Quan niệm về ”Giáo Hội” theo thần học công giáo và vấn đề đại kết

Phỏng vấn nữ thần học gia người Đức Jutta Burggraf, giáo sư thần học hệ thống và đại kết, về tài liệu do Bộ Giáo Lý Đức Tin mới công bố trả lời cho vài vấn nạn về Giáo Hội

Ngày mùng 10-7-2007, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố tài liệu trả lời một số vấn nạn về Giáo Hội, giúp tránh các giải thích sai lạc hay giảm thiểu liên quan tới giáo lý về bản chất Giáo Hội.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng, Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, Thư ký Bộ, cho biết đứng trước các giải thích sai lạc hay giảm thiểu giáo lý Công Đồng về Giáo Hội, Bộ Giáo Lý Đức Tin muốn minh xác một số kiểu diễn tả giáo hội học của huấn quyền, có nguy cơ bị hiểu lầm trong cuộc tranh luận thần học.

Tài liệu gồm 5 câu hỏi và 5 câu trả lời tổng hợp chính xác cho các nghi ngờ về việc giải thích đúng đắn giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticăng II về Giáo Hội. Câu hỏi thứ nhất muốn biết Công Đồng Chung Vaticăng II có thay đổi giáo lý về Giáo Hội có trước đó hay không? Câu hỏi thứ hai muốn biết phải hiểu khẳng định Giáo Hội của Chúa Kitô tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo như thế nào? Câu hỏi thứ ba là tại sao lại chọn kiểu nói ”tồn tại trong”, mà không dùng kiểu nói đơn sơ ”là”? Câu hỏi thứ tư tại sao Cộng Đồng Chung Vaticăng II gán tên ”các Giáo Hội” cho các Giáo Hội đông phương, tách rời khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo? Câu hỏi thứ năm tại sao các văn bản của Công Đồng và của Huấn Quyền tiếp theo không gán tước hiệu ”Giáo Hội” cho các cộng đoàn Kitô nảy sinh từ phong trào cải cách của thế kỷ XVI?

Tài liệu đã gây ra một số phản ứng tiêu cực đặc biệt từ phía các Giáo Hội Tin Lành. Nhiều người bi quan cho rằng nó phá hủy những gì đã đạt được trong cuộc đối thoại đại kết từ mấy chục năm qua.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn nữ thần học gia người Đức Jutta Burggraf, giáo sư thần học hệ thống và đại kết tại đại học Navarra, bên Tây Ban Nha, về tài liệu nói trên của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Theo giáo sư Jutta tài liệu này đụng tới vết thương lịch sử, nhưng đồng thời cũng chỉ cho thấy hướng đi phải theo trong cuộc đối thoại thần học tương lai.


Hỏi: Thưa giáo sư Burggraf, tài liệu mới của Bộ Giáo Lý Đức Tin minh xác rằng nó không đem lại điều gì mới mẻ, mà chỉ nêu bật giáo lý của Giáo Hội trước vài kiểu giải thích sai lầm. Trong nghĩa đó phong trào đại kết đã phạm phải lỗi lầm nào?

Đáp: Thực ra có thể coi phong trào đại kết như là một phong trào duy nhất, do chính Chúa Thánh Thần khởi xướng, nhằm mục đích thăng tiến sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô toàn thế giới. Mỗi cộng đoàn Kitô tham dự vào phong trào này theo viễn tượng riêng của mình. Và mỗi cộng đoàn hiểu sự hiệp nhất ước mong theo cách thế của mình.

Hiện nay lý thuyết nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất là ”lý thuyết các nhánh”. Nó đã được ”Hiệp hội thăng tiến hiệp nhất các tín hữu Kitô” khởi xướng hồi thế kỷ XIX, và được phát triển trong thế kỷ XX. Theo lý thuyết này, Kitô giáo được coi như là một cái cây. Các cộng đoàn khác nhau có cùng một thân, từ đó phát xuất nhiều nhánh khác nhau nhưng cũng giống nhau: Giáo Hội Công Giáo, các Giáo Hội Chính Thống và các Giáo Hội trực tiếp hay gián tiếp nảy sinh từ phong trào cải cách tin lành.

Các tín hữu công giáo không thể chấp nhập lý thuyết này, và họ không tìm một ”siêu Giáo Hội” với quan niệm liên bang về sự hiệp nhất. Theo lòng tin của chúng tôi, sự hiệp nhất Giáo Hội của Chúa Kitô không phải là một thực tại tương lai, không có hiện nay, mà chúng ta phải cùng nhau tạo ra. Nó cũng không phải là một điều được chia ra cho các cộng đoàn khác nhau, đôi khi ủng hộ các giáo lý trái ngược nhau. Trái lại, nó là cái gì, mà trong nõi tủy chính yếu của nó, đã có rồi và đã luôn luôn hiện hữu và tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo: nó được hiện thực trong Giáo Hội Công Giáo, qua sự trung thành của Thiên Chúa dọc dài lịch sử, mặc dù có các yếu đuối của con cái Giáo Hội.

Hỏi: Như thế, có thể khẳng định rằng sự hiệp nhất của Giáo Hội đã có rồi phải không, thưa giáo sư?

Đáp: Từ đại kết ”oecumenismo” phát xuất từ hai từ hy lạp ”oikein” có nghĩa là ”ở” và ”oikos” có nghĩa là ”nhà”. Dọc dài lịch sử các từ này đã có các ý nghĩa khác nhau. Các tín hữu Kitô dùng chúng để nói về Giáo Hội như là ngôi nhà lớn của Thiên Chúa.

Cánh cửa để bước vào Giáo Hội là bí tích Rửa Tội, được ban theo lễ nghi đã thiết lập, và trong lòng tin nhận được từ Chúa Kitô. Lòng tin này phải chấp nhận ít nhất hai mầu nhiệm lớn nhất được mặc khải là mầu nhiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể. Như vậy, tất cả mọi người đã được rửa tội trong các điều kiện này đều được tháp nhập vào Chúa Kitô và bước vào Nhà Chúa. Họ có thể đau yếu, hay chết đi về phần tinh thần, nhưng không ai có thể đuổi họ đi được. Vì thế, Công Đồng Chung Vaticăng II mới nhắc nhớ rằng: không phải chỉ có các tín hữu công giáo mới là tín hữu Kitô, mà tất cả mọi người đã được rửa tội trong mức độ, mà các cộng đoàn của họ duy trì lòng tin tối thiểu này nơi hai mầu nhiệm nói trên. Thánh Agostino nói rằng: ”họ là các anh chị em của chúng ta, và sẽ luôn là anh chị em của chúng ta cho tới khi nào họ không ngừng nói ”Lậy Cha chúng con”. Ơn thánh của Thiên Chúa hoạt động cùng một cách thức nơi một trẻ em sơ sinh được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo, cũng như nơi một trẻ em sơ sinh được rửa tội trong Giáo Hội chính thống hay tin lành.

Hỏi: Như thế, việc đại kết theo viễn tượng công giáo hệ tại chỗ nào thưa giáo sư?

Đáp: Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn các anh chị em của chúng ta trong lòng tin, không chỉ từ khía cạnh tiêu cực của sự kiện họ không phải là công giáo, mà từ lăng kính tích cực của thực tại họ là các tín hữu đã được rửa tội. Họ là các anh chị em Kitô khác, nhưng hiệp nhất một cách sâu đậm với chúng ta: vì chúng ta ở chung trong cùng một nhà.

Như vậy, Nỗ lực đại kết không hệ tại việc tạo ra sự hiệp nhất, mà là khiến cho nó trở thành hữu hình đối với mọi người, bằng cách vượt thắng các chia rẽ ngăn cản Giáo Hội tỏ lộ cho thế giới thấy mình trong tất cả sự rạng ngời đích thực của mình. Vì thế cần phải tìm kiếm một hình thức giáo hội, bao gồm các khác biệt hợp pháp trong lãnh vực thần học, tu đức và phụng tự, một cách trọn vẹn chừng nào có thể. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã từng khẳng định rằng: trong mức độ mà chúng ta thành công trong việc thực hiện một sự đa dạng tốt lành thánh thiện, Giáo Hội sẽ rạng ngời xinh đẹp hơn nữa, vì sự khác biệt của các lễ nghi, và giống như nữ tử của Vua Tối Cao, Giáo Hội sẽ xuất hiện với một y phục nhiều mầu.

Khi khởi hành từ nguyên tắc tích cực này, một Kitô hữu không lên án và không khước từ ”các anh chị em khác”, nhưng tìm đưa ra ánh sáng gốc rễ chung của tất cả các niềm tin Kitô, và vui mừng khi khám phá ra nơi các Giáo Hội khác các sự thật và các gía trị, mà có lẽ họ đã không chú ý đủ trong cuộc sống cá nhân của mình. Người ta hiểu rằng khi khởi hành từ viễn tượng này, Công Đồng Chung Vaticăng II đã mở đường cho một sức sống và sự phong phú lớn cho Giáo Hội. Công Đồng đã mở rộng con đường đó, trước hết bằng cách làm cho chính Giáo Hội công giáo dấn thân ý thức trở lại việc tự thanh tẩy chính mình và liên lỉ canh tân.

Hỏi: Thưa giáo sư Jutta, các anh chị em tin lành đã phản ứng ra sao trước sự kiện Giáo Hội công giáo không coi họ như là một Giáo Hội, nhưng như là các cộng đoàn giáo hội?

Đáp: Phản ứng trước tiên là một sự thất vọng lớn nơi các tín hữu tin lành cũng như nơi nhiều tín hữu công giáo. Điều này dễ hiểu thôi, vì nhiều phương tiện truyền thông đã cho tin một cách giật gân, mà không giải thích rằng có nhiều cách sử dụng từ ”Giáo Hội”.

Trong nghĩa văn hóa, xã hội và tôn giáo, hằng ngày chúng ta nói tới các ”Giáo Hội tin lành”, chẳng hạn như ”Giáo Hội tin lành Đức”, mà không có vấn đề gì. Chúng ta cũng gọi chúng là ”Giáo Hội” trong nghĩa thần học rộng rãi hơn, trong mức độ chúng thuộc nhà của Thiên Chúa, tức là thành phần của Giáo Hội của Chúa Kitô. Tuy nhiên, trong nghĩa hẹp - theo nền thần học công giáo - chúng ta không gọi chúng là ”Giáo Hội”, vì chúng thiếu một yếu tố tạo thành nền tảng để là Giáo Hội: đó là sự kế vị tông đồ trong bí tích truyền chức.

Nhưng mà đây không phải là một sự kỳ thị. Trái lại, nó cho thấy sự tôn trọng sâu xa đối với các anh chị em khác. Các anh chị em tin lành chắc chắn ước mong là ”Giáo Hội của Chúa Kitô”, và họ là Giáo Hội của Chúa Kitô, nhưng cho tới nay, họ không muốn là ”Giáo Hội” theo nghĩa mà các tín hữu công giáo hiểu. Chẳng hạn họ không coi chức linh mục như là một bí tích. Nói cách khác, họ không nói tới các ”linh mục” như là tư tế, mà nói tới các ”mục sư” nam nữ như là các mục tử. Trong cùng đường hướng này, chúng ta có thể phân biệt Giáo Hội theo nghĩa công giáo với Cộng Đoàn.

Hỏi: Thưa giáo sư đâu là tảng đá ngầm lớn nhất đối với phong trào đại kết hiện nay?

Đáp: Đó là giáo hội học. Như thế tài liệu của Bộ Giáo Lý Đức Tin đã đụng vào vết thương, nhưng đồng thời cũng chỉ cho thấy hướng đi mà cuộc đối thoại đại kết phải theo trong tương lai.

Theo Công Đồng Chung Vaticăng II có nhiều cách khác nhau tùy thuộc nhà của Chúa Kitô. Việc tùy thuộc là tràn đầy, nếu một người, qua bí tích Rửa Tội, đã gia nhập Giáo Hội và hiệp nhất với Giáo Hội qua một mối dây gồm ba chiều kích: chấp nhận tất cả lòng tin, chấp nhận tất cả các bí tích và chấp nhận quyền tối thượng của Đức Thánh Cha. Đó là trường hợp của các tín hữu công giáo. Trái lại, sự tùy thuộc không tràn đầy, nếu một người được rửa tội từ chối một hay nhiều chiều kích của mối dây đó, một cách hoàn toàn hay một phần. Đó là trường hợp của các Kitô hữu chính thống hay tin lành. Các Kitô hữu chính thống không thừa nhận quyền tối thượng của Đức Thánh Cha; trong khi các Kitô hữu tin lành vừa không thừa nhận quyền tối thượng của Đức Thánh Cha vừa không thừa nhận tất cả các bí tích.

Tuy nhiên, để đươc ơn cứu rỗi, việc tùy thuộc Thân Mình của Chúa Kitô một cách tràn đầy hay không, không đủ. Sự kết hiệp với Linh Hồn của Chúa Kitô, là Chúa Thánh Thần - theo hình ảnh mà chúng tôi dùng - lại còn quan trọng hơn nữa và không thể thiếu được. Nói cách khác, chỉ có người nào sống trong ơn thánh thì mới đạt cuộc sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa mà thôi. Người đó có thể là tín hữu công giáo, anh giáo, luther hay chính thống hoặc cả thành phần của một tôn giáo khác nữa.

Các cơ cấu hữu hình của Giáo Hội chắc chắn là cần thiết. Nhưng trong nõi tủy sâu thẳm nhất của nó, Giáo Hội là sự kết hiệp với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Vậy ai là ”Giáo Hội” nhất? Đó là người kết hiệp với Chúa Kitô nhất. Đó là người yêu Chúa nhất.

Thật là ý nghĩa sự kiện Chúa Giêsu lấy người ”Samaritano” làm mẫu gương của tình bác ái cho chúng ta, một người thời đó bị coi như là một kẻ lạc giáo. Thánh Alberto Cả khẳng định rằng: ”Người giúp tha nhân đau khổ - trên bình diện tinh thần cũng như vật chất - thì đáng ca ngợi hơn là một người xây một nhà thờ chính tòa tại mỗi chặng trên con đường từ Koeln tới Roma, để cho người ta ca hát và cầu nguyện cho tới tận cùng thời gian. Vì Con Thiên Chúa khẳng định rằng: Ta đã không sống cái chết cho một nhà thờ chính tòa, cũng không phải cho các bài ca và lời cầu, nhưng đã sống cái chết cho con người”.

Hỏi: Xin giáo sư nói thật, giáo sư có nghĩ rằng phong trào đại kết ngày nay có sức khỏe tốt không?

Đáp: Cuộc đối thoại đại kết đang phát triển mạnh trên nhiều mức độ khác nhau. Các tín hữu công giáo, chính thống và tin lành đã xích lại gần nhau hơn, đã học hiểu biết nhau, đã bỏ các thành kiến và các kiểu suy tư cũ và đã nhận ra rằng sự chia rẽ của họ là một gương mù gương xấu cho thế giới và trái nghịch với các chương trình của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể nói một cách không qúa đáng rằng, trong các thập niên qua chúng ta đã tiến tới trên con đường hướng về sự hiệp nhất trọn vẹn, nhiều hơn là trong nhiều thế kỷ trước.

Tuy nhiên, ”sự hứng khởi đại kết” sau Công Đồng Chung Vaticăng II đã suy giảm. Người ta đã mất đi ảo tưởng khá phổ biến trên thế giới, cho rằng các khác biệt giữa các cộng đoàn Kitô khác nhau có thể biến mất một cách tương đối dễ dàng. Người ta đã thấy rằng con đường còn dài và khó khăn. Nhưng chúng ta không trải qua một cuộc khủng hoảng. Đúng hơn chúng ta đang ở trong một tình trạng trưởng thành hơn: vì ngày nay chúng ta thấy một cách rõ ràng hơn điều kết hiệp chúng ta và điều chia rẽ chúng ta. Một phong trào đại kết vững chãi thì dựa trên xác tín, mặc dù có các khó khăn, chúng ta phải thử cộng tác, đối thoại và nhất là cầu nguyện chung với nhau, trong hy vọng khám phá ra sự hiệp nhất thật ra đã có. (Radio Vatican 20-7-2007)