CẮT TỈA



Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa cho nó sinh hoa trái nhiều hơn” ( Ga 15,1-2 )

Cắt tỉa, một công việc quen thuộc với nghề nông. Để cây cối sinh hoa kết trái tốt tươi không thể không cắt tỉa lá cành. Người ta không chỉ cắt tỉa những là cành khô hay sâu bệnh mà cả những cành lá xum xuê khi chúng là nguyên khiến cây khó trổ sinh hoa trái dồi dào. Nói theo kiểu chuyên môn là hạn chế cây “ phát sinh” để cho nó tăng “phát dục”.

Khi cuộc sống vật chất kinh tế tương đối đầy đủ và tiến dần đến chỗ dư dả, khi người ta không chỉ có của ăn mà còn có của để thì các sinh hoạt nghệ thuật đua nhau phát triển. Nói như anh em Mác xít thì hạ tầng kiến trúc quyết địng thượng tầng kiến trúc. Những năm gần đây, với sự đổi mới của đất nước, đời sống dân ta cũng khấm khá hơn. Và các sinh hoạt nghệ thuật cũng nỡ rộ. Phong trào chơi cây cảnh ( bon sai ) đang lan tận cả vùng nông thôn. Nhiều người nhờ thế mà có công ăn việc làm, chưa kể đến một số người nhờ nó mà giàu lên cách nhanh chóng.

Trong cái nghề cây cảnh thì cắt tỉa là một công việc vừa mang tính chuyên cần, tỉ mỉ, cẩn thận và cũng không thể thiếu tính nghệ thuật. Để có cây đẹp, cảnh đẹp thì phải cắt tỉa. Để làm đẹp cho vẻ dáng bên ngoài, con người cũng cắt tỉa bản thân như tóc tai, môi mắt… Thế là ngành giải phẩu thẩm mỹ ngày càng “phất lên” và dường như khó bề thất nghiệp khi mà đời sống kinh tế ngày càng lên cao. Giải quyết khâu ăn no thì người ta thèm ăn ngon. Giải quyết được khâu mặc ấm thì người tìm cách mặc đẹp. Bảo đảm được sức khỏe thì người ta mong được xinh xắn hơn. Quy luật tự nhiên thế thôi.

Xã hội ta, đất nước ta, Hội Thánh ta cũng là những cơ thể sống. Để phát triển và ngày càng nên hoàn thiện hơn, chắc hẳn việc cắt tỉa là cần thiết một cách nào đó. Những đối tượng cần cắt tỉa đó là lề lối tổ chức, cơ chế vận hành, luật lệ áp dụng… Xét về khía cạnh nhân loại thì không một luật lệ, tổ chức hay cơ chế nào tự nó là hoàn hảo cho mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi thời. “ Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông”. Các triết gia cổ đại đã nghiệm ra chân lý này : Mọi sự trên đời này luôn đổi thay. Hoàn cảnh đổi thay, cuộc sống đổi thay, cả đến con người chúng ta cũng thay đổi từng ngày, từng giờ, từng giây. “ L’homme c’est l’être en devenir”. Cắt tỉa hay gột bỏ là động thái tất yếu mang tính quy luật xét về đời sống tự nhiên cũng như xã hội và cả trong đời sống tâm linh, tôn giáo. Cắt tỉa để tồn tại. Cắt tỉa để phát triển và nhất là để hoàn thiện. Vậy cần phải gột bỏ hay cắt tỉa những gì ?

- Những yếu tố không còn sự sống : Lá úa vàng rồi sẽ rụng xuống là lẽ đương nhiên của cây cỏ. Các tế bào chết trong cơ thể con người cũng cần loại bỏ vì đó là lẽ tự nhiên và là chuyện bình thường chẳng một ai nghi ngại. Những hình thái tổ chức xã hội cổ xưa kém văn minh hay thiếu tính nhân văn thì cũng đã bị lịch sử đào thải. Ngay cả các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo gây hại đến sự sống, sự tồn vong của nhân loại cũng dần biến mất.

- Những yếu tố đang tồn tại nhưng lại ảnh hưởng xấu đến sự sống, đến sự phát triển của giới tự nhiên và đặc biệt của con người : Dẫu biết rằng cần phải cắt tỉa những nhánh, những cành cây đang xum xuê lá để cây sinh trái nhiều hơn thì một nông dân bình thường không phải một sớm một chiều đã mạnh tay dứt bỏ chúng. Cần phải có sự hiểu biết một cách nào đó về quy luật sinh trưởng của cây cối người ta mới mạnh dạn làm chuyện cắt tỉa. Còn các yếu tố xã hội và tôn giáo đang tồn tại thì khó hơn nhiều cho dù chúng thực sự không còn tính hữu dụng thậm chí đang làm trì trệ con người và xã hội. Rượu cũ thì ngon hơn. Tâm lý hoài cổ là một thói quen tuy không xấu nhưng dễ dẫn đưa người ta đến chỗ thủ cựu. Giữa tâm lý thủ cựu và thói quen bảo thủ nhiều khi khó nhận ra ranh giới.

Con người là một cơ thể sống. Xã hội là một cơ thể sống. Các tập thể tôn giáo cũng là một cơ thể sống. Đã là sống thì luôn có sự vận động và thay đổi. Vận động, thay đổi để tồn tại và phát triển theo các quy luật tự nhiên và xã hội. Bất cứ sự thay đổi nào cũng có đau xót cả về thể lý lẫn tinh thần. Để có sự phát triển và hoàn thiện thì phải chấp nhận sự đổi thay. Đây là một trong những quy luật tất yếu ta không thể không chân nhận. Tuy nhiên để đón nhận nó trong hiện thực thì không mấy dễ dàng, vì sự đau xót luôn có đó khi phải đổi thay, khi phải đoạn tuyệt một cái gì đã từng gắn bó với ta.

Loại bỏ hay cắt tỉa những sự xấu về thể lý hay tâm linh là điều dễ hiểu. Đã là ung nhọt thì dù là lành tính hay ác tình thì cần phải cắt bỏ nếu tình trạng sức khỏe cho phép. Là con cái Chúa thì dù là tội mọn hay tội lớn, ta cũng cần phải tìm cách khử trừ. Những thể chế, luật lệ xã hội, kể cả tôn giáo, nếu trái với quyền lợi chính đáng của con người ( nhân quyền ), nếu cản trở đường nên hoàn thiện của Kitô hữu là nên hoàn thiện như Cha trên trời, thì chắc chắn cũng cần phải bỏ đi.

Tuy nhiên điều muốn đề cập ở đây là có những cơ chế, luật lệ tuy không xấu và có khi đã từng có tác dụng tốt trong quá khứ nhưng hiện nay lại không còn phù hợp với sự phát triển của con người, của xã hội, của tập thể tôn giáo thì cũng cần phải cắt tỉa hay gột bỏ chúng đi. Việc gột bỏ hay cắt tỉa những yếu tố này xem ra khó khăn hơn nhiều. Nhớ lại thời Hội Thánh sơ khai, chúng ta phải cảm phục thái độ dứt khoát của Công Đồng Giêrusalem. Nghi thức cắt bì vốn đã ăn rễ sâu trong tâm thức người Do Thái giáo. Mặc dù xuất phát từ một phong tục mang chiều kích sức khỏe thời bấy giờ. Cắt bì để ngăn ngừa các bênh viêm nhiểm cơ quan sinh dục nam của những người ở xứ nóng. Đây là một tập quán có thể nói là tốt xét theo khía cạnh y khoa. Và rồi người Do Thái đã mặc cho nó chiều kích tôn giáo. Cắt bì trở thành một nghi lễ “ghi danh nhập đạo”. Nó đã trở thành một trong những dấu chỉ nhận biết ai là người thuộc Do Thái giáo.

Các Tông đồ hẳn biết rõ điều này. Các Ngài còn biết rằng Kitô giáo một cách nào đó là kế thừa Do thái giáo. Thế mà các Ngài đã dứt khoát cắt bỏ tập tục hay nghi lễ cắt bì ( x.Cvtđ 15,13-29 ). Sự phản ứng chắc chắn có đó, nhất là phía anh chị em Kitô hữu gốc Do Thái giáo. Quả thật người ta khó mà rời bỏ truyền thống của cha ông. Một ai đó can đảm cắt tỉa hay gột bỏ những truyền thống, tập tục tiền nhân vì chúng không còn hữu dụng cho hôm nay hoặc có thể làm cản trở sự phát triển của hôm nay thì rất dễ bị quy chụp là vong ân, là mất gốc, là phản động, là rối đạo hay lạc đạo…

Đang còn đó trong xã hội chúng ta, trong Hội thánh chúng ta nhiều cơ chế, luật lệ, nhiều truyền thống, tập tục đã chấm dứt vị trí và vai trò của chúng. Dòng chảy lịch sử không thể ngừng lại. Xã hội loài người ngày càng thay đổi. Chắc chắn nhiều sự cần được đổi thay cho phù hợp với đà phát triển của nhân loại. Và dĩ nhiên việc cắt tỉa những yếu tố mang tính tiêu cực là điều hiển nhiên phải làm. Ai là người cần phải tiên phong trong việc này. Chắc chắn không ai thuận lợi hơn những vị đang nắm quyền cao, chức trọng trong đạo lẫn ngoài đời. Tuy nhiên vẫn có đó nhiều người chưa muốn hay không muốn dứt bỏ những yếu tố tiêu cực ấy khi chúng đang còn là nguyên cớ đem lại lợi lộc cho bản thân hay cho tập thể của mình.

Cùng tất biến. Biến tất thông. Một nguyên lý xã hội đã từng hiện thực trong lịch sử bằng những cuộc cách mạng làm thay đổi triều đại, thay đổi chế độ. Không một ai, không một tập thể cai trị nào có thể giữ mãi những yếu tố tiêu cực để hưởng lợi ích kỷ lâu dài. Ngay trong lãnh vực tôn giáo cũng có hiện tượng này. Sự xuất hiện các tôn giáo mới phải chăng là một sự “ biến – thông” ? Có người cho rằng sự xuất hiện của Phật giáo là một dạng “biến – thông” của Ấn giáo. Và Kitô giáo là một dạng “biến – thông của DoThái giáo ? Đâu là nguyên nhân của sự xuất hiện các giáo phái dường như không đếm nỗi hiện nay ? Câu hỏi này xin dành cho các nhà tôn giáo học trả lời. Phần người viết chỉ dám mạo muội nói lên sự cần thiết của việc cắt tỉa. Mong sao có nhiều người can trường như các Tông đồ ngày xưa để xã hội và Hội Thánh Chúa có điều kiện thuận lợi để phát triển và hoàn thiện.

(Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột)