Theo nguồn tin của báo Gia Ðình và Xã Hội tại Việt Nam, nhiều người sống quanh nông trường Sông Bôi, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình đã bị chết vì bệnh ung thư. Sau đây là các câu chuyện do báo Gia Ðình và Xã Hội kể:

Gần đây nhất là trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu, công nhân đội 2, tổ sản xuất số 4. Cuối năm 2000, chị bắt đầu phát bệnh với những cơn đau bụng, ngỡ là đau bụng giun bình thường. Nhưng các bác sĩ ở Bệnh viện K đã khẳng định, chị bị ung thư đại tràng. Sau nhiều tháng chữa trị, tài sản trong nhà lần lượt ra đi, song chúng cũng không giúp chị thoát khỏi cái chết.

Vợ chồng anh Hoàng Quốc Việt và chị Phạm Thị Mơ, ở đội 7, cùng mất vì ung thư. Vân Anh, con đầu lòng của anh chị kể, năm 1996, sau cơn đau kéo dài một tháng thì mẹ em qua đời vì ung thư máu. 3 năm sau, bụng của bố Vân Anh bỗng ngày một phình to bởi bệnh xơ gan cổ trướng và mất sau 2 tháng nằm viện. Mồ côi cha mẹ, 3 chị em gái Vân Anh sống trong túp lều mái tranh lợp lá, không vườn tược, hằng ngày đi hái chè thuê.

Các công nhân cho rằng thuốc bảo vệ thực vật của nông trường đã ảnh hưởng đến không khí và nguồn nước sinh hoạt, là nguyên nhân gây bệnh. Theo lời anh Nguyễn Văn Vang, ở đội 2, năm 1976 tổ bảo vệ thực vật của anh gồm 36 người chuyên phun thuốc trừ sâu cho chè, nay người còn người mất. Anh Sỹ, Toán, Hy, Trường... chết vì ngộ đốc thuốc. Anh Vụ ngớ ngẩn bỏ gia đình đi đánh cá lang bạt ở sông ngòi. Bản thân anh Vang sau 7 năm phun thuốc sâu đã gục ngã trên đồi chè, phải đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai và nằm điều dưỡng ở Hà Nội 1 năm.

Bà Nguyễn Thị Tỏ, Phó phòng kinh tế, phụ trách vấn đề môi tường của huyện Lạc Thủy, cho biết những năm 1990, Phòng kết hợp với thanh tra Sở KHCN&MT tỉnh Hòa Bình đã nhiều lần kiểm định môi trường tại khu vực này, nhưng không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ bị ô nhiễm. Ông Đàm Huy Nhu, Giám đốc nông trường cho biết, các danh mục thuốc bảo vệ thực vật đang phun cho cây chè và hoa màu khác đều được phép sử dụng. Nông trường tuyệt đối tuân thủ thời gian an toàn trước khi thu hoạch chè. Hơn nữa, trên địa bàn lại không có kho thuốc trừ sâu.

Theo các công nhân trồng chè, từ khi nông trường khoán sản phẩm đến từng hộ thì khâu đảm bảo an toàn trong lao động chưa được chú trọng. Công nhân phun thuốc mà không mang bảo hộ lao động như gang tay, khẩu trang, áo mưa... Anh Lương Văn Thưởng cho biết, trung bình mỗi người nhận trồng khoán 3 sào chè, một tháng phải phun thuốc 2 lần, mỗi lần 0,5 lít. Như vậy mỗi năm một người trồng chè tiếp xúc với 10 lít thuốc sâu.