329. Á THÁNH AN-RÊ (Phú Yên)



Để trả lời một số anh chị em hỏi về Á Thánh AN-RÊ PHÚ YÊN, nay xin được gởi chút tài liệu sau đây về vị tử đạo tiên khởi Việt Nam.

Được phong chân phước ngày 5 tháng 3 năm 2000

Vài điểm đáng lưu ý về Á thánh AN-RÊ Phú Yên:

* Vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam

* Thầy giảng giáo lý Việt Nam đầu tiên tử đạo

* Bạn trẻ Việt Nam đầu tiên chết vì Chúa: 19 tuổi

* Người của thời kỳ Việt Nam hóa đạo Ki-tô và việc giảng dạy đạo Chúa cho người Việt

* Trước khi chết đã được cả người già lẫn trẻ, cả lương lẫn giáo, cả Việt lẫn Âu thăm viếng, kính tôn như vị anh hùng.

* Miệng không ngớt kêu tên Giê-su Ma-ri-a cho đến khi đầu lià khỏi cổ (và ngay sau đó vẫn còn?! - theo lời cha Alexandre de Rhodes Đắc Lộ). Đây là chứng nhân sống động, lần đầu tiên có ghi vào sách vở, của lối sống đạo đức Kêu Tên Cực Trọng của Chúa, Mẹ, của người Việt công giáo vào thế kỷ XVII. (Thời bây giờ, đầu thế kỷ XXI, một số chúng ta rút gọn lại thành Giê-su Ma!!!)

* Khi chết, đã từ chối quỳ trên chiếu do Cha Đắc Lộ mang đến, nhưng xin quỳ ngay trên đất, đề máu mình thấm vào lòng đất mẹ.

Vài nét tiểu sử của Á thánh AN-RÊ Phú Yên

- Không biết tên đời của ngài, chỉ biết tên rửa tội hay tên tu hội của ngài là AN-RÊ (André, Andrew - thánh tông đồ anh của thánh Phê-rô)

- Có lẽ ngài sinh vào năm 1625 tại Phú Yên.

- Lãnh bí tích Rửa tội cùng lúc với mẹ (góa) và anh chị em, có lẽ lúc ấy ngài lên 15 tuổi. Chính giáo sĩ Đắc Lộ cử mừng bí tích này cho cả gia đình ngài.

- Năm 16 tuổi, xin gia nhập tu hội Thầy Giảng Giáo Lý do cha Đắc Lộ mới thành lập.

Các thầy giảng là người Việt Nam rao truyền Lời Chúa và giảng dạy giáo lý cho người Việt Nam, với tâm tình và trong bối cảnh hoàn toàn Việt Nam. Đây là nét son trong nỗ lực giữ việc hội nhập văn hóa, Việt Nam hóa song song với việc Ki-tô-hóa, Phúc Âm hóa của các nhà truyền giáo và giáo dân Việt Nam tiên khởi.

- Thầy giảng AN-RÊ theo học chữ Nho, cùng học đạo lý với thầy I-NHA-XI-Ô, vị huynh trưởng của nhóm lối 12 thầy giảng giáo lý. I-nha-xi-ô trước kia làm quan cho Chúa Nguyễn.

- Chúa Thượng Vương cho lệnh cấm người Việt theo đạo, nhưng vẫn cho các nhà truyền giáo và thuơng gia ngoại quốc tự do giữ đạo. Ông Nghè Bộ được lệnh tìm bắt thầy I-nha-xi-ô. Vào ngày 25-7-1644 ông sai lính đến nhà truy bắt thầy I-nha-xi-ô. Nhưng khi đến nhà, thì thầy I-nha-xi-ô lại đi vắng, chỉ còn thầy AN-RÊ ở nhà chăm sóc một thầy già bị bệnh. Thầy AN-RÊ đã trả lời binh lính: Nếu các ông muốn bắt thầy I-nha-xi-ô thì vô ích, vì thầy không có ở nhà. Còn nếu muốn bắt tôi thì cứ bắt, vì tôi cũng là người Ki-tô và còn là thầy giảng nữa. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy I-nha-xi-ô. Nếu thầy ấy có tội, thì tôi làm sao vô tội được. Thế là lính bắt thầy giải về cho quan.

- Khi thấy lính giải thầy AN-RÊ đến cho mình, ông Nghè đã trách lính sao lại bắt một người trẻ khôi ngô, hiến lành, mà không bắt thầy I-nha-xi-ô. Lính thưa: Ông I-nha-xi-ô đi vắng, nhưng người trẻ này cũng thuộc hạng như I-nha-xi-ô, dọc đường còn cố chấp giảng đạo cho chúng tôi.

- Tuy ông Nghè hết lời dụ dỗ, khuyên lơn, nhưng thầy AN-RÊ vẫn cương quyết trung thành với Chúa. Thầy AN-RÊ đã khẳng khái tuyên xưng đạo, nhận mình là thầy giảng, và sẵn lòng chết vì Chúa: Ước chi tôi có được ngàn mạng sống của tôi để hiến dâng tất cả cho Chúa hầu đền đáp ơn Ngài. Quan đã ra lệnh đóng gông thật nặng và nhốt thầy AN-RÊ vào tù.

- Sáng ngày 26 tháng 7, quan triệu tập phiên họp để xử hai thầy AN-RÊ. Hai thầy tiến đến trước mặt các quan bước đi vững mạnh, không hề sợ hãi, lại hân hoan như đi dự tiệc cưới vậy. Vai mang gông nặng nhưng họ vẫn tỏ ra khoan khoái dễ chịu, vì đó là xe chở họ về nước thiên đàng. Thầy già An-rê 73 tuổi được tha vì quan chê là già mà dại, nhưng thầy AN-RÊ trẻ, thì quan phán: Còn người trẻ thì không được tha vì y bạo ngược và cả lòng, lại quyết mình không lầm, cứ bảo rằng mình là bổn đạo thờ Chúa Trời Đất, dù cách nào cũng không bỏ, lại sẵn sàng chịu mọi hình phạt, cả đến mất mạng sống nữa. Nếu như khi ấy y nói với tôi là mình nghèo khó phải đi ở với giáo sĩ để có ăn thì tôi tha, song cả lòng thì chết.

- Khi bị đưa về ngục, cha Đắc Lộ đã xuống thăm và khích lệ thầy một cách rất cung kính, khiến binh lính ngạc nhiên và đồn ầm ra. Rất nhiều người tò mò tuôn đến nhà tù để xem, thầy nhân dịp này lại tuyên xưng đức tin và chia sẻ Tin Mừng với lương dân. Thầy xin mọi người cầu nguyện để thầy được giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giê-su cho đến hết hơi, cho đến trọn đời.

- Suốt buổi ấy, thầy chỉ mong cho mau đến giờ được đổ máu ra làm chứng cho Chúa: Sao mặt trời chẳng chịu lặn xuống cho mau.

- Khi ra đến pháp trường ở Dinh Chiêm, cha Đắc Lộ đã xin đến an ủi thầy lần cuối, và trải chiếc chiếu mới cho thầy quỳ, nhưng thầy đã từ chối, xin được phép quỳ trên đất mà chết. Thầy bị đâm 4 nhát, chém bay đầu trong khi vẫn kêu tên Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a, vào ngày 26 tháng 7 năm 1644, chỉ một ngày sau khi bị bắt. Lúc ấy, thầy trạc 19 tuổi.

*****

Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi... vì Người, tôi đành mất hết (Phi-líp-phê 3: 7, 8).

Cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết (Phi-líp-phê 3:11).