(Giêrusalem)
Thủ tướng Do Thái Ehud Olmert
Cựu Thủ tướng Do Thái Ariel Sharon
Bộ Thông Tin Do Thái sáng 7/12 cho biết thủ tướng Do Thái Ehud Olmert sẽ sang Vatican để gặp Đức Thánh Cha trong một buổi triều yết riêng vào ngày 13/12. Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra sau khi Đức Thánh Cha có cuộc tiếp kiến chung thường lệ dành cho anh chị em tín hữu vào mỗi ngày thứ Tư tại đại sảnh đường Phaolô Đệ Lục.

Theo giới thạo tin giờ giấc dành cho buổi gặp gỡ này là không bình thường. Nói cách khác, cuộc gặp gỡ này chỉ mới được trù định gần đây. Thật vậy, các viên chức tại Tòa Thánh tiết lộ rằng phía Do Thái đã thỉnh cầu cuộc gặp gỡ này.

Sau khi gặp Đức Thánh Cha, thủ tướng Do Thái sẽ gặp thủ tướng Italia Romano Prodi.

Quan hệ giữa Tòa Thánh và Do Thái, vốn dĩ đã không khá, trong thời gian qua đã trở nên rất tệ hại. Điển hình nhất là phản ứng dữ dội của bộ Ngoại Giao Do Thái trước bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 24/7/2005. Vụ này đã làm cho nhiều người kinh ngạc. Trong bài giảng của ngài, Đức Thánh Cha đã nhắc đến các vụ khủng bố đã diễn ra "trong những ngày qua", trong đó ngài kể đến các nước bị khủng bố như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Anh quốc. Ngài đã không nhắc đến vụ khủng bố tại Netanya, Do Thái, 10 ngày trước đó.

Việc Đức Thánh Cha không nhắc đến vụ khủng bố tại Netanya là chuyện dễ hiểu. Do Thái là nước đang ở trong tình trạng chiến tranh. Các cuộc tấn kích do quân Do Thái nhắm vào thường dân và các lực lượng vũ trang Palestine, cũng như những hành động trả thù của Palestine nhắm vào quân đội và dân thường Do Thái là những chuyện xảy ra thường xuyên và Tòa Thánh không ngừng lên án cả hai phía. Các vụ tấn công khủng bố gần đây tại Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Anh quốc mang một mầu sắc khác và đáng bị lên án cách đặc biệt vì nó nhắm chủ yếu vào thường dân vô tội với một dụng ý rõ rệt là cố ý tạo ra tranh chấp ở quy mô toàn thế giới giữa người Hồi Giáo và người Kitô Giáo.

Các quan sát viên có thể nhận ra rõ ràng đàng sau những phản ứng dữ dội và những lời tấn công bất thình lình của Bộ Ngoại Giao nhắm vào Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI là ý đồ muốn hủy bỏ cuộc họp với Công Giáo đã được ấn định vào cùng ngày thứ Hai 25/7/2005!

Tưởng cũng nên nhắc lại là theo Hiệp Định Căn Bản giữa Do Thái và Tòa Thánh được ký kết vào năm 1993, Do Thái phải thương lượng với Tòa Thánh về những vấn đề liên quan đến thuế má và quyền sở hữu các tài sản của Giáo Hội tại Thánh Địa. Các cuộc thương thảo giữa hai bên đã chính thức khởi đầu từ ngày 11/3/1999. Tuy nhiên, Do Thái rất cù nhầy và thường xuyên bỏ họp vào phút chót.

Sau một số cuộc họp với những kết quả rất khiêm tốn, ngày 28/8/2003, Do Thái ngang nhiên bỏ họp vô hạn định.

Dưới áp lực Hoa Kỳ, Do Thái trở lại bàn thương thảo một năm sau đó. Tuy nhiên, khi hai bên gần đến mức đạt được thỏa hiệp thì Do Thái đơn phương hủy bỏ các cuộc họp hôm 15/12 và 16/12/2004 chỉ vài giờ trước khi cuộc họp xảy ra. Theo dự trù cuộc họp với ngoại trưởng Do Thái sẽ nhằm kết thúc những bàn cãi về vấn đề thuế khóa từ lần họp trước. Trong ngày 15/12/2004, hai bên sẽ họp chung kết về thuế khóa và trong ngày 16/12/2004 sẽ bàn cách thực hiện nếu đạt được hiệp định trong ngày trước đó. Phía Do Thái không đưa ra bất cứ lý do nào về việc hoãn họp và cũng chẳng thông báo khi nào họ muốn họp tiếp.

Một đại biểu phía Công Giáo cho biết: “Phản ứng trong đoàn đạo biểu Giáo Hội là đầy kinh ngạc trước điều dường như đã thành lệ là phía Do Thái cứ đơn phương hủy bỏ họp vào phút chót trước các cuộc họp quan trọng”.

“Cuộc họp này đã được Do Thái trù bị trong 12 năm qua. Nhưng mỗi lần chúng tôi tiến đến gần kết luận thì họ rút lui. Thật là lạ lùng. Làm sao vấn đề có thể được giải quyết nếu họ không muốn đề cập đến”.

Sau khi xảy ra vụ đơn phương bỏ họp. Do Thái cũng bỏ luôn cuộc họp vào tháng Giêng năm nay.

Phản ứng về vấn đề này, Đức Cha William S. Skylstad của giáo phận Spokane, Wash., chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã viết hai lá thư với những lời lẽ gay gắt tố cáo thái độ coi thường Tòa Thánh của Do Thái và coi thường các hiệp định do chính họ ký kết.

Trong lá thư gởi ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice, Đức Cha Skylstad đã kêu gọi Hoa Kỳ can thiệp vào vấn đề này.

Trong cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Angelo Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh hôm 8/2/2005, tân ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice đã bàn thảo với Đức Hồng Y về tình hình Trung Đông và hứa sẽ làm mọi cách để Do Thái ngồi vào bàn hội nghị thảo luận về việc thi hành Hiệp Định Cơ Bản đã ký với Tòa Thánh vào năm 1993.

Dưới tất cả các áp lực đó, Do Thái đã chịu nói chuyện với các đại diện Vatican để cho một cái hẹn vào tháng 3/2005. Đến tháng 3/2005, Do Thái lại bỏ hẹn và dời vào tháng 4/2005, sau đó là tháng 5/2005 và cuối cùng là vào ngày 19/7/2005 vừa qua.

Đến ngày 19/7, Do Thái lại hẹn đến ngày 25/7/2005 và ngày 25/7 lại dựng lên chuyện "lảng òm" để bỏ họp.

Theo cha David Jaeger, chuyên viên về các vấn đề thương thuyết với Do Thái, vấn đề thuế khóa là “vấn đề sống còn với Giáo Hội”. Theo luật của Do Thái, chính quyền địa phương yêu cầu các chủ tài sản phải nộp 1/3 tiền thuế đất cho họ. Cha Jaeger cho biết:

“Các tu viện phần lớn được xây trên các vùng hẻo lánh ít dân cư và các tu sĩ sống nhờ của dâng cúng ít ỏi thì làm sao có tiền đóng thuế đất”. Nếu bị buộc phải đóng thuế, nhiều nhà thờ và tu viện Công Giáo phải đóng cửa và do đó Giáo Hội Công Giáo mất dần sự hiện diện của mình tại Thánh Địa.

Trong khi một số các tôn giáo khác như Giáo Hội Armenia Tông Truyền theo dõi sát cuộc thảo luận về thuế khóa giữa Công Giáo và Do Thái, vì họ cùng chịu hoàmn cảnh khó khăn như Giáo Hội Công Giáo; Do Thái Giáo và Chính Thống Giáo Hy Lạp không lo lắng gì về vấn đề này. Các cơ sở Do Thái Giáo không những không bị đóng thuế mà còn được nhà nước tài trợ. Trong khi đó, Giáo Hội Chính Thống Giáo Hy Lạp là chủ tài sản của nhiều lô đất rộng lớn tại Do Thái. Ngay cả, trụ sở của quốc hội Do Thái hiện nay cũng phải thuê đất của Chính Thống Giáo Hy Lạp và theo luật của Do Thái thì người đang cư ngụ phải trả tiền thuế đất chứ không phải chủ lô đất phải trả tiền.