Theo hãng tin Catholic News Service, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ có chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Bahrain, một hành trình sẽ đưa ngài trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm vương quốc Ả Rập ngay ngoài khơi bờ biển Ả Rập Xê Út trong Vịnh Ba Tư.



Chuyến thăm từ ngày 3-6 / 11 có hai mục tiêu chính: Phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại Bahrain: Đông và Tây vì sự chung sống của con người, và khuyến khích các cộng đồng người Công Giáo và Kitô giáo chủ yếu là người nước ngoài sống và làm việc ở khu vực đa số theo đạo Hồi.

Với chủ đề của chuyến thăm, "Hòa bình trên Trái đất cho những người thiện chí", Đức Giáo Hoàng muốn trở thành "sứ giả của hòa bình", kêu gọi tất cả mọi người và các quốc gia xích lại gần nhau, không có thành kiến và cởi mở để nhìn nhận lẫn nhau như anh chị em.

Đây sẽ là quốc gia có đa số người Hồi giáo thứ 13 mà ngài đã đến thăm trong gần 10 năm làm giáo hoàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Bahrain để cổ vũ hơn nữa sự hợp tác giữa các tôn giáo vì “có mối quan tâm chung giữa các tôn giáo độc thần”, Đức Cha Paul Hinder, Đại diện Tông tòa Bắc Ả Rập, nói với các phóng viên qua video từ Abu Dhabi ngày 24 tháng 10.

Mong muốn chung là giúp “chăm sóc sáng thế… vì biết rằng nếu có xung đột giữa các quốc gia đa số theo Kitô giáo và Hồi giáo, thì đó là một vấn đề cho toàn thế giới, không chỉ cho một hoặc hai quốc gia,” vị Giám mục người Thụy Sĩ 80 tuổi cho biết như thế. Ngài là người đầu tiên được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của vùng Ả Rập vào năm 2003, và hiện đang giám sát Bahrain, Kuwait, Qatar và, một cách chính thức cả Ả Rập Xê Út.

Ngài nói, ý định của Đức Thánh Cha là “làm cho chúng ta hiểu rằng điều hoàn toàn cần thiết” là tìm ra một nơi có thể có sự tôn trọng và hợp tác hỗ tương mạnh mẽ.

Đức Giáo Hoàng sẽ có cơ hội nhấn mạnh vai trò của các chính phủ, các nhà ngoại giao và các thành viên của xã hội dân sự khi ngài gặp họ vào ngày 3 tháng 11 tại Cung điện Sakhir. Đức Giáo Hoàng cũng sẽ gặp Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa, người đã mời Đức Giáo Hoàng và tài trợ cho Diễn đàn Đối thoại.

Bahrain, một quốc gia quần đảo thịnh vượng với khoảng 30 hòn đảo, là quốc gia nhỏ nhất ở Trung Đông, với khoảng 1.5 triệu người, khoảng một nửa trong số đó là người lao động nước ngoài. Khoảng 74 phần trăm cư dân theo đạo Hồi và 9 phần trăm theo Kitô giáo. Những người theo Ấn giáo, Phật giáo và Do Thái giáo nằm trong số các cộng đồng khác có mặt tại đây.

Đức Cha Hinder cho biết không có số liệu thống kê chính thức về số Kitô hữu, nhưng Giáo Hội ước tính có khoảng 80,000 người Công Giáo ở Bahrain, trong đó có khoảng 1,000 người là công dân của tiểu vương quốc này.

Người Công Giáo ở Bahrain chủ yếu đến từ Phi Luật Tân, Ấn Độ và Sri Lanka. Người Nam Mỹ, người châu Âu và người Ả Rập từ vùng Levant chiếm phần còn lại của dân số Kitô giáo trên đảo.

Đức Cha Hinder cho biết những người Công Giáo rất vui mừng vì Đức Giáo Hoàng sẽ đến để khuyến khích họ trong đức tin.

Ngài nói, họ là “một bầy chiên nhỏ bé với ít hoặc thực tế không có quyền lực”. Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng khiến họ “cảm thấy được công nhận. ‘Chúng tôi hiện hữu!’" Và nó sẽ nâng cao tinh thần của họ.

Ngài nói, những người lao động xa xứ không có một cuộc sống dễ dàng, không phải vì họ sống ở một đất nước Hồi giáo, mà bởi vì đó là một cuộc sống đầy bất trắc khi nhiều người cố gắng tìm ra bước đi tiếp theo của họ: ở lại, trở về quê nhà hay tìm kiếm việc làm ở Tây Phương.

Đức Cha cho hay, tự do tôn giáo nói chung được tôn trọng ở Bahrain, “mặc dù không hoàn toàn lý tưởng”. Thí dụ: không có trở ngại pháp lý chính thức nào đối với việc trở lại đạo, nhưng có thể có áp lực rất lớn từ xã hội và đặc biệt từ gia đình chống lại việc trở lại đạo.

Bahrain là quốc gia đầu tiên ở Vịnh Ba Tư xây dựng một nhà thờ Công Giáo - Nhà thờ Thánh Tâm, được khánh thành vào đêm Giáng sinh năm 1939. Vào ngày cuối cùng của ngài ở Bahrain, Đức Giáo Hoàng sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện ở đó với các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và những người làm công tác mục vụ.

Đất nước này hiện cũng là nơi có nhà thờ lớn nhất trong khu vực Vịnh Ba Tư; Nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập được thánh hiến vào tháng 12 tại Awali, cách thủ đô Manama 16 dặm về phía nam. Nó được xây dựng để phục vụ tốt hơn cho dân số Công Giáo ngày càng tăng - ước tính khoảng 2.5 triệu người - khắp vùng Vịnh.

Đức Giáo Hoàng sẽ tổ chức một cuộc họp đại kết và cầu nguyện cho hòa bình tại nhà thờ lớn vào ngày 4 tháng 11, ngay sau khi ngài gặp Sheikh Ahmad el-Tayeb, đại giáo sĩ của đền thờ Hồi giáo và đại học Al-Azhar của Ai Cập, và với các thành viên của Hội đồng Nguyên lão Hồi giáo - một nhóm học giả và chuyên gia Hồi giáo quốc tế - tại đền thờ Hồi giáo của Cung điện Sakhir.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Quốc gia Bahrain ở Awali vào ngày 5 tháng 11, và Đức Hinder cho biết các nhà tổ chức đã dành chỗ ngồi dành riêng cho những người Công Giáo từ các quốc gia lân cận, đặc biệt là từ Ả Rập Xê-út, nơi không cho phép các Kitô hữu thực hành đức tin của họ một cách công khai.

Đức cha Hinder hy vọng, chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ gửi “một tín hiệu mạnh mẽ” tới Ả Rập Xê-út, quốc gia này chắc chắn sẽ theo dõi, nhưng đang di chuyển chậm hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực khi nói đến sự tôn trọng nhiều hơn đối với tự do tôn giáo và phẩm giá của tất cả mọi người.

Vị giám mục này nói, "Tôi tin tưởng rằng khi tới một quốc gia nhỏ không có nhiều quyền lực trong trò chơi chính trị ở Trung Đông" có lẽ là “một nơi tốt để gửi tín hiệu” đến khu vực xung quanh.

Trong khi đã có một số cải cách chính trị, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã đánh dấu một số lo ngại, đặc biệt là với hệ thống tài trợ thị thực visa lao động, một điều hiện đang mang lại cho người sử dụng lao động quyền lực quá mức đối với nhân viên nước ngoài của họ và với việc sử dụng án tử hình và án tù dài hạn đối với các nhà tranh đấu dân chủ.

Đức Cha Hinder cho biết ngài sẽ không mong đợi Đức Giáo Hoàng sẽ công khai nêu lên những lo ngại đó vì theo kinh nghiệm của ngài, nhiều việc có thể được thực hiện “ở hậu trường”.

Theo ngài, các quốc gia ở Tây phương đã quen với việc có thể công khai chỉ trích người khác. Tuy nhiên, Bahrain có “văn hóa khẳng định”, nhấn mạnh đến sự khen ngợi và động viên, đồng thời không khuyến khích những lời chỉ trích công khai, vốn bị coi là thiếu tôn trọng.

Ngài nói, điều hiệu quả hơn trong các cuộc thảo luận của ngài với các nhà lãnh đạo là tâm sự một cách chân thành và riêng tư theo cách “cởi mở đầu óc” đối với các vấn đề đang bàn.

Ngài cho biết, “Tôi hy vọng một số điều có vấn đề cũng sẽ có trên nghị trình”, nhưng được xử lý một cách kín đáo hơn, ngoài ánh đèn sân khấu.

Ngài nói: “Những chuyến thăm mang tính biểu tượng như vậy của một vị giáo hoàng sẽ có những tác động mà ngày nay chúng ta có thể không lường trước được. Tôi nghĩ rằng những bước đi dũng cảm của ngài sẽ mở được nhiều cánh cửa. Chúng ta không biết ở đâu, nhưng tôi hy vọng chúng cũng sẽ đóng góp vào các giải pháp cho các cuộc xung đột trong khu vực và có lẽ cả trên hoàn cầu ”.