Theo Brendan Hodge của The Pillar, sau khi nạn phá thai trở thành điểm nóng giữa các giám mục Hoa Kỳ và cam kết của Joe Biden sẽ mở rộng quyền phá thai trên toàn nước Mỹ, một số người Công Giáo đang tranh luận về những cách tốt nhất để giảm thiểu phá thai ở Hoa Kỳ và quốc tế (xem https://www.pillarcatholic.com/p/why-ending-abortion-is-about-more).



Một châm ngôn chính trị thường được chấp nhận cho rằng nghèo đói là lý do khiến nhiều phụ nữ chọn phá thai. Nhưng xem xét dữ kiện cho thấy mối tương quan giữa nghèo đói và phá thai rất phức tạp và hiểu được các động lực của nó có thể giúp người Công Giáo góp phần giải quyết sự bế tắc của nước Mỹ về chính trị phá thai.

Không có gì ngạc nhiên khi người ta thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa phá thai và nghèo đói. Các nghiên cứu đã liên tục phát hiện điều này: phần lớn các ca phá thai được thực hiện nơi các phụ nữ nghèo. Một nghiên cứu từ năm 2016, khảo sát nhân khẩu học về các phụ nữ từng phá thai vào năm 2014, cho thấy 49% ở dưới mức nghèo liên bang và 26% có thu nhập thấp. Một nghiên cứu khác, dựa trên một cuộc thăm dò qua việc hỏi phụ nữ lý do tại sao họ tìm cách phá thai, cho thấy 73% liệt kê "Hiện không thể đài thọ việc có con" như là lý do.

Dữ liệu như vậy thường được sử dụng để cho rằng phụ nữ chủ yếu phá thai vì hoàn cảnh kinh tế không thể nuôi con. Nếu đúng như vậy, thì việc đơn giản là chấm dứt nạn phá thai bằng cách thuyết phục các chính trị gia cho mọi người nhiều tiền hơn.

Theo quan điểm của giáo huấn xã hội Công Giáo, làm việc để giải quyết nghèo đói tự nó là một mệnh lệnh của công lý. Nhưng vấn đề phá thai, xét một cách chuyên biệt, có mối liên hệ hết sức phức tạp với thu nhập.

Một bài báo năm 2016 trên Tạp chí Y học New England đã nghiên cứu các trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong cả năm 2008 lẫn năm 2011.

Như biểu đồ dưới đây cho thấy, tỷ lệ mang thai (con số mang thai trên 1,000 phụ nữ trong độ tuổi 15-44) ở phụ nữ sống trong cảnh nghèo (dưới mức nghèo liên bang) cao hơn nhiều so với phụ nữ có thu nhập thấp (100% đến 199% chuẩn nghèo liên bang), trong khi phụ nữ có thu nhập từ trung bình trở lên (hơn 200% chuẩn nghèo) có tỷ lệ mang thai thấp hơn cả.

Phụ nữ sống trong cảnh nghèo đói có tỷ lệ mang thai nói chung cao gấp 2.7 lần tỷ lệ phụ nữ có thu nhập từ trung bình trở lên. Số phụ nữ nghèo có thai ngoài dự kiến cao gấp hai lần (60%) so với phụ nữ trung bình trở lên (30%).



Nghiên cứu đã chia số lượng các trường hợp mang thai ngoài ý muốn kết thúc bằng phá thai so với những trường hợp kết thúc bằng cách sinh.

Kết quả có thể gây ngạc nhiên: 38% phụ nữ sống trong cảnh nghèo đói đã phá thai. Những người có thu nhập thấp đã phá thai 44%. Những phụ nữ có thu nhập trung bình trở lên thường chọn phá thai nhất: đối với nhóm này, 48% trường hợp mang thai ngoài ý muốn đã kết thúc bằng phá thai.



Xét về tổng số, nhiều vụ phá thai do các phụ nữ nghèo thực hiện hơn các phụ nữ có thu nhập cao hơn, vì phụ nữ sống trong nghèo đói mang thai ngoài ý muốn nhiều hơn so với phụ nữ thuộc nhóm có thu nhập khác.

Nhưng một đứa trẻ nhất định, được thụ thai bất ngờ, ít có khả năng bị phá thai hơn nếu mẹ em sống trong cảnh nghèo hơn là nếu mẹ em giàu có hơn.



Mặc dù các chính trị gia có thể cho rằng phụ nữ sống trong cảnh nghèo đói là nạn nhân của hoàn cảnh của họ và không thể sinh ra những đứa con mà họ đã thụ thai, nhưng những con số lại cho ta một câu chuyện khác hẳn về khá nhiều phụ nữ đó. Các phụ nữ sống trong cảnh nghèo khó, bất chấp mọi khó khăn họ phải đối đầu, thường chọn mang những đứa trẻ mang thai ngoài ý muốn vào thế giới này thường xuyên hơn nhiều so với những phụ nữ giàu có hơn.

Phản ứng thế tục phổ biến nhất đối với các dữ kiện về nghèo đói và phá thai là vận động cho quyền ngừa thai rộng rãi và rẻ tiền. Nhưng đối với người Công Giáo, có lẽ có một phản ứng thuyết phục hơn, và đáng tin hơn.

Phụ nữ nghèo và có thu nhập thấp hơn rõ ràng cần và đáng được các cơ chế hỗ trợ kinh tế và xã hội tốt hơn và đáng tin cậy hơn: cho chính họ, cho những đứa con họ đã mang vào thế giới trong những hoàn cảnh khó khăn và cho những đứa con hiện có nguy cơ bị phá thai nhưng có thể được cứu nhờ sự hỗ trợ đầy đủ. Theo quan điểm Công Giáo, nên xem xét một loạt các đề xuất chính sách nhằm cung cấp sự hỗ trợ đó, và mỗi đề xuất sẽ có tác dụng làm giảm số ca phá thai.

Nhưng vì những phụ nữ tương đối khá giả thực sự có xu hướng tìm cách phá thai khi mang thai ngoài ý muốn hơn những phụ nữ sống trong cảnh nghèo đói, nên việc giải quyết vấn đề phá thai rõ ràng không chỉ là vấn đề kinh tế.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra những cái nhìn thông sáng rất có liên quan đến hiện tượng này. Ngài thường nói về nền “văn hóa vứt bỏ” và nhận xét trong Tông huấn Evangelii gaudium rằng “Chủ nghĩa cá nhân của thời hậu hiện đại và hoàn cầu hóa của chúng ta ủng hộ một lối sống làm suy yếu sự phát triển và ổn định của các mối liên hệ bản thân và làm biến dạng các mối liên hệ gia đình”.

Có lẽ Đức Thánh Cha đang hướng chú ý, ít nhất là một phần, vào vụ tai tiếng mà những người giàu có hơn trong thế giới hiện đại thường ít chào đón sự sống bất ngờ hơn những người sống trong cảnh nghèo đói.

Như đã nói ở trên, không những các phụ nữ có thu nhập cao hơn thường phá những bào thai ngoài ý muốn hơn phụ nữ nghèo hoặc có thu nhập thấp, mà xu hướng này còn đang tăng lên theo thời gian.

Nghiên cứu của Tạp chí Y học New England so sánh số liệu thống kê về các trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong năm 2008 và 2011 cho thấy tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn kết cục ở chỗ phá thai đối với các phụ nữ có thu nhập trung bình trở lên đã tăng từ 42% năm 2008 lên 48% năm 2011, trong khi nơi các phụ nữ nghèo nhất, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn kết cục ở chỗ phá thai giảm từ 41% năm 2008 xuống 38% năm 2011.

Cùng một hiện tượng trên cũng được nhìn thấy trên trường quốc tế, một điều chắc chắn Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Giáo hội hoàn cầu đã quan sát phần nào.

Một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet cho thấy ngay cả khi tình trạng nghèo đói đã giảm trên phạm vi hoàn cầu, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và kết cục bằng phá thai vẫn tăng lên. Nghiên cứu này cho thấy từ năm 1990 đến năm 1994 và từ năm 2015 đến năm 2019, bách phân mang thai ngoài ý muốn kết cục bằng phá thai đã tăng lên đáng kể ở mọi khu vực đang phát triển trên thế giới.



Đối đầu với những xu hướng trên ở cả những nơi đang phát triển và giàu có trên thế giới, Giáo Hội Công Giáo được trao cho thách thức phải cung cấp một chứng tá nhất quán cho kế hoạch của Chúa Kitô dành cho sự sống con người.

Dù Giáo hội vốn khuyến khích cả các chính phủ dân sự lẫn chính người Công Giáo cung cấp các nguồn lực cần thiết cho các bà mẹ và trẻ em đang gặp khó khăn, tuy nhiên, giáo huấn Công Giáo nhìn nhận rằng chỉ nguyên các nguồn lực vật chất mà thôi sẽ không xóa bỏ hoàn toàn nạn phá thai; các dữ kiện trình bày ở đây dường như hỗ trợ điều đó.

Trong một nghiên cứu so sánh kéo dài hai năm về các phụ nữ tìm kiếm lý do phá thai, câu trả lời được báo cáo nhiều nhất trong cả hai năm 2004 và 1987 là “Có con sẽ thay đổi đáng kể cuộc đời tôi”.

Thách thức của một cuộc sống thay đổi đáng kể là điều, hiển nhiên, không chỉ giới hạn vào kinh tế học. Đối với Giáo hội, xem ra, nhiệm vụ là kêu gọi và cung cấp các biện pháp hỗ trợ và giúp đỡ cho tất cả những cách thức đáng kể trong đó, một trẻ sơ sinh quả thực thay đổi cuộc sống của cha mẹ em, ở bất cứ mức thu nhập nào, và bất kể hoàn cảnh nào.