TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM: CÁC PHƯƠNG TIỆN CẦN THIẾT CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

VÀO ĐỀ

Chúa Thánh Thần là Người quyết định thành quả của Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội (bài 3). Nhân sự truyền giáo là nhân tố cần thiết sau Chúa Thánh Thần và được xem là công cụ của Chúa Thánh Thần (bài 4+5). Kế đến là các phương tiện mà Chúa Quan Phòng đã ban cho người tín hữu và Giáo Hội để chúng ta sử dụng chúng một cách tốt nhất cho Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng Cứu Độ chúng sinh. Trong bài 6 này chúng ta sẽ đề cập đến một số phương tiện cần thiết cho việc Truyền Giáo tại Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

TRÌNH BÀY

1. Giáo Huấn của Công Đồng Vatican II về các Phương Tiện Truyền Giáo:

“Các Ki-tô hữu phải hoạt động và cộng tác với mọi người khác để tổ chức đúng đắn các hoạt động kinh tế xã hội. Họ phải quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục các thanh thiếu niên, nhi đồng bằng các loại trường học khác nhau. Ngoài ra họ còn phải tham gia vào nỗ lực của các dân tộc đang cố gắng tạo ra những hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn và củng cố hòa bình thế giới bằng cách khuất phục đói khát, dốt nát và bệnh tật… Tuy nhiên Giáo hội không chỉ tìm kiếm tiến bộ và thịnh vượng thuần vật chất, mà còn nâng cao nhân phẩm và sự hiệp nhất huynh đệ cho con người” (1).

Từ giáo huấn trên của Công Đồng Vatican II chúng ta hiểu rằng tất cả mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, bác ái, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật nhằm thăng tiến con người về mọi mặt (toàn diện) đều là các phương tiện Truyền Giáo. Chúng ta cũng hiểu rằng giáo huấn trên đã được khơi nguồn từ chính gương mẫu của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng, sau khi giảng dạy cho dân chúng về Nước Trời, đã cho họ bánh ăn và chữa lành mọi bệnh nạn tật nguyền (2). Vì thế chúng ta có một định nghĩa rất cụ thể về Truyền Giáo: "Truyền giáo là tận tình giúp đỡ những người nghèo khổ, để, ở đời này họ có được một cuộc sống xứng phẩm giá con người và đời sau được đạt tới Ơn Cứu độ" (3). Do đó tất cả những việc làm giúp người nghèo về vật chất, tinh thần, tâm linh thoát khỏi cảnh nghèo ấy đều được kể là các phương tiện Truyền Giáo.

2. Một số Phương Tiện Truyền Giáo hữu hiệu và thích hợp tại Việt Nam hiện nay:

Ngoài các hoạt động phụng vụ, bí tích, giảng dạy giáo lý mà giáo xứ nào cũng tổ chức, chúng ta có thể nêu ra đây một số hoạt động được xem như phương tiện thích hợp giúp người không công giáo có dịp tiếp cận với người công giáo, hiểu được phần nào tinh thần, động lực và mục tiêu của mọi hoạt động của người Công giáo. Từ đó họ khám phá ra Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, Siêu Việt và Thánh Thiện, Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu chuộc nhân loại mà tin theo Người.

2.1 Các Chương Trình Học Bổng cho học sinh nghèo: Trước hết là các Chương Trình học bổng cho học sinh nghèo, tức chương trình cấp mỗi tháng hay mỗi năm một khoản tiền nào đó cho một học sinh, sinh viên nghèo có thêm điều kiện để học hành. Chương Trình này rất thiết thực vì chi phí học hành là rất lớn đối với các gia đình nghèo. Chương trình này khá phổ biến và đa dạng, do nhiều người, nhiều tổ chức thực hiện độc lập với nhau: nhà nước có chương trình của nhà nước; địa phuơng có chương trình của địa phương; các hội từ thiện (trong và ngoài nước) có chương trình của hội từ thiện; các giáo xứ có chương trình của các giáo xứ. Các Chương Trình học bổng cho học sinh nghèo được mọi người đón nhận và nếu biết cách vận động thì cũng dễ tìm ra nguồn tài trợ.

2.2 Các Lớp Học Tình Thương: Một Chương Trình khác giúp trẻ em nghèo là Các Lớp Học Tình Thương tức các lớp học được tổ chức cho các trẻ em không có đủ điều kiện để vào học trong các trường của nhà nước: như quá tuổi qui định, không có hộ khẩu ở thành phố, hoặc vì gia đình quá nghèo. Người hay tổ chức đứng ra mở các Lớp Học Tình Thương phải trang trải tiền lương cho giáo viên, tiền sách vở cho học sinh và thường cho các cháu ít là một bữa ăn. Phần lớn các trẻ em này phải vừa học vừa kiếm sống: trước hay sau buổi học là các em chạy trên đường phố bán báo, kẹo chewing-gum, vé số. Có em giúp các cửa hàng ăn uống hay các bà bán rau ở chợ. Có em nhặt ve chai ở đống rác ngoại thành. Một số các em có cha có mẹ, có nơi trú nắng trú mưa và một số em mồ côi hay bị cha mẹ bỏ, sống vô gia cư, ngủ lề đường xó chợ rất tội nghiệp và dễ trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội như lạm dụng tình dục trẻ em hay nghiện ma túy.

2.3 Các Mái Âm, Nhà Mở: Một Chương Trình khác nữa giúp trẻ em nghèo lại bị khuyết tật (mù, câm, thiểu năng) là Các Mái Âm, Nhà Mở. Các em được đưa vào các cơ sở này chẳng những được nuôi dưỡng tử tế mà còn được học hành đàng hoàng - học chữ và học nghề - nữa. Người hay tổ chức thành lập các Mái Ấm hay Nhà Mở phải trang trải tiền lương cho giáo viên, tiền ăn uống, sách vở, điện nước, thuốc men cho các cháu. Một số các em có cha có mẹ và một số em mồ côi hay bị cha mẹ bỏ, chẳng biết nương tựa vào ai.

2.4 Các Lớp Dậy Nghề: Trong hoạt động của các tổ chức phi chính phủ người ta thường lấy phương châm này: "Cho cần câu tốt hơn cho con cá" vì cho con cá hay lương thực hay tiền bạc thì người nghèo ăn, xài rồi cũng hết. Chi bằng và tốt hơn là cung cấp cho họ một phương thế để họ tự kiếm sống. Đó chính là lý do và ý nghĩa của các Lớp Dậy Nghề mà nhiều người, nhiều tổ chức đang làm tại Việt Nam. Các đối tượng được nhận vào các Lớp này cũng phải được tuyển lựa một cách nào đó. Các em - phần đông là nữ- được học may, thêu, đan, vẽ, sửa xe, cắt tóc, nấu ăn, làm bánh. Có nhiều cơ sở còn giúp các em kiếm việc làm sau khi mãn khóa. Có nhiều người nghèo đã được giúp đỡ một cách thiết thực để có nghề trong tay tự kiếm sống trong xã hội từ các Lớp Dậy Nghề như thế.

2.5 Các Chuyến Công Tác Bác-Ái, Xã Hội, Từ Thiện: Không phải người hay tập thể Công giáo nào cũng có khả năng tổ chức được các Chương Trình hay Lớp Học hay Cơ Sở vừa nêu. Có rất nhiều người không có điều kiện để giúp đỡ người nghèo theo các cách ấy thì họ vẫn có thể tham gia một hoạt động khác là các Chuyến Công Tác Bác Ái - Xã Hội -Từ Thiện. Ví dụ: nhân dịp Têt Trung Thu hay Tết Nguyên Đán, một số anh chị em huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể hay Giới Trẻ hay Hiền Mẫu mời gọi nhau đóng góp và vận động những người chung quanh đóng góp tiền, mì gòi, sữa, đường, quần áo, sách báo cũ.... cho một chuyến viếng thăm một Trại Phong, một Trung Tâm Nuôi Dưỡng người già, một Viện Mồ Côi, một Trại Cải Hóa các phụ nữ lỡ lầm.... Giới Y Xã (y tế - xã hội) thì phối hợp việc khám bệnh phát thuốc cho các đối tượng trong các chuyến công tác của họ. Mới đây có đoàn đã tổ chức được cả thánh lễ cho những anh chị em công giáo sống trong các cơ sở này.

2.6 Các Điểm Truyền Giáo: So với các Chương Trình hay các Hoạt Động vừa nêu thì Điểm Truyền Giáo mang tính chất truyền Giáo một cách rõ rệt hơn. Thường thì một Điểm Truyền Giáo bất đầu bằng sự hình thành một vài phòng cho Lớp Học Tình Thương, cho Lớp Dậy Nghề, trong một khu dân cư nghèo và có ít người Công giáo. Sau một thời gian (dài ngắn tùy từng nơi, từng trường hợp) sẽ xuất hiện một ngôi nhà nguyện. Lúc đầu linh mục chỉ thỉnh thoảng đến dâng lễ, rồi dần dần thánh lễ sẽ được cử hành đều đặn hơn và các lớp giáo lý được âm thầm tổ chức cho trẻ em. Nhờ thế mà một cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé được hình thành. Với đà đô thị hóa chẳng mấy chốc Điểm Truyền Giáo này có thể biến thành một Giáo Họ, thậm chí một Giáo Xứ.

Có điều cần nêu lên ở đây là từ trước đến giờ chính quyền luôn tỏ ra khắt khe với hoạt động này của Giáo Hội. Trong khi đó cũng phải nói rằng các Tòa Giám Mục cũng tỏ ra quá nhẫn nại chờ chính quyền thay đổi thái độ, làm cho cộng đoàn đức tin chậm ra đời tại nhiều địa phương.

2.7 Các Phương Tiện Thông Tin Đại Chúng hay Truyền Thông Xã Hội: Nếu thời đại này là thời đại của Thông Tin Đại Chúng thì tại Việt Nam tất cả các phương tiện truyền thông (báo chí, truyền thanh, truyền hình, xuất bản) đều nằm trong tay nhà nước. Và nhà nước cho phép tới đâu, cho phép nói kiểu nào thì các cơ quan này được nói tới đó, được nói kiểu đó! Ví dụ: có một thời nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (tức Trung Cộng) được mọi phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam coi là kẻ thù. Nhưng chỉ sau đó mấy năm thì cũng trên các phương tiện thông tin đại chúng ấy nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là người bạn lớn của đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam. Một thí dụ khác: Có một thời gian thì người Việt bỏ nước ra đi bị coi là phản quốc; một thòi gian sau thì lại được coi là Việt Kiều yêu nước!

Các tổ chức tôn giáo - dù được chính quyền nhìn nhận có quyền hiện hữu và hoạt động - cũng chẳng có phương tiện thông tin đại chúng nào đáng kể. Riêng Giáo Hội Công Giáo chỉ có một bản tin Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trầy trụa bao năm nay mới được "để yên". Điều trớ trêu và nực cười nhất là nhà nước lập nhà xuất bản tôn giáo để in các sách của các tôn giáo trong khi từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên của cơ quan ấy đều là người vô thần, vô tôn giáo. Cũng như từ trung ương đến các địa phương, nơi nào cũng có ban tôn giáo để quản lý những người có tôn giáo. Vô tôn giáo mà quản lý tôn giáo thì là thế nào?

Tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng - tôn giáo của VNXHCN là như thế đó!

Người ta cũng ghi nhận hiện tượng này: trong mấy năm gần đây thì trên các kênh truyền hình Việt Nam có nhiều tin và hình ảnh hơn về hoạt động của Đức Giáo Hoàng, về các Lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh ở một số nơi trong và ngoài nước. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Các kênh truyền hình trung ương và các tỉnh, thành phố lớn nên mời các tôn giáo lớn như Phật Giáo, Công Giáo v.v.. có những bài phát biểu, có những băng hình về sinh hoạt để giới thiệu với mọi người dân vào những dịp lễ lớn của tôn giáo.

3. Một số Phương Tiện Truyền Giáo mà Giáo Hội Việt Nam có quyền đòi nhà đương quyền phải nhìn nhận và trả lại :

Hiện nay trên thế giới khi các tổ chức tôn giáo đã được nhìn nhận thì các tổ chức tôn giáo ấy có quyền hoạt động và có quyền có các phương tiện để hoạt động, không chỉ trong lãnh vực thuần túy tôn giáo mà cả trong các lãnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, từ thiện nữa. Đó là điều hết sức bình thường. Vì thế mà các tôn giáo tại Việt Nam có quyền sở hữu và điều hành các trường học, bệnh viện, trung tâm xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, nhà xuất bản, phát thanh, truyền hình, mạng lưới điện tử (websites).



Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sàigòn đã có lần hỏi thẳng ông Nguyễn Minh Triết (lúc ông còn là Bí Thư Thành Ủy và nay là Chủ Tịch Nước): "Tại sao chính quyền không để các tôn giáo tham gia vào công việc y tế, giáo dục, xã hội.... trong khi nhà nước lo không xuể?" Lúc đó ông Triết đã không trả lời câu hỏi ấy của Đức Hồng Y; nhưng không có nghĩa là vấn đề đã được giải quyết.

Tôi thiết nghĩ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nên đặt những câu hỏi tương tự với chính quyền trung ương, nhất là trong những dịp Hội Nghị Thường Niên (4), thường có sự gặp gỡ với ban tôn giáo chính phủ. Tôi cũng thiết nghĩ các vị lãnh đạo các tôn giáo tại Việt Nam nên liên kết với nhau để đặt vấn đề với nhà cầm quyền, vì đó chẳng những là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của các vị đối với dân tộc Việt Nam nói chung và với các tín đồ của tôn giáo mình nói riêng.



THAY LỜI KẾT

Phương tiện là nhân tố cần thiết thứ ba của việc Truyền Giáo, sau Chúa Thánh Thần và Nhân Sự. Có nhân sự mà không có phương tiện thì hoạt động Truyền Giáo cũng bị giới hạn.



Muốn có những phương tiện cần thiết cho hoạt động Truyền Giáo thì người và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải chủ động, sáng tạo, dũng cảm, có kế hoạch và biết dành ưu tiên cho các Phương Tiện hợp thời và hiệu quả nhất. Cũng cần có sự liên đới, san sẻ, hợp tác giữa các giáo phận, giữa hai Ủy Ban Giám mục về Loan Báo Tin Mừng và về Bác Ái xã Hội.



Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Lễ Thánh Ba-tô-lô-mê-ô Tông Đồ.

Kansas City (MO/USA ngày 24.8.2006).

.........................

Chú thích

(1) Sắc Lệnh Truyền Giáo, 12.

(2) Mc 6, 34-44.

(3) “Giáo hội trong toàn thế giới muốn là Giáo Hội của những người nghèo khổ… Do đó người nghèo là đối tượng đầu tiên của việc truyền giáo. Và loan báo Tin Mừng cho họ là một dấu chỉ và bằng chứng sứ vụ của Đức Giê-su” (Tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và các Giám Mục Châu Mỹ La tinh tại Puebla).

(4) Hội Nghị Thường Niên năm nay của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ được tổ chức tại Huế từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 9 này, với chủ đề của Thư Mục Vụ "SỐNG ĐỨC TIN TRONG LÒNG XÃ HỘI"