Kitô học: Bài 1

CHỨC VỤ VÀ ĐỜI SỐNG ĐỨC KITÔ

TRUNG GIAN - NGÔN SỨ - TƯ TẾ - VƯƠNG ĐẾ



Bước vào Tuần Thánh, thiết nghĩ ta nên suy nghĩ Chúa Kitô thực hiện các chức vụ của Ngài trong mầu nhiệm Vượt qua :

I. ĐỜI SỐNG VÀ CHỨC VỤ TRUNG GIAN

“Chỉ có một Thiên Chúa và chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người và cũng là người thật là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người” (1Tm 2,5-6)

Trung là chính giữa, gian là khoảng trống, khoảng giữa gian nhà. Người trung gian là người đứng giữa làm môi giới, giao tiếp với hai bên để giúp hai bên trao đổi, biết nhau v..v.

Trong xã hội, vai trò trung gian khá phổ biến :

  • Trung gian “mối lái" : là người mối, đứng giữa điều đình việc cưới hỏi, mua bán.
  • Trung gian hòa giải : là người đứng giữa hòa giải đôi bên đang tranh chấp nhau.
  • Trung gian giao dịch : là người đứng giữa làm công việc liên lạc, giao tiếp với đôi bên.
Trong Cựu ước, ta thấy rõ vai trò trung gian của Môisen giữa Thiên Chúa và loài người : đọc Giao ước của Chúa cho toàn dân nghe, và làm lễ ký Giao ước giữa dân với Thiên Chúa, thay mặt Chúa dạy bảo, hướng dẫn dân; thay mặt dân cầu nguyện, xin Chúa tha thứ tội lỗi cho dân v.v...

Các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến để giảng ý Chúa cho dân, cho vua chúa (Êlia, Giêrêmia, Isaia v.v...)

1. Đức Kitô là Đấng Trung Gian :

Mạc khải cho biết rõ Đức Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất và hoàn hảo :

1.1. Đức Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất :

Vì chỉ có Đức Kitô là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người mà thôi, ngoài Ngài ra không còn trung gian nào khác. Các trung gian trong Cựu Ước (Môisen, các ngôn sứ, tư tế, ngay cả thiên thần) cũng chỉ là chuẩn bị dẫn tới Đức Kitô mà thôi.

Trong Tân Ước, trong Giáo Hội, chức vụ trung gian phát xuất từ chức vụ Trung Gian duy nhất của Đức Kitô, chỉ là tham dự chức vụ Trung Gian của Đức Kitô. Đức Mẹ là Đấng trung gian thì chức trung gian của Đức mẹ không bao giờ được xem là độc lập với chức vụ Trung Gian của Đức Kitô. Trái lại, chức trung gian của Đức Mẹ là tham dự chức Trung Gian duy nhất của Đức Kitô.

1.2. Đức Kitô là Đấng Trung Gian hoàn hảo :

Vì Đức Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Hai bản tính : thiên tính và nhân tính làm cho Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là người thực, nên nơi Ngài đã có một sự gặp gỡ tuyệt hảo giữa Thiên Chúa và nhân loại, Ngài là trung gian tuyệt vời giữa Thiên Chúa và loài người trên cả hai bình diện : hữu thể và tinh thần.

Thánh Augustinô cũng như Thánh Cyrillô thành Alexandria đều nhấn mạnh tới nguyên nhân trung gian của Đức Kitô là cốt tại : là Thiên Chúa đối với Chúa Cha, là con người đối với loài người.

Tuy nhiên ta cần phải biết rõ : Đức Kitô là trung gian, nhưng là trung gian theo nhân tính, và Ngôi hiệp là nền tảng của trung gian nơi Đức Kitô v.v...

2. Trung gian theo nhân tính :

Như ta đã biết vai trò trung gian là ở giữa, giao tiếp với hai bên.

Xét về mặt thần tính : Ngôi Lời Thiên Chúa có bản tính Thiên Chúa, thì Ngôi Lời và Chúa Cha quyền năng hoàn toàn như nhau. Xét về mặt này (thần tính) thì Đức Kitô đứng về phía Thiên Chúa...

Xét về mặt nhân tính : nhân tính là thụ tạo, Đức Kitô là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người (nên nhớ, Thiên Chúa thường dùng một ít người đứng ra làm trung gian giữa Ngài và một tập thể người như Môisen, các ngôn sứ v.v...).

Đức Kitô sẽ thi hành vai trò trung gian của các chức vụ :

Ngôn Sứ : thông truyền lệnh Chúa, ý Chúa, giáo huấn của Chúa cho nhân loại.

Tư Tế : dâng lễ đền tội và cầu khẩn cho nhân loại.

Vương Đế : thâu họp muôn dân và vũ trụ lại...


3. Nền tảng trung gian của Đức Kitô : Ngôi hiệp

Nhờ Ngôi hiệp, nhân tính Đức Kitô được hoàn hảo, trở thành nguyên nhân dụng cụ tuyệt hảo; mặt khác, Đức Kitô sử dụng nhân tính tức là Ngôi Lời Thiên Chúa sử dụng nhân tính.

Như vậy, Đức Kitô làm trung gian theo tư cách là một ngôi vị Thiên Chúa, một người Con duy nhất của Chúa Cha, vai trò của Đức Kitô trung gian thật hoàn hảo, có một không hai và tuyệt đối nữa.

Nhân tính Đức Kitô, nhờ Ngôi hiệp, được đưa lên ở mức độ hoàn hảo có một không hai để xứng đáng với Ngôi Lời và nên dụng cụ trung gian của Ngôi Lời, vì thế vai trò trung gian của Đức Kitô là hữu nhất vô nhị.

Cuối cùng, nhờ mầu nhiệm Ngôi hiệp, Đức Kitô mới thi hành chức vụ trung gian hoàn hảo và duy nhất được. Không có Ngôi hiệp, Đức Kitô không thể ban tràn đầy ơn cho ta, giáo huấn của Ngài chỉ hơn kém một ngôn sứ trong Cựu Ước, và không thể là Đấng cứu độ nhân loại.

4. Chức vụ trung gian trường tồn vĩnh cửu :

“Nếu có ai sa phạm tội gì, thì ở trước tòa Cha, ta có sẵn Đấng Bầu Cử là Đức Giêsu Kitô công chính” (1Ga 2,1)

Lúc ở trần gian, Đức Kitô thi hành chức vụ trung gian, bây giờ trên trời, Ngài vẫn tiếp tục thi hành.

Chức vụ trung gian của Ngài khởi sự từ lúc nhập thể, và Ngài đã có khả năng thi hành trọn chức vụ này vì ơn Ngôi hiệp và ơn Thủ lãnh (ơn sủng đã tràn đầy và sung mãn ngay từ giây phút nhập thể, Ngài có khả năng ban xuống cho nhân loại). Nhưng nhập thể “vì loài người” (Kinh Tin Kính), Ngài đã thực hiện hy tế hiến mình trên thập giá, thực hiện trọn vẹn chương trình cứu độ của Chúa Cha đã định và như vậy trung gian tư tế của Ngài đã trở thành đỉnh cao nhất, chói sáng của chức trung gian.

Chức Trung Gian có khởi đầu nhưng không có kết thúc (kéo dài đời đời).

II. ĐỜI SỐNG VÀ CHỨC VỤ NGÔN SỨ

Từ ngữ ngôn sứ (hoặc tiên tri) dịch từ chữ Hylạp prôphêtes (prophetez) trong Bản Bảy Mươi có ý nghĩa : pro : thay thế, đại diện cho ai; phêtes : do chữ phemi, nghĩa là nói.

Vậy, ngôn sứ là phát ngôn viên của Thiên Chúa, là người thay mặt Thiên Chúa, đại diện Thiên Chúa để loan báo thánh ý của Ngài cho dân chúng biết. Nói đúng hơn ngôn sứ là người được Chúa sai đến loan báo thánh ý Chúa cho dân biết.

Thánh ý Chúa có thể diễn tả bằng những giáo huấn, đạo lý hoặc có thể là một biến cố xảy ra trong tương lai. Người ta phân biệt ngôn sứ thật hay giả căn cứ vào biến cố tương lai xảy ra đúng như lời ngôn sứ loan báo hay không, thí dụ trường hợp ngôn sứ Giêrêmia. ..

Đức Kitô là vị phát ngôn, là Ngôn Sứ lớn của Thiên Chúa.

Các tông đồ cũng chỉ biết Đức Kitô là "một Ngôn sứ quyền năng trước mặt Thiên Chúa và toàn dân" (Lc 24,19). Nghĩa là trong tâm trí các tông đồ có một sự đối chiếu các ngôn sứ Cựu Ước với Đức Kitô, họ thấy nơi Đức Kitô quyền năng, và hạn hẹp Đức Kitô vào hàng ngôn sứ, nên không thể đón nhận lời mạc khải : ba ngày sống lại.

Đức Kitô chỉ gián tiếp và kín đáo nhận mình là Ngôn Sứ (Mt 13,57). Có lẽ từ ngữ ngôn sứ trong sự hiểu biết của đại chúng không diễn tả hết được chức vụ Ngôn sứ của Đức Kitô. Thánh Phaolô không đề cao chức vụ này. Giáo Hội sơ khai không quan tâm mấy về tước hiệu Ngôn sứ của Đức Kitô vì Đức Kitô trỗi vượt xa truyền thống các ngôn sứ :

  • Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền.
  • Ngài là Đấng Mêsia, là Con Người.
  • Ngài là Con chí ái của Thiên Chúa, cũng là Tôi Tớ Thiên Chúa.
Nhất là biến cố phục sinh đã làm cho Ngài khác hoàn toàn các ngôn sứ Cựu Ước và Giáo Hội sơ khai đã nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa đích thực.

Các ngôn sứ Cựu Ước sau khi loan báo Lời Chúa, chỉ kết thúc : “Đó là sấm ngôn của Đức Giavê”, còn Đức Kitô bảo : “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi (điều đó)..." (Ga 3,5; 3,11; 5,19; 6,32; 10,1; 10,7). Khẳng định một chân lý.

Giáo Hội đã nhận ra Đức Kitô là đối tượng phải loan báo, phải rao giảng : “Do Thái đòi dấu lạ, Hy lạp đòi sự khôn ngoan, phần chúng tôi, chúng tôi rao giảng một vị Kitô bị đóng đinh : một cớ vấp phạm cho người Do Thái, một sự điên rồ đối với dân ngoại, nhưng đối với những ai được kêu gọi dù là Do Thái hay Hy lạp, thì Ngài chính là Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và khôn ngoan của Thiên Chúa” (1C 1, 22-24)

Đức Kitô rao giảng Chúa Cha, mạc khải Chúa Cha cho nhân loại biết, và chính Ngài cũng rao giảng bản thân Ngài, mạc khải bản thân Ngài cho nhân loại biết.

Điều gì đã khiến Đức Kitô làm vậy ?

Chính Mầu nhiệm Ngôi hiệp, Đức Kitô là Con Thiên Chúa làm người trở thành đối tượng của việc loan báo, rao giảng (vì rao giảng là rao giảng Thiên Chúa, thánh ý Thiên Chúa, mà Đức Kitô là Thiên Chúa).

Xét về nguyên nhân dụng cụ (nhân tính), nhờ Mầu nhiệm Ngôi hiệp Đức Kitô có tri thức thiên phú và tri thức hưởng kiến, Ngài đầy tràn sự hiểu biết Thiên Chúa, Ngài nắm vững tất cả chân lý để trở thành Thầy dạy cho nhân loại.

Ngoài ra cũng nhờ Mầu nhiệm Ngôi hiệp và việc cứu độ do Ngài thực hiện, Ngài trở thành Thủ lãnh của vũ trụ, của Giáo Hội, Ngài ban ơn, dạy dỗ, hướng dẫn tất cả để quy tụ tất cả thành một, lập xong vương quyền và trao lại cho Thiên Chúa Cha” (x. 1C 15,24...)

III. ĐỜI SỐNG VÀ CHỨC VỤ TƯ TẾ (SACERDOS) :

*Tư là địa vị, người điều hành, chủ tọa; tế là dâng cúng, dâng vật gì lên để tôn kính ai.

Theo nghĩa rộng, bất cứ ai dâng lễ vật lên Thiên Chúa đều được gọi là tư tế. Trong một buổi lễ dân gian tập họp một nhóm người, người được cử ra làm chủ tọa dâng lễ lên Thiên Chúa, người đó giữ chức tư tế trong buổi lễ đó.v..v..

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân tộc làm dân riêng của Ngài, ban cho họ chức tư tế, gọi họ là dân tư tế. Rồi Thiên Chúa tuyển chọn trong dân tư tế này (dân Iraen), một chi tộc (chi họ Lêvi) làm tư tế. Trong chi họ tư tế Lêvi, có một ngành làm thượng tế, có quyền lớn. Aaron là vị thượng tế thời Môisen, rồi ngành Aaron là thượng tế cho tới thời vua Salomom; trong thời Salamon, Sadoc (con cháu của Aaron) lên làm thượng tế...

Trong Tân Ước, không thấy Đức Kitô tự xưng mình là tư tế, có lẽ Ngài không muốn người Do Thái hiểu công việc của Ngài như một vị tư tế chi tộc Lêvi. Người thích tự xưng là Con và Con Người. Tuy nhiên, Ngài dùng nhiều cách nói để diễn tả lễ tế của Ngài :

  • “Con Người không đến để được người ta hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống của mình làm giá chuộc thay cho nhiều người” (Mc 10,45).
  • “Này là máu Thầy, máu giao ước đổ ra cho nhiều người” (Mc 14,24)
Chỉ có Thư Do Thái mới minh nhiên bàn rộng về chức tư tế của Đức Kitô.

Trước hết, vị tư tế là : “Người được tuyển chọn giữa loài người và được đặt lên vì ích lợi loài người mà lo việc Thiên Chúa, ngõ hầu tiến dâng lên lễ vật và hy sinh tạ tội... Vinh dự đó không phải người ta tự mình đoạt lấy cho mình, nhưng phải được Thiên Chúa kêu gọi, cùng một thể như Aaron” (Dt 5, 1-4).

Đức Kitô đã được Thiên Chúa kêu gọi : "Con là tư tế đời đời theo phẩm hàm Menkisêđê” (Hr 5, 5-6)

Từ một Menkisêđê, tác giả rút lấy một ít điểm để hiểu về chức tư tế của Đức Kitô :

  • Menkisêđê xuất hiện như không gia phả là hình bóng chỉ tính cách vĩnh cửu.
  • Menkisêđê được Abraham dâng thuế thập phân tỏ ra Menkisêđê hơn Abraham, chức tư tế của con cháu Abraham (Lêvi) thua chức tư tế Menkisêđê.
Việc áp dụng Tv 110,4 vào Đức Kitô cho thấy tác giả Thư Do Thái đã có được một cách giải thích Cựu Ước theo nhãn giới Tân Ước cách triệt để.

*Chức tư tế của Đức Kitô bắt nguồn từ trong chính hữu thể của Ngài (son être même), hữu thể đã làm Ngài thành vị trung gian tuyệt hảo: Vừa là người thật (x. Dt 2,10-18; 5,7t) thông phần yếu hèn với chúng ta đến nỗi bị cám dỗ (x. Hr 2,18; 4,15), vừa là Con đích thực của Thiên Chúa, cao trọng hơn các thiên thần (x. Dt 1,1-13), Ngài là vị tư tế duy nhất vĩnh cửu, Ngài đã hoàn tất hy tế của mình trong thời gian một lần thay cho tất cả (x. Dt 2,27; 9,12.25-28) (x. Vocabulaire de Théologie Biblique, Cerf, Paris, 1972, chữ Sacerdoce)

Nói rõ hơn, Đức Kitô nhận chức tư tế nhờ Ngôi hiệp : Ngay từ giây phút nhập thể (tức là bắt đầu Ngôi hiệp), nhân tính Đức Kitô đã đạt tới mức thánh thiện tuyệt hảo, mức độ thánh thiện bản thể, vì sự kết hợp của Ngôi Lời Thiên Chúa có bản tính Thiên Chúa. Bản tính Thiên Chúa thấm nhập vào nhân tính, thần tính thánh hóa nhân tính và nhân tính được đưa lên, đi sâu vào thần tính. Từ ngữ Kitô (Christos, Cristos) có nghĩa là được xức dầu tấn phong : Đức Kitô được xức dầu bởi mầu nhiệm Ngôi hiệp, bởi thiên tính, và nhờ được xức dầu mà Đức Kitô lãnh nhận chức vụ tư tế v..v..

Như vậy, Đức Kitô là tư tế theo nhân tính. Vì theo thiên tính (là Thiên Chúa), Đức Kitô là Đấng nhận lễ vật (như Chúa Cha), chứ không phải là người dâng lễ vật (tư tế). Nhờ Ngôi hiệp, của lễ mà Đức Kitô dâng có giá trị và hiệu lực đến mức vô cùng, vì của lễ đó là do Ngôi lời Thiên Chúa là chủ thể và chịu trách nhiệm dâng.

*Và xét đến lễ vật (tế vật) : Không phải là chiên bò như Cựu Ước, nhưng là chính con người Đức Kitô làm lễ vật dâng hiến Chúa Cha. Do đó, ngay từ giây phút nhập thể, vị tư tế và tế vật đã có. Lễ tế đã bắt đầu, được thực hiện cụ thể trên thập giá và hoàn tất khi phục sinh.

Lễ vật là Đức Kitô và vị tư tế cũng chính là Đức Kitô (theo nhân tính), Thánh Augustinô diễn tả thế này : Đức Kitô vừa là victor (người chiến thắng), vừa là victima (vật hy sinh, hy tế), Ngài chiến thắng vì đã hy sinh (victor quia victima), trở nên tư tế vì là lễ vật (sacerdos quia sacrificium).

Đấng nhận lễ vật, Đấng được dâng hiến là Chúa Cha. Xét về thiên tính, Đức Kitô cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh thần nhận lễ vật.

Tất cả đều thể hiện trong tình yêu : Tình yêu của Thiên Chúa đối với Đức Kitô và tình yêu của Đức Kitô biểu lộ ra trong sự tự do vâng phục đối với Thiên Chúa. Không có tình yêu thì Lễ hy sinh của Đức Kitô không có giá trị. Tình yêu thể hiện ra nơi sự tự do vâng phục của Đức Kitô là hậu quả của Ngôi hiệp, là thứ tình yêu tuyệt đối.

Một vấn nạn đặt ra: Có cần phải nói đến ơn Ngôi hiệp làm nền tảng cho chức vụ tư tế của Đức Kitô không ?

Phái Salmanticenses chủ trương : yếu tố cấu thành nên chức tư tế của Đức Kitô là ơn Thủ lãnh, mặc dù ơn này đặt nền tảng trên Ngôi hiệp.

Trái lại, phần đông các nhà thần học chủ trương : yếu tố mô thức cấu thành chức tư tế của Đức Kitô bao gồm: Ơn ngôi hiệp (Hiệp sủng), ơn thủ lãnh (Đầu sủng, thuộc Thường sủng) và ơn tuyển chọn (Trạch sủng) :

†.1. Hiệp sủng : Ơn ngôi hiệp thánh hóa nhân tính Đức Kitô (nhờ vậy nhân tính Đức Kitô đạt tới mức độ thánh thiện bản thể : sanctitas substantialis) và tấn phong chức tư tế cho Đức Kitô (x. Dt 1,9) và nhờ Ơn ngôi hiệp, Đức Kitô mới có khả năng biến tính bánh rượu.

- Theo Thánh Tôma Aquinô : Hiệp sủng làm hoàn hảo bản tính trong phạm vi hữu thể, làm cho nhân tính Đức Kitô hiện hữu, nên Ơn ngôi hiệp tạo nên hữu thể tư tế Đức Kitô

†.2. Đầu sủng : Ơn thánh sủng làm hoàn hảo bản tính trong phạm vi hoạt động. Thành ra trong phạm vi hoạt động của chức tư tế Đức Kitô, (như khi Đức Kitô ban ơn sủng cho ta), nhân tính Đức Kitô cần có ơn thánh sủng tức là ơn Thủ lãnh.

†.3. Trạch sủng : Cuối cùng phải có ơn tuyển chọn, vì không ai được tự phong mình là tư tế, phải được Thiên Chúa tuyển chọn, cắt đặt làm tư tế (x. Dt 5,4). Đối với ta, sự tuyển chọn này là tiên quyết, hàng đầu, phải để ý tới. Nhưng đối với Đức Kitô, sự tuyển chọn này đã nằm trong Ngôi hiệp.

IV. ĐỜI SỐNG VÀ CHỨC VỤ VƯƠNG ĐẾ

*Trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã loan báo vương quyền của Đấng Mêsia (x. Is 9,6-7; Đn 7,13; Tv 2). Trong Tân Ước, Sứ thần Grabien đã thưa với Đức Maria : "Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Đavid, tổ phụ Ngài, và Ngài sẽ làm vua trên nhà Giacóp cho đến đời đời và vương quyền của Ngài sẽ không bao giờ cùng” (Lc 1,32-33). Trước Philatô, Đức Kitô nhìn nhận : "Quan nói đúng, tôi là Vua" (Ga 18,37), nhưng Ngài đã nói cho biết tính chất linh thiêng của Nước Ngài : “Nước Tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36; Mt 22,21). Vương quyền của Ngài bao trùm trời đất : “Mọi quyền năng đã được ban cho Thầy trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Trong Khải Huyền, Thánh Gioan đã gọi Đức Kitô là “Thủ lãnh các vua trần thế” (Kh 1,5), "Vua trên các vua, Chúa trên các chúa" (Kh 19,16).

Đức Kitô sinh ra để làm Vua (x. Ga 19,37). Ngài rao giảng Nước Trời (Vương quốc Thiên Chúa) và vương quyền Đấng Mêsia. Khi phác họa phần thưởng cánh chung đang chờ đợi loài người, Ngài đồng hóa vương quốc của Con Người với vương quốc của Chúa Cha (x. Mt 13,41). Và Ngài bảo đảm cho các môn đệ Ngài rằng : Ngài sắm sẵn vương quốc cho họ cũng như Chúa Cha đã sắm sẵn cho Ngài (x. Lc 22,29).

* Đức Kitô, xét theo nhân tính, Ngài đã là Vua cách huyền nhiệm ngay từ khi bắt đầu cuộc sống ở trần gian (x. Lc 1,33; Mt 2,2). Tuy nhiên, để loan truyền sứ điệp về vương quốc và thi hành vương quyền của Ngài, Đức Kitô đã gặp chống đối. Vương quốc gắn liền với công trình cứu độ của Ngài. Sự thiết lập vương quốc chỉ được hoàn thành nhờ sự chết và phục sinh của Ngài. Cho nên, chỉ khi Đức Giêsu đạt tới vinh quang (vào lúc Ngài phục sinh) thì mọi quyền bính trên trời dưới đất mới được trao cho Ngài : Chính lúc đó, Đức Kitô ngự trên ngai của Cha Ngài (x. Kh 3,21), được tôn vinh ngồi bên hữu Thiên Chúa (x. Cvtđ 2, 30-35).

* Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Đức Kitô, nhưng Giáo Hội không phải là Nước Trời, không phải là nước Đức Kitô, Giáo Hội rao giảng Đức Kitô. Trong thời gian Giáo Hội hoạt động ở trần gian, Nước Trời được hoạt động trên người ta nhờ vương quyền Đức Kitô “Chúa vũ trụ” (Phil 2,11), vì Chúa Cha đã đặt Con của Ngài làm “Vua các vua, làm Chúa các Chúa” (Kh 19,16; 17,14)

* Vào ngày cánh chung, Đức Kitô, Đấng chiến thắng mọi địch thù “sẽ giao trả vương quyền cho Thiên Chúa Cha” (1C 15,24). Bấy giờ, vương quyền này “sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa chúng ta và Đức Kitô của Người” (Kh 11,15; 12,10) và các tín hữu sẽ lãnh nhận "gia nghiệp trong vương quốc của Đức Kitô và của Thiên Chúa” (Eph 5,5). Như thế, Thiên Chúa là chủ mọi sự, sẽ hoàn toàn chiếm hữu triều đại Ngài (x. Kh 19,6) (x. Vocabulaire de Théologie Biblique, Cerf, Paris, 1971, chữ royaume).

Nước Trời là chủ quyền của Thiên Chúa, chủ quyền được thể hiện trong thời cánh chung mà Đức Kitô rao giảng, và được Thiên Chúa trao cho để thực hiện trong triều đại cánh chung.

*Được Chúa Cha trao chủ quyền, Đức Kitô là Vua (có vương quyền). Vương quyền của Đức Kitô là vương quyền tâm linh và thể hiện trong việc đưa dẫn mọi người lên với Chúa Cha (cứu độ).

Vương quyền này đặt nền tảng trên Ngôi hiệp, nhờ Ngôi Hiệp, Đức Kitô làm Vua, Ngài thực hiện vương quyền trên vũ trụ, trên muôn loài, trên trời dưới đất theo nhân tính. Xét theo thiên tính Đức Kitô là Thiên Chúa, Ngài có quyền như Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đương nhiên Ngài là Vua trời đất, vạn vật.

  • Ở đây, ta xét vương quyền của Đức Kitô theo nhân tính : Ngài đã nắm vương quyền ngay từ lúc nhập thể. Nhưng trong một thế giới bị trúng độc của tội ác, Ngài phải tranh đấu quyết liệt và cuối cùng Ngài chịu chết.
  • Trước tòa án đạo và tòa án đời, Ngài đã khẳng định vương quyền của mình.
  • Trên thập giá, vương quyền của Ngài rạng rỡ ra, và khi phục sinh, vương quyền được hoàn thành.
· Nhưng vương quyền của Đức Kitô chỉ tỏ hiện trọn vẹn trong ngày Đức Kitô quang lâm. Thánh Mathêu diễn tả cảnh tượng huy hoàng của vương quyền Đức Kitô trong ngày Ngài quang lâm : "Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy thiên thần hộ vệ, bấy giờ, Ngài sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Ngài. Muôn dân thiên hạ được thâu họp trước mặt Ngài..." (Mt 25,31-32).

*Vương quyền của Đức Kitô thể hiện ra trong quyền lập pháp và tư pháp. Ngài lập luật và đòi hỏi mọi người phải tuân giữ (x. Mt 28,20; Ga 15,12; 14,15), nhất là luật yêu người, được xem như là giới răn mới do Ngài ấn định (x. Ga 13,34) và Ngài xét xử muôn dân trên luật mới nầy (x. Mt,32-32).

*Vương quyền Đức Kitô là vương quyền tâm linh : "Nước Tôi không thuộc thế gian này" (Ga 18,36), nhưng Ngài xét xử tất cả loài người (x. Mt 25,32) và thu thập tất cả vũ trụ, vạn vật... Như vậy, Đức Kitô theo nhân tính có làm Vua trong lĩnh vực trần thế không ?

Đức Piô XI đã nói rõ vấn đề này trong Thông điệp Quas Primas năm 1925:

  • Nhờ Ngôi hiệp, Đức Kitô chẳng những có quyền gián tiếp mà còn có quyền trực tiếp trên mọi việc trần thế (les choses temporelles)
  • Mặc dầu, Ngài không sử dụng quyền đó khi sống ở trần thế, Ngài vẫn có quyền. Bây giờ, Ngài vẫn không sử dụng, Ngài để cho các nhà cầm quyền sử dụng.
  • Vương quyền của Đức Kitô có tính phổ quát, bao gồm tất cảvũ trụ (người chịu Bí tích Thánh tẩy hay không, thuộc Giáo Hội Công giáo hay không, tin hay không tin, tất cả, tất cả đều thuộc quyền của Đức Kitô theo nhân tính).
(Ghi chú : Thánh Tôma Aquinô, sau này Suarez chủ trương Đức Kitô làm Vua cả lãnh vực trần thề (ordre temporel), cách gián tiếp và trực tiếp; trong khi đó các nhà thần học Fr. de Victorie, Bellarmin không nhận Đức Kitô có quyền tối thượng trực tiếp trong các việc trần thế.)

*Cũng cần nhắc thêm, vương quyền của Đức Kitô trường tồn, đời đời, như Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinople tuyên xưng : "Nước Người sẽ không bao giờ cùng".

Kết luận:

Vương quyền của Đức Kitô đặt nền tảng trên Ngôi hiệp và mầu nhiệm phục sinh. Chúa Giêsu là Kitô-Vua hành xử vương quyền của Ngài không những trên Giáo Hội mà còn trên toàn thể vũ trụ nữa. Nhân tính vinh quang của Ngài là trung tâm vũ trụ. Nhân tính vinh quang cũng còn là trung tâm của lịch sử.

Thật vậy, Đức Kitô, Adam mới, không chỉ đi vào lịch sử loài người mà còn điều khiển lịch sử đó nữa.

Điều đó diễn tả đầy đủ thấy được khi Đức Kitô sống đời sống mới trong vinh quang của phục sinh, chuỗi thời gian của cánh chung đang diễn ra, Giao ước mới đang được thực hiện. Đó là biến cố quyết định của lịch sử vũ trụ, tập hợp tất cả và gắn chặt với biến cố Nhập thể. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa thật và người thật, ơn cứu độ được ban phát và ý định cứu độ đã được mạc khải trọn vẹn.

Tôn vinh Đức Kitô phục sinh có một tầm vóc quyết định, nhưng chưa phải là việc kết thúc lịch sử cứu độ. Đức Kitô đến trong ngày quang lâm mới kết thúc. Vậy thời gian từ phục sinh đến quang lâm là thời gian phát triển Giáo Hội, phát triển biểu lộ quyền năng của Đức Kitô vinh hiển, nhưng không thể thực hiện được nếu không có sự cộng tác của chúng ta. Đức Kitô là đầu và là cùng đích, là khởi điểm cũng là đích điểm, là Alpha và Omega. Ở khởi điểm, Ngài bao gồm ta trong Ngài, ta tháp vào Ngài trong thế tiềm thể (đòi ta phải cộng tác vào ơn cứu độ của Ngài để phát triển); và ở chung cuộc, Ngài sẽ kết hợp những ai quyết sống niềm tin trong Ngài. (x. C.Chopin, Le Verbe incarné et rédempteur, Desclée, 1963, tr.185).

Ghi chú 1 : Đức Kitô theo nhân tính vẫn là Đầu, là thủ lãnh các thiên thần. Thiên thần cũng như loài người thu nhận ảnh hưởng của Ngài (x. S.Th 3,4,4). Ảnh hưởng trên thiên thần thế nào ? Trước hết trên trật tự cứu cánh, Đức Kitô là cứu cánh của vũ trụ không những trên phạm vi tri hành mà còn trên giai đoạn chủ ý. Về Đức Kitô là nguyên nhân dụng cụ vinh quang các thiên thần, nhiều nhà thần học, nhất là phái Tôma, công nhận ảnh hưởng này, liên hệ tới hạnh phúc tùy thể : Sự kiện nhập thể, các thiên thần nhận được thần quang mới.

Ghi chú 2 : Đức Kitô thi hành quyền làm vua trên khắp vũ trụ. Nếu có người sống trên một hành tinh khác, Ngài vẫn thi hành quyền, nhưng ta không biết Ngài thi hành cách nào, cũng không loại trừ một cuộc nhập thể khác.