TỈNH TÂM LINH MỤC 2006

PHỤC VỤ MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG.


NHẬP ĐỀ.

Thiên Chúa là Tình Yêu; vì là Tình Yêu, Thiên Chúa hành động với công trình sáng tạo. Mọi việc Thiên Chúa tạo dựng đều tốt đẹp, cách đặc biệt Thiên Chúa tạo nên con người giống hình ảnh Chúa, có trí khôn và ý chí để sống hiệp thông. Ađam hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng không gặp được hình ảnh đương đối nào nơi các tạo vật khác, nên Thiên Chúa ban cho ông một người bạn tri kỷ, giống như ông, là hình ảnh của Thiên Chúa, để họ sống hiệp thông với nhau và hiệp thông với Thiên Chúa.

Thế nhưng cơn cám dỗ nghi ngờ Thiên Chúa, muốn sống ngoài đường lối Thiên Chúa, muốn tự đặt ra cho mình đường lối sống. Thế là sự đổ vỡ xảy đến. Nguyên tổ đã chống lại Thiên Chúa, đánh mất sự hiệp thông với Thiên Chúa, và cũng đánh mất sự hiệp thông với nhau. Nhưng những gì Thiên chúa đã tạo dựng tốt đẹp, Ngài không bao giờ để cho nó bị tiêu huỷ đi một cách vô ích, sự Hiệp Thông mà Thiên Chúa đã thiết lập với con người, Ngài cũng không muốn cho nó bị hư hoại đi.

Kế hoạch Tình Yêu mà Thiên Chúa Quan Phòng đã dự liệu cho chúng ta, là Thiên Chúa sai Con của Mình đến trần gian, nhờ Chúa Thánh Thần mặc lấy xác phàm Nhập Thể để tái tạo sự hiệp thông. Đó là Mầu nhiệm mà chúa Giêsu đến mạc khải và thực hiện.

Người phục vụ cho sự hiệp thông thứ nhất và trên hết là Chúa Giêsu, kế đến là Các Tông đồ và những người kế vị các Ngài, rồi đến chúng ta Linh Mục và các tín hữu là những người được kêu gọi tham dự vào sứ mệnh phục vụ cho sự hiệp thông của Chúa Kitô. Nhờ Chúa Thánh Thần, Con Chúa Nhập Thể thực hiện sứ mệnh, thì việc tham dự vào sứ mệnh phục vụ cho sự hiệp thông của Chúa Kitô cũng phải nhờ Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của sự hiệp thông.

‘Hãy làm sống lại ơn Chúa mà bạn đã lãnh nhận qua việc đặt tay ‘ (2 Tim 1,6)

Bài 1. Cuộc gặp gỡ đổi đời : Gioan 1,35-51

1. ‘Các bạn tìm kiếm gì?

Các chứng từ : Phúc âm thứ tư trình bày cho chúng ta trước tiên chứng từ của Gioan Tẩy giả : Gioan công khai xác nhận mình không phải là Đấng Kitô, nhưng một cách khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc bảo phải dọn đường cho Chúa. Rồi khi thấy Chúa Giêsu đến với mình, thì không ngần ngại giới thiệu (cho đám dân chúng đến để nghe Gioan và xin nhận phép rửa thống hối):’ Đây là chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian…’(1,29). Gioan còn làm chứng : ‘Tôi đã trông thấy Thánh Thần như chim câu từ trời xuống và đậu lại trên Người … Đấng sai tôi đến làm phép rửa trong nước đã nói với tôi: Ngươi thấy Thánh Thần đáp xuống và đậu lại trên ai, thì chính là Đấng thanh tẩy trong Thánh Thần. Và tôi đã xem thấy, và đoan chứng: Chính ngài là Con Thiên Chúa’(1,32-34). Hôm sau nữa Chúa Giêsu quay trở lại nơi Gioan đã làm phép rửa cho Người. Để làm gì ? PÂ kể lại: Gioan đang đứng đó với hai môn đệ của ông. Ong nhìn về phía Chúa Giêsu đang đi ngang qua mà nói: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa’.

Hai môn đệ đã nghe lời Gioan nói và đi theo Chúa Giêsu. Quay lại và thấy họ đi theo mình, Chúa Giêsu nói với họ: ‘ Các bạn tìm kiếm gì? Đây là lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong PÂ thứ tư, lời mang nhiều ý nghĩa. Hai môn đệ của Gioan bất ngờ nghe giới thiệu ông Giêsu Nazareth như Đấng Messia, có thể vì tò mò, quyết định đi theo xa xa, e dè lúng túng, cho tời khi Người quay lại hỏi họ ‘Các bạn tìm kiếm gì?’ Những lời nầy làm cho họ hết do dự, nhưng thêm bạo dạn, mở đầu cho cuộc đối thoại dẫn tới cuộc mạo hiểm của các môn đồ đầu tiên. Thay vì trả lời, họ thưa lại :’ Thưa Thầy, Thầy ở đâu? ‘ Chúa Giêsu đáp lại bằng một lời mời gọi :’ Hãy đến mà xem’.

Cuộc gặp gỡ, tuy chỉ được mô tả cách vắn gọn, nhưng gây ngạc nhiên, phát họa bước đầu của mọi hành trình đức tin. Chính Chúa Giêsu có sáng kiến quay trở lại nơi Gioan làm phép rửa, để được giới thiệu và để gặp gỡ hai người môn đệ nầy. Người biết rõ mỗi người chúng ta và yêu thương chúng ta trước (x. 1 Gioan 4,10). Không phải chúng ta đi tìm Người, nhưng chính Người tìm đến chúng ta. Người tạo cơ hội cho ta được gặp gỡ và nâng đỡ ý chí của chúng ta. Điều căn bản của cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu là gì ? không phải là nhắm tới một lợi lộc nào đó, nhưng tiếp xúc với Đấng Hằng Sống, là Đấng có những dự định, những đề nghị cho mỗi người trong kế hoạch của Người. Người Kitô hữu không phải là những môn sinh của một hệ thống triết học, nhưng họ là những con người, nhờ đức tin, sống kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô (x.1 Gioan 1,14).

2. ‘Họ đã đến và xem nơi Người ở, và ở lại bên Người’

PÂ thứ tư không ghi lại chi tiết nào khác, không cho biết họ đã nghe Chúa nói gì và cũng không cho biết họ đã thưa với Người những điều gì, không bảo cho biết họ có xin được làm môn đệ của Người hay đã được Người mời gọi làm môn đệ của Người. Điều quan trọng là họ đã theo lời giới thiệu của Gioan, và đáp lại lời mời gọi của Người : Họ đã đến xem và ở lại bên Người. Chính họ đã gặp gỡ Người. Và cuộc gặp gỡ nầy đã đặt họ trong một tương quan mới với Chúa Giêsu. Các ông đã nhờ Gioan giới thiệu, mà đi gặp Người, thì cuộc gặp gỡ cũng làm cho các ông trở thành người giới thiệu Chúa cho người khác. Anrê, em của Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe lời Gioan mà đi theo Người, ông gặp anh mình trước hết, thì nói: ‘ Chúng tôi đã gặp Đức Messia’ rồi đưa Simon đến với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã nhận Simon làm môn đồ của mình khi Người nhìn ông mà nói ’Ngươi là Simon, con của Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá’.

Hôm sau Chúa Giêsu đi Galilêa và gặp Philipphê, Người nói với ông:’ Hãy theo Ta!’ Philipphê đi gặp Nathanael và bảo:’ Đấng mà Môisen và các Tiên tri đã nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Đức Giêsu, con của Giuse, người Nazareth’.

Nathanael đáp lại: ‘Tự Nazareth, thì có thể xảy ra gì tốt được’. Philipphê bảo : ‘Hãy đến mà xem !’ Cuộc gặp gở của Nathanael dài dòng hơn. Chúa Giêsu thấy Nathanael đến với mình, thì nói về ông: ‘ Nầy đây đích thật một người Israel, trong mình không có gian dối’. Nathanael thưa: ‘ Bởi đâu Ngài biết tôi ?’ Đức Giêsu trả lời :’ Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi ở dưới cây vả, Ta đã thấy ngươi ‘. Sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu đã đưa Nathanael đến thái độ khác : ‘ Rabbi (Thưa Thầy), Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài là Vua Israel’. Như thế, Nathanael đã tin điều Philipphê nói với ông trước đó.

3. Đây là Chiên Thiên Chúa. Điều gì thật quan trọng trong cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các môn đồ đầu tiên nầy ?

Đi từ chứng từ của Gioan Tẩy giả đến chứng từ của các môn đệ, ta nhận thấy lập đi lập lại ‘Nầy là Chiên Thiên Chúa’(1,29.36), ‘Chính Ngài là Con Thiên Chúa’(1,34), ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”(1,41), ‘Ngài là Con Thiên Chúa, là Vua Israel’(1,49). Đó là những tước hiệu của Đức Messia. Và mặc dầu đức tin vào Chúa Giêsu Kitô của các ông nói được là còn non yếu, nhưng nó chính là động lực nối kết các ông với Chúa Giêsu. Nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, sự kiên nhẫn cảm hóa và chinh phục của Chúa Giêsu, các ông sẽ dần dần thắt chặt mối tương quan với Người.

Chúng ta cũng được mời gọi xem xét những cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giêsu trong các giờ Kinh nguyện, giờ suy gẫm hàng ngày, cử hành Thánh Lễ, Viếng Chúa, Ban các Bí Tích, Lần Chuỗi, Lắng nghe giáo huấn của Hội Thánh…Rồi sau đó chúng ta nói với người khác về Chúa như thế nào.

Đức Hồng Y Bernadin Gantin, được tấn phong Hồng Y một trật với Đức Bênêđitô XVI, ngày 27.6.1977, làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục cho đến 1998, làm niên trưởng Hồng Y Đoàn đến 2002, về hưu tại Bénin, khi được hỏi Ngài có dịp nào nói chuyện với Đức Bênêđitô XVI về Châu Phi không ? Ngài đáp: Nếu Chúa muốn và nếu sức khoẻ của tôi cho phép, tôi sẽ sang Roma, như tôi mong ước, để gặp Đức Giáo Hoàng. Mà không phải để nói nhưng để lắng nghe: Chính Ngài là người thay mặt Chúa Kitô, Đấng có những lời ban sự sống đời đời. Chính Ngài là Hiền Phụ và là vị Mục Tử của Hội Thánh Công Giáo hoàn vũ.Từ xứ Bénin xa xôi nầy, chúng tôi luôn luôn cố gắng đọc những bài giảng và các Diễn từ của Ngài: Đó là những vì sao chiếu sáng trong đêm đen, thế giới của chúng ta hôm nay như bị nhận chìm trong đó. (Tập San 30 Jours, số 6/7-2006, trang 18)