Một vài suy nghĩ về Bản dịch mới 2005 "Nghi thức Thánh Lễ"



Hội Thánh Việt Nam vừa có bản dịch mới 2005 “Nghi thức Thánh lễ”. Là một kitô hữu việt nam, người viết xin được chia sẻ vài suy nghĩ liên quan đến bản dịch này. Bài viết chỉ là bài nghiên cứu cá nhân nhằm đóng góp cho độc giả thêm vài tư liệu khi đón nhận bản dịch mới.

Bài viết chia thành hai phần :

  • Phần I ngắn gọn, gợi lại những dấu mốc quan trọng về việc công bố Sách lễ Rôma mẫu (ấn bản latinh) và các bản dịch việt ngữ về những Sách lễ Rôma mẫu này.
  • Phần II ghi nhận một số thay đổi giữa ba Sách lễ Rôma mẫu đã được Toà Thánh công bố vào các năm 1970, 1975 và 2000. Dựa trên ba ấn bản mẫu này, Hội Thánh Việt Nam cũng có ba bản dịch khác nhau được thực hiện vào các năm 1971, 1993 và 2005. Riêng bản dịch 2005 người viết cố gắng trình bày những chỉ dẫn của Hội Thánh khi thực hiện bản dịch này, để có thể soi sáng một vài vấn đề mà nhiều người đang quan tâm hiện nay.
I. BẢN DỊCH VIỆT NGỮ 2005 “NGHI THỨC THÁNH LỄ”

1. Sách nghi thức thánh lễ việt ngữ 2005 là bản dịch từ Sách lễ Rôma ấn bản mẫu la tinh thứ ba (Missale Romanum – Editio typica tertia), do Toà Thánh công bố ngày 20 tháng 4 năm 2000, nhằm ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Thực ra ấn bản mẫu này chỉ phát hành 2 năm sau đó, tức ngày 22 tháng 2 năm 2002. Theo các thông tin từ văn phòng Bộ Phụng tự, vì cần bổ sung phần dệt nhạc của các kinh nguyện Thánh Thể nên việc phát hành Sách lễ Rôma trễ hơn dự định 2 năm.

2. Sách lễ Rôma 2000 không thay đổi cấu trúc thánh lễ so với thánh lễ được trình bày trong hai Sách lễ Rôma mẫu đã được công bố vào năm 1970 và 1975.

3. Tại Việt Nam, đến nay đã có ba bản dịch việt ngữ được sử dụng trong thánh lễ, ba bản dịch này đều dựa trên ba bản latinh mẫu của Toà Thánh:

  • Bản dịch 1971 dựa trên bản mẫu latinh 1970, do Đức cha Giuse Phạm văn Thiên, chủ tịch Ủy Ban Phụng tự cho phép imprimatur ngày 18 tháng 2 năm 1971;
  • Bản dịch 1993 dựa trên bản mẫu latinh 1975, do Đức cha Phaolô Maria Nguyễn minh Nhật, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) Việt Nam và Đức cha Batôlômêô Nguyễn sơn Lâm, chủ tịch Ủy Ban Phụng tự (UBPT) công bố ngày 11 tháng 2 năm 1993, và quyết định áp dụng bản dịch này kể từ ngày Thứ Tư lễ Tro 24 tháng 2 năm 1993, nhưng chưa cho phép sử dụng phần thường lễ của giáo dân theo bản dịch mới này, phần thường lễ vẫn dùng theo bản dịch cũ (tức bản dịch 1971).
  • Bản dịch hiện nay 2005 dựa trên bản mẫu latinh 2000, và cũng chỉ là một phần của Sách lễ Rôma latinh 2000; nhưng đây lại là phần quan trọng nhất, phần “Nghi thức thánh lễ - Ordo Missae” đã được HĐGM chấp thuận ngày 29 tháng 09 năm 2004, được Toà Thánh phê chuẩn ngày 10 tháng 05 năm 2005 và được Đức cha Phaolô Nguyễn văn Hoà, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục công bố hiệu lực ngày 09 tháng 09 năm 2005.
4. Tại Việt Nam chưa có bản dịch đầy đủ Sách lễ Rôma latinh 2000, tuy nhiên bản dịch “Nghi thức thánh lễ” Việt ngữ hiện nay 2005 là một cố gắng nhiều năm của tập thể các nhà chuyên môn và đóng góp của các giáo phận trong cả nước. Phần lời nguyện của Sách lễ Rôma latinh đang được dịch hoàn chỉnh và Sách lễ Rôma việt ngữ đầy đủ sẽ được công bố.

II. VÀI GHI NHẬN VỀ “NGHI THỨC THÁNH LỄ” HIỆN NAY

Các ghi nhận ở đây liên quan đến hai khía cạnh :

  • 1. Nội dung phong phú của Nghi thức thánh lễ theo ấn bản mẫu latinh 2000.
  • 2. Tại sao phải dịch lại Nghi thức thánh lễ 2005.
1. Nội dung nghi thức thánh lễ theo bản latinh mẫu 2000

a. Nghi thức đầu lễ

Công thức chào đầu lễ: Các Sách lễ trước đây 1970 và 1975 chỉ đặt trong nghi thức đầu lễ mấy mẫu chào thông dụng, còn những mẫu khác đặt trong phần phụ lục nghi thức thánh lễ. Sách lễ 2000 đặt tất cả 4 mẫu chào vào một chỗ trong phần đầu lễ, gồm: 3 mẫu cho linh mục và 1 mẫu cho giám mục.

Mẫu sám hối: Trước đây hai mẫu sám hối tuỳ chọn được đặt trong phần phụ lục của nghi thức thánh lễ, nhưng nay cả ba công thức sám hối được đặt chung trong phần sám hối đầu lễ để linh mục dễ dàng sử dụng.

Khác với hai Sách lễ 1970 và 1975, ngay trong nghi thức đầu lễ, Sách lễ 2000 thêm phần chữ đỏ gợi ý cho các linh mục thay thế phần sám hối đầu lễ bằng việc làm phép nước và rảy nước thánh vào ngày Chúa nhật.

Sách lễ 2000 không đặt ba mẫu kết thúc lời nguyện nhập lễ ở phần nghi thức đầu lễ giống như trong hai Sách lễ 1970 và 1975, bởi vì ba công thức này đã được nhắc tới trong Quy chế Sách lễ rồi (số 54).

b. Phụng vụ Lời Chúa

Sách lễ 2000 có hai bản văn kinh tin kính được tuỳ nghi chọn lựa:

1. Kinh tin kính Công đồng Nicée – Constantinople

2. Kinh tin kính Các Thánh Tông Đồ

c. Phụng vụ Thánh Thể

1. Kinh nguyện Thánh Thể

Số các kinh nguyện Thánh Thể của Sách lễ 2000 không thay đổi so với Sách lễ 1975, nhưng cách sắp đặt khác nhau :

- 4 kinh nguyện Thánh Thể thông dụng I, II, III, IV vẫn chiếm vị trí trung tâm của Sách lễ Rôma

- Các kinh nguyện hoà giải, nhu cầu khác và trẻ em được xếp lại, như sau: 2 kinh nguyện hoà giải và 4 kinh nguyện cho các nhu cầu khác nhau thay vì được đặt liền kề với 4 kinh nguyện thông dụng, nay được đặt trong phần phụ lục của nghi thức thánh lễ, tức là đứng sau các công thức phép lành, nghi thức thánh lễ chỉ có một thừa tác viên tham dự mà trước đây các kinh nguyện Thánh Thể này đứng trước các công thức trên. Còn 3 kinh nguyện Thánh Thể trẻ em thay vì được đặt trong nhóm các kinh nguyện Thánh Thể hoà giải và nhu cầu khác vừa được nêu ở trên, nay được đặt vào phần phụ lục VI, cuối Sách lễ Rôma.

2. Kinh tiền tụng

Sách lễ Rôma 2000 chỉ có 50 kinh tiền tụng chung, ít hơn Sách lễ Rôma 1970 và 1975, 1 kinh tiền tụng (hai Sách lễ này có 51 kinh tiền tụng chung). Tuy nhiên nếu nhìn tổng quát thì số kinh tiền tụng của các mùa phụng vụ của ba Sách lễ Rôma không thay đổi (2 vọng, 3 giáng sinh, 1 Hiển linh, 4 chay, 2 Thương khó, 5 Phục sinh, 2 Thăng thiên và 8 Thường niên), nhưng về các thánh và nhu cầu khác thì Sách lễ Rôma 2000 bỏ 2 kinh tiền tụng Thánh Giuse và Các Thiên Thần, mà lại thêm một kinh tiền tụng nữa cho Các Thánh Tử đạo.

Mặc dù bỏ hai kinh tiền tụng chung của Thánh Giuse và Các Thiên Thần, nhưng Sách lễ Rôma 2000 lại phong phú hơn hai Sách lễ trước: vì trước đây mỗi khi mừng lễ Thánh Giuse (19/3 hay 1/5 hay ngoại lịch) hoặc Các Thiên thần (Tổng lãnh thiên thần 29/9; Các Thiên thần hộ thủ (2/10) hay ngoại lịch) thì chỉ có một kinh tiền tụng chung cho từng lễ này, nay Sách lễ 2000 cung cấp cho mỗi lễ một kinh tiền tụng riêng được in liền với các bản văn của mỗi thánh lễ đó, nghĩa là kinh tiền tụng của Thánh Giuse 19/3 khác kinh tiền tụng của Thánh Giuse Thợ 1/5 và khác kinh tiền tụng của Thánh Giuse mừng kính ngoại lịch; cũng vậy kinh tiền tụng của Các Tổng lãnh thiên thần 29/9 khác Các Thiên thần 2/10 và khác ngoại lịch Các Thiên thần. Ngoài ra, Các Thánh tử đạo được thêm một kinh tiền tụng mới nữa, như vậy mỗi khi mừng Các Thánh tử đạo chúng ta có hai bản văn tuỳ chọn để làm phong phú việc kính nhớ các ngài.

3. Kinh tưởng niệm

Cũng giống như ba công thức sám hối đầu lễ được đặt chung một nơi, ba mẫu kinh tưởng niệm cũng được đặt chung sau phần truyền phép thay vì đặt trong phần phụ lục như trước đây, sau nghi thức thánh lễ.

4. Việc xướng tên giám mục

Tên của giám mục giáo phận và vị có quyền tương đương buộc phải được xướng lên trong kinh nguyện Thánh Thể, còn tên của các giám mục phó và phụ tá thì có thể nêu lên, nhưng không nêu tên các giám mục khác có thể các ngài đang hiện diện. Quy chế Sách lễ Rôma 2000, số 149 xác định: “Giám mục giáo phận hoặc vị có quyền tương đương, phải được nêu tên trong công thức này: Cùng với Đức Giáo Hoàng T. và Đức Giám Mục (Đại diện, Giám chức, Phủ doãn, Viện phụ) T. chúng con. Trong kinh nguyện Thánh Thể, được phép nêu tên các giám mục phó và phụ tá, nhưng không nêu tên các giám mục khác có thể đang hiện diện - Episcopus dioecesanus, aut qui eidem in iure aequiparatus est, nominari debat hac formula: una cum famulo tuo Papa nostro N. et Episcopo (vel: Vicario, Praelato, Praefecto, Abbate) nostro N. Episcopos coadiutorem et Auxiliares, non autem alios Episcopos forte praesentes, nominari licet in Prece eucharistica”.

5. Mời gọi rước lễ

Khác với hai Sách lễ trước đây, Sách lễ 2000 gợi ý linh mục có hai cách thực hiện khi mời gọi rước lễ: Linh mục cầm Mình Thánh Chúa hoặc trên đĩa thánh hoặc trên chén thánh và đọc: “Đây Chiên Thiên Chúa... ”

6. Việc tráng chén

Việc tráng chén trước đây chỉ dành cho linh mục hoặc phó tế, Sách lễ 2000 cho phép cả thày đã lãnh tác vụ giúp lễ cũng được tráng chén khi giáo dân rước lễ xong.

d. Nghi thức kết lễ

Ngoài công thức ban phép lành thông thường khi linh mục chủ tế thánh lễ, Sách lễ 2000 còn in cả công thức ban phép lành long trọng khi vị chủ tế thánh lễ là một giám mục.

e. Các công thức ban phép lành cuối lễ

Hai Sách lễ trước đây 1970 và 1975 có 20 công thức ban phép lành trọng thể cuối thánh lễ (1 Vọng, 1 Giáng sinh, 1 Đầu năm, 1 Hiển linh, 1 Chay, 1 Phục sinh, 1 Vọng và lễ Phục sinh, 1 Thăng thiên, 1 Hiện xuống, 5 Thường niên, 1 Đức Maria, 1 Phêrô và Phaolô, 1 Các Tông đồ, 1 Các thánh, 1 Cung hiến thánh đường, 1 cho các linh hồn), Sách lễ 2000 cũng có 20 công thức đa số lấy lại của hai Sách lễ trên, nhưng có hai thay đổi sau đây :

- Phép lành của lễ Vọng Phục sinh và lễ Phục sinh không được đặt trong phần chung với các công thức phép lành khác nữa, mà được đặt vào phần riêng của thánh lễ Vọng Phục sinh.

- Thêm 1 phép lành nữa cho mùa thường niên và như vậy sẽ có 6 phép lành khác nhau để làm phong phú hơn cho mùa thường niên.

f. Các lời nguyện trên dân chúng

Hai sách lễ 1970 và 1975 có 26 lời nguyện trên dân chúng để kết thúc thánh lễ. Sách lễ 2000 có 28 lời nguyện, trong số này có một số lời nguyện lấy lại nguyên vẹn của hai sách lễ trên, ví dụ các lời nguyện 1, 3, 4, 6, 7, 11, 12, 13, 14...; nhưng đa số các lời nguyện khác là sự kết hợp của nhiều yếu tố vay mượn giữa các lời nguyện có trước, hoặc được soạn mới hoàn toàn. Nhìn tổng quát, các lời nguyện trên dân chúng nhấn mạnh vào một số khía cạnh sau đây :

  • - Ơn sủng của Thiên Chúa cho hành trình đức tin của người tín hữu (1, 2, 3, 5, 7, 13)
  • - Lòng tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa (8, 10, 11, 14, 20, 22, 24
  • - Tâm tình sám hối, trông cậy vào ơn tha thứ của Thiên Chúa (4, 6, 12, 19)
  • - Lòng tri ân và tâm tình cảm tạ (9, 10, 17, 26)
  • - Thái độ của kẻ tìm kiếm Thiên Chúa và thi hành thánh ý của Ngài (14, 18, 21, 23)
  • - Gương sống đức tin (27, 28)
g. Nghi thức thánh lễ có một thừa tác viên tham dự

Khi linh mục cử hành thánh lễ một mình hoặc chỉ có một thừa tác viên tham dự, thì Sách lễ Rôma 2000 có một số thay đổi so với hai Sách lễ trước đây như sau :

- Nghi thức đầu lễ:

Sách lễ 2000 quy định thể thức khi linh mục dâng lễ một mình vẫn phải theo thể thức đầu lễ như khi dâng lễ cho nhiều giáo dân tham dự, nghĩa là linh mục ra bái chào, hôn kính bàn thờ, về ghế, đọc ca nhập lễ, làm dấu thánh gía, cử hành nghi thức sám hối và tiếp theo là các phần khác như thánh lễ cho nhiều người. Trong khi hai Sách lễ 1970 và 1975 lại quy định như sau: linh mục ra bái chào bàn thờ rồi làm dấu thánh giá và đọc kinh thú tội. Đọc kinh thú tội xong, linh mục mới lên hôn bàn thờ, rồi đứng bên trái bàn thờ đọc ca nhập lễ, kinh thương xót và các phần khác như bình thường.

- Phụng vụ Lời Chúa :

Cấu trúc phụng vụ Lời Chúa khi linh mục dâng lễ một mình không thay đổi so với hai Sách lễ 1970 và 1975, đồng thời cũng giữ nguyên vẹn các phần của phụng vụ Lời Chúa giống thánh lễ có đông giáo dân tham dự.

- Phụng vụ Thánh Thể :

Lời chúc tụng trên bánh và rượu, Sách lễ 2000 vẫn giữ nguyên hai phần: lời chúc tụng và câu đáp giống như thánh lễ cho đông người; trong khi hai Sách lễ 1970 và 1975 bỏ câu đáp sau hai lời chúc tụng trên.

Mọi phần khác của phụng vụ Thánh Thể khi dâng lễ một mình, giống như hai Sách lễ trước đây, Sách lễ 2000 giữ nguyên cấu trúc của thánh lễ có đông giáo dân tham dự.

2. Tai sao phải dịch lại Nghi thức thánh lễ – bản dịch 2005

1. Tiến trình hình thành bản dịch mới

Thông thường mỗi khi Toà Thánh công bố một sách phụng vụ mới (thường bằng tiếng latinh) thì càng sớm càng tốt mỗi Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) sẽ lo liệu để chuyển dịch sách phụng vụ này sang tiếng địa phương. Năm 2002 Toà Thánh phát hành Sách lễ Rôma ấn bản mẫu thứ ba (Missale Romanum – Editio typica tertia ) và HĐGM Việt Nam đã uỷ nhiệm công việc phiên dịch Sách lễ này cho Uỷ ban phụng tự (UBPT) trực thuộc HĐGM.

Ngày 14 tháng 3 năm 2002, Đức cha Phêrô Trần đình Tứ, giám mục Phú Cường, Tân chủ tịch UBPT họp phiên đầu tiên với các thành viên của UBPT để bàn công việc của Uỷ Ban. Cho đến khi Ngài nhận nhiệm vụ điều hành UBPT, thì công việc của UBPT lúc bấy giờ là coi lại các sách phụng vụ như Sách bài đọc trong thánh lễ và nghi thức thánh tẩy trẻ nhỏ. Riêng việc coi lại các sách bài đọc thì công việc đã kéo dài khá lâu, hơn 10 năm nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể. Trước hoàn cảnh thực tế, Đức cha chủ tịch UBPT và hội nghị xác định công việc ưu tiên cần phải làm ngay, đó là phiên dịch đồng thời cả hai: Sách lễ Rôma, Toà Thánh vừa công bố và Các sách bài đọc trong thánh lễ. Để công việc được thực hiện tốt và có hiệu quả, UBPT phân chia 4 tổ chuyên môn để phiên dịch những bản văn đầu tiên theo các nguyên tắc Toà Thánh chỉ dẫn, rồi sau khi hình thành bản văn sơ khởi, sẽ gởi đến các giáo phận và chủng viện góp ý, sau đó tổng hợp các ý kiến lại để hình thành bản văn chung trước khi họp UBPT xem xét, góp ý, bổ sung, sửa chữa để có bản dịch chính thức trình Hội Đồng Giám Mục.

Bốn tổ được phân chia như sau:

2 tổ dịch Sách lễ Rôma (một tổ dịch các lời nguyện, Đức cha Chủ tịch UBPT chịu trách nhiệm tổ này, một tổ dịch đáp ca, ca nhập lễ, hiệp lễ và các bài ca, cha Tổng thư ký UBPT chịu trách nhiệm tổ này);

2 tổ dịch Sách bài đọc (một tổ dịch phần Cựu Ước, do đại chủng viện Sao Biển Nha Trang chịu trách nhiệm, một tổ dịch phần Tân Ước, do đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn chịu trách nhiệm).

Các tổ chuyên môn được phân công như thế, nhưng riêng phần Nghi thức Thánh lễ vì quan trọng nên tất cả các tổ đều làm việc chung, công việc được thực hiện như sau:

  • Trước hết cha Tổng thư ký gởi đến các giáo phận và chủng viện bản văn mẫu nghi thức thánh lễ bằng tiếng latinh, ấn bản mới nhất 2000, kèm theo các bản dịch 1971 và 1993 đã có sẵn để các nơi góp ý. Thực ra, bản văn mẫu này không khác nhiều so với hai bản mẫu latinh có trước, nên các bản dịch 1971 và 1993 có thể được dùng để đối chiếu các cách dịch trước đây, đồng thời các nơi sẽ gởi các đề nghị của mình về UBPT.
  • Hội nghị toàn quốc UBPT ngày 13 tháng 3 năm 2003 định lượng công việc dịch phần nghi thức thánh lễ. Có lẽ lần đầu tiên số tham dự viên có mặt đông đảo và gồm nhiều thành phần như thế: 4 giám mục, 26 đại diện các giáo phận, chủng viện và 3 chuyên viên giáo dân về văn chương, thơ ca và âm nhạc. Riêng dòng tu, cha tổng thư ký cho biết đã mời nhưng không được trả lời và cũng không có mặt và Ngài cho biết để công việc chung được mọi thành phần tham dự, từ nay giấy mời và các liên hệ về phụng vụ sẽ liên lạc với Đức cha chủ tịch Uỷ ban tu sĩ thuộc Hội Đồng Giám Mục để Ngài sắp xếp. Sau đó Cha tổng thư ký đã trình bày các góp ý của các giáo phận và chủng viện về phần Nghi thức thánh lễ. Theo ngài, rất nhiều ý kiến được xác định là đã được lặp đi lặp lại nhiều lần cho UBPT rồi, nhưng dường như UBPT cũ không quan tâm đến và cũng không có câu trả lời tương xứng với ý kiến các nơi gởi về. Sau đó Hội nghị bàn thảo từng phần nghi thức thánh lễ dựa trên bản văn mẫu latinh, các bản dịch có sẵn và góp ý của các nơi về phần này. Sau khi đã trao đổi kỹ lưỡng từng phần, Hội nghị bỏ phiếu chọn bản dịch tốt nhất.
  • Hội nghị toàn quốc UBPT 13/3/2003 chỉ kéo dài có một ngày nên đã không thể xem xét kỹ lưỡng toàn bộ phần nghi thức thánh lễ; đàng khác sau Hội nghị 13/3/2003 các tham dự viên có cơ hội tiếp cận bản dịch mới và có thể thêm những ý kiến tốt hơn cho bản dịch chính thức, nên Đức cha chủ tịch UBPT quyết định triệu tập một hội nghị mới kéo dài ba ngày 20, 21, 22 tháng 05 năm 2003 để xem xét lại kỹ lưỡng hơn và có thời giờ trao đổi những vấn đề nhạy cảm của bản dịch mới. Hội nghị ba ngày đã làm việc suốt sáng chiều, vừa xem lại một lần nữa phần đã bàn đến trong hội nghị ngày 13/3/2003, vừa trao đổi và quyết định những phần còn lại của nghi thức thánh lễ.
  • Phương pháp làm việc như sau: bản văn mẫu latinh được đọc kỹ lưỡng để hiểu chính xác bản văn, kế đến đối chiếu với các bản dịch 1971 và 1993 có sẵn, rồi chú ý đến góp ý của các nơi và sau cùng bản dịch mới được đề nghị để hội nghị cho ý kiến và bỏ phiếu. Có thể nói, bản dịch mới là công việc của toàn thể dân Chúa được chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều mặt: từ các nhà chuyên môn đến các vị lo công việc mục vụ, từ tham khảo ý kiến các giáo phận đến công việc của UBPT, từ bản dịch có sẵn với những nét tinh hoa của mỗi bản dịch đó mà hình thành bản dịch mới. Không thể nói rằng bản dịch mới là sự phủ nhận những gì đã có trước, bởi vì khi làm việc mọi người đều ý thức làm sao cho bản dịch mới tốt nhất dựa trên những gì đã có. Nếu có phần nào đó của bản dịch có trước không được đón nhận trong bản dịch mới, thì chúng ta cũng nên hiểu rằng UBPT đã tranh luận sôi nổi những phần đó với các lập luận khác nhau để cuối cùng mọi người phải biểu quyết cho một chọn lựa cuối cùng.
  • Bản dịch chính thức được UBPT trình Hội Đồng Giám mục vào kỳ họp thường niên năm 2003. Theo Đức cha chủ tịch UBPT thì, mặc dù các đức cha phải bàn thảo nhiều vấn đề của Hội Thánh Việt Nam, nhưng kỳ họp năm nay các ngài đã dành thời gian tuyệt đối để xem xét kỹ lưỡng từng phần của bản dịch mới “Nghi thức thánh lễ”. Một số người thường nghĩ rằng các đức cha chỉ làm công việc chấp thuận bản dịch theo thủ tục luật định, mà ít khi xem xét kỹ lưỡng bản dịch đó thế nào vì đã tin cậy một Uỷ ban do mình uỷ nhiệm, nhưng thật ra không phải thế đối với bản dịch được trình HĐGM lần này. Các ngài đã sửa lại nhiều từ, ví dụ: “nhiệm xuất” thành “bởi”, giữ như nguyên trong trong kinh tin kính trước đây, “lễ vật” thành “hy lễ” trong lời mời gọi của chủ tế trong phần dâng lễ vật, “mọi người” thành “nhiều người” trong công thức truyền phép...; hoặc nhiều câu, ví dụ: “Để con có thể công bố Tin Mừng của Chúa cách xứng đáng” thành “Để con xứng đáng và đủ tư cách công bố Tin Mừng của Chúa” trong lời nguyện trước khi đọc Tin Mừng của chủ tế, hoặc “như chúng con cũng tha cho người có lỗi với chúng con” thành “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” giữ y nguyên kinh Lạy Cha trước đây… Nếu thống kê lại những từ, những câu giữa bản dịch UBPT trình Hội Đồng Giám Mục và bản dịch chính thức được các đức cha chấp nhận, thì người ta thấy các đức cha đã dành nhiều thời gian để xem xét cẩn thận và kỹ lưỡng nhiều khía cạnh của một bản dịch, cuối cùng các ngài đã sửa chữa nhiều chỗ trong bản dịch UBPT trình các ngài.
  • Sau khi đã chấp thuận bản dịch chính thức mới, Hội Đồng Giám Mục đã gởi bản dịch này để xin Toà Thánh phê chuẩn. Bộ phụng tự sau khi nhận bản dịch đã góp ý với Hội Đồng Giám Mục về một số vấn đề liên quan đến bản dịch. Ở đây người ta cũng ghi nhận, Toà Thánh qua vai trò của Bộ phụng tự, cũng không làm công việc của bàn giấy là phê chuẩn theo thủ tục một bản văn do một HĐGM trình lên. Có người đặt vấn đề Toà Thánh có đủ người có khả năng am hiểu việt ngữ và văn chương việt nam để xem xét bản văn do cả một tập thể từ Hội Đồng Giám Mục, đến các mục tử, các giáo phận và chuyên viên dày công thực hiện không? Dựa trên những vấn đề được Toà Thánh đặt ra cho bản dịch lần này, người ta nhận thấy vấn đề Toà Thánh quan tâm không phải là khía cạnh văn chương hay cấu trúc tiếng việt mà là sự chính xác phải có của một bản dịch đối với bản văn gốc latinh. Sự chính xác này bảo đảm tính duy nhất và đa dạng của Hội Thánh được diễn tả nơi các ngôn ngữ khác nhau. Đàng khác khi xem xét kỹ bản dịch, Toà Thánh cũng giúp chúng ta hội nhập với Hội Thánh hoàn cầu, bằng chứng là Nghi thức thánh lễ theo cách hiểu thông thường của chúng ta gồm phần nọ phần kia, nên chúng ta chỉ dịch những phần đó, nhưng trong cách nhìn toàn thể thì gồm nhiều phần hơn chúng ta tưởng, do đó Toà Thánh đề nghị HĐGM dịch bổ sung một số phần để hoàn thiện Nghi thức thánh lễ như mọi Hội Đồng Giám Mục khác đã làm.
  • Các vấn nạn và đề nghị dịch phần bổ sung của Toà Thánh được HĐGM trao cho UBPT nghiên cứu trả lời và hoàn tất các phần này. Khi công việc chuẩn bị bản dịch bổ sung đã hoàn tất, UBPT họp toàn quốc hai ngày 15 và 16 tháng 9 năm 2004 với sự hiện diện đông đảo của đại diện các giáo phận, chủng viện, dòng tu và các chuyên viên để xem xét lần cuối bản dịch bổ sung và các vấn nạn Toà Thánh đặt ra nhằm trình lên HĐGM vào kỳ họp thường niên năm 2004.
  • Ngày 29 tháng 9 năm 2004, HĐGM chấp thuận toàn bộ bản dịch Nghi thức thánh lễ, cả phần đã chấp thuận trước và phần dịch bổ sung. Phần dịch bổ sung được trình Toà Thánh, đính kèm các lý giải về những câu hỏi Toà Thánh đặt ra. Cuối cùng Toà Thánh phê chuẩn chính thức bản dịch ngày 10 tháng 5 năm 2005 với sắc lệnh số 2228/03/L. Nói tóm lại, mọi người từ Tòa Thánh đến Hội Đồng Giám Mục, Uỷ Ban phụng tự và các thành phần dân Chúa, mỗi người đã góp phần tích cực của mình trong việc hình thành bản dịch hiện nay.


2. Bản dịch mới đã được thực hiện như thế nào?

Trước khi phát hành ấn bản mẫu Sách lễ Rôma vào năm 2002, Bộ phụng tự đã cho công bố Huấn thị thứ 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma” vào ngày 28 tháng 3 năm 2001. Huấn thị này được coi là nguyên tắc chỉ đạo cho công việc phiên dịch mọi sách phụng vụ của Hội Thánh Công Giáo, mà trước tiên là Sách lễ Rôma 2002. Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã phiên dịch Huấn Thị này ngay khi được công bố và gởi Huấn thị đến tất cả các giáo phận, chủng viện và những ai quan tâm đến việc phiên dịch sách phụng vụ để nắm rõ nguyên tắc dịch thuật mà Toà Thánh hướng dẫn.

Huấn thị thứ 5 này thay thế tất cả các chỉ dẫn trước đây về việc phiên dịch các sách phụng vụ, vì thế khi UBPT thực hiện bản dịch mới thì nhiều từ và câu văn của hai bản dịch trước có thể chấp nhận được theo các chỉ dẫn cũ, nhưng lại không phù hợp với Huấn thị mới nên cần phải dịch lại, do đó không thể nói rằng bản dịch mới loại bỏ các công trình của người đi trước. Mỗi bản dịch có giá trị vào từng thời điểm và Hội Thánh luôn luôn mới mẻ với các bản dịch mới. Bản dịch 2005 chưa phải là bản dịch cuối cùng.

Như đã trình bày ở trên, tiến trình hình thành bản dịch hiện nay đòi hỏi nhiều công sức và thời gian của mọi người. Biết bao vấn đề được trao đổi và thảo luận để có được bản văn như hôm nay, vì thế trong một bài nghiên cứu ngắn ngủi này, người viết chỉ xin minh hoạ một vài nguyên tắc của Huấn thị thứ 5 đã chi phối việc dịch mới một số từ ngữ và bản văn như sau :

a. Trung thành với bản văn gốc latinh

Phiên dịch các bản văn phụng vụ Rôma không phải là công việc sáng tạo tuỳ tiện, nhưng là chuyển ngữ một cách trung thực và chính xác bản văn gốc sang ngôn ngữ bản xứ. Nguyên tắc này chi phối gần như toàn bộ các quy định khác của Huấn thị. Thực ra nguyên tắc này cũng là nguyên tắc chung cho mọi bản dịch: cần phải trung thành với nguyên bản, một bản dịch có giá tị khi nó càng gần nguyên bản bao nhiêu có thể. Làm sao có thể tin được một bản dịch khi nó không phải là bản dịch mà là bản diễn dịch khác bản văn gốc, nhất là bản văn đó lại là bản văn diễn tả đức tin và quan điểm thần học của Hội Thánh.

Trung thành với bản văn gốc không phải là nô lệ mà là tôn trọng bản văn và tôn trọng người đọc. Trung thành với bản văn gốc khi tìm kiếm được từ ngữ bản địa diễn tả được đúng ý nghĩa của bản văn gốc không phải là công việc dễ dàng, đó là một công việc vất vả mà người dịch phải cố gắng bao nhiêu có Dựa trên nguyên tắc này mà Huấn thị thứ 5 chú ý đặc biệt đến Kinh tin kính như bản quy chiếu đức tin của các tín hữu. UBPT đã xem xét lại kỹ lưỡng từng từ ngữ và câu văn của kinh tin kính, chúng ta có vài ví dụ như sau :

  • “Được sinh ra mà không phải được tạo thành”: Nếu dịch “được sinh ra” dịch từ “genitum” thì “non factum” phải được dịch là “không phải được tạo thành”.
  • “Đồng bản thể với Đức Chúa Cha”: “Đồng bản thể” dịch từ “consubstantialem” để phân biệt với “naturalem” (bản tính). Đàng khác, từ “đồng bản thể” cũng giúp chúng ta hiểu Chúa Giêsu dễ dàng hơn: Người đồng bản thể với Chúa Cha, và nơi người có hai bản tính: Thiên Chúa và loài người.
  • “Người sẽ lại đến trong vinh quang”: “sẽ lại đến” dịch từ “iterum venturus est”, mà không thể dịch “Người sẽ trở lại” như trong các bản dịch trước, vì động từ “venturus est” không phải là động từ trở lại mà là động từ đến, tới.
Ngoài ra để trung thành với bản văn gốc, bản dịch cần tránh tối đa thêm vào những từ ngữ hay câu văn mà bản gốc không có. Khi cần thiết phải thích nghi một điều gì đó cho phù hợp với ngôn ngữ bản địa, thì công việc này phải được thực hiện hết sức dè dặt và thận trọng theo quyết định của Hội Đồng Giám Mục. Chính vì sự thận trọng này mà HĐGM Việt Nam chỉ chấp nhận thích nghi trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ: thêm lời cầu cho “các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con” trong kinh nguyện Thánh Thể” để diễn tả việc hội nhập văn hoá; hoặc “Et cum spiritu tuo” dịch là “và ở cùng cha” mà không dịch “và ở cùng tâm trí cha”, “và ở cùng tinh thần cha” do ý nghĩa của lời chào; hoặc “carnis resurrectionem” dịch là “xác loài người ngày sau sống lại” mà không dịch “sự sống lại của thân xác” vì do cấu trúc văn chương việt nam đòi hỏi…

b. Dễ hiểu nhưng cần chính xác

Tiêu chuẩn bản dịch dễ hiểu là một đòi hỏi của các bản dịch phụng vụ, nhưng dễ hiểu không có nghĩa là hy sinh tính chính xác của bản văn. Khi chỉ chọn tiêu chuẩn là dịch cho dễ hiểu người ta có khuynh hướng diễn dịch bản văn hơn là dịch sát bản văn đó, mà diễn dịch thì mạo hiểm vì mỗi người diễn dịch một kiểu, mỗi người một quan điểm, có thể không phải quan điểm của Hội Thánh mà chỉ là quan điểm cá nhân, như thế vừa có thể làm nghèo ý nghĩa nguyên thuỷ của bản văn gốc, vừa chi phối người đọc theo một quan điểm thần học nào đó.

Thực ra, dễ hiểu cho đại chúng là mong ước của các bản dịch dùng cho mọi người, nhưng cụm từ “dễ hiểu” cũng cần phải được xác định trong mức độ nào ? Dễ hiểu không có nghĩa là thay vì dịch lại giải thích, hoặc thay đổi các ý niệm Kinh Thánh hoặc Truyền Thống Hội Thánh về từ ngữ bằng cách diễn giải theo một lập trường nào đó. Nhiều từ ngữ được sử dụng trong Kinh Thánh và Truyền Thống Hội Thánh có một ý nghĩa riêng biệt và rất phong phú, chúng là những từ ngữ đặc trưng được dùng để diễn tả một nội dung vượt xa chính từ ngữ đó, ví dụ: “bàn tay của Thiên Chúa”, “ngón tay của Thiên Chúa”, “sừng Người” … Khi giải thích từ ngữ và bản văn người ta vừa làm sai lạc bản văn gốc, vì làm mất dấu bản văn gốc, không ai biết từ gốc là gì mà lại giải thích như vậy, vừa làm nghèo nội dung của chính bản văn gốc, vì giải thích thường chỉ giới hạn vào một nghĩa nào đó. Vì vậy dịch dễ hiểu là một đòi hỏi khắt khe nhưng cũng không được dễ dãi giải thích tuỳ tiện. Công việc giải thích từ ngữ và các bản văn thuộc về bài giảng và việc dạy giáo lý.

c. Sự phong phú đa dạng của từ ngữ

Bản văn gốc latinh rất phong phú về các từ ngữ, vì thế khi dịch sang một ngôn ngữ địa phương, trong mức độ có thể, người ta cố gắng chuyển dịch những từ khác nhau của tiếng latinh bằng những từ tương đương trong tiếng địa phương. Thật ra, ngôn ngữ việt nam không có hết mọi từ tương đương để dịch các từ khác nhau của tiếng latinh, nhưng trong mức độ có thể, bản dịch mới đã dùng các từ khác nhau để diễn tả các từ latinh khác nhau, ví dụ: sacrificium – hy lễ; donum – của lễ; oblata – lễ vật …, vì thế chúng ta hiểu tại sao bản dịch mới có những thay đổi so với các bản dịch trước đây.

Hơn nữa, trong kinh nguyện của Hội Thánh sự đa dạng của các từ ngữ còn nói lên sự phong phú và rạng rỡ của bản văn latinh. Các bản dịch cần làm nổi bật sự đa dạng này, đặc biệt khi dịch các từ nói về Thiên Chúa như “Domine”, “Deus”, “Omnipotens aeterne Deus”, “Pater”…. Dựa vào chỉ dẫn trên của Huấn thị 5, chúng ta thấy một thay đổi rõ nét trong bản dịch mới là các từ “Lạy Thiên Chúa”, “Lạy Chúa” và “Lạy Cha” được dùng đan xen với nhau trong kinh nguyện Thánh Thể, trong khi bản dịch 1993 chỉ dùng một từ “Lạy Cha” gần như cho mọi lời tiền tụng và kinh Tạ Ơn. Sự thay đổi này là do bản dịch 2005 theo sát bản gốc latinh: khi gặp từ “Deus” thì dịch “Lạy Thiên Chúa”, từ “Domine” dịch “Lạy Chúa” và từ “Pater” dịch “Lạy Cha”; trong khi bản dịch 1993 chỉ dùng một từ “Lạy Cha” cho cả ba từ latinh “Deus, Domine và Pater”.

Có lẽ bản dịch 1993 dùng một từ để diễn tả sự thống nhất về một chủ từ trong một lời kinh, cách dịch này giúp dễ hiểu và có vẻ hợp lý khi đọc một dòng văn mà chủ từ không thay đổi. Tuy nhiên khi dịch ba từ latinh khác nhau bằng một từ việt duy nhất thì có vài vấn đề được đặt ra như sau :

1. Không trung thành với bản văn gốc, ba từ dịch thành một từ, hoặc tiếng việt của chúng ta còn nghèo nên chỉ có một từ để diễn tả ba từ khác nhau của tiếng latinh.

2. Làm giảm đi ý nghĩa thần học phong phú của lời kinh, bởi vì khi gọi Thiên Chúa bằng nhiều danh xưng, thì mỗi danh xưng diễn tả một khía cạnh khác nhau về phẩm tính của Thiên Chúa. Các danh xưng khác nhau trong một lời kinh, không dư thừa, không mâu thuẫn, nhưng bổ túc cho nhau để làm phong phú lời kinh của Hội Thánh.

3. “Đa số các kinh nguyện Thánh Thể có một lịch sử hình thành lâu đời, chúng thuộc về truyền thống đáng kính của Hội Thánh, nhiều kinh nguyện Thánh Thể có nguồn gốc từ thời các giáo phụ hoặc những thế kỷ đầu của Hội Thánh. Khi canh tân phụng vụ, Hội Thánh đã lấy lại nhiều kinh nguyện trong thời kỳ này, và có những kinh nguyện được giữ lại trong tình trạng gần như nguyên vẹn”. Thực vậy, trong các kinh nguyện của Hội Thánh thời đầu, các danh xưng về Thiên Chúa được dùng đan xen như là cách biểu lộ đức tin của Hội Thánh – lex orandi, lex credendi. Hội Thánh cầu nguyện như Hội Thánh tin. Đức tin chứ không phải lý trí hướng dẫn kinh nguyện của Hội Thánh. Vì thế khi gặp những kinh nguyện không hoàn toàn theo cách suy nghĩ của tư tưởng duy lý, thì đó là điều tự nhiên. Văn phong và cách diễn tả của những kinh nguyện trong Hội Thánh đòi hỏi chúng ta tìm hiểu nội dung đức tin được chứa đựng trong đó, hơn là giới hạn nội dung kinh nguyện của Hội Thánh theo cách hiểu và suy nghĩ của chúng ta.

Ngoài ra bản dịch còn phải tôn trọng sự đa dạng của từ ngữ được biểu lộ qua các từ diễn tả nguyên nhân của hành động hoặc ý muốn hay kết quả của một việc làm, như “ut”, “ideo”, “enim”, “quia”. Công thức truyền phép của bản dịch 1993 không dịch từ “enim – vì ”, và từ quan trọng này đã bị bỏ sót. Bản dịch mới thêm từ này vào trong cả hai lời truyền phép bánh và rượu “Vì này là Mình Thầy”; “Vì này là Chén Máu Thầy” để diễn tả ý muốn hành động của Chúa, đồng thời khi không bỏ sót từ nào trong công thức bí tích, bản dịch muốn tôn trọng chính bản văn như Hội Thánh đang cử hành.

d. Tôn trọng truyền thống

Các bản văn phụng vụ không phải là những bản văn nhất thời, mau thay đổi. Trừ khi các bản dịch đã quá lỗi thời hoặc không còn phù hợp với cách diễn tả đức tin của thời đại thì cần phải dịch lại, bằng không cần tôn trọng truyền thống sử dụng các bản văn đã được Toà Thánh phê chuẩn. Nếu có sự thay đổi nào so với các bản dịch đã được phê chuẩn thì cần nêu rõ lý do về những thay đổi đó. Thật vậy, tiêu chuẩn để dịch bản văn phụng vụ không phải là tìm điều khác lạ, dịch cho khác người ta, nhưng là tôn trọng và tìm hiểu những bản văn đã được truyền thống Hội Thánh đón nhận và sử dụng thế nào.

Nếu so sánh hai bản dịch trước đây 1971 và 1993 thì bản dịch 1993 gần như loại bỏ rất nhiều bản văn trong bản dịch 1971 đã được sử dụng rộng rãi. Nhiều phần bản dịch 1993 thay đổi so với với bản dịch 1971 không được sự đồng thuận của mọi người, ví dụ: dấu thánh giá “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” được thay đổi thành “Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Thêm từ “Chúa” vào công thức vừa không trung thành với bản văn gốc “In nomine Patris et Filii et Spiritus Santi” không có từ “Chúa”, vừa có thể gây ngộ nhận cho người khác về mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất. Có nhiều lý do để biện minh cho việc thay đổi này, nhưng sự thay đổi trong phụng vụ không chỉ đo lường bằng lý luận, bằng khôn ngoan nhân loại với lý do này lý do kia đôi khi võ đoán và một chiều, nhưng còn bằng chính đời sống của dân Chúa đã được truyền thống chứng nhận. Vì thế khi thay đổi một bản văn và công thức phụng vụ, thì không phải lý trí quyết định hành vi đạo đức của dân Chúa, nhưng ngược lại, lý trí phải tìm hiểu tại sao dân Chúa cử hành như thế ? truyền thống và thẩm quyền Hội Thánh đã đón nhận cử hành đó thế nào ? để tìm hiểu và làm sáng tỏ thêm các cử hành đó.

Cũng vì tôn trọng các bản văn đã được truyền thống thanh luyện và dân Chúa đã sử dụng quen thuộc mà không sai với bản văn gốc, nên bản dịch mới không thay đổi nhiều các lời kinh mà cộng đoàn đã quen đọc, trừ kinh Tin Kính được xem lại kỹ lưỡng theo gợi ý của Huấn thị 5 và vài thay đổi nhỏ trong kinh Thánh, Thánh, Thánh và kinh tưởng niệm sau truyền phép. Việc không thay đổi thường xuyên một bản văn dân Chúa đã quen thuộc mà không sai bản văn gốc, vừa diễn tả tính liên tục của truyền thống sống động trong cử hành phụng vụ của Hội Thánh, vừa không làm xáo trộn cộng đoàn vì những thay đổi không cần thiết.

e. Ngôn ngữ phụng vụ

Bản dịch phụng vụ là bản văn cầu nguyện, nên từ ngữ dùng để diễn tả phải mang nét đẹp thanh cao, thánh thiện xứng với cử hành thánh. Một bản dịch dễ hiểu cho đại chúng không đồng nghĩa với việc sử dụng các từ ngữ quá bình dân, thô kệch của đời thường. Người ta có thể kể chuyện về một bữa ăn bình dân với các hành vi bưng, húp, bê, gắp … nhưng làm sao có thể dùng các từ đó trong trình thuật thiết lập bí tích Thánh Thể trong phần truyền phép được ? Từ ngữ không chỉ để diễn tả môt hành động nào đó, mà còn biểu lộ một tâm tình tôn kính bên trong, một lòng kính trọng đối với Chúa và người tín hữu khi cầu nguyện.

Chính vì lòng kính trọng mà bản dịch mới dịch động từ “Accipite” là “Hãy nhận lấy” thay cho “Cầm lấy” trong lời truyền phép. “Cầm lấy” là một việc làm, một hành vi phải thực hiện, còn “Hãy nhận lấy” không chỉ diễn tả một việc phải làm là “Cầm lấy” theo kiểu cầm một sự vật nào đó, mà là nhận lấy với lòng cung kính Mình và Máu Chúa Giêsu. Đàng khác bản dịch mới đặt lời truyền phép ở mệnh lệnh cách theo bản gốc latinh “Hãy nhận lấy mà ăn” “Hãy nhận lấy mà uống”, trong khi bản dịch 1993 lại dịch như một câu nói thông thường “Cầm lấy mà ăn” “Cầm lấy mà uống”, không diễn tả đủ mạnh lời mời gọi và lệnh truyền của Chúa.

Ngoài ra ngôn ngữ còn chuyển tải nội dung phong phú của cử hành phụng vụ. Có những từ ngữ mang nhiều nghĩa, mỗi nghĩa được hiểu trong từng văn mạch của nó. Khi chỉ chọn một nghĩa mà thôi thì sẽ làm mất sự phong phú của từ ngữ, chẳng hạn từ “Prex Eucharistica” dịch là “Kinh Tạ Ơn” thì “Tạ Ơn” chỉ là một trong nhiều nghĩa của “Eucharistica”, dịch là “Kinh Tạ Ơn” thì chưa diễn tả hết ý nghĩa của Kinh nguyện. Thật vậy, khi dịch “Prex Eucharistica” là “Kinh nguyện Thánh Thể” sẽ giúp hiểu dễ dàng ý nghĩa kinh nguyện này trong cử hành Thánh Thể: đó là Kinh nguyện làm nên cử hành Thánh Thể, là trung tâm và đỉnh cao của tất cả cử hành Thánh lễ, qua kinh nguyện này chúng ta lãnh nhận Thánh Thể Chúa. Đàng khác, kinh nguyện Thánh Thể còn là kinh nguyện long trọng gồm tám yếu tố, mà tạ ơn chỉ là một trong tám yếu tố đó (Kinh tiền tụng), nên không thể giản lược kinh nguyện thành “Kinh Tạ Ơn”.

f. Tên riêng theo tiếng latinh

Nếu bản dịch phụng vụ dựa trên bản gốc là tiếng latinh thì sẽ hợp lý khi phiên âm các tên riêng theo tiếng này. Vấn đề phiên âm tên riêng dùng trong phụng vụ được các giám mục việt nam đặc biệt quan tâm qua hai văn thư gửi cha tổng thư ký UBPT: một đề ngày 12 tháng 10 năm 1997 và một đề ngày 24 tháng 2 năm 2000. Nội dung hai văn thư chỉ dẫn như sau: “Phiên âm theo tiếng latinh tất cả các tên Thánh Kinh, và sẽ sửa lại theo tiếng latinh các tên trong các sách phụng vụ khác, khi in lại” (trích từ văn thư ngày 24/2/2000). Thực hiện chỉ thị của các giám mục, hội nghị toàn quốc UBPT ngày 14 tháng 3 năm 2002 đã cụ thể bằng những việc sau đây:

  • Mọi tên riêng trong Kinh Thánh sẽ theo bản latinh Nova Vulgata để sửa lại, trừ những tên riêng đã trở nên phổ thông đối với mọi người như: Giuse, Phêrô, Phaolô …
  • Viết liền tên riêng mà không có gạch ngang giữa các âm vận.
  • Thêm các dấu vào tên riêng để người đọc có thể phát âm dễ dàng tên riêng khi đã được phiên âm.
  • Giữ nguyên hai từ Alleluia và Amen như bản gốc latinh đã ấn hành.
Ngoài ra một từ có liên quan đến tên riêng cũng được thảo luận trong hội nghị toàn quốc UBPT ngày 20/5/2003 là từ “Prophetas” nên dịch là “tiên tri” hay “ngôn sứ” ? Một bản nghiên cứu đầy đủ đã được gửi trước đến các giáo phận về đề tài này cho thấy cả hai từ “tiên tri” và “ngôn sứ” là hai từ hán việt, tuy nhiên trong từ điển trung hoa hiện nay lại không có từ “ngôn sứ”, từ này đã được tạo ra theo cách ghép của tác gỉa việt nam mà người trung hoa không hiểu cách ghép từ này. Trong khi từ “tiên tri” lại có trong từ điển trung hoa, từ này mang nhiều nghĩa: nói trước, nói tiên tri, nói thay ai, nói nhân danh ai … các nghĩa này phù hợp với từ “Prophetas”. Hội nghị đã thảo luận sôi nổi: theo cha tổng thư ký UBPT đa số các giáo phận đã gửi đề nghị giữ từ “tiên tri” mà không dùng từ “ngôn sứ” nữa, hội nghị cũng bỏ phiếu chọn lựa với đa số tuyệt đối đồng ý dịch từ “Prophetas” là “Tiên tri”. Một ghi nhận đáng kể là bản dịch phụng vụ 1971 và vài nhà Kinh Thánh danh tiếng như cha Nguyễn thế Thuấn, cha Trần đức Huân … đã dùng từ “tiên tri” mà không dùng từ “ngôn sứ”.

g. Thống nhất một bản dịch cho một lãnh thổ

Bản dịch mới 2005 được xem là công trình của tập thể, là kết quả làm việc của mọi thành phần dân Chúa. Chắc chắn khi HĐGM quan tâm đến bản dịch trong suốt tiến trình hình thành bản dịch này, đã cho thấy các giám mục xác định tầm mức quan trọng của bản dịch. Các ngài đã bỏ nhiều công sức để có được bản dịch hôm nay, mặc dù công việc chuẩn bị trước được trao cho một Uỷ ban, nhưng các ngài đã không làm cho xong, duyệt cho rồi một bản văn do Uỷ ban đó trình lên, mặc dù Uỷ ban đã được tín nhiệm trao công việc. Bản dịch Nghi thức thánh lễ quan trọng vì đó là cử hành hằng ngày của dân Chúa, là mối dây hiệp thông trong dân Chúa. Vì thế Huấn thị thứ 5 xác định: “Nghi thức thánh lễ và những phần phụng vụ có sự tham dự trực tiếp của các tín hữu, thì chỉ có một bản dịch duy nhất cho mỗi ngôn ngữ”. Vì thế bản dịch việt ngữ 2005 trở nên “bản bắt buộc thay thế những bản văn trước đây khi cử hành thánh lễ việt ngữ”.

Thực vậy khi quy định một bản dịch duy nhất để cử hành thánh lễ cho mỗi ngôn ngữ, Hội Thánh không nhắm đến sự hoàn hảo của bản dịch cho bằng sự thống nhất trong một cử hành. Bản dịch 2005 chưa phải là bản dịch cuối cùng, vì mỗi khi Toà Thánh công bố một Sách lễ Rôma ấn bản mới thì mỗi HĐGM sẽ phải xem xét lại bản dịch và hiệu đính những gì cần thiết theo ấn bản mẫu này. Bản dịch 2005 đã được thực hiện tốt nhất dựa trên những tinh hoa của các bản dịch có trước, nhưng đó chưa phải là tất cả. Khi đón nhận bản dịch này thì không phải đón nhận một bản dịch của ai đó với những giới hạn của con người, mà đón nhận một dấu chỉ của sự hiệp thông trong công việc chung của Hội Thánh.

h. Tư cách pháp nhân của bản dịch

Toà Thánh là pháp nhân duy nhất có quyền phát hành các sách phụng vụ mẫu bằng tiếng latinh cho toàn thể Hội Thánh. Toà Thánh nhường quyền duy nhất cho mỗi HĐGM phiên dịch và phát hành bản dịch của các sách phụng vụ này trong lãnh thổ của mình. Mỗi HĐGM nên thành lập một Uỷ ban lo phiên dịch các sách phụng vụ sang tiếng địa phương, và mọi thành viên khi thực hiện công việc này phải kín đáo và vô danh.

Theo các chỉ dẫn trên đây, thì không phải ai cũng có quyền dịch và phát hành các sách phụng vụ của Hội Thánh. Quyền phiên dịch các sách phụng vụ chỉ được dành cho HĐGM và HĐGM có thể uỷ nhiệm cho một Uỷ ban hay ai đó thực hiện, nhưng chính HĐGM chịu trách nhiệm về bản dịch. Vì thế không cá nhân hay nhóm người nào tự phiên dịch và phát hành sách phụng vụ của Hội Thánh mà không được HĐGM uỷ nhiệm. Đàng khác, việc phiên dịch sách phụng vụ là công việc chung của Hội thánh chứ không phải của riêng ai, nên những người tham gia phiên dịch phải kín đáo và ẩn danh, vì thế các bản dịch phụng vụ không bao giờ để tên dịch gỉa.