WASHINGTON DC -- Cảnh ngộ khốn cực của người tị nạn Iraq thật khủng khiếp, nhất là đối với trẻ thơ, cần được sự gia tăng trợ giúp về phía Hoa kỳ. Đó là chủ đề lá thư đề ngày 26 tháng 7 của Đức Hồng Y Theodore McCarrick và Đức Giám mục Nicholas DiMarzio gửi bà Bộ trưởng Ngoại giao Condoleezza Rice.
“Điều rõ rệt là các quốc gia chúng tôi thăm viếng đang có nhu cầu khẩn thiết được Hoa kỳ và cộng đồng quốc tế trợ giúp thêm để có nơi cư trú an toàn cho 2 triệu người Iraq tị nạn. Nếu không có lời cam kết gia tăng của đất nước chúng ta và của các quốc gia khác, chúng tôi sợ là những nước đó sẽ không còn đón nhận và che chở những người tị nạn nữa, đặc biệt là khi tình hình an ninh tại Iraq tồi tệ hơn và có nhiều người Iraq bỏ nhà đi lánh nạn.”

Các vị chức sắc nói trên của Giáo hội đã nhấn mạnh đến tình trạng “thiếu ngân khoản để bảo đảm cho việc đáp ứng các nhu cầu căn bản của người tị nạn và gia đình họ.” Các ngài cho biết “nhu cầu về chăm sóc y tế vẫn chưa có đủ.” Và “đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương.”

Các ngài cũng thúc giục Hoa kỳ “hành động khẩn thiết hơn cho giai đoạn chuyển tiếp có trách nhiệm nhằm chấm dứt chiến tranh tại Iraq, và nói rằng “sự hiện hữu của một số lớn người tị nạn đáng thương là hệ quả bi đát và bất hạnh do chiến tranh gây ra.” Bức thư như sau:

Thưa Bà Ngoại truởng,

Chúng tôi viết cho Bà về một vấn đề khẩn thiết cần được Bà và Tổng thống Bush chú ý tới – đó là cảnh khốn khó của những người tị nạn đã trốn chạy cuộc xung đột tại Iraq.

Chúng tôi - đại diện cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ - mới trở về sau sứ mạng thăm viếng vùng Trung Đông để quan sát tình hình người tị nạn Iraq. Phái đoàn của chúng tôi gồm có các đại diện của Ủy ban Công giáo Quốc tế về Di cư và của Cơ quan Bác ái Công giáo, đã viếng thăm Thổ nhĩ kỳ, Lebanon, Jordan và Syria trong thời gian hai tuần lễ.

Điều rõ rệt là những quốc gia mà chúng tôi thăm viếng đang cần thiết sự trợ giúp thêm nữa của Hoa kỳ và cộng đồng quốc tế để có thể cung cấp nơi cư trú an toàn cho gần 2 triệu người Iraq tị nạn trong khu vực này. Nếu không có sự cam kết trợ giúp thêm của quốc gia chúng ta và của các nước khác, chúng tôi sợ là những nuớc này sẽ không còn đón nhận và che chở những người tị nạn nữa, đặc biệt là khi tình trạng an ninh tại Iraq tồi tệ hơn và có nhiều người Iraq bỏ nhà đi lánh nạn.

Nhận xét đầu tiên trong chuyến viếng thăm của chúng tôi, là thấy không còn đủ ngân quỹ để đảm bảo việc đáp ứng cho các nhu cầu căn bản của người tị nạn và gia đình họ. Nhiều người trong số những gia đình này đã tiêu pha hết số tiền dành dụm được và nay phải sống nhờ vào Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, các tổ chức phi chính phủ hoặc vào chính quyền nơi họ tị nạn.

Những người tị nạn này cần được chăm sóc về y tế, nhưng một số chính quyền sở tại lại không có đủ phương tiện. Chúng tôi thấy trong số những người cần các dịch vụ y tế có một số lớn bị ung thư cũng như bị chấn thương về tình cảm và tâm lý.

Đặc biệt là trẻ con dễ bị tổn thương. Nhiều em bị bệnh về thể xác và tâm thần do hậu quả của chiến tranh xung đột. Thêm vào đó, vấn đề giáo dục học vấn cho các em vẫn còn là trở ngại chính yếu. Tình trạng của các em nhỏ càng tồi tệ đi vì nhiều em bó buộc phải làm việc một cách bất hợp pháp để giúp đỡ gia đình.

Nhận xét thứ hai là nhu cầu tái định cư người tị nạn Iraq tại các quốc gia thứ ba. Những người Iraq đã làm việc cho chính phủ ta hoặc cho các nhà thầu Hoa kỳ tại Iraq đã trở thành mục tiêu và khó có thể trở về Iraq trong tương lai. Những người tị nạn đáng thương, như các phụ nữ độc thân làm chủ gia đình, người cao tuổi, và những trẻ em không có thân nhân đi kèm, nên được cứu xét để cho đi định cư. Những người thiểu số theo đạo, đặc biệt là các người theo Kitô giáo và Sabeans (Mandeans) cũng là mục tiêu bách hại của những phần tử cực đoan tại Iraq.

Trong khi chúng tôi được khích lệ do lời cam kết sơ khởi của Bộ Ngoại giao về việc xúc tiến công tác định cư cho 7000 người tị nạn Iraq vào cuối năm 2007, thì chúng tôi thấy bất mãn vì vào thời điểm này số người được đi định cư đúng kỳ hạn còn quá thấp. Sau cuộc thăm viếng, chúng tôi nhận thấy ngay cả việc định cư cho 7000 người tị nạn mà Hoa kỳ cam kết cũng vẫn chưa đủ theo nhu cầu đòi hỏi. Chúng tôi thúc giục xin bà làm mọi cách để bảo đảm mục tiêu sơ khởi là định cư cho 7000 người được tiến hành càng sớm càng tốt nhằm gia tăng con số người đến định cư trong tài khóa 2008 để cho những người đáng thương này tìm được chỗ dung thân.

Thưa Bà Ngoại Trưởng, cảnh khốn cùng của những người Iraq tị nạn kêu gọi quốc gia chúng ta hành động khẩn thiết hơn nữa để có được một sự “chuyển tiếp có trách nhiệm” nhằm chấm dứt chiến tranh tại Iraq. Sự hiện hữu của 1 số lớn người tị nạn đáng thương là hệ quả bi thương và bất hạnh của chiến tranh.
Là quốc gia lãnh đạo các lực lượng liên minh tham dự vào cuộc xung đột này, Hoa kỳ phải chứng tỏ sự lãnh đạo về vấn đề người tị nạn Iraq. Không có sự lãnh đạo của chúng ta, khó mà cộng đồng quốc tế có thể điền khuyết vào chỗ trống được. Chúng tôi thúc giục bà đệ đạt nhu cầu khẩn yếu này để Tổng thống quan tâm và hành động càng sớm càng tốt để bảo vệ những người tị nạn đáng thương đó.
Xin cám ơn sự xem xét của bà đối với những quan tâm của chúng tôi

Hồng Y Theodore McCarrick, Tổng Giám mục Washington
Nhân viên Tham vấn, Ủy Ban đặc trách Di dân thuộc Hội đồng Giám mục Hoa kỳ
Nhân viên Ban điều hành Cơ quan Bác ái Công giáo

Nicholas DiMarzio, Giám mục Brooklyn, New York
Nhân viên tham vấn Ủy Ban đặc trách Di dân thuộc Hội đồng Giám mục Hoa kỳ
Thủ quỹ Cơ quan Bác ái Công giáo