CHẾT?
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Là người như bao nhiêu người, Chúa Giêsu cũng xót thương, cũng rung động trước nỗi mất mát của người thân, bạn hữu. Chúa thật sự xót thương, thật sự rung động trước cái chết của chàng trai Lazarô, bạn của Chúa.

Nhưng điều Tin Mừng muốn nói không chỉ ở việc Chúa xúc động. Vượt trên cái chết rất đỗi bình thường của Lazarô, là khẳng định quá phi thường của Chúa Giêsu: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ”.

Có chắc là tin Chúa, chúng ta “không chết bao giờ”, bởi thực tế không ai là không chết? Biết bao nhiêu lần trong đời, chứng kiến cái chết của người thân, lòng ta se thắt lại?

Thực tế, chết là đau xót, là chia cắt, là mất mát. Lứa tuổi cao niên, chết vẫn thấy đời người dang dở, đang xuân thì mà chết thì còn dang dở biết bao nhiêu! Dù ta muốn làm điều gì đó để cứu người thân, thì đứng trước sự tấn công tàn bạo của cái chết, ta hoàn toàn bất lực, hoàn toàn vô vọng?

Cái chết của Lazarô, kẻ được gọi là “người Thầy yêu”, không chỉ làm hai chị của anh và những người quen biết khóc thương, mà còn khiến Chúa Giêsu, dù biết rằng sẽ cho anh sống lại, cũng “thổn thức và xúc động”. Điều đó càng làm nổi bật cái bi, cái khổ của nỗi chết.
Nếu chỉ suy nghĩ như thế thôi, lời của Chúa Giêsu: “Ai tin Ta…”, đúng là không xác đáng.

Nhưng không! Lời ấy phải được suy niệm bằng đức tin, vì là lời của ĐỨC TIN. Chúa không hề bảo rằng: “Ai suy nghĩ về Ta…”, mà lại nói rằng: “Ai tin Ta…”.

Điều quan trọng không nằm ở chỗ biết suy nghĩ, nhưng quan trọng là suy nghĩ trong đức tin.

Chỉ trong đức tin, ta mới có thể nhận ra, lời Chúa là lời ban niềm hy vọng. Đó là một hy vọng mãnh liệt vào sự sống phía sau cái chết, một sự sống “không chết bao giờ”.

Không ai sinh ra là để sống ở trần gian đời đời, nhưng sinh ra để rồi chết. Nếu không có đức tin, không mảy may biết một chút gì đến sự sống đời sau, cuộc đời thật bi đát.

Bởi cuộc sống trần gian như một chuyến đi. Ở cuối hành trình của cuộc đời mỗi người không phải danh vọng, địa vị, hưởng thụ, giàu sang, tiền rừng, bạc bể mà là cái chết. Chấm dứt tất cả.

Trong cái chết, con người ta cô đơn nhất. Dẫu có hai người sát cạnh nhau cùng chết, cũng khó có thể nói rằng: chết cùng, chết với. Mỗi người là một cái chết, rất tư riêng, không bao giờ hòa trộn, không bao giờ lẫn lộn.

Trong cái chết, con người ta trở thành nghèo nhất: bỏ lại tất cả, chỉ có hai bàn tay trắng. Rõ ràng bi đát, rất bi đát…

Nhưng người Kitô hữu có đức tin. Họ xác tín mạnh mẽ vào Đấng là Thiên Chúa đã làm người chia sẻ đến cùng kiếp sống con người của họ. Ngài đã chết thật, nhưng đã đi bước trước để dạy họ bài học của sự sống đàng sau cái chết: Ngài đã sống lại thật.

Sự sống đàng sau cái chết mới là sống thật, sống vĩnh cửu. Một sự sống không có sự chết. Đấng Phục Sinh ấy, hôm nay, trong Tin Mừng, đã nói một cách tường tận, thẳng thắn với bà Martha, cũng là nói với bạn và tôi: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ”.

Tin vào Đấng tự mình phục sinh và hứa ban ơn phục sinh cho những ai tin, người Kitô hữu cảm nhận bình an giữa cõi tạm này. Đức tin giúp họ hiểu rằng, cái chết chỉ là sự biến đổi để trở về cùng Thiên Chúa.

Nhờ đức tin, chúng ta nhận ra ý nghĩa của cuộc đời. Những cố gắng xây dựng cuộc đời sẽ cho ta hạnh phúc tương lai. Nếu hiểu như thế, cuộc đời không bi đát, nhưng đáng yêu.

Bạn và tôi có quyền hy vọng điều mà Chúa đã hứa: “Ai tin Ta sẽ không chết đời đời”!!

Đức tin là chìa khóa mở cửa cho niềm hy vọng của chúng ta.