Đôi dòng giới thiệu về tân giáo phận Bà Rịa

Vào tuần đầu tháng 9 năm 2005, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã họp Khóa Họp thường niên tại Trung Tâm Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tầu. Trong khóa họp này Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chính thức đồng ý xin Tòa Thánh thành lập một giáo phận mới tại Việt Nam có tên là Bà Rịa. Giáo phận này được chia đôi từ giáo phận Xuân Lộc.

Tượng Đức Mẹ Bãi Dâu
Ngày 22 tháng 11 năm 2005, Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI chính thức phê chuẩn cho thành lập giáo phận mới Bà Rịa và Ngài bổ nhiệm Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm làm Giám Mục Chính Tòa tiên khởi của tân Giáo Phận Bà Rịa. Nhà thờ Thánh Tông Đồ Giacôbê và Philipê ở Bà Rịa được chỉ định làm nhà thờ chánh tòa của giáo phận mới.

Hôm qua ngày 5/12/2005, Đức Hồng Y Crescenzio đã đến Bà Rịa và cùng với Đức Cha Trâm và các đức cha Việt Nam khai trương giáo phận mới trong bầu khí trang trọng và sốt sắng. Nhân dịp này, ĐHY Sepe nói như sau:

Việc thành lập một giáo phận nhắm thỏa mãn những nhu cầu mục vụ của các tín hữu, đồng thời cũng nhắm đến việc xếp đặt các năng lực, ngõ hầu sinh họat truyền giáo được hữu hiệu hơn. Anh chị em có bổn phận thực hiện mục tiêu này. Xin anh chị em hãy nhớ lại niềm hăng say truyền giáo của những cộng đoàn kitô đầu tiên: "Mặc cho sự nghèo thiếu những phương tiện di chuyển và thông tin lúc đó, công việc rao giảng Tin Mừng trong thời gian ngắn đã đạt đến cùng khắp thế giới. Và đây là tôn giáo của một Người chịu chết trên thập giá, "gương mù đối với người do thái và là sự ngu dại đối với dân ngọai" (1 Co 1,23). Nơi nền tảng của sức sống truyền giáo này, có sự thánh thiện của những người kitô đầu tiên và sự thánh thiện của những cộng đoàn kitô đầu tiên".

Tân Giáo Phận Bà Rịa bao gồm lãnh thổ của hai tỉnh Bà Rịa và Vũng Tàu, tổng cộng rộng 1,975 cây số vuông. Giáo phận mới có trung tâm Hành Hương Đức Mẹ Bãi Dâu rất nổi tiếng và Tượng Đài Chúa Giêsu làm Vua trên Núi Vũng Tầu nhìn ra biển.

Tổng số dân quãng chừng là 910,000 người, trong đó có 225,000 người Công giáo (tức 25% tổng số) sinh hoạt trong 78 giáo xứ. Tân giáo phận có 67 linh mục triều và 35 linh mục dòng. Có 192 nam tu sĩ và 406 nữ tu, và 61 đại chủng sinh đang học để lãnh chức linh mục. (Trích từ tài liệu Giáo phận Xuân Lộc).

Vài nét về Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm:

Đức cha Tôma Trâm sinh ngày 09-01-1942 tại Phước Tuy, Bà Rịa, trong một gia đình lễ giáo. Sau khi theo học tại Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, ngài được thụ phong linh mục ngày 01-05-1969 tại Nhà Thờ Phước Lễ (Bàrịa), và được bổ nhiệm làm cha phó xứ Biên Hòa. Một năm sau đó, ngài được gởi đi du học tại Rôma. Năm 1974 ngài tốt nghiệp tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana của Bộ Truyền Giáo với học vị Tiến sĩ Giáo Luật.

Trở về Việt Nam, ngài được Đức Cố Giám Mục Đaminh Nguyễn văn Lãng chọn làm Bí thư và được bổ nhiệm làm Cha Sở Giáo xứ Thánh Mẫu (nay là Giáo xứ Xuân Khánh), cạnh Tòa Giám Mục, đồng thời kiêm các chức vụ Chánh án Tòa án Hôn Phối và Quản lý Giáo phận. Ngài cũng là Giáo sư môn Giáo luật tại Đại chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn.

Ngày 06/03/1992, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc và ngày 07-05-1992, Đức Cha Phaolô-Maria Nguyễn Minh Nhật tấn phong giám mục cho ngài tại khuôn viên Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô. Khẩu hiệu giám mục: " Hiền lành và Khiêm nhường".

Lịch Sử vùng đất Bà Rịa Vũng Tầu và di sản Anh Hùng Tử Đạo:

Thế kỷ 13, Vũng Tầu là rừng rậm, có rải rác vài bản người Chàm và Khơme sống bằng nghề trồng lúa, săn bắn và đánh cá.





Vào thế kỷ thứ 15, khi vua Lê Thánh Tông thu phục đất Bồn Man, Lão Qua và Chiêm Thành thì các thương thuyền Bồ Đào Nha đã cập neo ở Vũng Tàu, người Bồ gọi nơi này là Cinco Chagas Verdareiras.

Thế kỷ 15-16 nơi đây đã trở thành chỗ tránh bão, cung cấp nước ngọt và đồ gỗ tốt cho các đoàn tàu Tây Phương trên đường đi qua Biển Đông.

Thế kỷ 17, thời Trịnh-Nguyễn phân tranh những cư dân miền Trung vào Bà Riạ sinh sống và cư dân Miền Bắc đi đường biển vào Vũng Tàu lập nghiệp ngày càng đông.

Tới thế kỷ 18, các chúa Nguyễn lấy đất Nam Ban, Thủy Chân Lạp, nhận đất dâng của Mạc Cửu (1714) mở rộng đất đai đến Châu Đốc, Hà Tiên. Đời Gia Long, hải tặc Mãi Lai và Tàu Ô thường khuấy phá những thuyền buôn người Việt lưu thông giữa bờ biển Trung phần với Sài Gòn. Triều đình cử ba đạo quân đến đóng ở mũi Vũng Tàu và đặt tên cho dinh trại đầu tiên là Phước Thắng. Vào đời Minh Mạng đổi các trấn thành tỉnh và Vũng Tàu thuộc huyện Phước An, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa.

Đầu thế kỷ 19, dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiêu Trị, Tự Đức, tất cả các bổn đạo đều gặp khó khăn thử thách của cuộc cấm đạo, giáo hưũ phải lén lút giữ đạo và khó khăn cực nhọc khi đưa dẫn các linh mục thừa sai hoặc bản xứ đi thăm giáo dân và cử hành bí tích.

Cho đến năm 1822, giặc cướp biển không còn dám héo lánh vùng này nữa. Để thưởng công, triều đình cho ba vị Đội trưởng giải ngũ và cai quản ba vùng đất để khai phá, lập nghiệp. Ông Phạm Văn Đinh coi làng Thắng Nhứt, ông Lê Văn Lộc giữ làng Thắng Nhì và ông Ngô Văn Huyền điều hành làng Thắng Tam. Tuy nhiên, dân chúng trong ba làng cũng lập thành lũy để ngăn ngừa giặc cướp trở lại. Ba làng này thuộc trấn Biên Hòa.

Ngày 04-11-1847 sau khi vua Thiệu Trị qua đời, con thứ của vua Thiệu Trị là Hồng Nhậm Dục Tông lên ngôi, niên hiệu là Tự Đức. Vua Tự Đức đã ra chỉ dụ cấm đạo Thiên Chúa trên cả nước (đây là Chỉ dụ thứ 8, kể từ khi Minh Mạng ra chỉ dụ đầu tiên 11-1832) và chỉ dụ cuối cùng14-11-1861 của Tự Đức là khốc liệt nhất, vì đặt ra biện pháp cấm đạo rất nặng là thắt cổ và tống giam tất cả các giáo hữu công giáo.

Phước Tuy là địa điểm tập trung gồm bốn ngục giam: Dinh Phước Lễ, Thành Long Điền-Đất Đỏ tại làng Phước Thọ và Thơm tại Long Kiên. Các tín hữu kitô bị tập trung giam giữ từ tháng 9-1861. Theo ("Phước Tuy máu lửa, Họ đạo Bà Rịa"- xb. 1962).

Ngày 07-01-1862, những người công giáo bị giam tại các ngục thất trên đã bị thiêu sống. (Theo sách "Quốc triều chính biên" Sử Địa- xbSG 1971).

Theo bản "Phúc trình của Cha Errard", số giáo dân bị thiêu sống trong 4 nhà giam như sau: "Ngục Phước Lễ: giam 300 người, thiêu sống 288 người. Long Kiên: 135 người, chết thiêu 86 người. Long Điền: 140 người, chết thiêu 48. Phước Thọ: 125 người, chết thiêu 22 người. Tổng số chết thiêu là 444 người trong 4 nhà giam, đàn ông là 288 và đàn bà trẻ em là 156 người".

Qua hòa ước Nhâm Tuất 1862, triều đình Tự Đức giao ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho quân Pháp. Tỉnh Biên Hòa chia thành ba tỉnh là Bà Rịa, Biên Hòa và Thủ Dầu Một; trong đó, Vũng Tàu thuộc Bà Rịa.

Ngày 1.5.1895, Pháp tách Vũng Tàu khỏi Bà Rịa để lập tỉnh thứ 21, gồm các xã: Thắng Nhứt, Thắng Nhì, Thắng Tam và Sơn Long. Riêng quận Cần Giờ có các xã: Cần Thạnh, Long Thạnh, Đồng Hòa, Thạnh An và Tân Thạnh (nằm trên cù lao Phú Lợi, cạnh khu Rừng Sác) cũng thuộc tỉnh Vũng Tàu.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có nói về địa danh Vũng Tàu, dịch từ chữ Thuyền Úc. “Thuyền” có nghĩa là ghe tàu, “Úc” là nơi nước ăn thông vào đất liền. Đây là vùng cho ghe thuyền lánh bão. Trước đây, một số người thường gọi Ô Cấp là Vũng Tàu. Về địa lý thì không đúng. Trong thời Thời Pháp thuộc, nơi này đổi tên cũ Cinco Chagas của Bồ Đào Nha thành Saint Jacques, rồi đặt tên là "mũi đất Saint Jacques", tiếng Pháp là "Cap Saint Jacques". Tây hay nói "au Cap" nên có chữ "Ô Cấp" là vậy. Mũi đất này chính là mũi Nghinh Phong (Pháp dịch là Au Vent).

Ngày 9/2/1859, hạm đội quân Pháp và Tây Ban Nha đến Vũng Tàu. Sáng hôm sau, quan thống chế triều đình là Trần Đồng ra lệnh thủy lục quân chuẩn bị nghinh chiến đoàn tàu của Pháp tiến vào đất liền. Khi đến cửa Vũng Tàu, quân Pháp tấn công bằng đại pháo như mưa vào các công sự của ta. Thống chế Trần Đồng đưa hàng trăm chiếc thuyền và hàng ngàn quân sĩ ra chống cự rất mãnh liệt. Đến chiều, vì hỏa lực của quân Pháp quá mạnh và vì Trần Đồng tử trận, cửa Vũng Tàu bị xuyên thủng. Ngày 11/2, chiến thuyền Pháp tiến vào cửa Cần Giờ, bắt đầu kế hoạch đánh chiếm tỉnh Gia Định. Khi Pháp đặt chân lên đất Vũng Tàu, đồng bào làng xã đã theo nhà cách mạng Lê Tấn Thông kháng Pháp.

Năm 1888, khi Đồng Khánh mất, con Dục Đức là Bửu Lân bị Pháp ép lên ngôi là vua Thành Thái, lúc ông 18 tuổi. Vua tỏ ý kiên cường làm Pháp rất khó chịu và thường bí mật liên lạc với các nhà cách mạng trong Phong Trào Đông Du, khuyến khích việc đưa thanh niên ra nước ngoài học hỏi để dùng vào việc đại sự về sau.

Năm 1907, quân Pháp dò biết được việc này bèn ép vua thoái vị và đưa vào Vũng Tàu giam giữ ở Bạch Dinh (dinh Ông Thượng) đến 1915 thì kín đáo đưa vua đi an trí tại đảo Réunion, Phi Châu. Đến tháng 5/1947, Pháp thả ông về nước và lại giam ông tại Vũng Tàu, mãi tháng 3 năm 1953 mới được về thăm Huế và trở vào Sài Gòn, đến tháng 3 năm 1954 thì mất.

Địa hình và tiềm năng phát triển kinh tế ở giáo phận mới

Khí hậu thuộc miền khí hậu gió mùa. Hai mùa chính gió mùa Đông Bắc: từ tháng 11 đến tháng 3, là mùa khô nắng. Mùa gió Tây Nam: từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa mưa. Giữa hai thời kỳ gió mùa này là hai thời kỳ chuyển tiếp: gió yếu và ngoài khơi có sóng nhỏ vào khoảng tháng 4 và tháng 10.

Vùng đất Bà Riạ Vũng Tàu là một vịnh biển lớn trông ra Biển Đông.Bà Riạ Vũng Tàu xưa kia là biển, dần dần do biển bồi đắp trở thành những bãi lầy, trải qua bao ngày tháng đã trở thành đất liền. Bà Riạ Vũng Tàu có bờ biển trải dài thích hợp cho ngư nghiệp và ngành du lịch. Vũng Tàu có bờ biển dài 156 Km (nếu tính cả Côn Đảo là 300 Km), trong đó gần 80 Km là bãi cát đẹp có thể sử dụng làm bãi tắm. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiệt độ trung bình 27oC, nhiều nắng gió nhưng hầu như không có bão.

Vùng Bà Rịa Vũng Tàu phần lớn là đất cát: có thể cấy lúa, trồng cây và hoa màu. Có nhiều đồi núi thấp. Núí Hòn Sụp cao 250m. Núi Lớn cao 249m, núi Vũng Mây 240m, núi Nhỏ (còn gọi là núi Tao Phùng) cao 179m, núi Dung 125m, núi Le 265m, núi Mía 186m, núi Thị Vải 466m, núi Chóp Mao 338m, núi Hồ Linh 164m. Có nhiều đồi cát nhỏ chạy vòng theo bờ biển.

Nhiều rạch như: rạch Bà 7,9 Km, rạch Cây Khế 6 Km, rạch Bến Đinh 5,5 Km, rạch Ông Nhu, rạch Sông Cái… con sông chính là sông Đinh dài 11Km. Ngoài ra còn có các sông khác như: sông Cỏ Chi, sông Ray, sông Tầu Bé, sông Cá, suối Lồ Ô…

Vũng Tầu có hải sản là nguồn lợi đáng kể của địa phương. Ngư trường hơn 100.000 Km2, kéo dài từ Bình Thuận đến Cà Mau, cho phép khai thác từ 150.000 - 170.000 tấn hải sản/năm.

Ngoài những người Công giáo trong vùng Bà Rịa có một truyền thống đạo hạnh và được di truyền từ dòng máu anh hùng tử đạo, đa số người Công Giáo trong miền chạy dài suốt bờ biển là những ngư phủ di cư từ Bắc hoặc miền Trung vào Nam năm 1954, họ sinh sống bằng nghề trồng trọt, làm muốn, đánh cá và chế biến hải sản. Người Công giáo tại đây có thể nói có cuộc sống tuy vất vả nhưng sung túc và rất nhiệt thành đạo đức.

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn về mặt môi trường: ô nhiễm nước sông, cửa biển, ô nhiễm đất, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, diện tích rừng ngập mặn ngày một thu hẹp, xói lở bờ biển.

Thị xã Bà Rịa có những sắc thái đặc biệt gì?

Thị xã Bà Rịa là đơn vị hành chính được tách ra từ huyện Châu Thành từ năm 1994. Phía Bắc thị xã giáp huyện Châu Đức và một phần huyện Tân Thành; phía Nam giáp thành phố Vũng Tàu; phía Đông giáp huyện Long Điền; phía Tây giáp huyện Tân Thành. Tổng diện tích tự nhiên là 90,57 km2, mật độ dân số là 883 người/km2, có 8 đơn vị hành chính gồm 5 phường và 3 xã.

Theo thống kê trên trang Web Bà Rịa thì Thị xã Bà Rịa có 738 cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Ngành nông nghiệp trồng trọt đã cơ bản hình thành được 3 vùng chuyên canh (vùng lúa, vùng cây ăn quả và cây công nghiệp, vùng rau).

Bà Rịa có khu Trung tâm thương mại và các phố chợ, đủ đáp ứng nhu cầu giao lưu buôn bán trước mắt và trong tương lai. Dịch vụ bưu chính viễn thông được mở rộng, hiện nay trên địa bàn thị xã trên 7.000 máy điện thoại. Trong 10 năm qua, thị xã đã làm mới, nâng cấp, cải tạo được hơn 90 km đường giao thông, xây 12 công trình dịch vụ thương mại, 100 công trình y tế, văn hóa, xã hội.

Thị xã Bà Rịa còn là một đầu mối giao thông buôn bán, có điều kiện phát triển thương mại và những ngành công nghiệp sử dụng khí đốt làm nguyên liệu và nhiên liệu. Hầu hết các tuyến giao thông đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều chạy qua Thị xã Bà Rịa như QL 51, QL55, QL56 hiện nay và sau này là tuyến đường cao tốc Vũng Tàu-Saigòn, tuyến đường sắt Vũng Tàu-Biên Hòa, do vậy thị xã có thể phát triển dịch vụ vận tải, bến xe, buôn bán.

Tại đây cũng có Nhà máy điện Bà Rịa chạy bằng khí đốt công suất khoảng 327,8 MW. Cùng với Phú Mỹ, Bà Rịa sẽ là một trung tâm điện năng lớn. Hệ thống sản xuất nước sạch lớn nhất tỉnh nằm ở Bà Rịa với hai nhà máy nước ngầm và nước mặt công suất 43.000 m3/ngày đêm.

Bà Rịa còn sản xuất được gạch không nung, khai thác đá, sản xuất bê tông, bê tông nhựa đường, cơ khí xây dựng. Về hàng xuất khẩu, trên địa bàn thị xã có một nhà máy may giày, một nhà máy may túi xách, 2 nhà máy đông lạnh hải sản và một xí nghiệp may xuất khẩu.

Hiện nay Bà Rịa cũng đang có chương trình hiện đại hóa nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu, tiếp tục phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, da giày, cơ khí, may mặc, chế biến thực phẩm, phát triển thương mại, khai thác tối đa hiệu quả của Trung tâm thương mại Bà Rịa.

Vài nét về Thị Xã Vũng Tầu

Theo tài liệu của tòa thị chính Vũng Tầu thì Vũng Tàu là một trung tâm dầu khí lớn nhất của Việt Nam, có Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro của ngành dầu khí Việt Nam Việt-Nga. Công nghiệp dầu khí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và có tính quyết định đối với tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn. Hiện nay, tuyệt đại đa số sản phẩm dầu mỏ và khí đốt của PetroVietnam cũng được khai thác tại vùng biển Vũng Tàu.

Vũng Tàu có Khu công nghiệp tập trung Đông Xuyên, nằm không xa trung tâm thành phố, rộng 160 ha đã được đầu tư chủ yếu các dự án dịch vụ dầu khí, dịch vụ hàng hải, sửa chữa tàu biển và các ngành công nghiệp không độc hại. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 40 công ty có vốn đầu tư nước ngoài, về các ngành dịch vụ dầu khí, du lịch và công nghiệp.

Ngoài ra, thành phố còn phát triển các ngành công nghiệp chế biến hải sản, may mặc- giày da xuất khẩu, thu hút hàng ngàn công nhân.

Với khí hậu mát mẻ, bãi biển quanh năm có ánh mặt trời, nhiệt độ trung bình khoảng 27oC, Vũng Tàu là nơi nghỉ mát lý tưởng. Những bãi cát dài, phẳng mịn, độ dốc thoai thoải, những con đường vòng quanh chân Núi Lớn và Núi Nhỏ, nối liền các di tích và danh thắng nổi tiếng như ngọn Hải Đăng, tượng Chúa giang tay, Trung Tâm Đức Mẹ Bãi Dâu, Niết bàn Tịnh xá, Bạch Dinh, Thích Ca Phật đài… là những yếu tố tạo ra lợi thế thu hút khách du lịch. Mỗi năm, Vũng Tàu đón bình quân ba triệu lượt du khách.

Vũng Tàu hiện có khoảng 4.500 nhà hàng-khách sạn, trong đó có 18 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 đến 3 sao, với gần 1.300 phòng đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế.

Nghề đánh cá và chế biến hải sản là một nghề truyền thống của Vũng Tàu. Với khoảng 1.400 phương tiện, tổng công hàng năm Vũng Tàu khai thác từ 42-45 ngàn tấn hải sản các loại.

Với vị trí là cửa ngõ của các tỉnh miền Đông Nam bộ hướng ra biển Đông, Vũng Tàu có tiềm năng lớn trong việc lưu thông hàng hóa bằng các tuyến đường bộ và đường thủy. Khối lượng hàng hóa do dịch vụ trên địa bàn vận chuyển số lượng khách luân chuyển khoảng 660.000 người/năm. Hệ thống cảng sông, cảng biển đã và đang tiếp tục được xây dựng. Trên sông Dinh hiện đã có 7 cảng lớn, có thể tiếp nhận được tàu từ 5-10 ngàn tấn. Hệ thống đường giao thông nội thành có tất cả khoảng 120 km.

Vũng Tàu có bệnh viện Lê Lợi với 250 giường bệnh, thành phố Cũng Tầu cũng có nhà thi đấu đa năng 3000 chỗ ngồi vừa khánh thành.

Hệ thống trường học bao gồm gần 30 nhà trẻ, hơn 20 trường tiểu học, 13 trường cấp II và III (trong đó có một trường chuyên cấp tỉnh). Tại Vũng Tàu, Trường Cao đẳng Cộng đồng do Hà Lan tài trợ đã chính thức hoạt động. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có phân hiệu của một số trường đại học như Đại học Mỏ Địa chất, Đại học Thủy sản Nha Trang, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Đại học Hàng hải, Đại học Tài chính-Kế toán, Đại học Công nghệ TP Saigòn. Trường đại học Kỹ thuật Swinburne Vabis (Australia) đang được triển khai tại Vũng Tàu.