LỜI TRẦN TÌNH

LTS: Chúng tôi vừa nhận được "Lời Trần Tình" của Ls Nguyễn Ngọc Bích gửi qua từ Saigòn vào ngày hôm nay, ngày 25/7/2007. Chúng tôi xin đăng lên để rộng đường dư luận, và bổ túc cho Lá Thư mà ĐHY Phạm Minh Mẫn đã gửi cho LM Trần Thái Hợp ngày 22/7/2007 mà chúng tôi đã phổ biến. Những nhận định của tác giả Ls Nguyễn Ngọc Bích là quan điểm riêng của ông, không nhất thiết phản ảnh quan điểm của chúng tôi. VietCatholic.

Thưa các Anh các Chị,

Sau khi nhờ Anh Nguyễn Phi Hoàng chuyển thư đi, tôi đã nhận được e-mail của mười anh chị, do Anh Hoàng chuyển lại. Tôi xin cảm ơn Anh Hoàng đã vui lòng giúp đỡ. Qua thư này, trước hết, tôi xin chuyển lời cám ơn các anh chị đã có lời chỉ dẫn hay trả lời, và sau là phúc đáp tấm lòng của các anh chị bằng cách trần tình dưới đây. Ở đây tôi dùng từ các anh chị chỉ như là một cách xưng hô chung.

1. Qua các lời chỉ và trả lời của các anh chị, tôi gom lại và thấy cách nhìn khác nhau giữa chúng ta về vấn đề tôi nêu. Biết được cách nhìn của các anh chị thì đó là một điều thích thú; được các anh chị kể những dữ liệu mà ở Việt Nam không có thì thật là bổ ích cho tôi.

2. Trước 1975, chúng ta ở trong cùng một hoàn cảnh, bây giờ thì khác nhau ở ba điểm. Một, các anh chị ở bên đó khi nghĩ về đất nước, thì trong suy nghĩ thường có hai thứ: mình - và chế độ Cộng sản (chế độ và quê hương được nhập thành một). Tôi và những người ở lại có ba thứ: mình – chế độ chính trị – và quê hương trong đó có đồng bào của mình. Thành ra các anh chị dễ nhìn trực diện vào chế độ Cộng sản; chúng tôi không nhìn như thế mà còn nhìn vào quê hương. Có một lần ở Đức, khi được hỏi tại sao ở lại, tôi đã bảo tôi yêu quê hương như yêu vợ, còn Đảng Cộng sản là bố mẹ vợ; tôi không quan tâm lắm đến bố mẹ vợ. Thứ hai, anh chị giống như đang ngồi trong một du thuyền lớn đi trên bể, còn chế độ Cộng sản giống như một hòn đảo ở xa; trong khi ấy chúng tôi ở trên một con thuyền nhỏ, đang đi trên sông gập ghềnh, và con thuyền chính là chế độ. Do đó, cách hành xử của chúng ta với chế độ Cộng sản khác nhau. Thứ ba, các anh chị khi nhìn về Việt Nam thì như người đứng ở ngoài một căn nhà và thấy toàn diện; còn chúng tôi ở trong căn nhà, chỉ thấy từng phần bên trong, dưới nhà có khi không biết trên gác. Do vậy, nhận định của chúng ta về một việc gì đó xảy ra trong nhà có khác nhau về thời gian, ý nghĩa và cường độ. Chắc hẳn các Anh chị đồng ý rằng chúng ta cần nhận ra các sự khác biệt ấy vì một khi chúng ta càng hiểu biết nhiều thì lòng chúng ta sẽ càng độ lượng hơn, nhất là khi mà – như Anh Nguyễn Trần Quý bảo:” Chúng ta đã trên dưới 60 cả”. Đối với các lời “chỉ” và “dạy” của các anh chị đã gửi, tôi ghi nhận và ngẫm nghĩ như thế.

3. Lý do tôi “xin chỉ cho” là vì tôi muốn bênh vực Hội đồng Giám mục Việt nam. Khi bênh vực như thế tôi chấp nhận trả giá. Tôi vui vẻ khi được một bậc đàn anh ở Mỹ nhận xét là chưa “ngộ”; cũng không lo khi bị qui là “không có tấm lòng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của người Việt mình từ lâu giữ gìn” hay “lý luận ấu trĩ”! Tuy nhiên, tôi buồn khi thấy “cơn giận làm mờ mắt” một số người bên đó, đến độ họ không còn phân biệt được chế độ Cộng sản thì khác với những người cùng hàng ngũ với mình ngày xưa nhưng chọn ở lại; nên cứ thường “giận cá chém thớt”! “Chém” bằng cách chửi, hay chỉ trích cá nhân và thiếu sự tương kính của một người trí thức!

4. Khi xin chỉ bảo, tôi gói vấn đề trong phạm vi tôn giáo mà không lan sang chính trị, vốn là “việc của bố mẹ vợ tôi”; với việc đó các anh chị tha hồ chỉ trích, lôi bằng chứng, tôi không quan tâm. Sự kiện tôi thấy ở nhà là bối cảnh để tôi đặt câu hỏi. Về bối cảnh ấy, tôi biết nó không chỉ qua sách vở ở đây, mà còn bằng cả cảm xúc và tất nhiên không nhiều bằng anh chị khi biết qua sách báo bên đó. Có điều là tôi chấp nhận, thích nghi và giải thích nó để tạo hạnh phúc cho mình. Tôi “thích nghi” được với nó; chứ không phải bị “thuần hóa” như những ai thích gán ghép với ý đồ khinh miệt. Vẫn trong phạm vi ấy, trong tư cách cá nhân, nay tôi xin trình bày thêm một số điều – và chỉ một số - mà các anh chị quan tâm khi nghĩ về Giáo hội Việt Nam, và thực sự chúng là những vấn đề cốt lõi.

5. Trước hết, do bản chất đấu tranh giai cấp của người Cộng sản, họ nhìn tôn giáo như là một lực lượng chính trị đối đầu; họ coi các linh mục là lãnh tụ chính trị của từng địa phương có khả năng huy động quần chúng và quần chúng đó thì rất nhiệt thành. Họ không nhìn thuần túy đó là tôn giáo; vì - vào một thời – họ phủ nhận tôn giáo. Khi nắm quyền bính tuyệt đối trong tay, thực hiện chủ quyền quốc gia trọn vẹn, thì tất nhiên họ phải đề phòng nguy cơ mất quyền. Có những lý do về lý và tình cho việc này. Tại sao họ đã nắm được quyền bính ư, chúng ta đều biết. Vậy nếu các Anh chị là người nắm quyền, với quan niệm như thế, các Anh chị có một sự lo lắng khác họ không? Ở nhà, các vị giám mục Việt Nam bị đặt vào hoàn cảnh này!

6. Các Anh chị đã cho biết mình lo ba điều hiện nay đang xảy ra cho Giáo hội Việt Nam là: ứng viên vào đại chúng viện phải qua sự gạn lọc của chính quyền (ở bên đó phân biệt là Đảng và Nhà nước); khi sắp thụ phong linh mục, các thày phải qua một cuộc thanh lọc nữa và trong chương trình học ỏ đại chủng viện có học về triết học Mác – xít. Nhìn theo bề ngoài sự lo ngại của các anh chị là đúng. Nhưng đúng đến đâu?

Hẳn các anh chị biết, giáo dục do Nhà nước nắm độc quyền. Đó là một nguyên tắc chính trị của họ. Đại chủng viện là một đại học. Khi các giám mục xin mở một đại chủng viện, tức là giành quyền giáo dục của chính quyền. Các Ngài đào tạo “thợ gặt” cho mình - nhưng là “đối phương” của họ - thì sẽ bị buộc phải đáp ứng một số yêu cầu nào đó nếu muốn mở. Họ yêu cầu ba điều đã nêu.

Như đã nói, người Cộng sản coi các linh mục là “lãnh tụ tôn giáo”; chịu chức xong là ra làm cha phó, cha chính ngay; chứ không có ai bị thất nghiệp. Vì vậy họ phải tìm xem trong số ứng sinh do đại chủng viện đưa ra để huấn luyện bây giờ có ai có khả năng gây khó khăn cho họ sau này không và có làm đủ nghĩa vụ công dân chưa. Đó là việc tiền kiểm và là quyền của họ. Nếu một chủ tich phường nắm mười ngàn người dân ô hợp, thì một cha xứ cũng nắm vài trăm, vài ngàn người như chủ tịch kia; nhưng toàn là “quân tinh nhuệ”. Do đó họ phải đề phòng. Việc xem xét lý lịch không chỉ áp dụng riêng cho các tu sĩ, mà họ còn áp dụng cho cả dân thường. Nó cũng dễ hiểu như bên Mỹ ai cũng có số an sinh xã hội mà cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra khi tài xế vi phạm luật giao thông.

Khi chủng sinh bị kiểm tra lý lịch như thế sẽ có người bị loại vì thiếu điều kiện nào đó dựa theo luật họ định. Tuy vậy, những người còn lại không phải vì thế mà trở thành người do chính quyền chọn rồi giao cho các cha đào tạo. Chính quyền có quyền loại bỏ chứ không có quyền chọn. Xin đừng nhầm lẫn để lại phải lo. Thí dụ một đại chủng viện đưa danh sách 50 ứng viên, họ có thể gạch bỏ 5 hay 10 người gì đó. Số còn lại được vào. Những người này đã được các cha xứ chọn từ các con em trong xứ của mình và gửi tên lên đại chủng viện.

Các tu sĩ sắp thụ phong cũng trải qua quá trình đó, cho cùng một mục đích và đó là hậu kiểm. Khi các linh mục đã qua hậu kiểm thì sau này các giám mục dễ dàng cử họ đi coi giáo xứ tại các địa phương. Riêng về các Dòng tu, đại đa số các Dòng không trực tiếp phụ trách giáo xứ, nên không nhất thiết cần bài sai nhận xứ đạo như các linh mục triều. Chính vì vậy, nhiều Dòng tu không nộp danh sách ứng viên và trước đây cũng có một số linh mục Dòng “chịu chức chui”.

Vài năm trước đây, một số thày được đào tạo tại các đại chủng viện trước 1975 gặp khó khăn khi xin thụ phong vì nơi tu hành khai ngày xưa và nơi sinh sống hiện thời khác nhau, không địa phương nào chứng nhận lý lịch và bị kẹt; tựu trung lại cũng là do mối lo của chính quyền; giống như bây giờ Việt kiều vẫn khó mua nhà ở Việt Nam vậy.

Về việc phải dạy môn Triết học Mác-xít tại các đại chủng viện, đó là yêu cầu chung mà chính quyền đặt ra cho tất cả các sinh viên tại các trường đại học trong năm đầu tiên, nhằm trang bị cho họ một vũ trụ quan Mác-xít. Đại chủng viện là một đại học nên không thể làm khác. Vấn đề là người học có tiếp thu và áp dụng triết lý đó không. Khi dạy luật, tôi có hỏi nhiều sinh viên năm thứ tư về một vài điểm chính trong triết học này thì họ quên cả! Trừ người nào muốn dùng triết học Mác xít để làm dân vận hay tuyên huấn thì nó là một vũ khí tư tưởng; chứ còn ai không theo nghề ấy thì đó là chỉ một phương pháp tư duy, giống như cái xẻng để xúc đất, cái cưa để cắt gỗ; không dùng thì vứt đi, chẳng sao cả, có ai biết?

Nếu các anh chị có dịp tiếp xúc với một số chủng sinh đã dự các buổi triết học Mác-xít tại một số đại chủng viện; nếu các anh chị nghe được tâm sự của các chủng sinh đó, các anh chị sẽ hiểu rõ tâm trạng của “thày” lẫn trò và bầu khí của lớp học. Sau những giờ phụ trách dạy môn lịch sử Việt Nam, môn luật pháp Việt Nam, môn triết học Mác-xít tại đại chủng viện, một vài “thày giáo” trong chỗ riêng tư tâm sự, bày tỏ mối thiện cảm với đạo. Có khi người ta tự hỏi, không biết “thày” hay “trò”, ai đã cảm hoá ai? Về việc tiêm nhiễm, sao các Anh chị lại lo sợ rằng một môn học có 25 – 30 tiết, trong một giáo trình đào tạo linh mục 6-7 năm, có thể biến linh mục thành người của Đảng? Nếu tiếp xúc với các linh mục trẻ, chắc các anh chị sẽ thấy ngược lại! Tại một số giáo phận, các linh mục cao niên còn lo lắng vì nhiều linh mục trẻ ứng xử quá cứng rắn và quá căng thẳng với chính quyền địa phương.

Khi các linh mục biết về triết học Mác-xít mà không nhiễm cũng là một điều tốt vì mai sau về các giáo xứ, hoạt động tại từng địa phương thì phải biết cơ cấu và cơ chế chính trị tại đó để mà chỉ bảo giáo dân và để mình hành động cho phù hợp.

Có anh chị lo ngại những yêu cầu mà các vị giám mục ở Việt Nam chấp nhận sẽ là “một HỆ LỤY, những VẾT THƯƠNG lâu dài khó chữa”; hoặc các linh mục trẻ bị vấp phạm hay họ là “bao nhiêu phần trăm là của Đảng và Nhà nước”. Dạ thưa không có đâu ạ! Tại vì các Anh chị ở xa; tại vì các Anh chị cứ một mực gán cho chúng tôi là Cộng sản, hay không ngại ngùng xếp chúng tôi vào “hạng” bị “thuần hóa” đấy ạ! Thật tiếc!

Vì “sự chính xác” nêu trên của các anh chị, tôi xin nói điều này dù biết sẽ bị chửi. Tôi thấy cần phải nói lên cho sự hiểu biết chung của chúng ta như thế này. Thứ nhất, chúng tôi những người ở nhà – trong đó có các vị giám mục và các tu sĩ – là những người chấp nhận hoàn cảnh, chúng tôi đã không trốn chạy, không rời bỏ nó: chúng tôi có một bản lĩnh được trui rèn qua nghịch cảnh khác với các anh chị; chúng tôi có đức tin như các anh chị, và nó bị thử thách nhiều hơn các anh chị; riêng các vị lãnh đạo tinh thần của chúng tôi, các vị còn có các cuộc cấm phòng hàng tháng, lớp mục vụ hàng năm, trong tinh thần hiệp nhất với giáo hội hoàn cầu để củng cố và truyền dạy. Thứ hai, chúng tôi biết tại sao chế độ Cộng sản làm như thế; chúng tôi có khả năng thoát khỏi mình trong suy nghĩ để đặt mình vào địa vị của họ; và khi đã biết thì chúng tôi không ngã; hay không dễ ngã như những người không biết hay biết một cách mù quáng. Cuối cùng, chúng tôi đã và sẽ không hành động như các Anh chị mong mỏi; tại vì chúng tôi ở trên thuyền; sự khôn ngoan bảo chúng tôi đừng nghe anh chị mà đi đục cái thuyền; tại vì chúng tôi hiểu biết; có thể đối thoại với chính quyền ở trong phạm vị nào mà họ muốn nghe. Họ không nghe thì sẽ không “ to mồm, dai dẳng kiên trì to mồm đấu tranh để quảng bá cái biết” như tôi được “dạy”! Tôi không biết ở Đức việc này là gì, chứ còn ở Mỹ nó được gọi là “picketing”. Và làm được cả ngày. Ở Việt Nam người ta cấm đấy ạ; vì dễ gây xúc động trong dân chúng, vốn dân trí chưa cao bằng các nước phát triển. Khi “dạy”, xin “dạy” cho đúng!

7. Về mặt tôn giáo, như các anh chị biết, có hai phần, tín ngưỡng bên trong và tôn giáo bên ngoài. Tín ngưỡng là niềm tin, nó nằm bên trong ta và không ai có thể lấy nó đi được. Vì tôi đã ở tù, tôi biết điều này. Trong niềm tin, thì có kinh Tin kính, trong hành động là “mến Chúa yêu người” và không ai có thể ngăn chặn, khi về già nó lại càng mạnh. Tôn giáo là lễ nghi bên ngoài. Nó có thể bị cản trở. Cái trong không bao giờ mất, cái bên ngoài nếu phát triển ít thì thật là buồn; còn nếu phát triển mạnh thì rất tốt. Tôn giáo ở Việt Nam phát triển nhiều trong những năm gần đây, các anh chị không bác bỏ cái bên ngoài ấy; thế thì tại sao lại lo cho niềm tin bên trong tạo nên những hệ lụy, những sự mất mát lâu dài? Rồi chỉ trích hàng giáo phẩm, chê bai chúng tôi, và cái gì cũng chửi! Hệ lụy gì cơ ạ? Mất cái gì cơ chứ? Ai không có mới hay sợ mất.

8. Có vài vị giám mục mà đã được các anh chị đề cập và đặt câu hỏi. Là con chiên của các Ngài tôi xin đưa một sự giải thích. Đối với chính quyền, các vị giám mục là “lãnh đạo khu vực” và họ e ngại bị các Ngài gây khó khăn trong việc trị an. Sự lo ngại của họ hiểu được. Một người gây khó dễ cho người khác nhiều hay ít là tùy theo sự hiếu biết của họ về cả hai đến đâu. Qui trình chọn giám mục các anh chị đã biết. Chính quyền họ sẽ chấp nhận người nào hiểu biết. Vậy các vị giám mục mà các anh chị đề cập đã được chính quyền chấp nhận khi Tòa thánh đề nghị là những người hiểu biết. Các Ngài, theo tinh thần Vatican II, biết đối thoại, để làm cho dân Chúa được sống dồi dào, cho quốc gia được thịnh vượng. Các Ngài không phải là những người hèn; vì giáo dân chúng tôi ở Việt Nam - như đã nhấn mạnh ở trên - không phải là những người hèn.

Có người chê Đức cha Kiệt khen pháp lệnh tôn giáo khi gặp vị đại diện Mặt trận Tổ quốc. Vậy Đức cha không được nói cái gì là sự thật ư? So với các nghị định về tôn giáo trước kia từ 1960 trở đi (tức là bắt đầu ở Bắc) đến nay thì pháp lệnh tôn giáo là một sự cởi mở nhiều. Khi chê Đức cha Kiệt như thế không ai nhắc đến công của Ngài lấy lại được khu Cổ Nhuế để bây giò bắt đầu mở rộng đại chủng viện Hà Nội. Các anh chị có thấy mình nhận định một chiều như thế cốt để chê bai không? Cái lớn chẳng nói, nêu toàn cái vụn vặt. Các Anh chị muốn Đức cha Kiệt phải thành người bất lịch sự à? Hay các Anh chị không dám khen vì lo rằng :” Xây đại chủng viện thêm, chỉ tạo thêm mối lo âu, có bao nhiêu phần trăm trong phẩm chất con người linh mục là linh mục của Chúa Giêsu, và bao nhiêu phần trăm là của Đảng và Nhà nước”. Thế thì sẽ làm gì đây? Hơn nữa, những người mà anh chị đặt câu hỏi, họ hoàn toàn là của Chúa; vì bố mẹ họ toàn tòng, vì cha bố của họ biết rõ họ từ lúc còn bé. Có phải là “lo bò trắng răng” không ạ?

9. Tôi xin đề nghị với các Anh chị rằng hành động của các Đức giám mục ở Việt Nam cần được nhìn trong một tổng thể của một thực tế nhất định. Năm nay là 2007, về phía giáo quyền cần phải nhìn hành động của các Ngài trong tinh thần Thư chung năm 1980. Còn về hành động của chính quyền Cộng sản cần phải biết những thay đổi của họ từ sau năm 1990 trở đi, đừng nghĩ về họ với những sự hiểu biết của trước năm 1990. Giáo hội và chính quyền đã hiểu nhau hơn và đang tác động vào nhau. Tất nhiên chưa được như chúng tôi mong muốn nhưng đã tốt hơn năm 1990 nhiều. Chẳng hạn, với những thay đổi trong mấy năm gần đây việc lựa chọn tuyển sinh, truyền chức linh mục, thuyên chuyển các cha xứ không còn những trói buộc như trước đây.

Đến đây, hẳn có Anh chị, thay vì chửi, thì qui cho tôi rằng: ”Nó là Cộng sản, đang bênh vực cho Cộng sản, hợp tác với Cộng sản”. Thưa câu đầu sai, như Anh chị đã từng sai! Câu sau cũng sai, vì người Cộng sản không cần tôi bênh! Câu thứ ba, là vì các Anh chị không biết, công an khu vực có thể vào nhà tôi để “thăm hỏi” tình hình gia đình. Tôi sẽ tiếp họ vui vẻ hay cầm dao? Có dám đâm không? Còn không thì là hợp tác đấy ạ. Tôi biết có người chỉ mới nghe họ đến đã run, tìm cách chạy và may mắn chạy được. Bây giờ ở xa thì hô hào tôi “đâm nó đi”; tôi bảo không nên đâm, thế là có người bảo tôi “không có tấm lòng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của người Việt mình từ lâu giữ gìn”. Nói thế thì có còn lý trí không nữa nhỉ?

Nói là phân trần, nhưng thực sự tôi trình bày hoàn cảnh của các vị giám mục ở Việt Nam, để giải thích cho việc làm, cho thái độ của các Ngài. Các Ngài không ở vị trí như tôi để có thể giải thích cho các anh chị. Nhiều anh đã chỉ trích các ngài, có người đã nhục mạ nữa! Các Ngài cũng vẫn sẽ im lặng. Vì các Ngài là NGƯỜI HIỂU BIẾT. Các Ngài biết đâu là đá, đâu là trứng. Các Ngài biết việc làm của mình sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với đàn chiên, với giáo hội và với đất nước. Các ngài sẽ không vui mừng - như một vài anh chị có thể mừng vui - nếu Bộ Ngoại giao Mỹ nghe lời thỉnh cầu của Anh chị mà ghi Việt Nam vào lại danh sách các nước bị quan tâm về tôn giáo. Việc ấy có lợi gì cho chúng tôi những người sống trên đất nước Việt Nam? Bản chất của tôn giáo là xây dựng, vì qua chuỗi Mân Côi, chúng ta cầu xin chịu lụy và chịu khó. Đề nghị các Anh chị nhìn lại xem: mình có xây dựng không, cái gì, và cho ai khi chỉ trích hàng giáo phẩm Việt Nam?

Tôi bênh vực các Đức giám mục, Hội đồng Giám mục Việt Nam vì lương tâm tôi thúc đẩy, trên căn bản “có nói có, không nói không”. Và mục đích của tôi chỉ như đã nêu ở đầu, trong tinh thần của anh Quý và được anh Trần Thanh Liêm tán đồng rằng : “… Nói lên như một tâm sự với nhau, để cùng thấy cái bất lực của mình, để rồi cùng âm thầm cầu nguyện. ” Và tôi xin thêm để biết tôn trọng nhau và độ lượng hơn.