LỰC HẤP DẪN
“Lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ngay sau ngày mừng Chúa Cứu Thế hạ sinh cõi trần, Giáo Hội kính tôn một môn đệ Ngài thượng sinh thiên quốc; ngay sau ngày chiêm ngưỡng tình yêu của Vua Trời giáng thế, Giáo Hội ngắm nhìn lửa mến từ đất, một thần dân Ngài dâng lên. Thật là một tương phản gây sốc! Phải chăng một ký ức xuất hiện không đúng chỗ khi Giáo Hội kính nhớ Thánh Têphanô hôm nay?

Không! Một trong những lý do mừng kính vị tử đạo tiên khởi ngay sau ngày đại lễ cho thấy ‘lực hấp dẫn’ có sức hút cực mạnh của Chúa Giêsu, Vua Trời; người môn đệ Têphanô đã dâng cho Ngài tất cả, dâng cả chính mạng sống mình mà không giữ lại gì. Thoạt nghe, điều này có vẻ sẽ làm suy giảm niềm vui của tuần Bát Nhật Giáng Sinh; thế nhưng, với con mắt đức tin, ngày lễ hôm nay chỉ tăng thêm sự huy hoàng và long trọng của ngày lễ; Thánh Têphanô là chứng nhân hùng hồn về một niềm tin vĩ đại vào vị Vua mới sinh thơ bé nằm trong máng cỏ hang lừa.

Sự ra đời của Đấng Kitô đòi hỏi triệt để những ai theo Ngài; đòi buộc chúng ta sắp xếp lại cuộc sống mình cho phù hợp và cam kết chọn Ngài trên hết, trước hết; không ai hơn Chúa, không chi bằng Chúa, kể cả hiến dâng mạng sống mình; Ngài là trung tâm của cuộc đời chúng ta. Nghĩa là người môn đệ phải sẵn sàng hy sinh mọi sự cho Chúa Giêsu; trung thành với ý muốn thánh khiết của Ngài; và nhất là học nên giống Thầy mình, lại gần Thầy mình, được hút lấy bởi ‘lực hấp dẫn’ của Thầy, hầu mặc lấy một tâm hồn vị tha, tin tưởng và phó thác như Thầy trong an bình.

Khi sắp trút hơi thở, Thầy nói, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha”; khi sắp bị ném đá đến chết, trò thưa, “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận linh hồn con”. Khi sắp bỏ đất, về trời, Thầy nói, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”; khi sắp về trời, rời đất, trò thưa, “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Như Thầy mình, tâm hồn Têphanô thật rộng lượng, bình an; Têphanô đáng được ra đi thanh thản như Thầy mình đã thanh thản ra đi; một sự thanh thản chỉ có nơi người môn đệ được ‘lực hấp dẫn’ của Thầy thu hút đến nỗi nên giống Thầy. Và như thế, thật ý nghĩa khi Giáo Hội mừng lễ Thánh Têphanô ngay sau ngày hân hoan này.

Một chủ ý khác của Giáo Hội, Chúa Giêsu là ‘lý do của mùa giải’. Đây là sự thật! Chúa Giêsu là lý do và là ‘lực hấp dẫn’ của cuộc sống; lý do để chúng ta hiến dâng cuộc sống mà không dè giữ. Sự ra đời của Ngài không gì khác hơn là cơ hội để mỗi người bước vào một cuộc sống mới; một cuộc sống trật tự mới mẻ, đầy ân sủng và hoàn toàn tự hiến; một cuộc sống được kêu gọi để cống hiến, phó thác trọn vẹn hơn cho Giêsu hài nhi. Đó cũng là tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Lạy Chúa, con phó thác tâm hồn trong tay Chúa”.

Một giáo sư người Hà Lan đã nghiên cứu và tính toán chi phí cần thiết để có thể giết chết một binh sĩ của đối phương qua các thời đại trong lịch sử. Ông ước tính, thời trị vì của Julius Caesar, để giết chết một người lính của đối phương, phải tốn ít hơn một đô la; thời Napoléon, chi phí tăng lên đáng kể, hơn 2,000 đô la; cuối đệ nhất thế chiến, con số đã nhân lên nhiều lần để đạt khoảng 17,000 đô la; trong đệ nhị thế chiến, là khoảng 40,000 đô la. Và vào năm 1970, để giết một người lính đối phương, Hoa Kỳ phải tiêu tốn 200,000 đô la.

Anh Chị em,

Vậy để giết chết một môn đệ của Chúa Giêsu thì tốn bao nhiêu? Và nếu giết chết chính Con Thiên Chúa thì giá cả sẽ thế nào? Thật là một nghịch lý, và nếu suy cho cùng, xem ra không tốn gì cả. Nhưng ngược lại, để cứu một linh hồn, Chúa Giêsu đã phải chi phí cả mạng sống Ngài; và cái chết của Ngài cùng lúc, cứu sống cả một nhân loại, cứu đời đời. Thật tuyệt vời! Sẽ không ngạc nhiên, Ngài trở nên ‘lực hấp dẫn’ cuốn hút Têphanô; và đến lượt mình, Têphanô đã cuốn hút một người biệt phái có tên là Phaolô, và chắc hẳn, cuốn hút cả các Kitô hữu thời trứng nước của Giáo Hội.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cuốn hút con như đã cuốn hút Têphanô; nhờ đó con cũng trở nên ‘lực hấp dẫn’ để có thể cuốn hút anh chị em con về cho Chúa, ngay hôm nay”, Amen.

(Tgp. Huế)