THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2006:

Nụ cười của Thiên Chúa




Có một khúc ca Giáng Sinh dễ thương mà tôi rất thích đó là bài “Cậu Bé Đánh Trống” (The Little Drummer Boy của Davis-Onorati- Simeone). Bài ca có những câu như :


Little Baby (pa-rum pum pum pum)
I am a poor boy too (pa-rum pum pum pum)
I have no gift to bring (pa-rum pum pum pum)
that's fit to give our King
Shall I play for You? (pa-rum pum pum pum)
On my drum
Con là một Bé nghèo như Chúa
Con không có quà qúi giá mang đến tặng Chúa
Nhưng con có thể chơi trống để Chúa nghe không?
Mẹ Maria gật đầu.
Con bò và con trừu thì giữ nhịp
Cậu Bé chơi trống với hết cả tài nghệ cho Chúa nghe Pa-răm păm păm păm
Và rồi Chúa mỉm cười với Bé và cái trống của Bé. ”



Bản nhạc tưởng như một bài ca vui, nhưng theo tôi đó là một ca khúc đơn sơ tuyệt vời lột tả được ý nghĩa sâu xa của huyền nhiệm Giáng Sinh, mà chắc mỗi người khi nghe xong sẽ cảm nhận được một lời mời gọi hay nhắc bảo nào đó về ý nghĩa của cuộc đời : Suốt cuộc đời tôi, tôi đã có món quà gì cho Chúa để làm cho Chúa mỉm cười chưa ?


Nhưng trước khi có câu trả lời đó, thiết tưởng chúng ta nên cùng nhau ôn lại một chút ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh mà toàn thể chúng ta đang long trọng cử hành đêm nay :


I. Từ Ngôi Sao Bê-lem đến cuộc hành trình tìm về với Thiên Chúa
  • Có một chân lý đức tin cơ bản mà người kitô hữu đã truyền cho nhau suốt 2000 năm nay qua bản tổng hợp các tín điều gọi là Kinh Tin Kính đó là chân lý “Thiên Chúa nhập thể-làm người”. “ Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”.
  • Nhưng với những người không chia sẻ cùng một niềm tin với chúng ta, thì quả thật “mầu nhiệm Thiên Chúa Làm Người” quả là một thách đố, nếu không nói là xa lạ và ảo tưởng.
  • Điều nầy cũng đễ cảm thông thôi; vì, cách đây hơn 2000 năm, cho dù được các Sứ ngôn tiên báo, cho dù được Sách Thánh thông tin xa gần, dân Do Thái vẫn không hề chấp nhận được “Một Đấng Cứu Thế” sinh ra trong hang lừa máng cỏ, một Đấng Emmanuel con của gia đình Bác Thợ Mộc Giuse và Bà Maria ở làng quê Nadarét. Với tâm thức chung của họ lúc bấy giờ, và cũng là tâm thức của nhiều người trong nhân loại hôm nay, Thiên Chúa phải là một “Ông Trời” toàn năng trên các tầng mây, một Thượng Đế uy nghi lẫm liệt trên cõi vĩnh hằng; nếu Ngài có “hạ cố làm người”, thì cũng phải làm người trong cung cách của một vị đế vương oai hùng lẫm lẫm nơi gác tía lầu son, nơi cung đình tráng lệ, chứ làm gì có một “Ông Trời sinh ra trong thân phận của một Em Bé khóc oa oa vấn tả nằm trong máng chiên lừa bao quanh chỉ có mấy chú mục đồng khổ nghèo kiết xác. Cũng vì quan niệm như thế mà địa chỉ đầu tiên Ba Nhà Đạo Sĩ Phương đông tìm đến để kiếm tìm Đấng Cứu thế là Thủ đô Giêruxalem nơi cung điện của đại vương Hêrôđê. Nhưng nơi đó làm gì có Đấng Cứu thế giáng sinh. May mắn, nhờ “Sao Lạ dẫn đường, các Đạo sĩ đã tìm gặp Đấng Emmanuel nơi hang lừa máng cỏ ngoài đồng vắng Bêlem, trong thân phận của một em bé nghèo hèn yếu đuối. Trong khi đó, các mục đồng vùng Bê-lem đang ngủ vùi trong đêm lạnh, đã được thiên thần đánh thức và loan báo tin vui : “Hôm nay trong thành vua Đa-Vít, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh”.
  • Quả thật, nếu không có “Anh sao lạ”, nếu không có “thiên thần hiện ra loan báo Tin vui”, nghĩa là, nếu không có sự “mặc khải”, sự dẫn đưa của Thiên Chúa, thì loài người chúng ta không ai có thể khám phá, nhận biết được mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Chúng ta sẽ mãi mãi ngủ vùi trong một giấc ngủ triền miên của sự lầm lạc, cách xa và mù tối về sự hiện diện của Thiên Chúa. Thật cần thiết biết bao “ánh sao mặc khải của Thiên Chúa”. Đức tin của chúng ta, đức tin của mọi Kitô hữu đặt nền tảng trên chính mầu nhiệm cơ bản nầy : Tin Thiên Chúa, trước hết là tin những gì Chúa phán dạy qua Lời Mặc khải của Ngài; có nghĩa là phải đón nhận Thánh Kinh và Thánh truyền, là “ánh sao dẫn lối đưa đường” để con người có thể đến với Thiên Chúa, tìm về Thiên Chúa.
  • Sở dĩ ngày hôm nay con người dễ lãnh đạm với tôn giáo, mù mờ về những chân lý nền tảng và bị xô đẩy vào những hình thái mê tín dị đoan lầm lạc hay buông thả trác táng ngông cuồng, vì con người đã để cõi lòng bị che khuất “ánh sao của Thiên Chúa” để thay vào đó là những hào quang của vật chất, của hưởng thụ, của đam mê và dục vọng, của tham quyền cố vị, của kiêu căng giả dối, của ích kỷ hận thù.
  • Mỗi một lần Giáng Sinh trở lại, khi ánh sao lạ một lần nữa được thắp sáng giữa trời đông, phải chăng đó chính là một lời nhắc nhở để mỗi người Kitô hữu chúng ta thanh lọc cõi lòng để tìm xem “ánh sao Bê-lem” có còn rạng tỏ trong trái tim ta để dẫn lối ta đi về với Thiên Chúa hay đã lịm tắt, đã lu mờ ? Ánh sao Bê-lem hôm nay, giữa đời thường cuộc sống chính là những lời dạy của Phúc âm: yêu thương và tha thứ, khiêm hạ hiền lành, quảng đại phục vụ và luôn biết khiêm tốn trở về trong sám hối ăn năn. Ánh sao Bê-lem hôm nay cũng chính là những thánh lễ dâng lên mỗi ngày, những lời kinh Kính Mừng của chuỗi Mân Côi, những âm thầm phục vụ những người ngheo đơn bệnh tật. Ánh sao Bê-lem đó cũng chính là những nghĩa cử yêu thương nhẫn nhục trong đời sống vợ chồng, những hành vi thơm thảo của cháu con dành cho ông bà cha mẹ, những sẻ chia manh áo chén cơm cho những gia đình đang gặp cơn quẫn bách do thiên tai địch họa…Mỗi người chúng ta có thể tìm thấy một “ánh sao Bê-Lem” thích hợp cho cuộc hành trình đức tin của riêng mình; và chắc chắn “những ánh sao của Lời Chúa đó sẽ dẫn đưa chúng ta tìm gặp Thiên Chúa, một Thiên Chúa của tình yêu, một Đấng Em-ma-nu-en đã đang và sẽ đồng hành với chúng ta trên mọi néo đường cuộc sống. Và đó cũng chính là ý nghĩa thứ hai mà chúng ta cùng chia sẻ cho nhau.
2. Giáng Sinh : khi Thiên Chúa trở thành quà tặng tình yêu :


Thật vậy, để định nghĩa về Thiên Chúa, hình như không có cụm từ nào chính xác hơn, sâu sắc hơn cụm từ được Thánh Tông Đồ Gioan, Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến cách đặc biệt, đã sử dụng trong tín thư mặc khải mà chính Ngài nhờ ơn linh hứng đã viết ra : “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Và để cắt nghĩa “bản chất” yêu thương nầy của Thiên Chúa, Thánh Gioan lại đã viết rằng : “Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến độ đã trao ban Người Con Một”. Tình yêu đích thực đó chính là “ban tặng”, là “cho không biếu không”, là biến mình thành một “quà tặng” để hiến dâng mà không bao giờ đòi hỏi đáp đến, trả giá, và càng không có chuyện so đo tính toán. Nếu Thiên Chúa tính toán, so đo trong tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, chắc chắn Ngài không chọn làm một công dân của một dân tộc cứng đầu và phản bội như Ít-ra-en, không chọn làm quê hương một Đất nước khô cằn sỏi đá như vùng đất Pa-les-tin, không chọn sinh ra vào một giai đoạn lịch sử đầy nhiểu nhương phân hóa với một Triều đình bù nhìn bán nước như triều đình của Vua Hêrôđê, không chọn sống chung với một thế hệ đồng bào mà niềm tin tôn giáo đã ươn hèn, sai lệch và biến chất theo kiểu “Pharisiêu”. Nếu Thiên Chúa đã so đo tính toán trong mối tình cứu độ thì dại gì chọn sinh trong hang lừa máng cỏ, bị xua đuổi khước từ, bì săn lùng tàn sát…Dại gì, chung đụng với phường thu thuế, đĩ điếm để phải mang tiếng mang tăm! Dại gì chọn kiếp sống lang thang “đầu đường xó chợ” đến độ “không có viên đá gối đầu”, dại gì đối lập với giáo quyền và thế quyền để phải bị tróc nả, khai trừ, ném đá và nhất là, dại gì chấp nhận lãnh một bản án bất công chết tủi nhục trên thập giá, trong khi chính mình có đầy đủ quyền uy không phải chỉ để làm vài dấu lạ cò con như cho kẻ què đi, kẻ mù thấy, phung hủi được sạch, nước hóa rượu ngon, mấy chiếc bánh và vài con cá có thể nuôi mấy ngàn người…mà còn có thể một lời phán ra là “cải từ hoàn sinh”, là trấn áp cuồng phong bảo táp, là làm khiếp đảm ngã nhào cả một đạo binh trong đêm Ngài bị trao nộp…


Nếu ngày xưa, qua miệng các sứ ngôn Thiên Chúa đã từng dạy rằng : “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ!” (Is 49,15).


Để ấn chứng cho lời đoan hứa của Đấng được mệnh danh là “Giàu lòng nhân ái và rất mực khoan dung”, Thiên Chúa hình như không còn cách nào khác là phải “trở thành quà tặng tình yêu để trao ban chính mình cho nhân loại”. Và một “khi thời gian tới lúc mãn kỳ”, Thiên Chúa Ngôi Hai đã đích thân “bỏ ngai trời xuống thế”. Từ máng cỏ Bê-lem cho tới đỉnh đồi Núi Sọ, cuộc đời của Chúa Giê-su duy nhất chỉ là một định nghĩa đúng đắn nhất về tình yêu : Yêu là cho đi và cho đi đến cùng : Thiên Chúa trở nên nghèo hèn, tự hiến để con người được cứu độ vinh quang; Thiên Chúa chấp nhận làm “hạt lúa gieo vào trần gian mục nát”, để con người ngẩng cao đầu đứng lên tìm được hạnh phúc vĩnh hằng. Thiên Chúa đã chấp nhận hy sinh và tự hiến để nhân loại tội lỗi được cứu độ vinh quang. Hay như cách nói so sánh đối xứng của một Vị Giáo Phụ : “Thiên Chúa làm người để con người được làm chúa”. Đó cũng chính là ý nghĩa cuối cùng của mầu nhiệm được cử hành hôm nay : mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, mầu nhiệm Thiên Chúa ở cùng chúng ta, mầu nhiệm Nhập thể - Giáng Sinh.


Chính vì thế, cuộc cử hành đêm nay, Đêm Thánh vô cùng nầy, lại chính là cơ hội để anh và tôi, để chị và em, để tất cả chúng ta hân hoan vui mừng lãnh nhận chính quà tặng của Thiên Chúa, không phải thứ quà tặng rẻ tiền trong những chiếc vớ của ông già Noel mang đến, mà là quà tặng tình yêu tuyệt vời là chính Thiên Chúa, là hồng ân cứu độ, là Tin Mừng giải thoát, là Nước Trời. Nói đến quà tặng tình yêu có lẽ chúng ta lại trở về những gợi ý ban đầu của bài ca Giáng Sinh “Chú bé đánh trống”.


Con không có quà qúi giá mang đến tặng Chúa
Nhưng con có thể chơi trống để Chúa nghe không?
Mẹ Maria gật đầu.
Con bò và con trừu thì giữ nhịp
Cậu Bé chơi trống với hết cả tài nghệ cho Chúa nghe Pa-răm păm păm păm
Và rồi Chúa mỉm cười với Bé và cái trống của Bé. ”



Kính thưa ông bà và anh chị em,


Trong mùa Giáng Sinh nầy chúng ta đã từng nhận được rất nhiều cánh thiệp chúc mừng Giáng Sinh, và chắc chắn ai trong chúng ta cũng ước mơ những lời chúc ấy sẽ trở thành hiện thực. Riêng tôi, tôi ước mong anh chị em nhận được “nụ cười của Chúa Hài nhi”, nhận được cái mỉm cười của Thiên Chúa tình yêu dành cho anh chị em không chỉ trong đêm nay mà trong suốt cả cuộc đời của anh anh chị em. Bởi vì khi Thiên Chúa “mỉm cười với chúng ta” cũng có nghĩa là Ngài ban cho chúng ta muôn vạn hồng ân, Ngài thương yêu đùm bọc chúng ta trên mọi nẽo đường cuộc sống và sẽ đồng hành chia ngọt xẻ bùi với chúng ta trong mọi niềm đau nổi khổ của đời thường. Tuy nhiên, để nhận được cái “mỉm cười ân phúc” đó, chúng ta phải mang đến một món quà nào đó để dâng tặng Thiên Chúa, như các chú mục đồng Bê-lem năm xưa đã đem theo bò lừa để dâng hơi ấm, như ba Vua Phương Đông đem theo vàng, nhũ hương, mộc dược, hay như “chú bé đánh trống” chỉ với những tiếng rống đơn sơ chân thành. Dĩ nhiển, Thiên Chúa không đòi hỏi bạc vàng châu báu, những của cải giàu sang…Thiên Chúa ưa thích nhất là “tấm lòng” chân chất, là trái tim yêu thương, là tâm hồn khiêm hạ. Và như thế, lời mời gọi của đại lễ Giáng Sinh hôm nay cũng chính là lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt nam trong thư chung 2006 : Sống Đạo Hôm nay. Đó là mỗi người chúng ta phải biến cuộc đời mình, gia đình mình, cộng đoàn mình thành Tin Mừng Giáng Sinh, thành một Quà Tặng Giáng Sinh, quà tặng của sự trung thành và hy sinh trong mái ấm gia đình, quà tặng của yêu thương và phục vụ ở giữa cộng đoàn, quà tặng của bác ái vị tha với mọi người chung quanh, quà tặng của bao dung tha thứ dành cho những người ghét ghen đố kỵ và xúc phạm đến mình. Chắc chắn, khi có được những quà tặng như thế, chúng ta sẽ nhận được “nụ cười chúc phúc của Chúa Hài Nhi Giêsu”, nụ cười của niềm vui và an bình, nụ cười của tin yêu và hạnh phúc hôm nay để dẫn dắt chúng ta đi trót cuộc hành trình dương thế để nhận được nụ cười của ba Ngôi Thiên Chúa trong hạnh phúc vĩnh hằng. Bởi vì, đó chính là lời chúc mà các thiên sứ đã hát lên trong đêm Giáng Sinh đầu tiên ở Bê-lem :”Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”; và đó cũng chính tiêu đích của cuộc nhập thể giáng sinh mà chính Chúa Giêsu đã từng khẳng định : “Ta đến để chúng được sống và sống phong phú”. Amen.