Ký sự chuyến hành hương Roma và Lộ Đức của phái đoàn Linh Mục Phát Diệm.(6)

Venezia

Chúng tôi lại tiếp tục lên đường, lần này không phải mười mà là tròn một tiểu đội. Đoàn có thêm soeur Catharia Trần Thị Thắm và soeur Maria Phạm Thị Gưng, Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, du học tại Roma. Chúng tôi đáp xe bus hồi 21h ngày 26/12 để đi Venezia - hòn ngọc của nước Ý. Tên Venezia nguyên nghĩa từ Venus - nữ thần sắc đẹp của thần thoại Hy Lạp.

Bán đảo Venezia bắt đầu khởi sự từ thế kỷ V - VII và chỉ thực sự phát triển vào năm 800 – 1000. Từ thế kỷ XI mới có Vương Cung Thánh Đường Marcô Thánh sử.

Thời kỳ chiến tranh Hồi giáo, nhờ chiến thắng tại vịnh Lepan mà Venezia không bị đánh chiếm, nhưng lại bị rơi vào tay Napoléon năm 1797 đến năm 1805 lại thuộc về Áo mãi tới năm 1866 Ý mới giành được chủ quyền cho tới ngày nay. Nền nghệ thuật kiến trúc chủ yếu là lối kiến trúc Byzantin, tiêu biểu là Đền thánh Marcô.

Đền thánh Marcô đầu tiên được xây dựng năm 828, một trận hoả hoạn đã xảy ra năm 976 triệt phá Đền thờ, Đền được xây dựng lại và hoàn chỉnh năm 1663 và được Cung hiến ngày 8/10/1094

Từ thế kỷ XVII xác thánh Marcô được chuyển từ Alexandrie d’Egypte về đây bằng tầu thuỷ. Bức hình theo loại hình nghệ thuật Mosaic khảm ở mặt tiền Nhà thờ diễn tả cuộc di chuyển trên.

Năm 1807 Đền thờ thánh Marcô được trở thành Nhà thờ Chính toà Giáo phận Venezia, đồng thời cũng xây dựng khu quảng trường dành cho giáo dân trong giáo phận và du khách trên thế giới.

Bên trong Đền thờ nổi tiếng với trần nhà trang trí bằng hình, theo nghệ thuật mosaic từ thế kỷ XIII. Tại đây có phòng kho tàng lưu trữ vàng, ngọc, đồng đá quý và các đồ thờ phượng qua các thời đại. Dưới gầm bàn thờ chính có xác của thánh Marcô. Sau bàn thờ có bức hình tuyệt tác nét vẽ bằng vàng, và cất giữ xương sọ của thánh Giacôbê hậu, thánh Théodôrô và ống chân của thánh Linh mục Phêrô Ostiano – vị Linh mục đầu tiên của Venezia.

Chúng tôi vào Đền thờ sớm nhất và được dự lễ đồng tế bằng tiếng Ý do hai Cha bản sở dâng. Sau Thánh lễ và thăm Đền thờ, chúng tôi xuống tầu thuỷ để đi dọc thành phố nổi Venezia theo kênh đào lớn của thành phố.

Những công trình lớn trung tâm thành phố hiện ra trước mắt chúng tôi. Đền thờ thánh Marco, đền thánh Gregorio, Đền thờ Santa Maria della Salute, cầu Sospisi, Cung điện Dual, bảo tàng lịch sử Storica, tất cả đều tuyệt vời như đi trong thơ mộng. Thành phố nổi Venezia xứng đáng là viên ngọc của Ý và của cả thế giới.

Chúng tôi lưu được những hình chụp tại quảng trường thánh Marcô: hàng đàn chim bồ câu có tới cả ngàn con không chỉ vây quanh mà còn đậu trên tay, trên đầu những người cho chim ăn, nhất là vây quanh các trẻ em. Đó thật là hình ảnh hoà bình và tuyệt đẹp, xứng đáng là biểu tượng tuyệt vời về một thành phố nổi Venezia giữa một không gian tràn ngập sự hài hoà giữa biển trời và thành phố, giữa tình Chúa và tình người.

Chúng tôi trở về thăm Đền thánh Antôn, ở vị trí cách Venezia khoảng 30km. Đây là một ngôi Đền rộng có chiều dài 118m, rộng 32,5m và cao tới 38,5m. Đền thờ gồm 4 tháp tròn có chiều cao 68m. Nơi đây có mộ của thánh Antôn và đặc biệt có lưỡi và cơ năng phát âm của thánh Antôn.

Vùng Padova mặc dù đã có từ năm 1000 trước GS, nhưng chỉ thực sự sống cộng đồng xã hội vào thế kỷ XIII – XIV và nhanh chóng trở thành điểm quy tụ của c nước Ý. Ai cũng hiểu vị trí của thánh Antôn quan trọng như thế nào.

Chúng tôi xếp hàng dài nghiêm trang và tôn kính, đến đặt tay trên mộ thánh Antôn, đoàn người tiếp tục xếp hàng đi ngang qua di tích thánh: Lưỡi và cơ năng phát âm của vị thánh đã từng rao giảng lời Chúa cho toàn nước Ý. Ai đi qua cũng cúi đầu tôn kính một chứng tích đức tin của vị thánh đã từng làm nhiều phép lạ vì danh Chúa Kitô.

Chúng tôi vào quầy hàng lưu niệm mua hình và souvenir về thánh Antôn. Nơi đây hình tượng nào cũng tinh xảo, nghệ thuật nhưng giá quá cao so với Việt Nam. Chúng tôi định quay camera để đem về nhà xem lại các tranh ảnh nghệ thuật, nhưng chủ tiệm không đồng Ý, đoàn lại đứng trước Đền thánh Antôn chụp hình kỷ niệm trước khi ra về trong bao niềm cảm xúc.

Ngày mai: Paris