1. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cầu hồn cho danh thủ Maradona

Theo thông báo của Raffaele Auriemma trên các phương tiện truyền thông xã hội, sáng thứ Năm 25 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ cầu hồn cho danh thủ túc cầu Á Căn Đình Maradona tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô có một buổi tiếp kiến riêng với bạn bè và người thân của anh.

Danh thủ Diego Maradona đã qua đời vào ngày 25 tháng 11, năm ngoái tại nhà riêng ở thành phố Tigre, Á Căn Đình, do nghi ngờ bị mắc chứng suy tim mãn tính.

Vatican News cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô tưởng nhớ Diego Armando Maradona trong lời cầu nguyện sau cái chết của nhà vô địch túc cầu Á Căn Đình ở tuổi 60.

Anh sinh ngày 30 tháng 10, 1960 và qua đời vào khoảng 12 giờ trưa giờ địa phương ngày 25 tháng 11, năm ngoái.

Ở tuổi vừa quá sáu mươi một chút, anh để lại một khoảng trống không thể lấp đầy trong thế giới túc cầu, và thế giới đã thương tiếc một thiên tài thể thao mà chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại.

Anh đã giúp đội Á Căn Đình đoạt giải Vô địch Túc cầu Thế giới năm 1986, hôn chiếc cúp, nâng niu nó và giơ nó trên cao trong Sân vận động Azteca khổng lồ của Mễ Tây Cơ. Đó là đỉnh cao trong sự nghiệp của Diego Maradona và đó là lúc thể lực của anh đang ở đỉnh cao nhất trong cuộc đời thể thao mình.

Sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, Diego đã tự vươn lên bằng những chiến tích của mình, mê hoặc các đối thủ và nhận được sự tôn trọng của người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới.

Quả bóng như được dán vào bàn chân trái, gọi là bàn chân vàng của anh. Ở đỉnh cao của anh, Diego Maradona không có đối thủ nào sánh bằng.

Nhưng giống như những thiên tài khác, kỹ năng và sự sáng suốt của anh chỉ giới hạn trong một lĩnh vực cụ thể, và anh ấy phải vật lộn một cách khó khăn trong các khía cạnh khác của cuộc sống của mình, bị bủa vây bởi những vấn đề liên quan đến ma túy và rượu, là điều mà anh ấy không bao giờ tìm cách bào chữa hay che giấu, nhưng chiến đấu với chúng bằng tất cả sức lực của mình, và công khai chúng như một lời cảnh giác cho giới trẻ.

Cũng có những khi anh cùng đồng đội đã phải trải qua một số trận chiến không thể thắng được đối phương. Trong những tình huống như thế, chính cách họ dũng cảm chiến đấu đã làm cho chiến công của họ trở nên đáng nhớ.

Trong trận tứ kết giải Vô địch Túc cầu Thế giới năm 1986 đầy huyền thoại đó, anh đã khiến Đội tuyển Anh tức giận với bàn thắng nhờ “Bàn tay của Chúa”, nhưng vài phút sau đó đã khiến họ trải qua từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác, với bàn thắng vĩ đại nhất của mọi thời đại, khi anh chạy lắt léo vượt qua hàng tiền vệ và hàng hậu thủ, đánh bại sáu cầu thủ Anh và ghi bàn trong sự tuyệt vọng của thủ môn Peter Shilton.

Chỉ Diego Armado Maradona mới có thể ghi được bàn thắng đó. Chưa bao giờ có ai có thể ghi bàn trong một tình huống cam go như thế.

Gary Lineker, người đã từng là một ngôi sao và là thành viên của đội tuyển Anh, đã bày tỏ sự tôn kính sau cái chết của Maradona. Anh nói: “Diego là cầu thủ xuất sắc nhất trong thế hệ của tôi và được cho là vĩ đại nhất mọi thời đại”.

Pele, người cạnh tranh với Diego cho vị trí đầu bảng nói: “Tôi đã mất một người bạn tuyệt vời và thế giới đã mất đi một huyền thoại. Một ngày nào đó tôi hy vọng chúng ta có thể chơi bóng cùng nhau trên trời”.

Diego đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô - một người hâm mộ anh - trong một số dịp, đáng chú ý nhất là vào ngày 4 tháng 9 năm 2014 tại Casa Santa Marta, trước một trận đấu để gây quỹ bác ái. Diego đã tặng Đức Giáo Hoàng chiếc áo số 10 nổi tiếng với chữ “Francisco” được thêu trên đó.

Họ gặp lại nhau một năm sau đó, vì các công việc liên quan đến phong trào Scholas Occurrents trên toàn thế giới của Đức Giáo Hoàng dành cho những người trẻ tuổi, những người là niềm hy vọng của thế giới chúng ta.

Năm ngoái, vào ngày 2 tháng 11, Maradona phải nhập viện ở La Plata. Một ngày sau, anh được phẫu thuật não khẩn cấp để điều trị khối máu tụ trong não. Vatican News cho biết Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho anh trong thời gian căng thẳng này. Anh được xuất viện vào ngày 12 tháng 11 sau khi phẫu thuật thành công và được các bác sĩ giám sát như một bệnh nhân ngoại trú. Rồi đột nhiên có tin anh qua đời trong một cơn đau tim.

Sau cái chết của Maradona, một giám mục người Á Căn Đình đã khuyến khích anh chị em giáo dân cầu nguyện cho linh hồn của siêu sao túc cầu này.

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh ấy, để anh ấy được nghỉ yên muôn đời, xin Chúa đón nhận anh ấy vào lòng, xin Ngài trìu mến nhìn đến anh với tình yêu và lòng thương xót,” Đức Cha Eduardo Garcia, Giám Mục của San Justo nói với El Digital.

Câu chuyện của Maradona là “một tấm gương về sự vượt qua”, vị giám mục nói. Ngài lưu ý về hoàn cảnh khiêm tốn trong cuộc sống ban đầu của anh. “Đối với nhiều trẻ em đang gặp hoàn cảnh khó khăn, câu chuyện của anh khiến họ mơ về một tương lai tốt đẹp hơn. Anh ấy đã làm việc và đã đến những nơi quan trọng mà không quên cội nguồn của mình “.

Đức Cha Garcia ghi nhận công việc vì người nghèo đã chiếm hết thời gian của Maradona trong những năm cuối đời của anh.
Source:TuttoNapoli

2. Tổng giám mục Denver chỉ trích hành vi phá hoại tài sản Công Giáo

Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver tuần này đã chỉ trích sự gia tăng đáng kể và được ghi nhận cụ thể gần đây về các hành vi phá hoại và đốt phá tài sản Công Giáo ở Hoa Kỳ, và gọi các vụ phá hoại có mục tiêu là đáng “kinh hoàng”.

Viết trên tờ Washington Post ngày 18 tháng 11, Đức Tổng Giám Mục Aquila lưu ý rằng các giám mục Hoa Kỳ đã ghi lại ít nhất 100 trường hợp phá hoại, đốt phá và phá hủy tài sản Công Giáo trên toàn quốc kể từ tháng 5 năm 2020.

Các biến cố bao gồm vẽ bậy lên tường nhà thờ, chặt đầu hoặc đập vỡ các tượng Công Giáo, vẽ hình chữ thập ngoặc và đốt phá các bia mộ. Nhiều biến cố khác có thể đã không được thông báo rộng rãi.

Cụ thể, Đức Tổng Giám Mục Aquila đã nêu bật một vụ việc vẽ bậy tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver vào tháng trước, trong đó một phụ nữ đơn độc, một người ủng hộ quyền phá thai, đã vẽ những khẩu hiệu phun sơn như “Satan sống ở đây” trên tường của tòa nhà lịch sử.

Theo Đức Tổng Giám Mục Aquila, “Nó giông như quay trở lại đầu thế kỷ 20 hoặc cuối thế kỷ 19, khi một làn sóng nhập cư những người Công Giáo vấp phải sự phản kháng công khai của một nền văn hóa chủ yếu là Tin lành”.

“Là người Công Giáo, chúng ta nhận ra rằng đây là một cuộc khủng hoảng tinh thần. Chúng ta cầu nguyện cho sự kết thúc của những cuộc tấn công kinh hoàng như vậy và cho tình yêu của Thiên Chúa xua đuổi sự căm ghét trong những kẻ gây án, bất kể họ đã nhắm mục tiêu vào ai. Tuy nhiên, là người Mỹ, chúng ta cũng thấy rõ một cuộc khủng hoảng văn hóa. Những người có thiện chí, dù theo tôn giáo hay không, phải lên án và đối đầu với các xu hướng xã hội khuyến khích các cuộc tấn công vào các nơi thờ phượng - là những xu hướng vượt xa tôn giáo trong cố gắng bóp nghẹt quyền tự do phát biểu của người khác.”.

Kể từ tháng 2 năm 2020, chỉ riêng tại Tổng giáo phận Denver, ít nhất 25 giáo xứ hoặc cứ điểm truyền giáo đã là mục tiêu của các hoạt động phá hoại, đốt phá tài sản hoặc trộm cắp.

Đức Tổng Giám Mục Aquila chỉ ra rằng người Công Giáo không phải là nhóm tôn giáo duy nhất bị nhắm tới trong những tháng gần đây. Các nhà thờ Tin lành của người Mỹ gốc Phi, các ngôi chùa Phật giáo, đền thờ Hồi giáo, hội đường Do Thái và các nghĩa trang đều đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công khác nhau trong một năm rưỡi qua.

Nhìn chung, tội ác thù hận, bao gồm các cuộc tấn công có động cơ tôn giáo, có thể sẽ lập kỷ lục cao nhất trong 20 năm qua vào năm 2021.

Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng: “Cuộc đối thoại tôn trọng đã nhường chỗ cho sự đối đầu gay gắt. Trước đây, người ta cố gắng thay đổi người khác thông qua sức mạnh của lý lẽ trí tuệ, đạo đức và sự phân định kỹ lưỡng. Ngày nay, đường lối của nhiều người là vũ lực. Nó thường diễn ra dưới các hình thức bạo lực hoặc phá hoại”.

Đức Cha Aquila đã viết rằng khi sự gây hấn là một phản ứng được chấp nhận rộng rãi đối với sự khác biệt về quan điểm, thì “nền dân chủ không thể tồn tại.”

Đức Cha Aquila kết luận rằng: “Mọi người đều có vai trò trong việc đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Bất kể niềm tin cá nhân của chúng ta là gì, chúng ta phải lấy lại sự tôn trọng đối với phẩm giá của con người”.
Source:Catholic News Agency

3. Tại sao Indianapolis được chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội Thánh Thể? Đức Tổng Giám Mục giải thích

Một nửa nước Mỹ sống cách Indianapolis không quá một ngày lái xe.

Các giám mục Hoa Kỳ hy vọng có tới 100,000 người Công Giáo xuất hiện tại Thành phố Circle trong vòng ba năm kể từ bây giờ cho đại hội Thánh Thể toàn quốc đầu tiên kể từ năm 1976.

“Người dân của chúng tôi rất vui mừng về những gì có thể có ý nghĩa đối với chúng tôi với tư cách là gia đình, cá nhân, giáo xứ, giáo phận, và với tư cách là một Giáo hội trên khắp đất nước,” Đức Tổng Giám Mục Charles C. Thompson của Indianapolis nói với CNA vào ngày 17 tháng 11.

Trước đó cùng ngày, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã công bố thành phố này là địa điểm của Đại hội Thánh Thể Quốc gia, dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến 21 tháng 7 năm 2024. Cuộc họp sẽ đánh dấu đỉnh cao của chiến dịch phục hưng Thánh Thể kéo dài ba năm của các giám mục Hoa Kỳ, bắt đầu từ ngày 19 tháng 6 năm 2022 nhân ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa.

Denver, Atlanta và Indianapolis đều nằm trong danh sách đã được chọn lọc các thành phố có thể đăng cai, Đức Tổng Giám Mục Thompson nói.

Cuối cùng, vị trí trung tâm của thành phố Circle, các cơ sở hội nghị được đánh giá cao và kinh nghiệm tổ chức các sự kiện lớn, bao gồm Super Bowl, vòng loại trực tiếp NBA năm ngoái và Giải vô địch túc cầu đại học 2022 vào ngày 10 tháng Giêng, là các yếu tố đã khiến Indianapolis được chọn.

Đức Cha Thompson lưu ý, trung tâm hội nghị của thành phố, sân vận động Lucas Oil với 70,000 chỗ ngồi và mạng lưới các khách sạn lớn đều được kết nối với nhau, giúp những người tham gia sự kiện dễ dàng di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác mà không cần ra ngoài trời.

Đức Cha Thompson đã bay về nhà vào ngày 18 tháng 11 để tham dự Hội nghị Thanh niên Công Giáo Quốc gia, được tổ chức tại Indianapolis từ ngày 18 đến 20 tháng 11.

Đã 45 năm kể từ đại hội Thánh Thể cuối cùng của Hoa Kỳ, ở Philadelphia. Vì thế, những người Công Giáo Hoa Kỳ cần được bồi dưỡng về những gì đang thực sự xảy ra.

Nói tóm lại, đây là một cuộc cử hành tập trung coi Bí tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống Công Giáo, với các Thánh lễ, giờ chầu, đám rước, và những diễn giả truyền cảm hứng, và các sự kiện khác nữa. Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 đã diễn ra tại Budapest, Hung Gia Lợi từ ngày 5 đến 12 tháng 9, đã được đánh giá rất cao.

Việc thành phố lựa chọn làm chủ nhà của đại hội năm 2024 sẽ có nghĩa là sẽ có nhiều công việc hơn cho tổng giáo phận, nhưng Đức Cha Thompson nói với CNA rằng ngài tin rằng các nhân viên của mình sẵn sàng đối mặt với các thách thức.

Ngài cho rằng Indianapolis là một lựa chọn phù hợp, vì nhiều lý do.

“Indiana được mệnh danh là ngã tư của nước Mỹ. Khi tôi nghĩ về những ngã tư, tôi nghĩ về cây thánh giá. Và nếu không có thập giá, sẽ không có Thánh Thể. Chúa Giêsu vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh đưa ra một gương mẫu tuyệt vời về sự phục vụ, nhưng ngài cũng ban cho chúng ta Mình Máu Thánh của ngài”.
Source:Catholic News Agency