THÁNH LỄ AN TÁNG

CỦA ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II


BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC HỒNG Y JOSEPH RATZINGER

Thứ Sáu, 8/4/2005


“Hãy theo Thầy”, Chúa Phục sinh nói những lời đó cho Phêrô. Đó là những lời cuối cùng Ngài nói với người môn đệ này, người được Ngài chọn để chăn dắt đoàn chiên của Ngài. “Hãy theo Thầy” – câu nói nền tảng này của Đức Kitô có thể xem như chìa khoá để hiểu sứ điệp đã được ban cho chúng ta từ cuộc đời của Đức cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô II yêu dấu của chúng ta. Hôm nay chúng ta chôn cất thi hài ngài trong lòng đất như một hạt giống của bất tử – tâm hồn chúng ta tràn ngập nỗi đau buồn, nhưng đồng thời tràn ngập niềm hi vọng hân hoan và lòng biết ơn sâu xa.

Đó là những tâm tình gợi hứng chúng ta, hỡi anh chị em trong Đức Kitô, đang hiện diện nơi đây tại công trường thánh Phêrô, trên các con đường lân cận và nhiều nơi khác nhau trong thành phố Rôma, nơi mà một đám đông vĩ đại, thinh lặng cầu nguyện, đã tụ họp lại trong những ngày qua. Tôi gởi lời chào thăm tất cả anh chị em từ đáy tâm hồn tôi. Nhân danh Hồng y đoàn, tôi cũng muốn diễn tả lòng kính trọng đến các vị Lãnh đạo các quốc gia, các vị Lãnh đạo chính quyền và các phái đoàn đại diện từ nhiều nước khác nhau. Tôi chào thăm các vị Lãnh đạo và đại diện chính thức của các Giáo hội và cộng đoàn kitô hữu khác, cũng như của các tôn giáo khác. Tiếp đến tôi chào thăm các Tổng Giám mục, Giám mục, linh mục, các tu sĩ nam nữ và các tín hữu đến đây từ mọi lục địa; đặc biệt các bạn trẻ mà Đức Gioan-Phaolô II thích gọi là tương lai và niềm hi vọng của Hội Thánh. Hơn thế nữa, lời chào thăm của tôi được gởi tới tất cả những ai trên thế giới đang hiệp thông với chúng tôi qua truyền thanh và truyền hình trong cuộc cử hành lễ an táng long trọng này của Đức Thánh Cha dấu yêu của chúng ta.

Hãy theo Thầy – là một sinh viên trẻ, Karol Wojtyła say mê văn chương, kịch nghê và thi ca. Khi làm việc trong một nhà máy hoá chất, bị bao vây và đe doạ bởi sự khủng bố của Đức quốc xã, ngài đã nghe thấy tiếng của Chúa: Hãy theo Thầy! Trong bối cảnh đặc biệt này, ngài đã bắt đầu đọc sách triết và thần học, và sau đó gia nhập chủng viện chui do Đức Hồng y Sapieha lập. Sau chiến tranh ngài đã có thể hoàn tất việc học tại phân khoa thần học của đại học Jagiellonian ở Krakow. Rất thường xuyên, trong các lá thư của ngài gởi các linh mục và trong các cuốn sách tự truyện của ngài, ngài đã nói cho chúng ta về cuộc đời linh mục của ngài, ngài đã được phong chức vào ngày 1/11/1946. Trong những bản văn này, ngài làm sáng tỏ chức linh mục của ngài khi quy chiếu đặc biệt về ba câu nói của Chúa. Câu thứ nhất: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16). Câu thứ hai là: “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Và cuối cùng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9). Trong ba câu nói này chúng ta thấy được trái tim và tâm hồn của Đức Thánh Cha chúng ta. Quả thế ngài đi đến mọi nơi, không mệt mỏi, để mang lại hoa trái, hoa trái tồn tại. “Hãy chỗi dậy, nào chúng lên đường!” đó là đầu đề của cuốn sách gần cuối của ngài. “Hãy chỗi dậy, nào chúng lên đường!” – với những lời này ngài thức tỉnh chúng ta từ một đức tin ngủ mê, từ sự mê ngủ của các môn đệ hôm qua cũng như hôm nay. “Hãy chỗi dậy, nào chúng lên đường!” ngài còn tiếp tục nói với chúng ta ngày hôm nay. Đức Thánh Cha là một linh mục cho tới hơi thở cuối cùng, bởi vì ngài đã hiến dâng mạng sống cho Thiên Chúa vì đoàn chiên và vì toàn thể gia đình nhân loại, qua việc tự hiến mỗi ngày để phục vụ Hội Thánh, nhất là giữa những khổ đau của những tháng cuối cùng. Và theo cách này ngài trở nên một với Đức Kitô, vị Mục tử nhân lành yêu mến đoàn chiên. Cuối cùng, “ ở lại trong tình yêu của Thầy” : Đức Giáo hoàng đã cố gắng gặp gỡ mọi người, ngài có một khả năng tha thứ và mở rộng tâm hồn cho mọi người, hôm nay ngài lại nói với chúng ta một lần nữa, với những lời này của Chúa, rằng bằng cách ở lại trong tình yêu của Đức Kitô chúng ta học biết, tại ngôi trường của Đức Kitô, nghệ thuật của tình yêu đích thật.

Hãy theo Thầy! Tháng Bảy 1958, linh mục trẻ Karol Wojtyła đã khởi sự một giai đoạn mới trong cuộc hành trình với Chúa và bước theo Chúa. Karol đã đi tới hồ Masuri trong dịp nghỉ hè thường lệ, cùng với một nhóm bạn trẻ thích chèo thuyền. Nhưng ngài mang theo mình một lá thư yêu cầu ngài điện cho Giáo chủ của Ba Lan, Hồng y Wyszyński. Ngài có thể đoán được mục đích của cuộc gặp gỡ: ngài đã được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của Krakow. Rời bỏ thế giới tri thức, từ bỏ sự dấn thân cho người trẻ với nhiều thách đố, từ bỏ nỗ lực cao cả về phương diện trí thức để tìm hiểu và giải thích mầu nhiệm của thụ tạo là con người và truyền đạt cho thế giới hôm nay sự giải thích kitô giáo về sự hiện hữu của chúng ta – tất cả những điều này phải được xem đối với ngài là từ bỏ chính bản thân, từ bỏ điều đã trở nên chính căn tính con người của vị linh mục trẻ. Hãy theo Thầy – Karol Wojtyła đã chấp nhận sự bổ nhiệm, vì ngài đã nghe được trong Hội Thánh lời mời gọi của Đức Kitô. Và sau đó ngài đã nhận thức những lời Chúa đích thực như thế nào: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống” (Lc 17,33). Đức Giáo hoàng của chúng ta – và tất cả chúng ta đều biết – không bao giờ muốn giữ mạng sống mình, giữ lại cho chính mình; ngài muốn trao ban chính mình mà không giữ lại chút gì, cho đến giây phút cuối cùng, vì Đức Kitô và như thế cũng vì chúng ta. Và do đó ngài đi đến cảm nghiệm này là mọi sự mà ngài đã dâng tặng cho Chúa đã quay trở về với ngài trong một cách thức mới như thế nào. Tình yêu của ngài đối với lời, thi ca, văn chương, đã trở thành một phần thiết yếu của sứ vụ mục tử của ngài và đem lại sức sống mới, cấp bách mới, thu hút mới trong việc loan báo Tin mừng, ngay cả khi nó là một dấu hiệu cho người đời chống báng.

Hãy theo Thầy! Tháng Mười 1978, Hồng y Wojtyła một lần nữa lại nghe tiếng mời gọi của Chúa. Một lần nữa cuộc đối thoại với Phêrô được tường thuật trong bài Tin mừng của Thánh lễ hôm nay lại xảy ra: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? Hãy chăn dắt chiên của Thầy!” Trước câu hỏi của Chúa, “Karol, anh có mến Thầy không?”, Tổng Giám mục của Krakow đã trả lời từ đáy thẳm tâm hồn: “Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Tình yêu đối với Đức Kitô đã là sức mạnh trổi vượt trong đời sống của Đức Thánh Cha yêu dấu của chúng ta. Bất cứ ai đã từng thấy ngài cầu nguyện, nghe ngài giảng, đều biết điều đó. Nhờ đâm rễ sâu trong Đức Kitô, ngài đã có thể vác lấy gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của con người: đó là trở nên mục tử của đoàn chiên Đức Kitô, Hội Thánh phổ quát của Người. Đây không phải là lúc để nói về nội dung cụ thể của triều đại giáo hoàng phong phú này. Tôi chỉ muốn đọc lại hai đoạn văn của phụng vụ hôm nay nhằm phản ánh những yếu tố trung tâm của sứ điệp của ngài. Trong bài đọc thứ nhất, thánh Phêrô nói – và cùng với thánh Phêrô, cả Đức Giáo hoàng nữa – “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. Người đã gửi đến cho con cái nhà Ítraen lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người” (Cv 10,34-36). Và trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô – và cùng với thánh Phaolô, cả Đức cố Giáo hoàng của chúng ta nữa – khuyên nhủ chúng ta, khi hô lên: “Hỡi anh em thân mến lòng tôi hằng tưởng nhớ, anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi. Anh em rất thân mến, anh em hãy kết hợp với Chúa mà sống vững vàng như vậy” (Pl 4,1).

Hãy theo Thầy! Cùng với lệnh truyền chăn dắt đoàn chiên, Đức Kitô đã loan báo cho Phêrô biết rằng ông sẽ phải chết vì đạo. Với những lời này, những lời kết thúc và tóm kết cuộc đối thoại về tình yêu và lệnh truyền chăn dắt đoàn chiên phổ quát, Chúa nhắc đến một cuộc đối thoại khác, xảy ra vào bữa Tiệc ly. Lúc ấy Đức Giêsu đã nói: “Nơi tôi đi, các người không thể đến được.” Phêrô nói với ngài, “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy? “Đức Giê-su trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo” (Ga 13,33,36). Đức Giêsu đi từ bữa Tiệc ly đến Thánh giá, đến sự sống lại của Ngài – Ngài đã đi vào mầu nhiệm vượt qua; và Phêrô chưa thể theo Ngài. Giờ đây – sau biến cố sống lại – thời gian đã đến, thời gian “sau này.” Bằng cách chăn dắt đoàn chiên của Đức Kitô, Phêrô đi vào mầu nhiệm vượt qua, đi đến Thánh giá và sự sống lại. Chúa nói điều đó trong những lời sau: “... lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21,18). Trong những năm đầu của triều đại Giáo hoàng, khi còn trẻ và đầy nghị lực, Đức Thánh Cha đã đi đến tận cùng trái đất, dưới sự hướng dẫn của Đức Kitô. Nhưng về sau, ngài dần dần đi vào sự hiệp thông với những đau khổ của Đức Kitô; dần dần hiểu biết sự thật của những lời này: “Có người khác thắt lưng cho anh.” Và trong chính sự hiệp thông này với đau khổ của Chúa, không mệt mỏi và với cường độ ngày mỗi đổi mới, ngài đã loan báo Tin mừng, mầu nhiệm của tình yêu cho đến cùng (x. Ga 13,1).

Ngài đã giải thích cho chúng ta mầu nhiệm vượt qua như một mầu nhiệm của lòng Chúa thương xót. Trong cuốn sách cuối cùng của ngài, ngài viết: Giới hạn khuất phục sự ác “đó là lòng Chúa thương xót” (Ký ức và Chân tính, tr. 60-61). Và khi suy tư về việc ngài bị ám sát, ngài nói: “Khi hi sinh chính mình cho tất cả chúng ta, Đức Kitô đã đem lại một ý nghĩa mới cho đau khổ, mở ra một chiều kích mới, một trật tự mới: trật tự của tình yêu... Chính đau khổ này đốt cháy và thiêu rụi sự ác với ngọn lửa của tình yêu và rút ra từ tội lỗi một sự nở rộ của sự thiện” (tr. 189-190). Được thúc đẩy bởi tầm nhìn này, Đức Giáo hoàng đã chịu đau khổ và yêu mến trong sự hiệp thông với Đức Kitô, và đó là lý do tại sao sứ điệp của sự đau khổ và im lặng của ngài đã tỏ ra hùng hồn và phong phú như thế.

Lòng thương xót của Chúa: Đức Thánh Cha đã tìm thấy sự phản ảnh tinh tuyền nhất về lòng Chúa thương xót nơi Mẹ của Thiên Chúa. Vì đã mất người mẹ thân yêu ngay từ thời thơ ấu, ngài đã yêu mến Mẹ Thiên Chúa với hết cả tấm lòng. Ngài đã nghe những lời của Chúa chịu đóng đinh như thể nói riêng với ngài: “Đây là Mẹ của con.” Và vì thế ngài đã làm như người môn đệ yêu dấu đã làm: ngài đã “đưa Mẹ về nhà mình” (eis ta idia: Ga 19,27) – Totus tuus. Và từ người mẹ, ngài đã học cách nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

Không ai trong chúng ta có thể quên được là trong ngày Chúa Nhật Phục sinh cuối cùng của đời ngài, Đức Thánh Cha, được ấn dấu bởi đau khổ, một lần nữa xuất hiện tại cửa sổ của dinh thự tông toà và lần cuối ban phép lành urbi et orbi. Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giáo hoàng yêu mến của chúng ta hôm nay đang đứng tại cửa sổ của Nhà Chúa Cha, ngài nhìn chúng ta và chúc lành cho chúng ta. Vâng, xin chúc lành cho chúng con, thưa Đức Thánh Cha. Chúng con xin phó dâng linh hồn thân yêu của ngài cho Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của ngài, Đấng đã dẫn dắt ngài mỗi ngày và sẽ dẫn dắt ngài mãi cho tới ngày vinh quang vĩnh cửu của Con Mẹ, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.