Việt Nam (UCAN) -- Một số thai phụ đợi bên ngoài các phòng phá thai tại các bệnh viện ở đây đã thay đổi ý định và đi ra khỏi những nơi này, nhờ những an ủi chân tình của một số phụ nữ thường mang khẩu trang và cầm tràng chuỗi tên tay.

“Nhiều phụ nữ sau khi nói chuyện với chúng tôi liền quyết định không phá thai nữa”, theo Maria Đinh Thị Lan Chi, một thành viên trong nhóm cố gắng thuyết phục phụ nữ đừng phá thai. Chị nói với UCA News rằng các nhân viên bệnh viện cho họ là “người xấu”, và không muốn họ tiếp cận các thai phụ. Vì thế họ phải che mặt bằng cách đeo khẩu trang che bụi như những người khác khi ra đường ở thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại và thành phố lớn nhất Việt Nam, cách Hà Nội 1.710 kilômét về hướng nam.

Cô gái 25 tuổi này là thành viên của nhóm Bảo Vệ Sự Sống do một số tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế lập hồi tháng 9 ở thành phố thuộc miền Nam này. Từ chín người ban đầu nay tăng lên 40 thành viên gồm đủ mọi ngành nghề kể cả sinh viên và nhân viên xã hội. Nhiều người nói rằng họ nhận thấy công việc này có ý nghĩa.

Họ đi đến các bệnh viện phụ sản hoặc trung tâm y tế trong thành phố để khuyên những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn từ bỏ ý định phá thai. Phụ nữ đi phá thai phổ biến là học sinh, sinh viên, lao động di dân và những người đã có hai con. Lý do mà họ thường đưa ra là họ sợ mất việc làm, còn đi học hoặc chưa muốn có con.

Bích Thảo, một thành viên trong nhóm, cho UCA News biết chị nói với các phụ nữ có ý định phá thai biết các thao tác phá thai, những nguy hiểm như băng huyết, nhiễm khuẩn tử cung và cả tử vong. “Tôi cũng giải thích cho họ phá thai là hành vi giết người”.

“Tôi ngồi cạnh họ và cầu nguyện cho họ”, chị Thảo nói và cũng có nhận xét như chị Chi đó là họ đã thuyết phục nhiều phụ nữ bỏ ý định phá thai.

Một trong số những thai phụ không phá thai là chị Trần Thị Minh, 29 tuổi. Chị thừa nhận chị rất biết ơn những người trong nhóm đã thuyết phục chị không phá thai bằng cách giúp chị nhận ra phá thai là sát nhân. “Trước đây tôi chỉ nghĩ đến việc không có tiền để nuôi đứa bé khi sinh nó ra”, chị Minh nói với UCA News.

Các bệnh viện có lẽ không chấp nhận công việc của nhóm này, nhưng các “tay cò” kiếm tiền bằng cách dụ dỗ phụ nữ phá thai ở những phòng khám tư và hầu như là đàn ông, thì gây bạo lực với nhóm.

“Chúng tôi khuyên được một cô bé mang thai 5 tháng không phá thai”, một thành viên trong nhóm kể, “nhưng trong lúc cô bé đi ra cổng bệnh viện, thì các tay cò cứ lôi kéo cô bé và mẹ của cô ta đi giải quyết ở nơi khác. Tôi nóng lòng quá giữ cô bé lại, thế là họ đánh tôi”.

Tình nguyện viên này kể một trường hợp nữa, hồi tháng Giêng chị và các thành viên khác cố gắng tiếp cận một cô bé sau khi các nhân viên y tế từ chối phá thai 25 tuần tuổi của cô bé. Họ bám theo cô bé nhưng không thể nào nói chuyện được với cô vì bọn cò cứ kè kè theo cô. Chị khẳng định: “Chỉ cần chúng tôi nói với cô gái ấy một câu thôi, cô ta sẽ không phá thai đâu”, vì cô gái ấy đã nhìn họ và khóc khi nghe họ nói “thôi đừng phá thai” trong lúc bọn cò chở cô đi đến nơi khác.

Trường hợp của chị Trâm giống như hai trường hợp trên nhưng có kết cục khác. “Bọn cò chờ tôi suốt ba ngày để đưa tôi đi phá thai vì trước đó tôi không đủ tiền. May mắn gặp các anh chị trong nhóm nên tôi quyết định giữ lại đứa bé”, chị kể.

Anh chị em trong nhóm đã đưa chị đi siêu âm và mua sữa cho chị. “Sau này tôi sẽ kể cho con tôi nghe chuyện này”, chị nói.

Các thành viên khẳng định sau khi khuyên được một thai phụ bỏ ý định phá thai, họ phải tiếp tục thăm viếng và hỗ trợ cô ta vật chất và tinh thần. Nếu không, cô ta có thể quay lại bệnh viện để phá thai. Trong một số trường hợp đặc biệt, họ đưa các thai phụ đến với các linh mục để được tư vấn hoặc đưa về nhà Giêrađô của dòng Chúa Cứu Thế ở ngoại ô để họ tá túc cho đến khi sinh.

Sự hỗ trợ toàn diện như trên được minh họa bằng trường hợp của một cô bé nghèo được anh Giuse Võ Thế Vỹ, thành viên trong nhóm, thuyết phục không phá thai. Anh cho cô ta 100.000 đồng (chừng 6 Mỹ kim) để trang trải những chi phí cần thiết và có thể gọi điện cho anh khi cần thiết. “Nào ngờ hôm sau cô ta lấy tiền đó đi phá thai”, anh diễn viên điện ảnh kể với UCA News.

Lắm khi phá thai không phải là ý định của chính thai phụ. Chị Thanh, một nhóm viên, chứng kiến một cô bé 19 tuổi bị cha mẹ ép phá thai vì họ muốn con gái mình lấy một người đàn ông 50 tuổi. Họ đánh cô bé, rồi cậy miệng cô đổ thuốc vào. “Lúc đó tôi cảm thấy bất lực. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho cô bé. Sau này tôi thường xuyên đến thăm, an ủi và động viên cô ta về mặt tinh thần”, chị Thanh nói.

Một thành viên khác cho UCA News biết, một bà mẹ dẫn đứa con gái 20 tuổi đến trung tâm phá thai đã khước từ thẳng tay những nỗ lực của chị. Mẹ con bà đợi từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều mà vẫn chưa tới lượt. Ngay lúc đó chị đến khuyên cô con gái đừng phá thai, bà mẹ liền quát: “Giữ cái gì mà giữ, chồng sắp cưới của nó sắp về, không thể giữ. Dù có đợi đến ba ngày con tôi cũng đợi để phá cho bằng được”.

Vào những ngày chủ nhật, các thành viên trong nhóm còn phát những tờ bướm về tác hại phá thai, nỗi lòng day dứt của những phụ nữ từng phá thai và lời kinh bảo vệ sự sống tại một số giáo xứ ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, nơi có đông công nhân làm việc trong các khu công nghiệp. Họ còn đến nhà trọ cho công nhân để khuyên những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn đừng phá thai.

Những người trong nhóm bảo vệ sự sống cho rằng trong bốn tháng đầu họ khuyên được khoảng 60 thai phụ không phá thai. Họ thừa nhận trong thời gian đó, có hàng ngàn người phá thai. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc, vì chúng tôi tin rằng nhiều người ủng hộ chúng tôi và có Chúa đồng hành với chúng tôi nữa”, một người nói.

Họ gặp nhau vào chiều thứ bảy để học Kinh thánh và tham dự Thánh lễ với một linh mục dòng Chúa Cứu Thế, và chia sẻ kinh nghiệm.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, trong chín tháng đầu năm 2005, thành phố ghi nhận được 74.264 ca phá thai, kể cả 554 ca của phụ nữ dưới 18 tuổi. Số ca nạo phá thai ở những trung tâm y tế tư nhân không thống kê được.