1. Bức tranh Đức Mẹ Sầu Bi tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ thay vì vẽ Chúa Giêsu lại vẽ George Floyd

Một bức tranh pieta, tức là bức tranh Đức Mẹ Sầu Bi đang ôm xác Chúa Giêsu sau khi được đưa từ thánh giá xuống được trưng bày tại trường luật Đại học Công Giáo Hoa Kỳ đã vẽ George Floyd ở vị trí của Chúa Giêsu. Bức tranh gây tranh cãi này đã bị đánh cắp vào tối thứ Ba.

Chủ tịch John Garvey của Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ cho biết tác phẩm nghệ thuật - gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội và đang có một kiến nghị đòi gỡ bỏ nó xuống - đã bị đánh cắp. John Garvey là một trong những người kiên quyết ủng hộ bức tranh đã thay thế bức tranh bị đánh cắp bằng một phiên bản nhỏ hơn của cùng một bức tranh trước đó.

Với tựa đề “Mama,” bức tranh của nghệ sĩ Kelly Latimore, được lắp đặt vào tháng Hai bên ngoài nhà nguyện tại Trường Luật Columbus của trường đại học.

Lattimore đã nói rằng bức tranh được vẽ để “thương tiếc” Floyd, nhưng khi được một người phỏng vấn hỏi rằng liệu nhân vật trong bức tranh pieta là Floyd hay Chúa Giêsu, anh ta trả lời một cách mơ hồ là “Yes”. Tiếng Yes mơ hồ ấy có thể khiến người ta nghĩ rằng anh ta vẽ Chúa Giêsu da đen.

Floyd, 46 tuổi, bị cảnh sát bắt giữ gây thiệt mạng vào tháng 5 năm 2020, làm dấy lên các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Cựu cảnh sát Minneapolis, Derek Chauvin, người đã quỳ trên cổ Floyd hơn 9 phút, sau đó đã bị kết án với ba tội danh giết người cấp độ hai, giết người cấp độ ba và ngộ sát cấp độ hai. Anh ta bị kết án 22.5 năm tù.

“Nhiều người xem nhân vật nam là George Floyd,” Garvey nói trong email, “nhưng Trường Luật của chúng tôi luôn xem nhân vật đó là Chúa Giêsu.”

Trước sự đưa tin của giới truyền thông về bức tranh vào đầu tuần này, trường đại học đã nhận được “một số lượng đáng kể các email và các cuộc gọi điện thoại,” Garvey nói.

Ông cho biết: “Một số nhà phê bình gọi bức ảnh là báng bổ vì họ coi đó là sự tôn sùng hoặc phong thánh cho George Floyd. Một số ý kiến mà chúng tôi nhận được là đáng suy nghĩ và hợp lý. Phần lớn những lời chỉ trích đến từ những người không có liên hệ với trường Đại học.”
Source:Catholic News Agency

2. Thắp sáng cây thông và khánh thành cảnh Chúa Giáng Sinh tại Vatican

Lúc 5g chiều thứ Sáu 10 tháng 12, lễ nghi thắp sáng cây thông Giáng Sinh và khánh thành cảnh Chúa Giáng Sinh đã diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô

Năm nay, cây thông Giáng Sinh đến từ Andalo, một ngôi làng nhỏ với khoảng 1,000 cư dân nằm ở Dolomites của Paganella. Cây thông Noel cao 27.4 m ở quảng trường Thánh Phêrô, được trang trí bằng 600 quả bóng gỗ do các thợ thủ công của Andalo tạo ra bằng tay và cảnh Chúa Giáng Sinh do thợ thủ công của Peru thực hiện nhân kỷ niệm 200 năm thành lập đất nước này.

Cảnh Chúa Giáng Sinh năm nay được thực hiện bởi cộng đồng người Peru ở Chopcca, một một thị trấn nhỏ nép mình trên dãy Andes cao hơn 12,000 feet, tức là 3657m, ở vùng Huancavelica. Một phái đoàn của các cộng đồng Peru đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến để trình bày về các món quà vào sáng thứ Sáu.

“Kể từ ngày 10 tháng 12 và trong 50 ngày, hơn 100 triệu khách du lịch và những người theo dõi các phương tiện truyền thông sẽ chú ý đến cảnh Giáng Sinh ở Tòa Thánh xoay quanh máng cỏ vùng núi Andes”, một thông báo từ hãng thông tấn Andina cho biết. Andina là phương tiện truyền thông chính thức của Peru.

Cảnh Chúa Giáng Sinh năm ngoái, một tập hợp 54 nhân vật có niên đại từ những năm 1960 và 1970, đã gây ra các tranh cãi trên mạng xã hội. Một số người mô tả nó là “một số bộ phận xe hơi, đồ chơi trẻ em và một phi hành gia”. Phản ứng đối với cảnh Giáng Sinh năm ngoái tại quảng trường Thánh Phêrô là rất tiêu cực. Thông thường, sau buổi hát Kinh Chiều Tạ Ơn Tedeum vào chiều cuối năm, Đức Giáo Hoàng sẽ ra viếng hang đá. Năm ngoái, ngài đã không làm như thế. Trước đó, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20 tháng 12, Đức Giáo Hoàng đã hai lần kêu gọi du khách đến xem một cuộc triển lãm 100 cảnh Chúa Giáng Sinh truyền thống ở các hàng cột của quảng trường, mà không nhắc một lời nào đến Cảnh Giáng Sinh được trưng bày tại giữa quảng trường Thánh Phêrô.

Cảnh giáng sinh của Chopcca có hơn 30 tác phẩm và sẽ được thực hiện bởi 5 nghệ sĩ nổi tiếng của Huancavelica. Huancavelica là một thị trấn nằm giữa Lima và Cusco.

3. Biến thể Omicron đe dọa sự phục hồi du lịch ở châu Á

Trong khi các chuyên gia kiểm tra khả năng lây nhiễm và khả năng gây chết người của biến thể Omicron, các phản ứng với chủng vi khuẩn mới tại các quốc gia rất khác nhau.

So với biến thể Delta, đã gây ra hàng nghìn người chết trong mùa hè, chủng SARS-C0V-2 mới có vẻ rất dễ lây lan nhưng không gây chết người.

Tuy nhiên, tuần trước Nhật Bản đã quyết định không chấp nhận bất kỳ rủi ro nào. Chính quyền địa phương yêu cầu các hãng hàng không phải ngừng đặt các chuyến bay đến Nhật Bản cho đến cuối tháng 12. Cuối cùng, họ đã nhượng bộ nhưng áp đặt mức tối đa là 3,500 lượt khách hàng ngày từ nước ngoài.

Sau đỉnh cao hơn 20,000 trường hợp nhiễm bệnh mới trong mùa hè, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thực hiện các bước quyết liệt để bảo vệ người dân Nhật Bản, mặc dù gần 80% hiện đã được tiêm phòng đầy đủ hai mũi và các ca nhiễm mới gần đây đã dao động khoảng một trăm trường hợp một ngày, chỉ có ba trường hợp được phát hiện có liên quan đến biến thể Omicron.

Điều này đã có tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch địa phương với số lượng du khách giảm từ 32 triệu vào năm 2019 xuống còn 4 triệu vào năm ngoái.

Đối với một số nhà quan sát, bất chấp những vấn đề liên quan đến việc thiếu khách du lịch nước ngoài, Nhật Bản có thể đang phải học cách sống mà không có nguồn thu từ du lịch. Các nước Á Châu khác và các hãng hàng không hoạt động trong khu vực này cũng vậy.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, Á Châu - Thái Bình Dương là khu vực duy nhất trên thế giới chưa chứng kiến sự hồi sinh của du lịch hàng không quốc tế sau hai năm.

Đến tháng 10 năm 2021, mức giảm 92.8% so với năm 2019, gần như không thay đổi so với mức 93.1% được báo cáo vào tháng 9.

Trong nỗ lực đối phó với một cuộc khủng hoảng mới, Singapore đang giữ cho biên giới của mình rộng mở sau khi thiết lập các tuyến đường du lịch ưu đãi cho những ai đã được tiêm chủng từ các quốc gia Á Châu khác.

Việc áp đặt các hạn chế và kiểm dịch mới ở các quốc gia láng giềng sau khi Omicron được phát hiện ra, cũng làm mất đi hy vọng về sự phục hồi của thành phố.

Năm 2019, 17% khách du lịch hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Changi Singapore đến từ Trung Quốc, 13% đến từ Indonesia, 8% từ Ấn Độ và 7% từ Úc.

Hiện tại, mặc dù có chế độ ưu đãi cho những ai đã được tiêm chủng, nhưng mọi người vẫn tránh xa - các chuyên gia lưu ý rằng trong tháng này Sân bay Changi đón chưa được 10% lượng du lịch trước COVID.

Trên đảo Tế Châu (Jeju, 제주) của Hàn Quốc, một điểm du lịch nổi tiếng bên bờ biển nơi người Trung Quốc có thể đến mà không cần thị thực nhập cảnh, số lượng khách du lịch đã giảm từ hơn 1 triệu vào năm 2019 xuống còn 103,000 vào năm 2020. Từ tháng Giêng đến tháng 9 năm nay, chỉ có 5,000 người đến thăm hòn đảo.

Đối với những quốc gia kiềm chế được số ca lây nhiễm, giải pháp duy nhất hiện nay dường như là du lịch trong nước.
Source:Asia News