VỰC THẲM TANG THƯƠNG

Đời người kết thúc khi chết hay còn kéo dài mãi muôn đời sau? Của tôi tôi hưởng thụ hay tôi phải chia sẻ cho người khác? Chúa có công bằng không khi để xảy ra cảnh: “Người ăn chẳng hết, kẻ lần không ra”? Tất cả những câu hỏi ấy đều được trả lời nơi dụ ngôn nhà giàu nhà nghèo trong Phúc Âm tuần này.

1. Đáng thương. Người nghèo Ladarô thật đáng thương: người thì mụn nhọt lở loét đau đớn, bụng thì trống rỗng đói cồn cào khiến miệng chảy nước miếng thèm thuồng những đồ ăn thừa thãi rơi xuống mà không được. Đời anh đau khổ vì nghèo đói bệnh tật đã đành, lại còn thêm cay đắng tủi phận vì ngay trước mắt mình là nhà giàu nứt đố đổ vách.

2. Không thương. Đối ngược với cảnh Ladarô nghèo đói bệnh tật, lại có ông nhà giàu quần là áo lượt, ngày ngày yến tiệc linh đình. Hai cảnh tượng hoàn toàn đối ngược: bên mụn nhọt lở loét, bên gấm hoa lụa là; bên thiếu thốn thèm thuồng, bên thừa thãi thỏa thích. Ladarô đáng thương nhưng ông nhà giàu không thương. Ông dửng dưng vô cảm, nhắm mắt làm ngơ nên không thấy người nghèo ngay cổng nhà mình.

3. Tang thương. Cứ tưởng đời Ladarô mãi chìm trong đau thương, đời nhà giàu mãi ngập trong vui sướng. Nào có ngờ đâu, cái chết làm đời thay đổi. Cả hai cùng chết, người nghèo được thiên thần đem vào lòng Ápraham hưởng phúc, người giàu bị đem chôn khốn khổ chịu cực hình dưới âm phủ. Tang thương đời đời vì ông đã sống không yêu thương.

Vực thẳm tang thương đời sau là hậu quả của vực thẳm không thương đời này. Con người không sống 1 mình. Con người sống liên đới thành 1 nhân loại sống cùng nhau, với nhau và vì nhau. Con người xa hay gần nhau không phụ thuộc vào khoảng cách không gian địa lý, mà phụ thuộc vào khoảng cách trái tim yêu ghét: Yêu thì gần, ghét hóa xa như lời ca dao: “Yêu nhau xa mấy cũng gần. Ghét nhau cách một bàn chân cũng lìa.” Thiên Chúa là tình yêu. Thế nên yêu thương làm ta gần Chúa, thù ghét khiến ta xa Chúa đời đời. Amen.