Noi gương Đức Giêsu, chúng ta sẽ tiếp cận với người ngoại giáo như thế nào?

(Suy niệm Chúa nhật 3 Mùa Chay)

Dẫu biết rằng Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài muôn vật trên khắp vũ trụ này. Nhưng tại sao chúng ta lại phải tìm mọi cách để truyền giáo, để mời gọi mọi người trở về nhận biết Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ của Người? Là Thiên Chúa toàn năng, có quyền trên mọi sự, tại sao Người không phán một lời để cả thế giới, cả nhân loại này tin vào Người luôn? Tại sao Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa đã xuống thế làm người không tự mình đi truyền giáo và kêu gọi mọi người tin vào Thiên Chúa để được cứu độ mà lại mong muốn các ki-tô hữu lên đường loan báo Tin mừng khắp muôn nơi? Và đâu là cách thức mà Đức Giê-su tiếp cận người ngoại giáo? Đâu là cách thức truyền giáo cho dân ngoại hôm nay đối với chúng ta, là những ki-tô hữu?

Giữa một thế giới rộng lớn này, số người tin vào Chúa còn đang nằm trong con số khiêm tốn. Là những ki-tô hữu, chúng ta có trách nhiệm để lên đường ra đi loan báo Tin mừng. Đây là mệnh lệnh và sứ vụ của chúng ta đã lãnh nhận khi chịu Bí tích Thánh Tẩy: được rửa tội và được sai đi. “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”(Mt 9,38). Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể tiếp cận được với những anh chị em chưa nhận biết Chúa? Nếu như chưa có ai hướng dẫn và trở nên gương mẫu cho chúng ta?

Ngang qua bài Tin Mừng của Chúa nhật 3 Mùa Chay hôm nay, chúng ta bắt gặp một Giê-su thật gần gũi, thân thiện, dễ mến khi Ngài tiếp xúc với người phụ nữ Sa-ma-ri. Đối với người Do Thái, dân Sa-ma-ri là dân ngoại, dân ô uế, dân không được tiếp xúc và gặp gỡ. Họ được coi là kẻ thù của người Do Thái. Trước một não trạng khinh bỉ và loại trừ như thế, chúng ta thấy Đức Giê-su xuất hiện như muốn phá tan mọi hiềm khích và khoảng cách giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri. Ngang qua việc xin nước để uống, Đức Giê-su như là người đi bước trước để gặp gỡ và nói chuyện. Ngài dám vượt qua những khoảng cách của quá khứ để tiếp cận và đối thoại thân thiện với người phụ nữ người Sa-ma-ri, người dân ngoại. Cuộc trò chuyện ban đầu xem ra rất gây cẩn nhưng dần dần đã chuyển thành dễ thương và dễ mến. Từ người đi xin nước uống cho thể xác, Đức Giê-su đã mạc khải nước hằng sống, nước trường sinh là chính Ngài cho chị người Sa-ma-ri. Bây giờ Ngài sẽ là Người sẽ ban phát nước hằng sống cho chính chị và mọi người. Một sự hoán đổi đem lại sự sống đời đời sau khi gặp gỡ Đức Giê-su Ki-tô.

Một Đức Giê-su đã thấu suốt tâm can con người khi Ngài biết rõ thân phận của người phụ nữ Sa-ma-ri này. Giữa con người với nhau rất khó để biết đến tâm hồn và cõi riêng tư, nhưng vì là Thiên Chúa, Đức Giê-su nắm rõ mọi sự về đời tư của người phụ nữ này. Đây mới là điều mà người phụ nữ đã nhận ra Đức Giê-su là ngôn sứ. Không những là ngôn sứ, mà chính Đức Giê-su đã mạc khải cho người phụ nữ biết Ngài là Đấng Mê-si-a, là Đấng Cứu Độ duy nhất. Vì được nhận biết cách tỏ tường về cuộc đời mình và được đón gặp Đấng Thiên Sai, người phụ nữ đã vội vàng vào làng để loan báo tin vui cho dân làng Sa-ma-ri. Niềm vui chia sẻ niềm vui nhân. Người phụ nữ Sa-ma-ri đã trở nên nhà loan báo Tin mừng cách thiết thực sau khi đã gặp Đức Giê-su. Sau khi dân làng tiếp cận Đức Giê-su, con người của sự gần gũi và dễ mến, thánh thiện và hoà nhã, dân làng đã mời Ngài ở lại với họ trong hai ngày. Chính họ đã nhận ra được nhiều điều tốt lành thánh thiện phát xuất từ Đức Giê-su mà không cần phải nghe người phụ nữ Sa-ma-ri kể lại. Càng gặp gỡ Đức Giê-su, con người càng khám phá ra giá trị và bình an trong tâm hồn. Dù là lương dân hay người ngoại, họ đều mong cuộc sống hạnh phúc và may mắn. Đức Giê-su xuất hiện như là vị hoàng tử hoà bình, như là mục tử yêu thương và hình ảnh của vị Thiên Chúa nhân hậu và từ bi đã làm cho dân ngoại, mà đại diện là người phụ nữ Sa-ma-ri cảm nhận được niềm vui ơn cứu độ.

Có thể nói rằng hôm nay Đức Giê-su đã thành công khi đến với dân ngoại. Ngài đã không bị đuổi đi nhưng đã được mời vào làng. Để tiếp cận được dân ngoại, lương dân, cụ thể là dân Sa-ma-ri, Đức Giê-su đã dám can đảm vượt qua những ngăn cách của tôn giáo, của sự tò mò của các tông đồ và khinh bỉ của dân Do Thái. Ngài đã tiếp cận một cách tiệm tiến từ việc xin nước, đến việc giới thiệu chính mình là nguồn nước hằng sống, là ngôn sứ, là Đấng Mêsia. Nhờ việc tiếp cận đơn sơ và gần gũi này, mà dân ngoại đại diện là người phụ nữ Sa-ma-ri đã thay đổi thái độ từ xa cách, khó gần đến gần gũi, sẵn sàng tiếp chuyện và từ đó nhận ra được Đức Giê-su chính là Đấng Cứu Độ. Nhờ cuộc gặp gỡ này mà Đức Giê-su mạc khải cho mọi người rằng việc thờ phượng Thiên Chúa không phải ở núi Garidim hay tại Giê-su-ra-lem nhưng thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật.

Nhìn từ một góc độ khác, bài tường thuật về người phụ nữ Sa-ma-ri là một dụ ngôn về cuộc đời chúng ta. Tất cả chúng ta là người phụ nữ Sa-ma-ri ấy. Cuộc gặp gỡ bên bờ giếng Gia-cóp ấy là cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giê-su; cách Chúa dùng để dẫn người phụ nữ ấy đến chỗ nhận ra và yêu mến Người cũng là cách Chúa dùng để hoàn thành cuộc hoản cải của chúng ta, từng bước một. Cuối cùng người phụ nữ ấy trở thành môn đệ Người, và qua kinh nghiệm này chị cũng trở nên người tông đồ của Chúa: Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng. (c.39). Hiểu biết Chúa Giê-su như vậy là nguồn của việc tông đồ. Rao giảng Tin mừng là chia sẻ kinh nghiệm của chúng ta với người khác.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương