Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi
(Geneva) Hôm 19/9/2006, Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, trong bài điều trần tại Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc họp ở Geneva Thụy Sĩ đã lên tiếng giải thích cho bài diễn văn của Đức Thánh Cha tại Đại Học Regensburg, và tỏ ra hoài nghi về động cơ của những phản ứng quá đáng trong thế giới Hồi Giáo.

Theo Radio Vatican, Đức Cha Silvano cho biết bài diễn văn của Đức Thánh Cha cần phải được “hiểu theo một chiều kích thích đáng, bằng một tinh thần đối thoại ôn hòa và xây dựng”.

Theo Đức Cha Silvano, ý hướng chủ yếu trong diễn từ của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, là “trong khi nhìn nhận những khía cạnh tích cực của lý trí hiện đại”, ngài muốn “nới rộng chân trời của lý trí để nó bao gồm cả chiều kích tôn giáo, sao cho có thể bắt đầu thực hiện một cuộc đối thoại chung theo lý trí”. Chỉ có như thế mới có thể bênh vực được những giá trị nhân bản của các nền văn hóa tôn giáo, kể cả Hồi Giáo.

Về việc Đức Thánh Cha trích dẫn lời của vị đại đế Byzantine thời trung cổ, Đức Cha Silvano cho rằng Đức Giáo Hoàng chỉ muốn nhấn mạnh rằng “bạo lực bao giờ cũng là những gì vô lý” và “không hợp với bản tính của Thiên Chúa và những xác tín hợp tình hợp lý với tất cả mọi tín hữu các tôn giáo”.

Đức Cha Silvano cũng cho biết Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đích thân xác nhận vào hôm Chúa Nhật vừa rồi là lời trích dẫn về Hồi Giáo “không thể là những gì nói lên ý nghĩ cá nhân của tôi”.

Về các cuộc xuống đường phản đối nơi thế giới Hồi Giáo, Đức Cha Silvano nhận định rằng: “Các cuộc biểu tình này xẩy ra thậm chí ngay cả trước khi bài diễn văn được dịch sang ngôn ngữ có thể hiểu được bởi các thành phần dân chúng kéo nhau đi biểu tình”, do đó, những cuộc biểu tình ấy được thực hiện theo “những tít lớn mang tính lừa dối của truyền thông”, là thành phần cần phải “lãnh lấy trách nhiệm của mình”.

Trong phần kết luận, Đức Cha Silvano nhận định rằng con đường cần phải thực hiện đó là “tăng cường sự hiểu biết hơn nữa những niềm tin tôn giáo và văn hóa của người khác”, và ngài kêu gọi “một cuộc đối thoại chân thực cho một tương lai hòa bình”.