VŨNG TẦU -- Hôm nay Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khai mạc khóa họp thường niên tại Trung Tâm Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tầu. Khóa họp sẽ kết thức vào ngày 10/9/2005.

Đặc biệt hôm nay, cũng chính thức là ngày thành lập một giáo phận mới tại Việt Nam, giáo phận này được chia đôi từ giáo phận Xuân Lộc, và sẽ do Đức Cha Nguyễn văn Trâm làm giám mục tiên khởi. Giáo phận mới có trung tâm Hành Hương Đức Mẹ Bãi Dâu rất nổi tiếng và Tượng Đài Chúa Giêsu làm Vua trên Núi Vũng Tầu nhìn ra biển.

Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm

Đức Cha Nguyễn Văn Trâm
Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm sinh ngày 09-01-1942 tại Phước Tuy, Bà Rịa, trong một gia đình lễ giáo. Sau khi theo học tại Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, ngài được thụ phong linh mục ngày 01-05-1969 tại Nhà Thờ Phước Lễ (Bàrịa), và được bổ nhiệm làm cha phó xứ Biên Hòa. Một năm sau đó, ngài được gởi đi du học tại Rôma. Năm 1974 ngài tốt nghiệp tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana của Bộ Truyền Giáo với học vị Tiến sĩ Giáo Luật.

Trở về Việt Nam, ngài được Đức Cố Giám Mục Đaminh Nguyễn văn Lãng chọn làm Bí thư và được bổ nhiệm làm Cha Sở Giáo xứ Thánh Mẫu (nay là Giáo xứ Xuân Khánh), cạnh Tòa Giám Mục, đồng thời kiêm các chức vụ Chánh án Tòa án Hôn Phối và Quản lý Giáo phận. Ngài cũng là Giáo sư môn Giáo luật tại Đại chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn.

Ngày 06/03/1992, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc và ngày 07-05-1992, Đức Cha Phaolô-Maria tấn phong giám mục cho ngài tại khuôn viên Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô. Khẩu hiệu giám mục: " Hiền lành và Khiêm nhường".

Tìm hiểu qua về Giáo phận Xuân Lộc với Qúa trình hình thành

Ðịa Dư: Khi mới thành lập (1965), Giáo Phận Xuân Lộc bao gồm 3 tỉnh: Long Khánh-Biên Hòa-Phước Tuy. Tòa Giám Mục đặt tại Xuân Lộc, tỉnh lỵ Long Khánh. Ngày 01-08-1976, hành chánh được phân phối lại. Toàn giáo phận nằm trong tỉnh mới là Đồng Nai, trừ 3 giáo xứ: An Bình 1, Đông Hoa, Nghĩa Sơn, thuộc tỉnh Sông Bé (Bình Dương). Năm1979, Thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Đồng Nai, được tách thành một đơn vị hành chánh biệt lập trực thuộc trung ương, mang tên Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo. Như thế, giáo phận Xuân lộc gồm: Tỉnh Đồng Nai, - Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo và - một phần huyện Thuân An, tỉnh Sông Bé. Năm1992, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu được thành lập gồm:Đặc Khu Vũng Tàu Côn Đảo và một số huyện vùng duyên haỉ của tỉnh Đồng nai.

1.VỊ TRÍ

  • Giáo phận Xuân Lộc có hình ngũ giác không đều cạnh
  • Đông giáp giáo phận Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).
  • Đông Bắc giáp giáo phận Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
  • Tây Bắc giáp giáo phận Phú Cường (tỉnh Bình Dương).
  • Tây Nam giáp giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Nam giáp với Biển Đông.
Tổng diện tích là 8.414 Km2. Bao gồm trọn vẹn 2 tỉnh: Đồng Nai: 5.886,4 Km2; Bà Riạ Vũng Tàu: 2. 012,65 Km2; và một phần tỉnh Bình Dương: 529,95 Km2.

2. ĐẤT ĐAI VÀ KHÍ HẬU.

a. Đồng Nai: có 23,3% là đất đỏ Bazan (phe-ra-lit). 10% là đất ma-ga-lit. 12,3% là đất pheralit trên phiến sa thạch; phù hợp cho các loại cây công nghiệp và lương thực. Ngoài ra còn có nhiều loại đất khác như: phù sa cổ, đất cát vàng, có độ chịu lực cao, thích hợp cho việc xây dựng các khu công nghiệp.

Nhiều đồi núi nhưng không cao lắm. Cao nhất la núi Chứa Chan (dân địa phương gọi là núi Giá Ray) cao 839m. núi Cam Tiên 441m, núi Bé Bạc 319m, núi Đồng Bác 236m, núi Bửu Long, núi Thùy Vân…Sông ngòi cũng khá nhiều như sông Đồng Nai, sông La Ngà, sông Đồng Tranh, sông Xoài. Sông Đồng Nai dài 460 Km, đoạn chảy qua Đồng Nai dài 290 Km

Khí hậu của Đồng Nai thuộc miền nhiệt đới nóng ẩm đươc chia ra làm hai mùa khá rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến hết tháng 4. Nắng đủ, mưa nhiều, ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1800-2000 mm.

b. Bà Rịa Vũng Tàu: Phần lớn là đất cát: có thể cấy lúa, trồng cây và hoa màu. Có nhiều đồi núi thấp. Nuí Hòn Sụp cao 250m. Núi Lớn cao 249m, núi Vũng Mây 240m, núi Nhỏ (còn gọi là núi Tao Phùng) cao 179m, núi Dung 125m, núi Le 265m, núi Mía 186m, núi Thị Vải 466m, núi Chóp Mao 338m, núi Hồ Linh 164m. Có nhiều đồi cát nhỏ chạy vòng theo bờ biển.

Nhiều rạch như: rạch Bà 7,9 Km, rạch Cây Khế 6 Km, rạch Bến Đinh 5,5 Km, rạch Ông Nhu, rạch Sông Cái… con sông chính là sông Đinh dài 11Km. Ngoài ra còn có các sông khác như: sông Cỏ Chi, sông Ray, sông Tầu Bé, sông Cá, suối Lồ Ô…

Bà Riạ Vũng Tàu có bờ biển trải dài thích hợp cho ngư nghiệp và ngành du lịch

Khí hậu thuộc miền khí hậu gió mùa. Hai mùa chính gió mùa Đông Bắc: từ tháng 11 đến tháng 3, là mùa khô nắng. Mùa gió Tây Nam: từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa mưa. Giữa hai thời kỳ gió mùa này là hai thời kỳ chuyển tiếp: gió yếu và ngoài khơi có sóng nhỏ vào khoảng tháng 4 và tháng 10.

1. Trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam

Sau hơn một thế kỷ (1533-1659), hạt giống Tin Mừng được các nhà truyền giáo Dòng Đaminh Bồ đào Nha và Dòng Tên gieo vải trên quê hương đất Việt, Đức Thánh Cha Alexandrô VII đã công bố Sắc lệnh Super Cathedram Principis đề ngày 9/9/1959 thành lập hai giáo phận tông tòa đầu tiên là Giáo phận Đàng Ngoài (Bắc Hà) vơí khoảng 80.000 tín hữu và bổ nhiệm Tân Giám mục Francois Pallu làm đại diện tông tòa và Giáo phận Đàng Trong (Nam Hà) vơí khoảng 20.000 giáo dân được trao cho Tân Giám mục Đại diện tông tòa Pierre Lambert de la Motte cai quản.

Hai mươi năm sau (1679), Giáo phận Đàng Ngoài được chia làm hai thành Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hànôị) và Đông Đàng Ngoài ( Hải Phòng). Và mãi gần 2oo năm sau (1844), Tòa Thánh mới chia Giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận: Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) giao cho Đức Cha Cuenot Thể đảm trách và Tây Đàng Trong (Sàigòn) được trao cho Đức Cha Miche Mịch cai quản. Lúc bấy giờ Giáo phận Sàigòn gồm Nam Kỳ Lục tỉnh, xứ Cao Miên và các tỉnh phía nam Lào.

Năm 1850, Tòa Thánh thành lập giáo phận mới là Nam Vang, tách ra từ Giáo phận Tây Đàng Trong (Sàigòn), và trao cho Đức Cha Mich Mịch. Năm 1924, khi tên các giáo phận không còn gọi theo miền hay xứ nhưng theo tên hành chính, nơi vị Giám mục có cư sở, thì lúc bấy giờ Giáo phận Tây Đàng Trong mới chính thức đựợc gọi là Giáo phận Sàigòn.

Năm 1954, hiệp định Genève phân chia hai miền Nam-Bắc dựa theo vĩ tuyến 17 và gần 800.000 người công giáo di cư từ Bắc vào Nam. Phần rất doing đã tập họp về vùng đất mầu mỡ của Đồng Nai và Bàrịa-Vũng Tàu tạo nên các xứ đạo toàng tòng công giáo như các khu vực Hố nai, Tam Hiệp, Gia Kiệm, Phương Lâm, Bình Giả, Long Hương, Bàrịa, Vũng Tàu. Số giáo dân tăng từ 8000 đến 160.000 người.

Ngày 24/11/1960 là điểm mốc quan trọng nhất của lịch sử Giáo hội Việt Nam khẳng định sự tiến triển và trưởng thành của Giáo Hội công giáo Việt Nam: Tòa Thánh thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam phân chia thành ba giáo tỉnh: Hànội, Huế và Sài gòn; đồng thời phia chia Giáo phận Sàigòn thành ba: Sàigòn, ĐàLạt và Mỹ Tho.

Và ngày 14/10/1965, Đức Phaolô VI đã thành lập hai giáo phận mới tách ra từ Giáo phận Sàigòn; đó là Phú Cường và Xuân Lộc. Giáo phận Xuân Lộc lúc bấy giờ bao gồm ba tỉnh Biên Hòa, Long Khánh và Phước Tuy. Toà Giám mục được đặt tại Xuân Lộc.

2. Xuân Lộc và các nét sinh hoạt tôn giáo trước khi được thành lập

Trước khi chính thức trở thành một giáo phận, tại địa bàn của Giáo phận Xuân Lộc đã hiện diện nhiều xứ đạo cổ xưa như: Đất Đỏ, Bà Rịa, Vũng Tàu (thuộc tỉnh Bà Riạ Vũng Tàu ngày nay) và sáu giáo xứ chung quanh Biên Hòa như: Biên Hòa, Mỹ hội, Phước Lý, Phước Khánh, Bến Gỗ, Dầu Giây (thuộc tỉnh Đồng Nai ngày nay) với 8.033 giáo hữu.Kể từ khi chính thức trở thành giáo phận, Xuân Lộc có số giáo dân tăng 160.000. Giáo phận Xuân lộc co nguồn gốc lịch sử khá lâu đời và đã trải qua một quá trình hình thành lâu dài hơn trăm năm.

*Vùng đất Đồng Nai

Từ Mô Xoài-Bà Rịa, các thế hệ người Việt di dân với phương tiện chủ yếu là thuyền xuồng ngược dòng Đồng Nai và cả đi bộ dọc theo sông tiến dần vào Đồng Nai. Các điểm định cư sớm nhất của họ là Nhơn Trạch-Long Thành-An Hòa-Bến Gỗ-Bầu Lâm-Cù Lao Phố-Cù Lao Tân Chánh-Cù Lao Ngô-Cù Lao Kinh- Cù lao Tân Triều.

Các vùng ven núi cũng là nơi lưu dân Việt chọn làm nơi ở, bởi các nơi đó có điều kiện khai thác các nguồn lợi lâm sản như săn bắn, khai thác gỗ... Tiến trình nhập cư của lưu dân người Việt vào đất Đồng Nai đã diễn ra liên tục trong suốt gần một thế kỷ. Năm1698 dưới sự bảo trợ của Chúa Nguyễn số người Việt từ miền Trung di dân vào Đồng Nai ngày càng đông. Năm1790, Nguyễn Ánh ra lệnh lập đồn điền, mộ dân khẩn hoang lập ấp và sử dụng binh lính khai phá đất đai, canh tác ở khu vực trú quân. Chính việc mở rộng khai phá bằng nhiều hình thức (đồn điền, dinh điền) đã tạo điều kiện để dân cư phát triển ở vùng Biên Hòa. Đầu thế kỷ XX, các công ty đồn điền cao su Đồng nai được thành lập. Họ đã chiêu mộ công nhân từ các làng quê miền Bắc và miền Trung,khiến vùng đất này cũng ngày càng đông dân.

* Vùng đất Bà Riạ Vũng Tàu là một vịnh biển lớn trông ra Biển Đông.Bà Riạ Vũng Tàu xưa kia là biển, dần dần do biển bồi đắp trở thành những bãi lầy, trải qua bao ngày tháng đã trở thành đất liền.

Thế kỷ XIII, nơi đây là rừng rậm, có rải rác vài bản người Chàm và Khơme sống bằng nghề trồng lúa, săn bắn và đánh cá.

Thế kỷ XV-XVI nơi đây đã trở thành chỗ tránh bão, cung cấp nước ngọt và đồ gỗ tốt cho các đoàn tàu Tây Phương trên đường đi qua Biển Đông.

Thế kỷ XVII, thời Trịnh-Nguyễn phân tranh những cư dân miền Trung vào Bà Riạ sinh sống và cư dân Miền Bắc đi đường biển vào Vũng Tàu lập nghiệp ngày càng đông.

Đầu thế kỷ XIX, dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiêu Trị, Tự Đức, tất cả các bổn đạo đều gặp khó khăn thử thách của cuộc cấm đạo, giáo hưũ phải lén lút giữ đạo và khó khăn cực nhọc khi đưa dẫn các linh mục thừa sai hoặc bản xứ đi thăm giáo dân và cử hành bí tích.

Ngày 04-11-1847 sau khi vua Thiệu Trị qua đời, con thứ của vua Thiệu Trị là Hồng Nhậm Dục Tông lên ngôi, niên hiệu là Tự Đức. Vua Tự Đức đã ra chỉ dụ cấm đạo Thiên Chúa trên cả nước (đây là Chỉ dụ thứ 8, kể từ khi Minh Mạng ra chỉ dụ đầu tiên 11-1832) và chỉ dụ cuối cùng14-11-1861 của Tự Đức là khốc liệt nhất, vì đặt ra biện pháp cấm đạo rất nặng là thắt cổ và tống giam tất cả các giáo hữu công giáo.

Phước Tuy là địa điểm tập trung gồm bốn ngục giam: Dinh Phước Lễ, Thành Long Điền-Đất Đỏ tại làng Phước Thọ và Thơm tại Long Kiên. Các tín hữu kitô bị tập trung giam giữ từ tháng 9-1861 (Phước Tuy máu lửa, Họ đạo Bà Rịa- xb. 1962).

Ngày 07-01-1862, những người công giáo bị giam tại các ngục thất trên đã bị thiêu sống. ("Quốc triều chính biên" Sử Địa- xbSG 1971).

Theo bản "Phúc trình của Cha Errard", số giáo dân bị thiêu sống trong 4 nhà giam như sau:

Ngục Phước Lễ: giam 300 người, thiêu sống 288 người. Long Kiên: 135 người, chết thiêu 86 người. Long Điền: 140 người, chết thiêu 48. Phước Thọ: 125 người, chết thiêu 22.

Tổng số chết thiêu là 444 người trong 4 nhà giam, đàn ông là 288 và đàn bà trẻ em là 156 người.

* Tham khảo tài liệu của Giáo Phận Xuân Lộc

(Bài tiếp theo chúng tôi sẽ giới thiệu về Giáo Phận mới được thành lập tại Việt Nam)