(Vatican)
Đức Hồng Y Camillo Ruini
Trong số ra ngày 22/9/2006, bỉnh bút của tờ Vatican Insider, ông Sandro Magister, lên tiếng ca ngợi Đức Hồng Y Camillo Ruini là người nắm bắt được những tinh thần chính của triều đại Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô XVI hơn các nhà lãnh đạo khác trong Giáo Hội. Ông Magister nhắc lại rằng hôm thứ Hai vừa qua trong cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Italia, Đức Hồng Y Camillo Ruini đã lên tiếng ca ngợi diễn từ của Đức Thánh Cha tại Đại Học Regensburg là “huy hoàng”.

Trong cuộc họp, Đức Hồng Y nói với các Giám Mục Italia rằng: “Thật là đáng ngạc nhiên và buồn khi một số đoạn trong diễn từ đã bị hiểu lầm đến độ bị diễn dịch như là một xúc phạm chống lại đạo Hồi”.

Ngài nói tiếp, Đức Thánh Cha đang cố gắng kiến tạo “một cuộc đối thoại văn hóa và tôn giáo – một cuộc đối thoại chúng ta đang cần đến cách cấp thiết”.

Theo Đức Hồng Y Ruini, diễn từ tại Regensburg là sự tiếp nối chủ đề căn bản mà Đức Thánh Cha đã đưa ra trong thông điệp đầu tiên của mình “Deus Caritas Est” (Thiên Chúa là tình yêu) và trong lời chúc Giáng Sinh gởi đến giáo triều Rôma hôm 22/12/2005. Thiên Chúa là tình yêu và là lý trí. “Có một liên hệ thiết yếu giữa lý trí con người và niềm tin vào Thiên Chúa. Liên kết này không chỉ giới hạn trong quá khứ nhưng ngay cả ngày nay đang mở ra những viễn tượng cho lòng khao khát của chúng ta muốn được biết và được trải qua một cuộc sống tự do và viên mãn”.

Theo ông Magister, Đức Giáo Hoàng biết chính xác điều ngài đang làm và không sợ hãi thực thi điều đó, ngài sẽ “không yên lặng cũng chẳng thoái lui”. Cuộc đối thoại với Hồi Giáo là một quan tâm thực sự của Đức Thánh Cha, như nhiều viên chức tại Tòa Thánh đã ghi nhận trong những tuần gần đây.

Về những lời của đại đế Manuel II Paleologos, Magister cho rằng Đức Thánh Cha cố ý nêu ra những lời đó.

“Thời điểm của vị đại đế, cũng giống như thời đại của chúng ta, đầy những chiến tranh và thánh chiến. Trong mịt mù khói lửa của những cuộc tranh chấp, Manuel thấy nhu cầu phải đưa người đối thoại Ba Tư của mình về địa hạt của sự thật, lý trí, luật pháp và bạo lực để tìm xem điều gì đánh dấu sự khác biệt thật sự giữa đức tin Kitô Giáo và Hồi Giáo; điều gì là những vấn đề then chốt của chiến tranh hay hòa bình giữa các nền văn minh”

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cũng đang đòi hỏi Hồi Giáo “đặt một giới hạn cho từ ‘thánh chiến’ của họ. Ngài đề nghị với các tín hữu Hồi Giáo hãy tách biệt bạo lực khỏi niềm tin của họ, như đã được chỉ định bởi chính kinh Koran, và rằng họ hãy nối lại quan hệ giữa đức tin và lý trí vì ‘hành động chống lại lý trí là nghịch lại với bản tính Thiên Chúa’”.

Ông Magister nhận định Đức Thánh Cha sẽ không yên lặng hay thoái lui bởi vì ngài đầy hy vọng. “Ngài đã không táo bạo như thế nếu ngài không tin vào khả năng thực sự rằng một sự diễn dịch kinh Koran kết hôn đức tin với lý trí và tự do có thể được mở lại trong tư tưởng của người Hồi Giáo”.

Chính vì thế, “bất chấp những ồn ào chỉ trích của cả thế giới Ả rập lẫn Tây phương, Đức Thánh Cha đã không xin lỗi và cũng chẳng rút lại một dòng nào trong diễn từ của ngài”.

“Diễn từ của ngài tại Regensburg không phải là một bài làm trong trường đại học của ngài. Ngài không để qua một bên phẩm phục Giáo Hoàng của ngài để nói chỉ một thứ ngôn ngữ phức tạp của một thần học gia, cho một cử tọa gồm toàn các chuyên gia. Giáo Hoàng và thần học gia trong ngài là một thể thống nhất, và cho tất cả mọi người”.

Ông Magister nhận định rằng Đức Bênêđíctô XVI tin rằng đức tin một lần nữa phải được se duyên với lý trí và ngài phải cất cao tiếng nói cho một cuộc hôn nhân như thế trong thế giới Tây Phương tục hóa.

Ông Magister kết luận: “Thực ra, hầu như toàn bộ diễn từ của Đức Bênêđíctô XVI tại Regensburg là nhắm vào thế giới Kitô Giáo, thế giới Tây Phương và Âu Châu, mà theo lập trường của ngài đã quá chủ quan trước lý trí đơn sơ của họ đến mức đánh mất đi niềm kính sợ Thiên Chúa”.