(Vatican)
ĐTC và thủ tướng Do Thái
ĐTC và đoàn đại biếu Do Thái
Thủ tướng Do Thái đã có cuộc tiếp kiến riêng với Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI vào sáng thứ Tư 13/12/2006 sau khi Đức Thánh Cha chủ tọa buổi tiếp kiến chung hàng tuần với anh chị em tín hữu hành hương tại đại sảnh đường Phaolô Đệ Lục.

Trong cuộc tiếp kiến kéo dài 15 phút, Đức Thánh Cha và thủ tướng Ehud Olmert đã thảo luận về những triển vọng hòa bình cho Trung Đông, và những cuộc thương thảo bế tắc giữa Do Thái và Tòa Thánh.

Trong thông cáo báo chí đưa ra sau cuộc họp, Tòa Thánh ghi nhận rằng những vấn đề liên quan đến tình trạng pháp lý của Giáo Hội Công Giáo tại Thánh Địa là rất quan trọng, đặc biệt khi mùa Giáng Sinh đang đến gần. Trong những năm gần đây lễ Giáng Sinh tại Bethlehem đã trở nên khó khăn vì những cấm đoán mà Do Thái áp đặt lên việc di chuyển trong các lãnh thổ Palestine.

Tình trạng bế tắc trong các cuộc thương thảo nhằm đạt đến một sự đồng thuận về quyền lợi pháp lý và tài chính của Giáo Hội tại Israel đã gây ra sự bất mãn ngày càng gia tăng trong các viên chức Tòa Thánh. Dưới áp lực ngoại giao của Hoa Kỳ, các cuộc thương thảo nhằm hoàn thành một thoả hiệp chung cuộc giữa hai bên đã được tái tục vào năm 2004 sau một thập niên bị đình hoãn.

Tháng 11/2005, trong cuộc viếng thăm Tòa Thánh, tổng thống Do Thái Moshe Katsav hứa rằng việc hoàn thành thỏa hiệp chung cuộc giữa hai bên là một trong các ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề vẫn không đi đến đâu vì sự cù nhầy của phía Do Thái.

Trong một cuộc họp báo do phía Do Thái tổ chức tại Rôma, bí thư thủ tướng Do Thái đã tiết lộ hai điểm. Điểm thứ nhất là phía Do Thái hoan nghênh thông cáo của Tòa Thánh lên án hội nghị phủ nhận Holocaust đang diễn ra tại Teheran trong suốt tuần này. Trong tư cách là một quốc gia, Vatican đã là nước đầu tiên lên tiếng chống lại hội nghị do tổng thống Iran, ông Mahmoud Ahmadinejad tổ chức. Mục đích của hội nghị này nhằm xuyên tạc lịch sử cho rằng vụ tàn sát người Do Thái trong thế chiến thứ hai (Holocaust) là một chuyện hoang đường, chưa từng bao giờ xảy ra trong lịch sử; hay nếu có xảy ra chăng nữa thì cũng không như người ta tưởng. Tuy nhiên, thủ tướng Do Thái ao ước chính Đức Thánh Cha đưa ra một tuyên bố của riêng ngài lên án hội nghị này. Các quan sát viên nhận định rằng Đức Thánh Cha có lẽ sẽ không đáp ứng yêu cầu này vì thông cáo báo chí của Tòa Thánh đã quá rõ ràng và mạnh mẽ.

Điểm thứ hai, ông Olmert lặp lại lời mời Đức Thánh Cha sang thăm Do Thái. Đức Thánh Cha đã bày tỏ ngài vui lòng nhận lời mời này. Tuy nhiên, ngày giờ cụ thể chưa được xếp đặt và các viên chức ngoại giao Tòa Thánh tin rằng Đức Thánh Cha có lẽ chỉ sang thăm Do Thái một khi hai bên đã đạt được thảo thuận song phương cuối cùng về tình trạng pháp lý và tài chính của Giáo Hội Công Giáo tại Israel.

Sau cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha, ông Olmert đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Tarcisio Bertone. Cùng dự buổi gặp gỡ này có Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, bộ trưởng ngoại giao Tòa Thánh và Đức Ông Pietro Parolin, bí thư bộ ngoại giao, người đã sang thăm Việt Nam hồi tháng Tư 2005.

Sau cuộc gặp gỡ tại phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ông Olmert đã có cuộc tiếp kiến với thủ tướng Italia Romano Prodi. Sau đó, ông sẽ sang thăm một số các nước Âu Châu khác.

Tưởng cũng nên biết thêm, chuyến viếng thăm của ông Olmert tại Tòa Thánh đã diễn ra trong khi đang có những căng thẳng giữa Israel và Iran. Trong khi tại Teheran đang diễn ra hội nghị phủ nhận Holocaust, Olmert đã góp phần gây thêm căng thẳng bằng cách nói bóng gió về khả năng nguyên tử của Do Thái, một điều mà nước này luôn luôn phủ nhận.