GÓP Ý THÊM VỀ NGHI THỨC THÁNH LỄ MỚI



Bản Nghi Thức Thánh Lễ mới đã được Hội Đồng Giám Mục ViệtNam(HĐGMVN) công bố cho áp dụng trong mọi Giáo Phận ở ViệtNam từ Chúa Nhật Phúc Sinh năm 2006. Đây là Bản Nghi Thức lần thứ ba được HĐGMVN công bố trong vòng 30 năm qua về Nghi Thức chung cử hành Phụng vụ thánh đúng theo Lễ Qui Roma.

Sau khi Bản Nghi Thức Thánh Lễ mới được công bố, đã có nhiều phản ứng khác nhau về nội dung Bản Nghi Thức này.Tôi chỉ xin được đóng góp thêm một vài ý kiến nhỏ nữa như sau :

I- Trước hết về công thức mở đầu Thánh Lễ, Bản Nghi Thức mới dùng công thức làm dấu thánh giá sau đây cho chủ tế khi mở đầu Thánh lễ :

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

Đây là công thức mà Bản Nghi Thức cũ năm 1971 đã dùng nhưng đã được sửa lại trong bản Nghi Thức Thánh Lễ năm 1992 với thay đổi như sau :

Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

Lý do đưa ra để thay đổi từ Bản 1971 sang Bản 1992 có lẽ là để nhấn mạnh đến địa vị ngang hàng của Chúa Ba Ngôi (The Trinity) là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng giải thích này cũng không làm thoả mãn tất cả vì có nhiều người vẫn lý luận rằng để thêm tiếng Chúa trước ba Ngôi Vị sẽ gây hiểu lầm là có Ba Chúa (Trithéisme) trong khi chỉ có Một duy nhất dù với Ba Ngôi Vị riêng biệt. Nay Bản mới lần thứ 3 lại quay về công thức cũ của Bản thứ nhất năm 1971. Điều này vẫn làm cho một số người không hài lòng vì vẫn muốn nhấn mạnh đến địa vị Thiên Chúa của Ba Ngôi.Có người còn cho rằng làm như vậy (theo bản mới và bản 1971) sẽ gây lẫn lộn về cá nhân chủ tế là “cha” với việc nhân danh Chúa là Cha trên Trời. Ai cũng có quyền suy nghĩ và giải thích theo ý mình.Khó quá !

Riêng tôi, tôi thiển nghĩ : mỗi khi soạn lại Nghi Thức Phụng vụ thì căn bản phải dựa vào là Bản Lễ Qui Rôma (MISSALE ROMANUM) và mới đây là Huấn thị LITURGIAM AUTHENTICAM (Latinh) được Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích của Toà Thánh công bố cho áp dụng chung trong toàn Giáo Hội Công Giáo. Các vị đặc trách soạn thảo Nghi Thức Phụng vụ thuộc HĐGMVN từ trước đến nay vẫn chủ trương là phải dịch sát với nguyên ngữ Latinh trong Lể Qui Roma. Vậy nếu dựa theo nguyên ngữ này thì từ xưa đến nay, công thức làm dấu thánh giá trong Missale Romanum và cả LA vẫn là :

In nomine Patris, et Filii et Spiritus Sancti. Amen

Bản dịch trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha… vẫn trung thành với nguyên ngữ Latinh như sau:

Au nom du Père, et du Fils et du Saint-Esprit. Amen

In the name of the Father, of the Son and of the Holy Spirit. Amen

En el nombre del Padre,y del Hijo y del Espiritu Santo. Amen

Nel nome del Padre e del Figlio e dello Spirito Santo. Amen

Như thế từ nguyên ngữ Latinh đến các ngôn ngữ tây phương quen thuộc không có chỗ nào nhắc đến Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cả, trừ Bản Nghi Thức 1992 củaViệtNam.Vậy ai đúng ai sai ?

Ở đây tôi không muốn tranh cãi về mặt thần học, tín lý liên quan đến việc tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa mà chỉ muốn đưa ra đây một thực tế trong Giáo Hội Công giáo ViệtNam thôi.Thực tế đó là từ bé, người giáo dân ViệtNam đã được dạy trong gia đình,cũng như ở các lớp học giáo lý Rước lễ lần đầu, Thêm sức và sau này lớn lên vẫn quen nghe ở nhà thờ công thức làm dấu thánh giá Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Chưa bao giờ người ta nghe công thức Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trước năm 1992, mặc dù đã được dạy và vững tin là chỉ có một Thiên Chúa với Ba Ngôi vị riêng biệt. Không người giáo dân ViệtNam nào đã từng thắc mắc: khi nói nhân danh Cha thì có thể hiểu lầm là linh mục chủ tế muốn nhân danh cá nhân mình là “Cha” và nói với giáo dân là “Con”. Tôi thành thật không tin như vậy. Chỉ có các vị muốn thêm tiếng Chúa trước các từ CHA,CON, và THÁNH THẦN đã nghĩ hay giả sử như vậy mà thôi. Như vậy quí vị đã dịch công thức làm dấu thánh giá theo Ý chứ không phải theo nghiã của từ ngữ trong bản gốc Latinh của Giáo Hội

Xưa nay,các giáo dân Anh, Mỹ, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.. chưa ai thắc mắc về công thức làm dấu thánh giá trong ngôn ngữ của họ dù không nêu đích danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như công thức 1992 của ViệtNam.

Lại nữa cũng vì quí vị soạn Nghi Thức ViệtNam đã “hội nhập văn hoá” (inculturized) thay vì dịch đúng theo nguyên ngữ (etymology) Latinh nên quí vị đã dịch những cụm từ Latinh ‘Per ipsum,et cum ipso, et in ipso” thành Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Ktô và trong Đức Kitô (bản 1992) trong khi các ngôn ngữ tây phương và nguyên văn Latin không hề có dấu vết gì minh nhiên nói đến Đức Kitô cả nhưng ai cũng phải hiểu như vậy qua cách dịch sau đây:

Chính nhờ Người,với Người và trong Người (bản 1971 và 2006))

Par Lui, avec Lui et en Lui

Through Him, with Him and in Him

Por El, con El y en El



Dĩ nhiên, nếu dịch cụm từ ipsum, thành chính nhờ Đức Kitô thì cũng không sai Ý của Hội Thánh trong lời tuyên xưng này, có chăng là không sát với nguyên ngữ Latinh mà thôi. Mặt khác, nếu căn cứ vào bản Latinh làm chuẩn, thì bản Nghi Thức 1992 đã “phóng khoáng” hơn nguyên ngử Latinh ở cụm từ rất quan trọng sau đây :

Latinh :Accipite et bibite ex eo omnes:

Hic est enim calix Sanguinis mei

Novi et aeterni testamenti

Qui pro vobis et pro MULTIS effundetur

In remissionem peccatorum…..



Bản 1971 và 2006 : Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống

Vì này là chén Máu Thầy

………….sẽ đổ ra cho các con và NHIỀU NGƯỜI được tha tội

Bản 1992 … …………… và MỌI NGƯỜI,,………………

MULTIS là NHIỀU, là SỐ ĐÔNG ( la multitude) chứ không thể là TẤT CẢ(omnes) hay MỌI NGƯỜI được. Điều này cũng phù hợp với suy tư thần học là Thiên Chúa luôn tôn trọng ý chí tự do (freewill) của con người mặc dù Người “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” ( x. 1 Tim 2,4). Chúa mong muốn cho mọi người được cứu độ nhưng có nhiều người muốn chọn con đường khác và khước từ lời mời cứu độ của Chúa và Chúa tôn trọng sự chọn lựa này của những người đó.Vì thế, Giáo Hội mới nói MULTIS nghĩa là cho NHIỀU người được tha tội và được cứu độ.

II- Lời Nguyện lúc Truyền Phép (Prex Eucharistica) : Tất cả 3 bản Nghi Thức Thánh Lễ năm 1971, 1992 và 2006 đều chung các ngôn từ sau đây trong phần này : “ Tất cả các con hảy lãnh nhận mà ăn (mà uống) vì này là MÌNH TA ( MÌNH THẦY) là CHÉN MÁU TA ( MÁU THẦY)

Thật ra vì ngôn ngữ ViệtNam phức tạp hơn mọi ngôn ngữ thế giới nên mới gây ra trở ngại cho việc dịch đại từ (pronoun) ngôi thứ nhất số ít là I, Yo, Je, Io …trong các ngôn ngữ Tây phương hay Latinh. Vì thế,người ta không dám để Chúa xưng “tôi” (I, Je, Io…) với ai mà cứ bắt Chúa phải luôn luôn nói TA, THẦY với người khác như trong trường hơp trên, chứ trong tiếng Latinh và các ngôn ngữ tây phương kia thì làm gì có nghĩa tương tự như trong tiếng Việt ở trường hợp này. Với Anh, Pháp, Ý và Tây BanNha ngữ, thì khi Chúa Giêsu nói với đại từ I /Je/ Io/Yo, Người cũng nói như mọi người khác sử dụng các ngôn ngữ này, và cũng gọi mọi người khác là You/Vous/Voi/ Ustedes, chứ làm gì có ngữ cảnh Cha/con, Thầy/ Trò./ Ta/ các ngươi …như trong Việt ngữ.

Nhưng trong bối cảnh đặc biệt của buổi chiều trước Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói với các Tông Dồ với tâm tình và ngôn ngữ đặc biệt như sau :

“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa vì tôi tớ không biết việc chủ làm.Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu …”(Jn 15,15).

Chúa gọi các môn đệ là “bạn hữu” (friends) chứ không phải là tôi tớ (slaves).Như vậy khi chuyển lời Chúa từ nguyên gốc Latinh

“ Accipite et manducate ex hoc omnes :

hoc est enim Corpus meum

quod pro vobis tradetur

thành : “ Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn

vì này là Mình Thầy

sẽ bị nộp vì các con”

Dịch như trên có phản ánh được tâm tình và ngôn ngữ đặc biệt Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ buổi chiều hôm đó hay không ?

Giả sử Chúa nói với các Tông Đồ bằng tiếng ViêtNam thì chắc chắn Chúa đã không gọi họ là “các con” và xưng Thầy như trên, mà sẽ gọi họ là “anh em” hay “các bạn” và xưng “Tôi” để cho phù hợp với tâm tình đặc biệt của Chúa lúc đó khi Người gọi các Tông Đồ là “bạn hữu”và đã quì xuống rửa chân cho họ để quên đi địa vị của mình là Cha, là Thầy,và là Chúa cùng đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. .Nhưng các dịch giả phụng vụ ViệtNam đã không dám dùng ngôn ngữ quá “ bình dị ” này cho Chúa mặc dù chắc chắn khi ấy Chúa Giêsu muốn thân tình như vậy với các Tông Đồ.

Nếu đã gọi họ là “bạn hữu” thì Chúa không thể nói với cung cách của người Cha(Thầy) nói với các tôi tớ hay con cái được. Các ngôn ngữ Tây Phương và cả La ngữ không có khả năng diễn tả tâm tình này của Chúa Giêsu qua ngôn từ, vì Corpus Meum hay My Body, Mon Corps, il mio Corpo.. thì Chúa nói hay bất cứ ai nói cũng chỉ có nghĩa đó trong mọi hoàn cảnh mà thôi. Tiếng Việt thì ngược lại, câu này có thể dịch là Mình Ta,Mình Cha, Mình Thầy, Mình Tôi, Mình Tao…Nhưng nếu nói Mình Thầy thì không lột được ý thân tình Chúa muốn gọi các môn đệ là “bạn hữu=friends” khi đócó chăng chỉ đúng trong tâm tình tôn kính dành cho Chúa là Cha mà thôi.

Như vậy, phải chăng vì lòng tôn kính luôn dành cho Chúa mà các dịch giả phụng vụ ViệtNam đã hy sinh nét đặc thù này của ngôn ngữ Việtnam ?

Nhưng cũng trong ngữ cảnh (context) trên thì các dịch giả của bản Nghi Thức 2006 lại quá lệ thuộc vào nguyên ngữ Latinh khi dịch động từ “Accipite” là “hãy nhận lấy”. Dich thế không sai nguyên ngữ nhưng cũng không giúp nói lên đúng tâm tình của Chúa Giêsu muốn nói với các “bạn hữu” trong bối cảnh đó. Nếu đã gọi họ là bạn hữu, tức đối xử thân tình và bình đẳng như bạn bè thân quí thì Chúa phải nói một cách bình thường là : “Anh em (hay các bạn) cầm lấy mà ăn đi, đây là Mình Tôi” thay vì nói kiểu sai khiến hay ban phát của Bề Trên cho kẻ bề dưới là “hãy nhận lấy” như Bản dich 2006. Có lẽ cũng vì hiểu như vậy nên các dịch giả tây phương chỉ dịch “Accipite” là Take, Prenez, Tomad, Prendete… chứ không dich Receive tức là “hãy nhận lấy” như sau:.

“Prenez et mangez-en tous…

“ Take and eat….

“ Tomad and comed….

“ Prendete, e mangiatene tutti…

Sau hết, trong lời kết thúc Thánh Lễ, Chủ tế nói :

Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. ( Bản 2006)

Lễ xong, chúc anh chị em về bình an ( Bản 1971)

Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an( Bản 1992)

So sánh 3 bản dich trên trong Nghi Thức kết Lễ thì, theo thiển ý tôi, 2 bản cũ năm 1971 và 1992 hợp tình hợp lý hơn cả. Lý do thực tế là người giáo dân ViệtNam tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật hay ngày thuờng, thì Lễ xong là họ đi về nhà chứ không đi đâu xa. Dĩ nhiên có thể có một số người, Lễ xong thì đi chơi xa đâu đó thay vì đi về nhà ngay như thường lệ

Vậy nếu chúc “anh chị em ra đi bình an” thì có nghiã là chúc họ đi xa đâu đó được bình an sau khi dự Lễ xong, chứ không phải đi về nhà sau khi rời khỏi nhà thờ… Đây là thực tế và cách phải hiểu ý nghĩa của những lời cầu chúc trên theo ngôn ngữ phong tục ViệtNam. Nếu Thánh Lễ được làm riêng cho một nhóm người sắp đi hành hương xa nhà, hay đi dự hội họp hoặc đi nghĩ hè ở một nơi xa nào đó thì lời chúc “ra đi bình an’ là rất hợp tình huống thực tế. Chỉ không thích hợp với trường hợp chung mà thôi.

Đó là một vài suy nghĩ của tôi về một vài khía cạnh trong Bản Nghi Thức Thánh Lễ mới đang được thi hành ở ViệtNam hiện nay, sau 2 lần sửa đổi năm 1971 và 1992. Bản Nghi Thức Thánh Lễ mới này chắc chưa phải là bản cuối cùng về Nghi Thức phụng vụ của Giáo Hội ViệtNam dựa theo Lể Qui Rôma. Uớc mong những lần sửa đổi sau sẽ thêm hoàn chỉnh để Nghi Thức phụng vụ được đúng với ý của Hội Thánh và phù hợp với ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam.