Có kỳ thị chủng tộc đối với các nạn nhân trận bão Katrina? - So sánh người Việt Nam và Mỹ da đen.

Houston 3/09/05 - Mấy ngày nay các hệ thống truyền hình trên khắp thế giới đều chiếu cảnh tàn phá khủng khiếp của cơn bão Katrina tại ba tiểu bang Louisiana, Mississippi và Alabama. Một hiện tượng rất lạ là ai cũng nhận thấy trên màn ảnh truyền hình, hầu hết các nạn nhân còn kẹt lại ở các nơi lụt lội là người Mỹ da đen, và rất hoạ hiếm, hầu như không thấy hình ảnh nào của người Á Châu, hay Việt Nam bị kẹt ở lại ở New Orleans hay các nơi khác.

Nan nhân bão lụt bị kẹt lại ở Louisiana
Những nạn nhân còn kẹt lại đã có thái độ vô cùng giận dữ vì họ phải khổ sở trong ba ngày đầu không được tiếp tế nước uống, thực phẩm. Mỗi lần các phóng viên truyền hình quay hình, họ giận dữ khóc lóc, chỉ trích chính phủ, và kêu gọi trợ giúp cứu mạng sống họ.

Trước hiện tượng này, các chính trị gia và các nhà hoạt động nhân quyền cho người Mỹ da đen đã lớn tiếng chỉ trích chính quyền Mỹ. Ông Thị Trưởng Ray Nagin, của thành phố New Orleans, không dằn được cơn nóng giận, đã dùng đến cả ngôn ngữ thô tục chỉ trích Tổng Tống Bush. Mục Sư Jesse Jackson từng là ứng viên Tổng Thống của đảng Dân Chủ và mục sư rất nổi tiếng ở San Francisco là Cecil Williams cũng lên tiếng chỉ trích chính phủ Bush. Các vị này tố cáo với các hãng truyền hình rằng chính phủ Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa có đầu óc kỳ thị người da đen, lợi dụng cơ hội bão Katrina để trừng phạt người Mỹ da đen ở ba tiểu bang Alabama, Mississippi và Louisiana.

Trước hiện tượng này, vào tối thứ Ba vừa qua hãng truyền hình ABC đã trình chiếu một phóng sự dài 1 tiếng đồng hồ nói về cơn bão Katrina và bối cảnh xã hội của ba tiểu bang nói trên. Theo hệ thống truyền hình ABC, 63% dân số của ba tiểu bang này là người Mỹ da đen, trong đó 32%, tức hơn một nửa không có xe cộ, sinh hoạt hàng ngày của họ tùy thuộc vào các phương tiện chuyên chở công cộng. Do nguyên cớ này, các người Mỹ da đen
Nạn nhân sau con bão Katrina
đã không di tản được ra khỏi tiểu bang, đặc biệt là thành phố New Orleans, Biloxi mặc dù đã có lệnh của chính quyền dân chúng phải di tản ra khỏi các thành phố này trong ngày thứ Bảy tuần trước.

Với người Việt Nam, tại ba tiểu bang này, đặc biệt là Louisiana có rất nhiều người Công Giáo Việt Nam, họ sống quây quần với nhau chung quanh các giáo xứ. Trong trận bão lụt vừa qua, tuyệt đại đa số đã di tản về Houston, Texas, trước khi trận bão xảy ra. Sau cơn bão, ký giả Trong Kim khi tường trình về hàng trăm chuyến xe chở người tị nạn từ Louisiana sang Houston đã báo cáo rằng “không thấy người Việt Nam nào bước xuống xe”. Nói chung, các gia đình Việt Nam ở bất cứ tiểu bang nào trên đất Hoa Kỳ cũng cố gắng sống tằn tiện, sắm sửa xe cộ nhà cửa. Do vậy khi có tin phải di tản, họ có đầy đủ xe cộ và tiền bạc để cất bước ra đi.

Đến nơi tạm trú là Houston Texas, họ được các đồng hương Việt Nam niềm nở đón tiếp và săn sóc, được các thân nhân hay người đồng hương đón về nhà ở chung trong lúc gian nan khốn khó. Tại các nơi thờ tự như thánh đường, chùa, tu viện, các linh mục, các sư tăng, các dì phước mở cửa đón
Cô Kristine Nguyễn nạn nhân bão lụt ở Biloxi
nhận người tỵ nạn. Theo tin chúng tôi nhận được qua các phóng viên truyền thanh Việt Nam thì tại Houston, người di tản được chăm sóc rất chu đáo đến nỗi nhiều người Iraq, Iran, Ấn Độ không muốn đến tạm trú tại sân vận động Astrodome của Houston mà xin đến tạm trú tại các nhà thờ hay chùa của người Việt Nam.

Tại Houston, chỉ sau 3 ngày mà các dì phước dòng Đa Minh đã chu đáo ghi tên nhập học cho các trẻ em tị nạn từ Louisiana sang. Các dì báo cáo rằng thực phẩm cơm gạo không thiếu, chỉ thiếu chăn mền. Các phóng viên báo chí người Hoa Kỳ tại Houston đã nhiệt tình ca ngợi và cảm phục tinh thần lá làmh đùm lá rách của người Việt Nam.

Một điều khác cũng làm nhiều người Hoa Kỳ ngạc nhiên là không thấy người Việt Nam nào nặng lời chỉ trích chính quyền không cứu giúp họ đúng mức. Họ không than phiền nhiều về những gian nan khổ sở.

Những nạn nhân Việt Nam trong cơn bão lụt vừa qua hầu hết là người đã bỏ nhà cửa họ hàng để vượt biên, đã trải qua bao nhiêu là gian nan khổ sở. Giờ đây họ lại một lần nữa mất nhà mất cửa, nhưng mất mát lần này không đến nỗi thê thảm như những lần vượt biên trước kia.