Bài huấn đức của Đức Giám Mục giáo phận Hải Phòng cho các Đại Chủng Sinh hà Nội

"Chức linh mục là một hồng ân nhưng không mà Thiên Chúa ban tặng, nên ta phải trao ban nhưng không và phải nên chính là quà tặng như ý nghĩa của thiên chức linh mục cao quý ấy!"

HÀ NỘI - Chiều tối ngày thứ Ba (5/12/2005), Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng đã có buổi huấn đức đầu tháng tại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội. Nhắc lại lời nói của Đức Hồng y Sépé trong Thánh lễ truyền chức và trong buổi nói chuyện tại Đại chủng viện hồi tuần trước, Đức Cha nhấn mạnh nội dung bài huấn đức với chủ đề: thiên chức linh mục, một quà tặng.

Ngài nói: "Chúng ta nghe rất nhiều lần và thường nói với nhau nhiều lần rằng: Linh mục là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng. Quả vậy! Nhưng chúng ta sống thế nào đối với ơn đó và chúng ta phải làm gì khi mà ta có sứ mạng đáp lại lời mời gọi của hồng ân đấy."

Ngài nhấn mạnh ý nghĩa từ "quà tặng" khi nói về món quà linh mục "Không đơn giản như trong tiếng Pháp, nói đến quà tặng, ta thấy Đức Hồng y Sépé chỉ cần dùng một chữ "don" là đủ diễn tả. Tiếng Việt có nhiều cách nói khác nhau. Khi một người trên cho quà người thấp hơn thì gọi là cho, ban. Nhưng khi người dưới cùng làm hành động nhu vậy với người trên, như học trò trao món quà cho thày cô giáo thì gọi là biếu, là tặng... Hồng ân linh mục là một món quà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Ở đó Thiên Chúa là người ban, còn chúng ta là người lãnh nhận cho nên hàm chứa bao nhiều điều. Tuy nhiên, tôi muốn các thày ý thức ba điều này: thứ nhất đứng trước quà tặng cao cả này chúng ta là người lãnh nhận; điều thứ hai, chúng ta lãnh nhận rồi, chúng ta phải trao ban; và điều thứ ba, chính mỗi người chúng ta cũng phải trở nên chính quà tặng ấy.

Các thày thân mến, đã gọi là ban, đã gọi là quà thì bao giờ cũng miễn phí, bao giờ cũng không có điều kiện nào cả, cho nên là bao giờ cũng nhưng không. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi dấn thân để làm linh mục không phải là vì công trạng của riêng mình, không phải là vì có quyền thế, không phải là vì có phe cánh, không phải là vì một cuộc trao đổi, nhưng là một ân ban từ Thiên Chúa. Như thế, nếu làm linh mục vì nhũng lí do vừa được trích dẫn thì sẽ rất mau chóng làm ta chán nản. Chức linh mục sẽ không còn mang đến cho chúng ta niềm vui nhưng là một sự dằn vặt suốt đời. Chúng ta sẽ không có sự bình an trong tâm hồn. Vì thế, như đã nói, chức linh mục trước hết là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa không vì điều kiện gì, không vì công trạng của riêng mình. Vì thế chúng ta không có quyền tự hào rằng tôi giỏi giang, tôi thông minh, tôi tài đức mà tôi được làm linh mục. Vì thế không có sự cân xứng giữa công trạng của chúng ta, giữa lòng đạo đức của chúng ta, giữa sự thánh thiện của chúng ta với hồng ân linh mục cao cả mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Đó là điều thứ nhất chúng ta cần suy niệm, bản thân chúng ta chính là những người diễm phúc được lãnh nhận hồng ân đó.

Và điều thứ hai: khi chúng ta lãnh nhận hồng ân ấy, không phải khư khư ôm lấy một mình. Hồng ân không phải để củng cố địa vị, không phải để xây thành quách riêng cho mình trong cái vỏ bọc của sự ích kỉ. Nhưng, chúng ta đã lãnh nhận nhưng không, chúng ta có bổn phận phải trao ban nhưng không như trong Phúc âm thánh Matthêu chương 10 câu 8. Trong xã hội hiện nay có nhiều anh em linh mục chúng ta bị ảnh hưởng sự cửa quyền, hách dịch, tham ô của một số cán bộ. Vì thế đang làm xói mòn niềm tin nơi Hồng ân cao cả này. Tất cả cũng chỉ do hồng ân ta đã lãnh nhận mà ta không chịu trao ban, giống ta đi đơm tôm trong một cái ao tù hay tại một dòng nước chảy duy nhất nên bao nhiêu con tôm, con cá chảy hết vào một cái đó, cái giỏ của ta mà không ra được. Vì vậy chúng ta chỉ biêt lãnh nhận mà không trao ban, hoặc là chúng ta có trao ban nhưng lại trao ban không nhưng không hay trao ban có điều kiện. Nếu các thày theo dõi báo chí, các thày sẽ thấy, tuần vừa qua dư luận vô cùng bức xúc hêt vụ tham nhũng này đến vụ tham nhũng kia. Cái tệ nạn này giờ quá nhiều rôì. Nhưng khi nói đến ba nhân vật này thì xã hôị vẫn phải gióng lên hồi chuông báo động. Vị thứ nhất báo chí nói đến đó là một trưởng ban thanh tra của Chính phủ. Đây là người có trách nhiệm thanh tra, điều sát việc thực thi các dự án để tránh tham ô lãng phí; người thứ hai là các trọng tài trên sân cỏ, là nhũng người cầm cân nảy mực cho công bằng mà cũng tham ô phải đưa ra trước vành móng ngựa; người thứ ba là các vệ sĩ được thuê để bảo đảm an toàn cho người ta mà lại bắt cóc trẻ con để tống tiền. Khi nói đến những hiện trạng ấy thì báo chí cho bíết rằng xã hội đã đến lúc đáng báo động. Bởi vì những người cầm cân này mực, những người làm cha mẹ thiên hạ, nhưng người là phụ mẫu của dân đáng lẽ phải thanh bạch, phải thanh liêm thì lại làm những điều phi pháp. Nhiều người cho rằng xã hội đã xuống dốc, suy đồi. Chúng ta hãy cầu nguỵên và đóng góp phần mình để mong ước làm sao trong hàng ngũ linh mục không có những nhân vật thứ bốn thêm vào số nhũng nhân vật đã trích dẫn ở trên. Vì thế, chúng ta là những người lãnh nhận nhưng không, chúng ta cũng trao ban nhưng không. Không nhận cho bản thân mình, nhưng là nhận để phục vụ lợi ích cộng đòan Dân Chúa. Linh mục là người lãnh nhận và là người trao ban, Linh mục là người trung chuyển và có nhiệm vụ đem ơn Chúa cho người khác. Mà cho thì có phúc hơn là nhận. Trong sách Tông đồ công vụ, khi Phaolô kể lại cuộc đời của mình, ông nói: Tôi không mắc nợ gì anh em cả, sống giữa anh em, tôi sòng phẳng, tôi rõ ràng bởi vì tôi luôn luôn tâm niệm một điều rằng cho thì có phúc hơn là nhận

Vì thế, khi chúng ta nói đến linh mục là một hồng ân, một quà tặng của Thiên Chúa, chúng ta hãy xác tín, chúng ta đã nhận được một cách nhưng không thì cũng phải có trách nhiệm trao ban cách nhưng không cho người khác.

Điều thứ ba trong những dòng chia sẻ này là: làm sao mỗi người chúng ta là một quà tặng của Thiên Chúa. Anh em thân mến, trong ngày hôm nay, trong công việc mục vụ, chúng ta không thể không đau lòng khi còn nghe thấy còn có nhiều linh mục chưa được như là một quà tặng của Thiên Chúa. Khi tặng cho nhau, ngưòi ta muốn tặng cho nhau đồ quý giá hay một món quà mang lại niềm vui với nhiều kỉ niệm và ý nghĩa. Thế nhưng, có những món quà khi dùng không đem lại niềm vui. Có những món quà không thực sự là một món quà. Đó là vì chúng ta chưa sống để thực sự là một món quà.

Khi một linh mục được đưa về một giáo xứ thì đó chính là quà tặng mà Giám mục tặng cho nơi đó, thế nhưng có những linh mục lại trở thành món quà giáo dân không thể ăn được. Tôi nhớ cha Cheuplier nói rằng: "Linh mục là một món quà bị gặm nhấm". Linh mục phải vì sứ mạng dấn thân, mòn mỏi từng ngày, đến nỗi vì công việc mục vụ mà thân xác mình bị tiêu hao đi nhu là hy tế trên bàn thờ. Bởi vì chức linh mục là chính món quà mà Thiên Chúa qua con người chúng ta để đem tình thương Chúa cho cộng đoàn dân Chúa. Khi suy tư điều này, bản thân tôi nghĩ, trong thực tế Giáo Hội Việt Nam, chúng ta vui mừng vì có số linh mục đông đảo, nhưng chúng ta cũng không phủ nhận những nét chấm phản diện, những khoảng tối trong Giáo Hội khi mà có nhưng linh mục thực sự chưa trở thành quà tặng cho cộng đoàn giáo xứ nơi mình được trao đến.

Các thày thân mến, có nhiều quà tặng khác nhau với nhiều ý nghĩa khác nhau, cũng vậy có nhiều cách cho và cách nhận. Có khi chúng ta đã là một quà tặng, nhưng chúng ta không dùng món quà ấy đem lại niềm vui, niềm hân hoan cho những người quanh ta thì có ích gì. Vì thế món quà chỉ có giá trị khi trao tặng với hết tâm hồn, với tình yêu mến. Chúng ta chuẩn bị đón Chúa Giáng sinh. Chúng ta thường nói rằng Chúa Giáng sinh là một quà tặng vô giá của Thiên Chuá ban cho nhân loại. Anh em thân mến, trong lịch sử người ta nói đến nền văn mình Đồ Đá, Đồ Đồng, nhưng người ta gọi nền văn minh hiện tại là nền văn minh phong bì. Trong thời đại Kinh tế thị trường này, món quà bị bóp méo ý nghĩa và nội dung chứ không là thuần tuý xuất phát từ lòng yêu mến. Vì thế, linh mục được mời gọi trở thành món quà mang lại niềm vui, một món quà từ trái tim của người cho đến trái tim của ngưòi nhận. Người cho hãy cho một cách quảng đại, người nhận thì nhận với một niềm vui hân hoan. Điều không phải là điêù dễ. Trong dịp Giáng sinh, khi dùng các món quà trao tặng, bao giờ chúng ta cũng muốn gởi gắm cả con người mình. Một Giám mục khi gởi một linh mục đến một giáo xứ nào đó thì là gởi gắm nơi linh mục tất cả niềm hy vọng, tất cả mong ước, và mong rằng món quà của mình nên trọn vẹn. Chúng ta thường nói: "cách cho giá trị hơn của cho". Tuy nhiên nếu nhìn vấn đề một cách thực tế thì cả của cho và cách cho đều quan trọng."

Đức Cha đúc kết: "Anh em thân mến, trong cuộc đời chúng ta có nhiều dịp để suy niệm về Hông ân linh mục, một hồng ân Chúa ban. Chúng ta là những người nhận lãnh hồng ân ấy, nhưng không cho cá nhân mình mà trở nên trung gian chuyển tình thương Thiên Chúa cho Dân Chúa. Để làm được điều đó, anh em chúng ta phải trở thành món quà của Thiên Chúa qua con người chúng ta. Anh em là những người đang cố gắng, đang dùi mài kinh sử trong tiến trình tiếi tới hồng ân linh mục. Vì thế cầu chúc anh em luôn chuẩn bị tốt bằng việc trau dồi kiến thức, trau dồi đời sống thiêng liêng. Thế nhưng theo bản tính con người tự nhiên bao giờ ta cũng ôm ấp cho mình những tham vọng, mà tham vọng bao giờ cũng thuộc về thì tương lai nên dễ làm ta đánh mất sự bình an hôm nay. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta đón Chúa đến không phải hướng chúng ta đến một cái tương lai xa xôi nhưng mà nhấn mạnh cho chúng ta một cái hiện tại đang đến gần. Cho nên dù là chủng sinh hay linh mục ta cũng cần phải kiếm tìm cái bình an trong chính hiện tại hôm nay. Nếu không ta sẽ không biết chấp nhận cái hiện tại, không tranh thủ cái hiện tại mà Chúa ban để mưu cầu những điều hữu ích."

Phần tiếp theo, trong bầu khí thân mật, cởi mở, anh em chủng sinh sôi nổi đưa ra các vấn đề quan tâm xin được giải đáp. Chúng tôi xin lược trích:

Câu hỏi 1: Thưa Đức cha, có nhiều linh mục khi mới truyền chức thì rất nhiệt huyết nhưng sau một thời gian tiếp xúc với thực tế mục vụ thì chán chường, thất vọng. Như vậy điều quan trọng của linh mục thời nay là trí thức hay cách sống?

Đức Cha Giuse: Có một em bé xin thày một quả cam, thày cho và hỏi em muốn nữa không. Em nói muốn và rất vui khi nhận thêm được một quả nữa. Cũng vậy em càng vui khi được thêm quả thứ ba rồi thứ tư. Nhưng tới một lúc, số cam nhiều quá em không giứ nổi vì chỉ có hai tay. Đống cam rơi xuống lả tả và nụ cười sung sướng của em sẽ chan đầy nước mắt.

Thưa các thày, con người ta hay đặt mình cao quá. Nhất là khi nhiệt huyết có thực đó nhưng lại không đi đúng địa chỉ, thậm tệ hơn nếu điều đó làm ta đôi khi quên mất Chúa Thánh Thần hoạt động. Hãy nhìn vào gương Đức Mẹ lúc truyền tin. Quả thật, sự khiêm tốn là m tiền đề vững chắc giúp ta thành công. Và, anh em chủng sinh cần đặc biệt lưu ý, trong đời linh mục, sự thất bại sớm sẽ tạo nên vết hằn, nỗi thất vọng rất lớn và lâu dài, nó có thể kéo dài suốt cả cuộc đời.

Câu hỏi 2: Trong xã hội hôm nay, xin Đức Cha cho biết làm sao để có thể sống tốt tình liên đới với nhau?

Đức Cha Giuse: Hôm qua, ở Nhà thờ Chính toà Hải phòng có bạn trẻ thảo luận: Thời đại bây giờ khó khăn chứ đâu như thời trước dễ dàng như thế nên các cụ mới nuôi được cả chín mười người con.

Không phải vậy, mỗi thời có cái khó khăn của nó. Thời các cụ khó khăn về cơ sở vật chất thì là chắc chắn, nhưng thời nay lại có các khó khăn khác cũng không kém phần gay go. Mỗi thời đại có những mâu thuẫn riêng, có những khó khăn riêng với những bộ mặt khác nhau.

Quay trở lại câu hỏi. Không phải chỉ thời đại ngày nay mới cần đặt ra sự khó khăn về sống liên đới, nhưng quan trọng là phải biết sống thế nào. Theo kinh nghiệm riêng của tôi thì tình yêu thương, sự cảm thông chia sẻ luôn là phương thế tốt cho đời sống như vậy.

Câu hỏi 3: Đức Cha có nhũng hoạt động mục vụ gì cụ thể để giảm bớt các tệ nạn xã hội trong Điạ phận của Đức Cha?

Đức Cha Giuse: Thứ nhất, tại Giáo phận Hải Phòng chúng tôi đã có những buổi tổ chức sinh hoạt giới trẻ về chủ đề hữu quan; thứ hai, Giáo phận hiện đang liên kết với Hội Nab của Nauy tổ chức những buổi gặp gỡ với thanh niên ở các xứ họ có cả các bác sĩ chuyên khoa đến nói chuyện về bệnh AIDS và cách phòng chống ma tuý.

Ngoài ra, để trả lời các câu hỏi liên quan đến những khó khăn mục vụ trong GIáo phận Hải Phòng hay về vấn đề sử dụng Internet nơi hàng giáo sĩ...Đức Cha cho biết đã có nhiều bước tiến khả quan trong công tác mục vụ và truỳên giáo, hy vọng với ơn Chúa chiều hướng này sẽ tiếp tục tiến triển; Riêng về vấn đề sử dụng Internet và các phương tiện truyền thông, Đức Cha cũng lưu ý rằng điều đó như một con dao hai lưỡi. nếu sử dụng hợp lí nó sẽ cho nhiều lợi ích. Chính vì vậy, với Ngài đây là một điều tốt nhưng phải hết sức thận trọng. Ngài lấy ví dụ, khi ta mở cửa thì được hưởng những luồng gió thoáng mát dễ chịu, nhưng phải coi chừng, sàng lọc những con ruồi, con muỗi vào làm phiền nhiễu, mất bình an cho ta.