BÙI CHU, Việt Nam (UCAN) -- Các linh mục, chủng sinh và sinh viên Công giáo ở miền bắc Việt Nam đã tổ chức việc đi lại và chỗ ăn ở an toàn cho thí sinh nông thôn để họ tham dự kỳ thi đại học.

Maria Nguyễn Thị Hiền đến từ tỉnh Nam Định, đông nam Hà Nội, phát biểu với UCA News trước khi thi vào một trường đại học ở Hà Nội, em rất lo lắng vì em không biết đi lại bằng cách nào và trọ lại chỗ nào ở một thành phố đắt đỏ và xa lạ. Nam Định cách Hà Nội 90 kilômét.

Thế nhưng, cô gái 18 tuổi vừa mới tốt nghiệp tú tài hồi đầu tháng 6 cho biết, chiến dịch tiếp sức mùa thi do Giáo hội địa phương khởi xướng giúp em thoát khỏi những lo lắng trên.

Linh mục Giuse Phạm Văn Tứ phát biểu với UCA News, ngài và linh mục Giuse Nguyễn Đức Dung, cả hai đều là linh mục xứ của giáo phận Bùi Chu, giáo phận trông coi tỉnh Nam Định, phát động chiến dịch này từ năm ngoái. "Chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ để đưa các em đi thi, và có sẵn nơi ăn chốn ở an toàn cho các em trong những ngày thi," ngài nói trước kỳ thi và giải thích, không vướng những lo lắng đó, học sinh có tâm lý thoải mái và tự tin làm bài thi đạt kết quả cao.

Được hai linh mục này tài trợ, một nhóm gồm 12 phó tế, chủng sinh và sinh viên Công Giáo trong tỉnh đã tình nguyện dẫn đưa 75 học sinh của sáu giáo xứ nông thôn đi thi đại học ở Hà Nội và Hải Phòng, thành phố cảng ở hướng đông của thủ đô. Các tình nguyện viên là những người đã quen biết đường đi, địa điểm thi, chỗ ăn ở và giá cả tại hai thành phố này.

Họ phân phát cho mỗi thí sinh 150.000 đồng (9,50 Mỹ kim) để chi tiêu dọc đường và thuê hai chiếc xe để đưa các thí sinh đến trường thi.

Hai kỳ thi đại học đầu tiên đã diễn ra trong các ngày 4-5 và 9-10/7. Đợt thi thứ ba vào các trường cao đẳng bắt đầu diễn ra từ 16-7 và kết thúc ngày 26-7. Theo báo chí trong nước, năm nay có 1.537.252 hồ sơ đăng ký vào 107 đại học, 130 cao đẳng và 16 học viện và trung tâm giáo dục trên cả nước.

UCA News đã nói chuyện với nhiều thí sinh và tình nguyện viên Công giáo, những người đã giúp đỡ các thí sinh.

Đaminh Nguyễn Thanh Lương, người hướng dẫn một nhóm 40 thí sinh ở Hà Nội, cho biết các thí sinh được chia thành từng nhóm theo khối thi và địa điểm. Theo Lương, cái khó khăn cho anh là làm sao đưa thí sinh đến trường thi đúng giờ mà không bị kẹt xe vào buổi sáng. Anh cũng tìm mọi cách để hạn chế tối thiểu chi phí cho thí sinh khi ở thành phố.

Cha Dung cho biết mục đích chính của chương trình là "giúp giảm bớt chi phí cho thí sinh và gia đình họ" và làm cho phụ huynh ở nhà yên tâm làm việc. "Họ không thể đưa con mình đi thi bởi vì chính họ cũng không quen biết đời sống thành thị."

Phó tế Giuse Trần Văn Phán, một cộng sự viên của cha Tứ, lưu ý rằng các em đều là con nhà nông quê mùa nên dễ bị kẻ xấu lừa gạt. "Đây là nỗi lo âu hàng đầu của phụ huynh." Tuy nhiên, thầy nói tiếp, việc các em được học đại học không chỉ mang lại danh dự cho gia đình các em mà còn cho cả giáo xứ, và các em sẽ là nguồn nhân lực phục vụ Giáo Hội và đất nước trong tương lai."

Trong khi đó, các sinh viên Công giáo ở giáo phận Thái Bình đã có sáng kiến dẫn đưa các thí sinh lên Hà Nội thi. Họ liên hệ với những sinh viên quê Thái Bình đang học ở Hà Nội để cung cấp xe đạp và chỗ ăn ở một khi các thí sinh đến đó.

Một trong số các thí sinh đó là Maria Nguyễn Thị Thanh Vui, cho UCA News biết gia đình em phải bán 300 kilôgam thóc để có tiền cho em đi thi.

Tổng chi phí cho mỗi thí sinh trong kỳ thi lên đến 1,2 triệu đồng, đối với một số thí sinh ở Thái Bình mà thi ở thành phố Hồ Chí Minh, cách Hà Nội 1.710 kilômét về hướng nam, phải tốn hết 800.000 đồng tiền xe đi và về, và có thể tốn nhiều hơn nữa, mặc dù chính phủ đã giảm 20% tiền vé.

Nguyễn Văn Hùng, một thí sinh thi vào đại học hàng hải ở Hải Phòng, cho biết sau kỳ thi: "Em thực sự xúc động trước tình cảm và sự giúp đỡ của các thầy và anh chị sinh viên." Hùng cho biết có thầy phải bỏ ăn sáng để dẫn đưa các thí sinh đến trường cho kịp giờ và tránh kẹt xe.

Nhiều phụ huynh cũng cảm kích trước sự hỗ trợ của các giáo sĩ, chủng sinh và sinh viên, điều mà họ nói là đã làm họ cảm thấy an tâm.

Nguyễn Văn Rinh, 48 tuổi, một phụ huynh ở giáo xứ Long Châu, kể trong những ngày diễn ra các kỳ thi, cha Tứ "kêu gọi chúng tôi cầu nguyện cho con em mình vượt qua được kỳ thi. Chúng tôi đã tham dự Thánh lễ và đọc kinh mỗi ngày."

Bà Maria Nguyễn Thị Lan, giáo dân xứ Phương Chính, tin tưởng rằng với sự giúp đỡ của Giáo hội địa phương, "con cháu chúng tôi sẽ ý thức và chăm chỉ học hành." Người phụ nữ 60 tuổi nói, "Dù phải cực khổ, chúng tôi sẽ cố gắng cho con cháu học hành đến nơi đến chốn."

Cha Tứ 38 tuổi, chánh xứ Phương Chính và cai quản hai giáo xứ Long Châu và Xuân Đài. Ba xứ ở huyện duyên hải Hải Hậu có tổng cộng 10.522 giáo dân. Còn cha Dung, 64 tuổi, là chánh xứ Liên Phú.

Vinhsơn Trần Văn Duy, một sinh viên đến từ tỉnh Hà Nam, thuộc tổng giáo phận Hà Nội, cho biết các học sinh của bốn giáo xứ gần giáo xứ của anh cũng được các chủng sinh dẫn lên Hà Nội, cách xa chừng 50 kilômét, để thi. "Các thầy đã trải qua thời sinh viên nên các thầy hiểu được những khó khăn và biết cách xử lý các tình huống nơi thành thị," Duy nói thêm.

Các sinh viên tình nguyện của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, kể cả sinh viên Công giáo, cũng đến các bến tàu xe để cung cấp những thông tin cần thiết về địa điểm thi, việc đi lại và chỗ trọ cho thí sinh từ các tỉnh.

Ở Hà Nội trong những ngày thi, người ta nhìn thấy có nhiều ông bố hoặc bà mẹ cầm quạt giấy ngồi quạt cho con mình đang nằm nghỉ giữa trưa hè nóng nực dưới những gốc cây, ngay trước giờ thi buổi chiều.