Lúc 7h30 tối thứ Năm 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Vọng Giáng Sinh. Đây là năm thứ 8 ngài cử hành thánh lễ này trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Do hoàn cảnh đại dịch coronavirus kinh hoàng, thánh lễ thay vì được tổ chức ở bàn thờ chính như thường lệ, đã được cử hành tại bàn thờ Ngai Tòa với một cộng đoàn rất hạn chế. Ngoài ra, thánh lễ cũng phải cử hành sớm hơn.

Trước đây, lễ Đêm Giáng Sinh tại Vatican được cử hành đúng nửa đêm. Năm 2009, vì tình trạng sức khoẻ của ngài, Đức Bênêđíctô XVI đã chuyển lễ Đêm Giáng Sinh ở Vatican từ nửa đêm sang 10 giờ tối. Sau khi Đức Phanxicô được bầu vào ngôi Giáo Hoàng năm 2013, thánh lễ Đêm Giáng Sinh ở Vatican được cử hành lúc 9:30 tối. Như thế, năm nay thánh lễ được cử hành 2 giờ trước thường lệ, để anh chị em có thể về đến nhà trước giờ giới nghiêm là 10 giờ tối, được đưa ra như một phần trong các biện pháp làm chậm sự lây lan của coronavirus.

Trong khi Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế đang tiến lên bàn thờ, ca đoàn cùng cộng đoàn hát bài “The First Noel - Noel đầu tiên” bằng tiếng Ý là “Nella notte”

Mùa Giáng Sinh đầu tiên, các thiên thần kể lại rằng
Là khi có một nhóm người chăn cừu nghèo trên cánh đồng
Nơi mà họ thường chăn dắt những chú cừu
Vào một đêm mùa đông lạnh giá

Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Họ đã nhìn và thấy một ngôi sao
Rực chói cả bầu trời phương Đông xa kia
Và khi đó mặt đất bừng toả sáng
Thế là liên tục như vậy cả ngày và đêm
Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Nhờ ánh sáng của ngôi sao ấy
Từ đất nước phương xa có ba người đàn ông đã đến
Vì mục đích tìm kiếm một vì vua
Thế là họ dõi theo ngôi sao ấy

Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Ngôi sao kia di chuyển mãi gần đến hướngTây Bắc
đến vùng Bethlehem, nó dừng lại
Dừng và nghỉ hẳn tại nơi
Chính nơi đây, nơi Chúa Giêsu đã ra đời

Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Và ba người đàn ông ấy bước đến
Họ cung kính quỳ xuống
Dâng lên vì vua của mình
Nào là vàng bạc, nhũ hương và mộc dược qúy giá

Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Nào thì chúng ta cùng hợp tiếng
Ngợi ca Thiên Chúa
Đã làm cho Trời và Đất giao hoà
Với tất cả tình thương nhân loại

Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!

Một ca trưởng đang hát bài công bố Tin Mừng Giáng Sinh, thường được gọi là Kalenda

Ngày thứ bảy trong tháng âm lịch. Nhiều thời đại đã qua kể từ khi Chúa tạo thành Trời Đất và hình thành nên con người theo hình ảnh của Người; nhiều thế kỷ đã trôi qua sau trận Đại Hồng Thủy, khi Đấng Chí Thánh đặt một cầu vồng trên trời như một dấu hiệu của giao ước và hòa bình;

Bao năm đã trôi qua sau cuộc di cư của Ápraham, là tổ phụ trong đức tin của chúng ta, từ miền Ur của người Chanđê, và hai mươi mốt thế kỷ sau đó là cuộc di cư của dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, dưới sự hướng dẫn của Môise, mười ba thế kỷ sau khi Ða-vít được xức dầu phong vương, một ngàn năm sau đó; trong tuần lễ thứ sáu mươi lăm theo lời tiên tri Ða-ni-ên; vào năm thứ một trăm chín mươi bốn triều Olympiad; sau khi thành Rôma được thành lập năm bảy trăm năm mươi hai, vào năm thứ 40 dưới thời cai trị của Caesar Octavian Augustus, khi toàn thế giới đang sống trong hòa bình: Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian.

Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.

Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.

Đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Đêm nay, lời tiên báo vĩ đại của Tiên tri Isaia đã được ứng nghiệm: “một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta” (Is 9: 6).

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Chúng ta thường nghe rằng niềm vui lớn nhất trong cuộc đời là một đứa trẻ chào đời. Đó là một điều gì đó phi thường và thay đổi mọi thứ. Điều đó mang lại một sự phấn khích khiến chúng ta quên đi sự mệt mỏi, khó chịu và những đêm mất ngủ, vì nó khiến chúng ta tràn ngập niềm hạnh phúc khôn tả và khôn sánh. Ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh là thế này: Chúa Giêsu Giáng Sinh là “sự mới mẻ” giúp chúng ta được tái sinh mỗi năm và tìm thấy nơi Ngài sức mạnh cần thiết để đối mặt với mọi thử thách. Tại sao? Thưa: Vì sự ra đời của Người là dành cho chúng ta - cho tôi, cho anh chị em, cho tất cả mọi người. “Cho” là một từ được lặp đi lặp lại trong đêm thánh này: Tiên tri Isaia nói tiên tri rằng “một hài nhi được sinh ra cho chúng ta”. Thánh Vịnh lặp lại rằng “Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. Thánh Phaolô thì nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã “hiến thân cho chúng ta” (Tt 2:14), và trong Tin Mừng, sứ thần đã tuyên bố: “Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi” (Lc 2:11).

Tuy nhiên, đối với chúng ta, những từ đó thực sự có ý nghĩa gì? Những từ ấy nói lên rằng Con Thiên Chúa, Đấng thánh thiện tự bản chất, đã đến để làm cho chúng ta, với tư cách là con cái của Thiên Chúa, được nên thánh nhờ ân sủng. Đúng thế, Thiên Chúa đã đến thế gian trong hình hài của một hài nhi bé nhỏ để làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Thật là một món quà tuyệt vời! Ngày hôm nay, Thiên Chúa làm chúng ta kinh ngạc và Ngài nói với mỗi người chúng ta rằng: “Con thật tuyệt vời”. Anh chị em thân mến, đừng bao giờ nản lòng. Nếu anh chị em bị cám dỗ để cảm thấy mình chỉ là một sai lầm thì Chúa nói với anh chị em rằng “Không phải như thế đâu, con là con của Ta!” Nếu anh chị em có cảm giác thất bại hay bất toàn, hay sợ hãi rằng anh chị em sẽ không bao giờ thoát ra khỏi con đường hầm tối tăm thử thách thì Chúa nói với anh chị em: “Hãy can đảm, Thầy ở cùng anh em”. Ngài làm điều này không phải bằng lời nói, mà bằng cách biến mình thành một hài nhi sống với anh chị em và cho anh chị em. Bằng cách này, Ngài nhắc nhở anh chị em rằng điểm khởi đầu của mọi sự tái sinh là sự thừa nhận rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Đây là trái tim hy vọng bất diệt của chúng ta, là cốt lõi nhiệt năng mang lại sự ấm áp và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Có một sự thật tuyệt vời ẩn sâu bên dưới tất cả những điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta, mạnh mẽ hơn tất cả những tổn thương và thất bại trong quá khứ, những nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta về tương lai, đó là chúng ta là những con trai, con gái được Chúa yêu dấu. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta không và sẽ không bao giờ phụ thuộc vào chúng ta. Đó là tình yêu hoàn toàn nhưng không, và ân sủng thuần khiết. Tối nay, Thánh Phaolô nói với chúng ta, “ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện” (Tt 2:11). Không có gì quý hơn điều này.

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Chúa Cha đã không ban cho chúng ta một điều gì, hay một vật gì; Ngài đã ban cho chúng ta Con Một của Người, là tất cả niềm vui của Người. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào sự vô ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa và sự bất công của chúng ta đối với rất nhiều anh chị em của mình, một mối nghi ngờ có thể nảy sinh. Liệu Chúa có đúng không khi ban cho chúng ta quá nhiều như thế? Liệu Chúa có đúng không khi vẫn tin tưởng nơi chúng ta? Liệu Người có đánh giá chúng ta quá cao hay không? Tất nhiên, Chúa đánh giá chúng ta quá cao, nhưng Ngài làm như thế vì Ngài yêu chúng ta đến điên cuồng. Chúa không thể không yêu chúng ta. Đó là đường lối của Người, là điều rất khác với chúng ta. Chúa luôn yêu chúng ta bằng một tình yêu lớn hơn chúng ta dành cho chính mình. Đây là bí mật của Ngài để đi vào trái tim của chúng ta. Thiên Chúa biết rằng chúng ta trở nên tốt hơn chỉ khi chúng ta chấp nhận tình yêu trung tín của Ngài, một tình yêu không thay đổi đã thay đổi chúng ta. Chỉ có tình yêu của Chúa Giêsu mới có thể biến đổi cuộc sống của chúng ta, chữa lành những tổn thương sâu sắc nhất của chúng ta, và giải thoát chúng ta khỏi vòng luẩn quẩn của thất vọng, giận dữ và phàn nàn liên tục.

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Trong máng cỏ thấp hèn của chuồng ngựa tối tăm, Con Thiên Chúa hiện diện thực sự. Nhưng điều này đặt ra một câu hỏi khác. Tại sao Chúa lại sinh ra vào ban đêm, không có chỗ ở đàng hoàng, trong cảnh nghèo đói và bị chối bỏ, trong khi Người xứng đáng được sinh ra như một vị vua oai phong lẫm liệt nhất trong những cung điện huy hoàng tráng lệ nhất? Tại sao lại như thế? Thưa: Để làm cho chúng ta hiểu được tình yêu bao la của Người đối với thân phận con người của chúng ta: thậm chí Chúa chạm đến tận đáy sự bần cùng của chúng ta bằng tình yêu cụ thể của Người. Con Thiên Chúa sinh ra đã bị ruồng bỏ, để nói với chúng ta rằng mọi người bị ruồng bỏ đều là con của Thiên Chúa. Ngài đến với thế giới khi mỗi đứa trẻ chào đời, yếu đuối và dễ bị tổn thương, để chúng ta có thể học cách chấp nhận những điểm yếu của mình bằng tình yêu dịu dàng. Và để khám phá điều gì đó quan trọng. Như xưa Ngài đã làm ở Bethlehem, thì nay chúng ta cũng hãy làm như thế, Thiên Chúa thích làm nên những điều kỳ diệu thông qua sự nghèo khó của chúng ta. Ngài đã đặt toàn bộ ơn cứu rỗi của chúng ta trong máng cỏ của một chuồng gia súc. Ngài không sợ sự nghèo khó của chúng ta, vì thế chúng ta hãy để cho lòng thương xót của Ngài biến đổi hoàn toàn!

Đó là ý nghĩa của câu một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng nghe thấy từ “cho” ở một nơi khác. Sứ thần tuyên bố với các mục đồng: “Đây sẽ là dấu chỉ cho anh em: một hài nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Dấu chỉ đó, Hài nhi trong máng cỏ, cũng là dấu chỉ cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta trong suốt cuộc đời. Ở Bethlehem, một cái tên có nghĩa là “Nhà Bánh”, Thiên Chúa nằm trong máng cỏ, như muốn nhắc nhở chúng ta rằng, để sống, chúng ta cần có Người, giống như bánh chúng ta ăn. Chúng ta cần được lấp đầy bằng tình yêu nhưng không, trung tín và cụ thể của Người. Nhưng trái lại, quá thường chúng ta lại thèm khát giải trí, thành công và những thú vui trần tục, và nuôi dưỡng cuộc sống bằng những lương thực không làm chúng ta thỏa mãn và khiến chúng ta trống rỗng bên trong! Qua tiên tri Isaia, Chúa đã phàn nàn rằng con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó, còn chúng ta, dân Người, lại không biết Người, là nguồn sống của chúng ta (x. Is 1: 2-3). Đúng là như thế: trong lòng ham muốn chiếm hữu vô tận của mình, chúng ta chạy theo vô số máng cỏ chứa đầy phù du mà quên mất máng cỏ Bethlehem. Máng cỏ, nghèo nàn về mọi thứ nhưng giàu tình yêu thương, dạy chúng ta rằng phần lương đích thực trong cuộc sống đến từ việc để chúng ta được Chúa yêu thương và đến lượt chúng ta yêu thương người khác. Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một tấm gương. Ngài, Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã trở thành một hài nhi mới sinh; Người không nói một lời nào nhưng dâng hiến cuộc sống. Chúng ta thì lại khác, chúng ta ba hoa đủ thứ lời, nhưng thường ít nói về điều lành phúc đức.

Một người con được ban cho chúng ta. Cha mẹ của những trẻ nhỏ biết họ được yêu cầu phải có nhiều tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Chúng ta phải cho chúng ăn, chăm sóc chúng, tắm rửa cho chúng và quan tâm đến tính dễ bị tổn thương và nhu cầu của chúng, những điều này thường rất khó hiểu. Một đứa trẻ khiến chúng ta cảm thấy được yêu thương nhưng cũng có thể dạy chúng ta cách yêu thương. Chúa đã chào đời trong hình hài một đứa trẻ để khuyến khích chúng ta quan tâm đến người khác. Những giọt nước mắt lặng lẽ của Người khiến chúng ta nhận ra sự vô dụng trong nhiều lần bộc phát nóng nảy của mình. Tình yêu không tự vệ của Người nhắc nhở chúng ta rằng thời gian của chúng ta không phải là để dành cho việc cảm thấy tủi thân, mà là để an ủi những giọt nước mắt đau khổ. Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta trong cảnh nghèo khó và thiếu thốn, để nói với chúng ta rằng khi phục vụ người nghèo, chúng ta sẽ bày tỏ tình yêu thương của mình đối với Người. Từ đêm này trở đi, như một nhà thơ đã viết, “Nơi ở của Chúa là bên cạnh tôi, đồ đạc của Ngài là tình yêu” (EMILY DICKINSON, Poems, XVII).

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Hài Nhi đã làm cho con trở thành một đứa trẻ. Chúa yêu con như con là, chứ không phải như con tưởng tượng con sẽ là. Khi đón nhận Chúa, Hài Nhi của máng cỏ, một lần nữa con đón nhận trọn cuộc đời mình. Khi chào đón Chúa, Bánh của sự sống, con cũng mong muốn được trao tặng cuộc sống của con. Lạy Chúa, Đấng Cứu Rỗi của con, xin dạy con biết phục vụ. Lạy Chúa, Đấng đã không để con lẻ loi, xin hãy giúp con an ủi các anh chị em của Chúa, vì từ đêm nay trở đi, tất cả đều là anh chị em của con.

Lời nguyện giáo dân

Sau khi kết thúc kinh Tin Kính, Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn dâng lên các lời nguyện cho các nhu cầu của Giáo Hội và thế giới. Ngài nói:

Với niềm vui và lòng biết ơn, chúng ta hãy hướng về Chúa Cha, Đấng đã sai Con của Ngài là Chúa Giêsu đến để đổi mới và hiệp nhất nhân loại trong một gia đình.

1. Cầu cho Giáo hội thánh thiện: Xin Chúa cho Giáo Hội vui mừng loan báo mầu nhiệm Con Mẹ Giáng Sinh đã mở ra những nẻo đường mới cho tự do và bình an.

2. Cầu cho Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta, tất cả các giám mục, linh mục và phó tế: Xin Chúa hãy chạm đến trái tim của mỗi người với món quà là ân sủng của Chúa.

3. Cầu cho các dân tộc bị chia cắt bởi chiến tranh và bạo lực: Xin Chúa cho giấc mơ của các tiên tri thành hiện thực, mọi ách thống trị sẽ bị phá vỡ và không ai phải chịu áp bức và lăng nhục nữa.

4. Cầu cho những người bị thiệt thòi, những người phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh và nghèo đói: Xin cho sự dịu dàng mà Đức Maria đã chăm sóc Con Chúa khơi dậy trong các cộng đồng Kitô hữu những thái độ nhân từ và chăm sóc.

5. Cầu cho chúng ta đang tụ họp ở đây: Lạy Chúa xin cho lời loan báo an bình được các thiên thần hát tiếp tục vang lên trong lòng chúng con, và giúp chúng con làm cho cuộc sống của mình trở thành một lời ngợi ca không ngừng.

Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện:

Lạy Cha, xin hãy lắng nghe những lời cầu xin của chúng con và cho phép chúng con nhận ra lòng nhân từ vô tận của Cha qua việc Chúa Kitô Con Cha chào đời từ cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Vì Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen


Source:Libreria Editrice Vaticana