hệ thống, nhưng thánh nhân đã giảng dạy và chuyển giao giáo lý tinh tuyền và chắn chắn của Giáo Hội trong một thời đại mà lạc giáo Ariô muốn chối bỏ thần tính của Đức Kitô. Ngài là chứng nhân của sự phát triển thần học tín lý của giáo hội thế kỷ IV-V. Thần học của ngài thiên về thần học mục vụ, có nghĩa là mối bận tâm tìm kiếm sự nhất quán giữa tư tưởng và cuộc sống, và chính điều đó hình thành nên những bài giáo lý tuyệt vời, chuẩn bị cho tân tòng lãnh nhận các bí tích. Trước khi qua đời thánh nhân xác quyết rằng giá trị của con người hệ tại ở hiểu biết giáo lý chân thật và sự ngay thẳng trong đời sống. Hai điều này đi đôi với nhau: sự hiểu biết sẽ hướng dẫn cuộc sống. Tất cả giáo huấn của ngài giúp các tín hữu thực hành sự khôn ngoan, sử dụng lý trí để hiểu và hướng đến cuộc sống đức tin.

Gioan Kim Khẩu hướng những bài giáo huấn của mình đến sự phát triển toàn diện con người, từ khía cạnh thể lý, tri thức và tôn giáo. Những bước khác nhau của sự phát triển con người được so sánh với những biển khác nhau trong đại dương rộng lớn: đầu tiên là thời thơ ấu (bài giảng 81, chú giải tin mừng theo thánh Mattheu). Quả thực ở lứa tuổi này bắt đầu hình thành những thói quen và các nhân đức, vì thế lề luật của Thiên Chúa phải được giáo huấn ngay từ đầu, vì đây là giai đoạn quan trọng nhất. Tiếp theo đó là thời niên thiếu và thanh niên, sau đó là giai đoạn hôn nhân: đây là giai đoạn của người trưởng thành, lãnh trách nhiệm trong gia đình; giai đoạn này đánh dấu quan trọng trong việc thực thi nhân đức tiết độ, hướng dẫn gia đình để trở thành một giáo hội thu nhỏ.

Những giáo huấn của thánh Gioan Kim Khẩu còn hướng đến đời sống phụng vụ, nơi mà cộng đoàn kitô hữu cùng nhau chia sẻ Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Nơi đây cộng đoàn hiệp nhất trong một giáo hội duy nhất: Lời Chúa được rao giảng mọi nơi cho mọi người, Thánh Thể mang lại sự hiệp thông.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý của ngài nêu bật lên rằng những giáo huấn của thánh Gioan Kim Khẩu có giá trị cho tất cả các tín hữu trong đời sống gia đình và trong xã hội, và nguyện xin Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người chúng ta trở nên dẽ dạy với Chúa Thánh Thần, với giáo huấn của thánh nhân là bậc thầy của đức tin.

Hồng Ân