Cuộc Họp Tại Davos Mang Đến Những Quan Ngại Cho Những Người Lãnh Đạo

DAVOS, Thụy Sĩ (Zenit.org).- Buổi trò chuyện hằng năm của hơn 2,000 các viên chức lãnh đạo công ty, các chính trị gia và những người nổi tiếng đủ mọi loại thành phần đã diễn ra vào những tuần qua tại Thụy Sĩ. Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, như tên chính thức được gọi, đã kết thúc vào ngày Chủ Nhật 29 tháng 1 năm 2006.

Nhật báo Tài Chánh quan sát phần mở đầu và đã cho đăng vào hôm thứ Tư nói rằng: “Tiến trình toàn cầu hóa tạo ra vô số cơ hội lớn cho các cá nhân, các công ty và các xã hội.”

Martin Wolf, trưởng bình luận viên kinh tế của tờ báo, cho biết rằng tổng sản lượng thương mại hàng hóa trên thế giới đã tăng lên 9% vào năm 2004, so với mức tăng chỉ 4% trong tổng sản lượng toàn cầu. Và vào cuối tháng 10 vừa qua, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, đã dự trù mức độ tăng trưởng thương mại hàng hóa thế giới khoảng 6.5% trong năm 2005, nhanh hơn cả mức độ phát triển của nền kinh tế thế giới.

Thế nhưng việc toàn cầu hóa không phải mang lại lợi nhuận một cách đồng đều cho tất cả mọi người. Wolf tuyên bố rằng: “Phần lớn vùng Mỹ Châu La Tinh và vùng phụ cận sa mạc Sahara bên Châu Phi đã không thể lớn mạnh.”

Điều đó có nghĩa là những quốc gia có tổng dân số tăng hơn 1.5 tỉ người đang phải tụt hậu phía sau rất nhiều.

Ông cảnh cáo rằng: “Đây chính là sự đe dọa nghiêm trọng trong sự bình ổn lâu dài của việc toàn cầu hóa.”

Hãng tin AP tường thuật vào thứ Tư rằng, trong những phiên thảo luận sơ khởi, các tham dự viên đã lắng nghe được một số tin vui về sự phát triển kinh tế tại Ấn Độ và Trung Cộng. Và Thủ Tướng Đức là Bà Angela Merkel tiên liệu rằng nền kinh tế của nước Đức sẽ tăng khoảng 1.4% vào năm 2006, đủ nhanh để làm giảm sự thất nghiệp đang gia tăng.

Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu của các tham dự viên hội nghị, do những nhà tổ chức cho xuất bản vào ngày 20 tháng 1, đã tìm thấy rằng phần lớn đều nghĩ thế hệ sắp tới sẽ sống trong một thế giới thịnh vượng hơn về mặt kinh tế, và một nửa trong số họ cũng tin rằng thế giới đó sẽ ít an toàn hơn.

Trong số những chủ đề chính đã được đem ra thảo luận chính là việc toàn cầu hóa, sự nổi lên của Ấn Độ và Trung Cộng, và giá dầu thô. Vấn đề thương mại quốc tế cũng là một chủ đề quan trọng, với gần hơn 30 Bộ Trưởng Kinh Tế hiện diện tại Davos. Những chủ đề khác được đem vào những khóa thảo luận nhỏ gồm: AIDS, chủ nghĩa dân tộc, nhân quyền, khủng bố, các vấn đề về môi trường, và sự mất niềm tin của công chúng vào các chính trị gia và các tổ chức công cộng.

Những cuộc biểu tình đại quy mô tại Davos chủ yếu là do những nhóm chống đối lại việc toàn cầu hóa. Hãng tin AP vào ngày thứ Hai tường thuật rằng: hầu hết các tham dự viên trông có vẽ đoàn kết nhau để chống lại chính phủ Hoa Kỳ và cuộc chiến tại Irắc.

Báo cáo của BBC cho biết rằng có khoảng 100,000 người biểu tình tại cuộc họp của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới được tổ chức tại Caracas, Venezuela.

Vào hôm thứ Năm, hãng tin AP cho biết các nhà hoạt động xã hội đã kêu gọi hành động chống lại sự nghèo đói, chấm dứt cuộc chiến tại Irắc, và lên tiếng chỉ trích thương mại tự do. Song song đó, những cuộc gặp gỡ ở qui mô nhỏ hơn cũng được tổ chức dưới biểu ngữ của Diễn Đàn Xã Hội Thế Giới tại Bamako thuộc nước Mali. Một cuộc gặp gỡ khác cũng sẽ được tổ chức tại Pakistan vào cuối năm nay.

Những Cơ Hội Cho Tất Cả Mọi Người (Opportunities for All)

Giáo Hội vẫn thường nêu lên những khía cạnh đạo đức của việc toàn cầu hóa. Một ví dụ điển hình mới đây chính là việc Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách về Công Lý và Hòa Bình đã cho xuất bản ra một tập sách nhỏ, bằng nhiều ngôn ngữ, và đính kèm luôn vào đó là hai bài diễn văn được tổ chức tại trường Đại Học Lateran tại Rôma vào ngày 25 tháng 2 năm 2005 vừa qua.

Sự kiện này được tổ chức nhằm giới thiệu một bản báo cáo do Tổ Chức Lao Động Quốc Tế soạn thảo có nhan đề: “Một Cuộc Toàn Cầu Hóa Bình Đẳng: Tạo Ra Nhiều Cơ Hội Cho Tất Cả Mọi Người.” Tổng Giám Đốc Tổ Chức Lao Động Quốc Tế là Juan Somavia và Đức Hồng Y Renato Martino, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, nói chuyện tại buổi giới thiệu.

Ông Somavia nói trong một thế giới được liên kết hóa, điều quan trọng là tìm kiếm ra những giải pháp dựa trên việc đối thoại và những giá trị chung. Chúng ta không cần phải phát minh ra các giá trị mới để đối phó với những thách đố của việc toàn cầu hóa. Ông thêm vào rằng: có rất nhiều giá trị hiện hữu ngày nay như: phẩm giá của con người, và nhu cầu về công lý xã hội, phải được đem ra áp dụng để giải quyết những vấn nạn thời nay.

Việc đảm bảo một công việc đàng hoàng thì rất phù hợp với giảng dạy của Giáo Hội về mặt xã hội. Công việc chính là một nguồn phẩm giá và nền tảng cho sự ổn định của gia đình. Theo Ông Somavia, có được công việc bình ổn, tức là có được những xã hội bền vững và an bình. Vì mục đích này, mà việc toàn cầu hóa phải bảo đảm có nhiều công ăn việc làm tốt hơn tại tất cả mọi quốc gia, chứ không phải tạo ra những sản phẩm rẻ tiền hơn. Việc toàn cầu hóa cần phải được hướng dẫn bởi những nguyên tắc như: sự bình đẳng và phẩm giá.

Đức Hồng Y Martino bắt đầu phần phát biểu của Ngài bằng cách đề cập đến tính thiết thực về tiêu đề của bản báo cáo. Việc tạo ra cơ hội cho tất cả mọi quốc gia, thực chất mới đúng là cách lý tưởng để hành động. Sự khuyến khích này hoàn toàn tương xứng với những gì mà Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã nói đi nói lại rất nhiều lần, khi Ngài đề cập đến nhu cầu của việc toàn cầu hóa trong tình đoàn kết, và tránh việc làm lơ với những người bị xã hội ruồng bỏ.

Vị đại diện của Vaticăn ca ngợi công việc của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế qua việc cổ võ sự hợp tác giữa các chính phủ, các chủ công ty và các nhân viên. Chỉ bằng cách này, mà mạng lưới công ăn việc làm của thế giới mới có thể được tiếp cận trong một khung giá trị có sẵn, thậm chí ngay cả khi có những cuộc xung đột về quyền lợi. Đức Hồng Y nhận xét rằng, thực tế mà nói, bản báo cáo nhấn mạnh đến việc chú trọng đến những lợi ích chung cho toàn thể nhân loại, và đó đúng là điều để đáng đeo đuổi.

Đức Hồng Y bình phẩm rằng: các cuộc thảo luận công khai về việc toàn cầu hóa vẫn thường hay bị đóng khung vì những quyền lợi và sở thích đặc biệt dựa trên những vị thế lý tưởng của ý thức hệ, thay vào đó, chúng ta cần phải nhớ rằng chiều kích xã hội của việc toàn cầu hóa, phải được dựa trên những giá trị toàn cầu, sự tôn trọng về nhân quyền và phẩm giá cá nhân của mỗi con người.

Thêm một điểm cần phải chú ý nữa chính là, việc toàn cầu hóa chỉ tập trung vào bình diện quốc tế, mà phần nào đó đã xem nhẹ đi sự chú trọng vào những vấn nạn nơi môi trường mà mọi người làm việc và sinh sống.

Một Khung Đạo Đức Học (An Ethical Framework)

Trong cuộc tranh luận về những khía cạnh đạo đức của việc toàn cầu hóa, Đức Hồng Y Martino nói rằng, Giáo Hội Công Giáo, đã đóng góp một phần rất quan trọng để biết khía cạnh này hoàn toàn theo chiều kích nhân loại. Ngài nói: “Hiện thực của việc toàn cầu hóa không được biết đến theo một cách chi tiết hóa mà không có một viễn ảnh thật sự của con người, cũng như không có một khung đạo đức học.”

Việc toàn cầu hóa, như Đức Hồng Y giải thích, không phải là một hiện tượng tự nhiên và không thể kiểm soát được. Mà trái lại, đó chính là một hiện tượng của con người, gắn liền với việc thực hành sự tự do và tinh thần trách nhiệm. Để đối phó với những thách đố này, Ngài nói, chúng ta cần phải có một bộ luật đạo đức chung, một bộ luật đạo đức vốn được dựa trên tính chất chung của mọi thành phần nhân loại.

Ngài nói tiếp, Giáo Hội tuyên bố rằng tất cả nhân loại được Thiên Chúa mời gọi để thành lập ra một gia đình riêng mà trong đó quyền hành và trách nhiệm của tất cả mọi người, đều được công nhận. Và theo hệ quả đó, các cộng đồng chính trị cũng được mời gọi để phục vụ tất cả mọi người.

Trong bối cảnh này, điều sống còn chính là việc toàn cầu hóa không nên bị mất dạng khỏi các vấn đề có liên quan đến công việc và phẩm giá của tất cả mọi con người. Tính khả thi của công việc trong việc hoán chuyển một người nghèo, là người cần được sự giúp đỡ, để người ấy có thể cung cấp những nhu cầu cho chính bản thân mình và cộng đồng.

Đức Hồng Y nói: “Việc bảo đảm đủ công ăn việc làm cho tất cả mọi người chính là một phần được hiểu bởi ý niệm toàn cầu hóa trong tình liên kết, huynh đệ. Chính vì thế, lời kêu gọi cho sự đoàn kết không chỉ là một khía cạnh đa cảm (sentimentalism) mơ hồ. Đó chính là một chính sách chia sẽ trách nhiệm, một sự kích thích để cùng phối hợp mọi tiềm năng cho những mục đích tốt đẹp chung.”

Đức Hồng Y nói thêm rằng, việc toàn cầu hóa mà Giáo Hội muốn quan tâm đến chính là việc tham dự vào sự giúp đỡ tương hỗ nhau. Thì trong một hệ thống như vậy, tất cả mọi sự phối hợp là nhằm đạt được bất kỳ điều tốt đẹp nào cho mỗi con người nhân loại. Một cuộc toàn cầu hóa mà không hề bỏ rơi bất kỳ ai.