Đóng góp ý kiến: Đó là Lời Chúa!



Nhân đọc bài “Đóng góp ý kiến về Nghi Thức Thánh Lễ” của ông Phan Tân, người viết xin mạo muội góp thêm vài ý kiến như sau, đặc biệt là về câu xướng sau khi công bố Lời Chúa.

1. “ĐÓ LÀ LỜI CHÚA” HAY “ĐÂY LÀ LỜI CHÚA”?

Theo ông Phan Tân, sau khi công bố Lời Chúa, nên xướng “Đây là Lời Chúa” mới đúng văn phạm và sát nghĩa. Đoạn văn của ông xem ra nói lên lý do này: cuốn Sách Thánh ở ngay trước mặt mà tại sao lại nói “Đó là Lời Chúa”?

Tôi nghĩ rằng có một sự ngộ nhận ở đây. Lời tạ ơn của cộng đoàn sau khi nghe Lời Chúa là tạ ơn về Lời vừa được công bố, tạ ơn Chúa vì Lời hằng sống, chứ không có ý tạ ơn về cuốn Sách Thánh trước mặt. Cho nên, câu “Đó là Lời Chúa” là đúng chứ không sai, và cũng không gây hiểu lầm như trong câu xướng “This is the word of the Lord” trước đây ở Hoa Kỳ, như tôi sẽ trình bày ngay sau đây.

Trong ấn bản năm 1998 của Sách Bài Đọc (Lectionary) tiếng Anh ở Hoa Kỳ, câu xướng ở cuối bài đọc là “The word of the Lord” thay vì “This is the word of the Lord” như trong ấn bản 1970. Sự thay đổi này đã được thực hiện vào đầu thập niên 1990 theo quyết định của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Các giám mục cũng yêu cầu những người công bố Lời Chúa KHÔNG giơ cao Sách Bài Đọc lên khi đọc câu xướng ấy.

Từ đó một số cộng đoàn Việt Nam ở Mỹ cũng tự động bỏ câu xướng “Đó Là Lời Chúa” và thay bằng câu “Lời của Chúa,” hoặc “Lời của Đức Chúa,” hoặc cụt ngủn là “Lời Chúa.” Tương tự như thế, một số nơi dựa theo bản dịch tiếng Anh mà dùng câu “Phúc Âm của Chúa” hoặc “Tin Mừng của Chúa” sau khi đọc Phúc Âm.

Người Mỹ phải đổi câu xướng thành “The Word of the Lord” là vì một số người đưa cao Sách Bài Đọc lên mà nói “This is the Word of the Lord,” khiến người dự lễ nghĩ Sách Bài Đọc là Lời Chúa (THIS: something close at hand), trong khi câu đó có ý nói: điều vừa được công bố là Lời Chúa (THIS: something just mentioned) (xem Oxford American Dictionary).

Trong tiếng Việt, dù người ta có giơ cuốn Sách Thánh lên mà nói “Đó là Lời Chúa” thì cũng không gây ngộ nhận như câu tiếng Anh. Nếu nói “Đây là Lời Chúa” và giơ sách lên thì đúng là gây ngộ nhận. Đương nhiên đưa Sách Bài Đọc lên là không đúng và thừa, vì lúc đó chúng ta tạ ơn Chúa vì Lời hằng sống vừa được công bố chứ không phải là tung hô cuốn sách chứa Lời Chúa. Câu “Đó là Lời Chúa” rất đầy đặn, trầm bổng, chứ không cụt ngủn như câu “Lời của Chúa.” Đằng khác, trong tiếng Việt, chúng ta thường tránh dùng chữ “của” vì nghe hơi nặng. Thí dụ, chúng ta thường nói “nhà tôi, mẹ tôi, cha tôi, con tôi,” chứ ít khi nói “nhà của tôi, mẹ của tôi, cha của tôi, con của tôi…” Cũng có lúc phải dùng chữ “của,” như “xe của tôi, sách của tôi, tiền của tôi…” nhưng bình thường thì tránh dùng chữ “của” khi có thể được.

Thế “Verbum Domini” trong nguyên bản la-tinh chẳng phải là “Lời (của) Chúa” hay sao? Tại sao lại dịch là “Đó là Lời Chúa? Thưa, bản dịch không nhất thiết phải theo sát chữ, mà có lúc phải chuyển dịch thế nào để thích hợp với người đọc, người nghe, và thích hợp với bối cảnh, miễn là sự thích ứng này không thay đổi ý nghĩa của một điều quan trọng thuộc niềm tin.

Câu “Verbum Domini” sau khi đọc Sách Thánh được dùng như một câu kêu gọi cộng đoàn tạ ơn hoặc tung hô Chúa về Lời vừa được công bố. Chính vì vậy bản dịch tiếng Việt dùng câu “Đó là Lời Chúa” để nhấn mạnh điều vừa được công bố là Lời Chúa, cũng như trước đây trong tiếng Anh người ta đọc “This (something just mentioned) is the Word of the Lord,” và trong tiếng Pháp thì vẫn đọc là “Acclamons la Parole de Dieu” (Hãy tung hô Lời Chúa) sau bài Phúc Âm.

Câu “Mysterium fidei” sau khi truyền phép thì lại được dịch là “Đây là mầu nhiệm đức tin” để ám chỉ mầu nhiệm đang diễn ra nơi bàn thờ. Ở đây mà đọc “Mầu nhiệm đức tin” theo nguyên văn thì nghe sẽ mơ hồ. Cũng không thể nói “Đó là mầu nhiệm đức tin.”

Khi rước lễ, linh mục lại dùng câu “Mình Thánh Chúa Kitô” theo đúng nguyên văn “Corpus Christi” chứ không cần nói “Đây là Mình Thánh Chúa Kitô” bởi vì Mình Thánh Chúa đang ở ngay trước mặt người chịu lễ rồi.

Một câu hỏi nữa được đặt ra là: Có nên dùng câu xướng “Phúc Âm của Chúa” hoặc “Tin Mừng của Chúa” sau khi công bố Tin Mừng?

Trước khi công bố Tin Mừng, linh mục đã nói “Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh…” nên không cần phải nhắc “Phúc Âm của Chúa” sau đó. Chỉ cần dùng một câu “Đó là Lời Chúa” là đủ, vì Lời Chúa bao gồm cả Phúc Âm cũng như các thư của Thánh Phaolô, v.v. Vì vậy, sau khi công bố bài đọc I, bài đọc II, không cần phải nói: “Đó là Cựu Ước,” hoặc “Đó là Thư Thánh Phaolô.”

Trong ấn bản tiếng Pháp có sự phân biệt nho nhỏ: Sau bài đọc I hoặc II, người đọc xướng: “Parole du Seigneur,” và cộng đoàn thưa: “Nous rendons gloire à Dieu.” Sau bài Phúc Âm, linh mục xướng: “Acclamons la Parole de Dieu,” và cộng đoàn đáp: “Louange à toi, Seigneur Jésus.” Có lẽ phân biệt như vậy với mục đích giúp cộng đoàn đáp cho đúng câu, nhưng thực ra điều này không cần thiết, vì nội việc mọi người ĐỨNG khi nghe Phúc Âm là đã quá đủ để phân biệt.

2. “VÌ NÀY LÀ MÌNH THẦY” HAY “VÌ NÀY LÀ MÌNH TA/TÔI”?

Theo ông Phan Tân, không nên dùng chữ “Thầy” vì chữ này mập mờ, “có thể hiểu là ngôi thứ nhất số ít cũng được, hay ngôi thứ hai số ít cũng được, hoặc ngôi thứ ba số ít cũng được.”

Tuy nhiên, chữ “ta” mà ông đề nghị dùng cũng có sự mập mờ, có thể được hiểu là ngôi thứ nhất số ít hay ngôi thứ nhất số nhiều. Mấy câu sau đây cho thấy “ta” thường được hiểu là số nhiều (chúng ta) với ý thân mật, gần gũi, ngụ ý coi nhau chỉ là một, và cũng có thể được hiểu là ngôi thứ nhất số ít nếu muốn.

Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.”

“Cái nhà là nhà của ta, công khó ông cha làm ra…” (lời một bài hát)

Thí dụ thứ hai “của ta” còn ám chỉ những gì thuộc về đất nước, dân tộc mình, để phân biệt với những gì của tây, của tầu.

Ông Tân có thể lý luận rằng chữ “Ta” (viết hoa) ám chỉ ngôi thứ nhất số ít. Có thể chấp nhận là như vậy đi, nhưng khi đọc chữ đó trong Thánh Lễ thì nào ai phân biệt được đó là chữ hoa hay chữ thường. Thực ra tôi không phê bình lối dịch “này là Mình Ta,” mà chỉ có ý nói rằng chữ “Ta” không phải chỉ có một nghĩa như ông Tân nói.