Vatican -
Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh trưa 22/1/2006
Đoàn Vệ Binh Thụy Sĩ trước nhà nguyện Sistina sáng 22/1
Phong trào đại kết vẫn "tiến triển trên khắp thế giới" dù cho "có bị thử thách hay phải đương đầu với những khó khăn". Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã nói như trên với hàng chục ngàn khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22/1/2006. Đức Thánh Cha cho biết trong thế giới Kitô Giáo, từ 18/1 đến 25/1, các buổi lễ trong Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Đại Kết Kitô Giáo đang được cử hành.

Từ khi phong trào đại kết được khai sinh từ đầu thế kỷ qua, Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Đại Kết Kitô Giáo đã luôn được cử hành vào thời gian này. Mỗi năm, các Kitô hữu cầu nguyện và suy tư về cùng một đề tài trích trong Thánh Kinh. Trong năm 2006, đề tài này được trích từ Phúc Âm Thánh Matthêu ("nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ." Mt 18:19-20).

Đức Thánh Cha nhận định rằng những lời này chứa đầy tin tưởng và hy vọng, trong khi thúc giục các Kitô hữu cùng nhau hiệp ý cầu nguyện lên Thiên Chúa cho sự hiệp nhất trọn vẹn. Đó cũng chính là lời cầu xin của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly "xin cho chúng nên một".

Theo Đức Thánh Cha, cả những trở ngại lẫn khó khăn cũng có ích. "Chúng thúc đẩy chúng ta kiên nhẫn hơn, bền đỗ hơn và tăng trưởng trong tình bác ái huynh đệ. Thiên Chúa là tình yêu và chỉ khi chúng ta biến đổi chúng ta theo Ngài và chấp nhận Lời Ngài, chúng ta mới tìm thấy mình hiệp nhất trong mầu nhiệm thân thể Chúa Kitô".

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến biến cố ngày 25/1 tới đây là ngày công bố thông điệp đầu tiên của ngài với tựa đề “Deus caritas est” - Thiên Chúa là Tình Yêu.

"Cha vui mừng thấy việc công bố này trùng hợp với lễ bế mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Đại Kết Kitô Giáo: trong ngày đó, cha sẽ có mặt tại đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành để chủ sự buổi hát kinh chiều trong đó các đại diện của các hệ phái Kitô sẽ tham dự".

Đức Thánh Cha cũng đã nhớ đến đoàn vệ binh Thụy Sĩ đang cử hành lễ kỷ niệm 500 năm.

"Năm trăm năm trước đây, ngày 22/1/1506, Đức Thánh Cha Giuliô II đã chào đón và ban phép lành cho đoàn vệ binh Thụy Sĩ đầu tiên đã đến Rôma để bảo vệ cho cá nhân ngài và Điện Tông Tòa, đoàn vệ binh Thụy Sĩ đã được khai sinh như thế. Để tưởng nhớ đến biến cố lịch sử này, tôi vui mừng chào đón tất cả những ai hình thành đơn vị đáng quý này, những người cha ưu ái ban phép lành như chỉ dấu của lòng cảm phục và biết ơn sâu xa".

Và tiếp theo bằng tiếng Pháp, Đức Thánh Cha nói: "Cha cũng chào đón các cựu vệ binh Thụy Sĩ đang cử hành kỷ niệm 500 năm tại Freiburg. Cha cám ơn họ vì lòng trung thành với Giáo Hội và với người kế vị Thánh Phêrô".

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi sự chú ý của mọi người đến tình hình tại Bờ Biển Ngà nơi bạo động diễn ra trên đường phố giữa quân du kích và lực lượng trung thành với tổng thống Gbabo. Các thành phần trung thành với tổng thống Gbabo đã vây chặt một căn cứ của lực lượng kiểm soát đình chiến Liên Hiệp Quốc khiến cho lực lượng này không thể thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của mình.

"Giữa những tình huống quốc tế đáng quan ngại – ý nghĩ của cha hôm nay vươn tới Phi Châu, đặc biệt là tại Bờ Biển Ngà nơi các căng thẳng tồn tại dai dẳng giữa các nhóm xã hội và chính trị khác nhau. Cha mời gọi mọi phía liên quan theo đuổi con đường đối thoại xây dựng, trong cái nhìn hướng đến hòa giải và hòa bình. Cha phó dâng ý chỉ này cho sự can thiệp từ ái của Đức Mẹ, Đấng người dân Bờ Biển Ngà rất yêu mến".