LINH MỤC NHẠC TRƯỞNG
ĐỖ BÁ CÔNG VỚI DÀN NHẠC HÒA TẤU HOA KỲ


Nhân dịp tham dự Đại Hội Thánh Mẫu tổ chức tại Chi Dòng Đồng Công Carthage, Missouri vào tháng 8 năm 2000 và 2002, tôi đã chứng kiến Linh Mục Nhạc Trưởng Đỗ Bá Công đứng điều khiển dàn nhạc Carthage Community Band trước và trong Thánh Lễ Đại Trào chiều Thứ Bảy với trên 60 nhạc công Hoa Kỳ.

Ban nhạc đã hòa tấu nhiều tác phẩm nổi tiếng của các bậc sư âm nhạc thế giới với một kỹ thuật thật điêu luyện, đã cuốn hút được sự chú ý của hàng vạn khách hành hương từ khắp nơi về dự Đại Hội Thánh Mẫu.

Với kỹ thuật điều khiển sắc bén và ngoạn mục, Linh Mục Nhạc Trưởng Đỗ Bá Công đã làm mọi người ngạc nhiên thích thú khi dàn nhạc trổi lên bài Việt Nam, Việt Nam của Phạm Duy với phần phối khí hòa âm của Nhạc Trưởng Thiên Quang. Lúc đó cả một rừng người bỗng dưng im phăng phắc hướng về dàn nhạc. Thật tuyệt vời khi nhìn các nhạc công Hoa Kỳ đang say sưa diễn tấu bài Việt Nam, Việt Nam. Tiếng nhạc trầm hùng như nhắc nhở con dân nước Việt hướng lòng về Tổ Quốc thân yêu và cầu nguyện cho quê hương sớm được tự do, an bình thực sự.

Được biết, năm nay 2002, Linh Mục Nhạc Trưởng Đỗ Bá Công cũng sẽ điều khiển dàn nhạc Carthage Community Band trong ngày lễ Cựu Chiến Binh bài Việt Nam, Việt Nam.

Mặc dù Ngài rất bận rộn với công việc mục vụ, công việc giảng dạy, Ngài vẫn dành cho chúng tôi đôi phút phỏng vấn qua cuộc điện đàm đề cập đến một số vấn đề liên quan đến âm nhạc như sau :

Joseph Pham : Thưa Linh Mục, xin Ngài cho biết, Ngài đã từng điều khiển dàn nhạc từ bao giờ ?

LM. Đỗ Bá Công : Năm 1971, tôi được Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền đề cử làm Tuyên Úy Tiểu Khu Thừa Thiên và sau sáu tháng tôi được đề cử kiêm nhiệm Tuyên Úy Quân Đoàn I Tiền Phương gồm Sư Đoàn Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn I Bộ Binh. Tôi đã nhiều lần điều khiển Ban Nhạc Sư Đoàn I. Năm 1972 tôi cũng đã điều khiển Ban Nhạc Sư Đoàn Dù và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Cũng có lần cùng với Nhạc Trưởng Đại Tá Trần Văn Tín điều khiển một buổi hòa tấu của cả ba Ban Nhạc Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Sư Đoàn I Bộ Binh tại nhà hát lớn Hưng Đạo, Huế.

Joseph Pham: Xin Linh Mục Nhạc Trưởng cho biết, cơ duyên nào đã đưa Linh Mục đến với Carthage Community Band? Từ bao giờ? Và cũng xin Linh Mục cho biết đôi nét về Carthage Community Band, cơ cấu tổ chức cũng như vai trò của Linh Mục trong Ban Nhạc này.

LM. Đỗ Bá Công : Năm 1996, trong khi tôi đang dưỡng bệnh tại Nhà Hưu Dưỡng Dòng Đồng Công, Carthage, Missouri, tôi đã đến Family Neighbourhood Center của thành phố Carthage để trau dồi thêm Anh ngữ. Tại đây, tôi được quen thân với Giáo sư Thomas Douglass là giáo sư kèm Anh ngữ riêng cho tôi. Sau nhiều buổi mạn đàm, ông biết tôi đã từng là Ca Trưởng ở Tiểu Chủng Viện hồi 1952-1954, Ca Trưởng ở Đại Chủng Viện Sàigòn 1958-1960, Ca Trưởng sáng lập Ca Đoàn Sông Hương thuộc Đại học Huế năm 1969, rồi đã điều khiển các Ban Nhạc Sư Đoàn Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn I Bộ Binh và cuối cùng, điều khiển Dàn Nhạc Hòa Tấu Suối Nhạc Sàigòn, Việt Nam.

Ông đã ngỏ ý muốn giới thiệu tôi với ông Marvin Van Gilder, Nhạc trưởng của Carthage Community Band. Tôi đồng ý. Thế là tôi được mời đến dự các buổi tập dượt vào mỗi tối Thứ Hai hàng tuần. Ban nhạc có khoảng 65 nhạc công bao gồm đủ mọi thành phần : Giáo sư âm nhạc, High School Band Conductor, Bác sĩ, Công chức v.v... Tất cả đều tự nguyện, ưa thích âm nhạc và đã ở trong nghề ít là 10 năm trở lên, có người hai, ba chục năm.

Tôi còn nhớ hôm đó vào tháng 8 năm 1996 trong cuối buổi tập dượt, ông Nhạc Trưởng đã mời tôi điều khiển một bài tùy tôi chọn. Thế là, lần đâu tiên tôi đã đứng trên bục điều khiển Ban Nhạc Carthage Community Band bài Colonel Bogey, tức là bài Cầu Sông Kwai một cách tự tin và thoải mái. Ban Nhạc đã hòa tấu rất đạt bài này.

Sau đó, Nhạc Trưởng Marvin Van Gilder đến bắt tay và mời tôi tham gia Ban Nhạc với tư cách là một Special Conductor và đến tháng 10-2002 tôi được bầu làm Assistant Conductor (Phó Nhạc Trưởng). Mặc dù các nhạc công đều theo đạo Tin Lành hoặc không theo đạo Công Giáo, nhưng qua tôi, Cha Giám Tỉnh Dòng Đồng Công đã gửi thư mời Carthage Community Band tham dự Đại Hội Thánh Mẫu thì tất cả đều hoan hỉ tán thành.

Từ 1997 tới nay, năm nào ông Nhạc Trưởng cũng giao cho tôi chọn lựa bài bản, sắp xếp chương trình cho buổi hòa tấu của Đại Hội Thánh Mẫu. Những bài bản được chọn lựa, tôi đã nhờ Nhạc trưởng Thiên Quang phối khí Hòa âm cẩn thận và tập dượt kỹ lưỡng cho Dàn Nhạc.
Nhờ sự tiếp đón nồng nhiệt của các Linh mục, Tu sĩ Chi Dòng Đồng Công, những năm sau này toàn ban nhạc cùng xin cho gia đình họ đến tham dự buổi hòa tấu trong Thánh Lễ Đại Trào và chung vui trong bữa tiệc đạm bạc nhưng rất hợp khẩu vị.

Và cũng vào những năm sau này, tôi lại xin Nhà Dòng mời họ tham dự Ngày Liên Tôn vào tháng 12 mỗi năm. Họ rất hoan hỉ nhận lời đến tham dự giờ Cầu Nguyện cũng như giúp vui trong Bữa Tiệc Liên Tôn. Phải chăng đây cũng là một trong những thành công lớn của Chi Dòng Đồng Công tại Hoa Kỳ trong việc truyền giáo.

Joseph Pham: Ngoài ra, Linh mục còn là một nhạc sĩ sáng tác, vậy xin Linh mục cho biết, Linh mục đã sáng tác từ bao giờ và số lượng tác phẩm ?

LM. Đỗ Bá Công : Tôi bắt đầu sáng tác từ năm 1956, khi ấy là sinh viên của Đại Chủng Viện Sàigòn. Mặc dù rất say mê sáng tác, nhưng việc học quan trọng hơn, nên tôi chỉ sáng tác theo nhu cầu dùng trong các dịp lễ. Mãi cho đến khi vào tù cải tạo, tôi sáng tác nhiều và lén gửi ra ngoài cho giáo dân xử dụng và được sự đồng ý của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền. Chung qui lại, tôi đã sáng tác được trên dưới 100 bài hát.

Joseph Pham: Được biết Linh mục cũng như Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến đã được Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận ủy thác cho việc phổ nhạc các tác phẩm của Ngài mà đầu tiên là CD Lời Kinh Nguyện Cầu vừa mới phát hành và đang được khắp nơi đón nhận một cách nồng nhiệt, mà lời thơ là của Đức Hồng Y viết trong cuốn sách “Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá“.

Xin Linh mục cho biết cảm nghĩ khi nhận được sự ủy thác này và tiến trình thực hiện CD ra sao?

LM. Đỗ Bá Công : Năm 1996, ĐHY Nguyễn Văn Thuận, khi ấy là Tổng Giám Mục đang ở Roma. Trong tấm card có hình Ngài đứng trước tượng Đức Mẹ và bài thơ “Con Với Mẹ“, Ngài gửi cho tôi, Ngài viết mấy câu : “Công hãy phổ nhạc bài thơ này đi”. Khi nhận được tấm card tôi liền gọi điện thoại nói chuyện với Ngài và Ngài lại bảo tôi lần nữa “Công hãy phổ nhạc bài thơ “Con Với Mẹ”. Thế là tôi đã ráng phổ nhạc bài thơ này cho kịp ngày 8-12-1996 để kỷ niệm 20 năm Ngài viết bài thơ này ở trại tù Vĩnh Phú : 8-12-1976. Tôi đã nhờ người hát để gửi cho Ngài cả nhạc lẫn tiếng hát. Ngài đồng ý và tôi đã nhờ ca sĩ Khánh Ly hát vào băng cassette.

Thế là đúng 20 năm bài thơ “Con Với Mẹ“ được phổ nhạc. Thấy vừa lòng với bài Con Với Mẹ, Ngài lại nói với tôi : “Công hãy phổ nhạc bài “Con Có Một Tổ Quốc“. Ngài đã dặn tôi : Công hãy lấy câu : “Con Có Một Tổ Quốc”, Nước Việt Nam“ làm điệp khúc, làm nhiều bè cho rầm rộ”. Tôi phổ nhạc và cũng nhờ ca sĩ Khánh Ly hát, gửi cho Ngài. Ngài đồng ý nhưng Ngài muốn câu Điệp khúc cần hát đông người và nhiều bè cho nó trang trọng hơn.

Sau này, tôi đã nhờ Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến tập cho nhóm Hương Kinh hát thêm nhiều bè cho đúng ý của Đức Hồng Y và khi nghe xong Ngài rất hài lòng.

Năm 2000 Ngài điện thoại cho tôi và bảo : “Trong cuốn sách “Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá“ sau mỗi bài suy niệm có một đoạn là những lời cầu nguyện. Công hãy phổ nhạc vào các lời cầu nguyện ấy”. Tôi chợt nghĩ đến Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến và thưa với Đức TGM : “Thưa Đức Cha, con biết Đức Cha rất quen thân với Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến và anh cũng là bạn thân với con, nên xin Đức Cha cho con được mời Anh Huyến cộng tác với con trong việc phổ nhạc những bài còn lại trong cuốn “Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá“.

Ngài trả lời : Được lắm. Thế thì cho mình gửi lời thăm anh Huyến và mời anh Huyến cùng thực hiện với Công cho nhanh”.

Như vậy, Ngài đã chính thức trao cho tôi và Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến phổ nhạc những tác phẩm của Ngài.

Chúng tôi đã phân công nhau và bắt tay vào việc phổ nhạc. Tôi nhận phổ 3 bài, Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến phổ 6 bài.

Sau 6 tháng, tôi và Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến đã hoàn tất tập nhạc và CD tạm thời gửi cho Ngài nghe và xin ý kiến. Sau một thời gian, Ngài cho chúng tôi biết : Tuy rất công phu nhưng chưa đúng ý Ngài lắm. Hiểu ý Ngài, chúng tôi xin Ngài cho làm lại. Sửa chữa, thêm thắt, tôi và Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến đã phối hợp các thể nhạc như Bình Ca, Ngũ âm, giai điệu cổ và Thất âm để tạo nhiều nét độc đáo hơn, đúng ý Ngài hơn. Chúng tôi thâu âm lại, chép tập nhạc mới và gửi cho Ngài. Lúc này Ngài mới được phong Hồng Y. Ít lâu sau Ngài trả lời : “Thật quá công phu. Được rồi. Cứ xúc tiến việc in ấn và phát hành”. Rồi Ngài còn thêm : Trong cuốn sách của mình, nếu Công và anh Huyến muốn phổ nhạc bài nào thì cứ việc làm, tôi giao cho hai anh đó.

Theo lời xin của chúng tôi, Ngài đã viết lời Giới Thiệu cho tập nhạc và CD Lời Kinh Nguyện Cầu. Thật là những kỷ niệm thật quý giá đối với chúng tôi.

Và theo đúng dự trù thì CD Lời Kinh Nguyện Cầu sẽ được phát hành vào dịp Đại Hội Thánh Mẫu 2002 với sự tham dự của ĐHY. Ba bài trong CD này được hát trong Thánh Lễ Đại Trào do ca đoàn Tổng Hợp gồm 9 ca đoàn trình tấu. Các bài còn lại sẽ hát trong các buổi ĐHY hội thảo với Giới Trẻ, giới Trung Niên...

Tiếc thay, CD Lời Kinh Nguyện Cầu được phát hành đúng như dự liệu, nhưng vì sức khỏe, ĐHY phải nằm bệnh viện, Ngài chỉ vừa kịp viết Lời Giới Thiệu cho CD và tập nhạc Lời Kinh Nguyện Cầu mà thôi.

Linh mục Phan Văn Hiền, bí thư của ĐHY cho chúng tôi biết : “Trong lúc ca đoàn Tổng Hợp hát 3 bài của Ngài trong Đại Hội Thánh Mẫu, thì trong bệnh viện, Ngài cũng nhờ mở máy để Ngài nghe mà thông công và Ngài rất xúc động.

Sau cuộc điện đàm với Linh mục Nhạc Trưởng Đỗ Bá Công, tâm hồn tôi chùng xuống và chợt nhận ra một điều :

Từ những miền đất xa xôi diệu vợi, vẫn còn có nhiều người đang âm thầm cống hiến tài năng, tâm sức của mình để vinh danh Thiên Chúa và tạo niềm hãnh diện, tự hào cho cộng đồng người Việt trên đất nước đa chủng, đa văn hóa này, trong số đó có Linh mục Nhạc Trưởng Đỗ Bá Công với Dàn Nhạc Carthage Community Band, Missouri, Hoa Kỳ.

(Thung Lũng Hoa Vàng ngày 7/11/2002)