Bào huynh của Đức Bênêđíctô XVI vừa qua đời hôm qua 1 tháng 7, 2020 tại Regensburg, hưởng đại thượng thọ 96 tuổi, sau khi được “Em trai tôi” vượt ngàn dặm, tới thăm viếng lần cuối cùng cách nay hai tuần lễ.

Nhân dịp này, tạp chí National Catholic Register cho đăng lại bài phỏng vấn Đức Ông Ratzinger của phóng viên Robert Rauhut thực hiện năm 2008 giữa lúc Đức Bênêđíctô XVI viếng thăm Hoa Kỳ.

Bài phỏng vấn ấy cũng đã được chúng tôi đăng tải phần đầu trên Vietcatholic ngày 14 tháng 9 năm 2008. Xin phổ biến lại phần ấy dưới đây:




Khi Em Trai Làm Giáo Hoàng

Trước khi Đức Bênêđictô XVI qua Mỹ, tạp chí The National Catholic Register có thực hiện một cuộc phỏng vấn người anh ruột của ngài là Đức Ông George Ratzinger, người thân duy nhất của ngài hiện còn sống. Ký giả Robert Rauhut gặp và nói chuyện với vị giáo sĩ này tại căn nhà nhỏ ở thành phố lịch sử Regensburg, vị giáo sĩ được anh mô tả là nồng ấm, thân thiện và đạo đức.

Tuổi Nhỏ Ở Bavaria

Đức ông, em trai và em gái đức ông đã giữ đức tin cách nào trong những lúc khó khăn thời niên thiếu?

Ngay từ đầu, Mẹ Thiên Chúa đã đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc sống thiêng liêng của chúng tôi.

Trong nhà cha mẹ chúng tôi, chúng tôi thường qùy dưới đất đọc Kinh Mân Côi, tay tựa vào ghế dựa. Điều ấy cho chúng tôi thấy rất sớm tầm quan trọng của Mẹ Thiên Chúa đối với người Kitô Hữu.

Chúng tôi cũng giữ nhiều ngày lễ kính Đức Mẹ. Mẹ và chị gái tôi đều lấy tên Maria. Hiển nhiên, tên ấy rất quan trọng trong gia đình tôi. Chúng tôi cũng đến Đền Altotting (một trong các đền Đức Mẹ nổi tiếng nhất Âu Châu). Chúng tôi biết chúng tôi mang ơn Mẹ Thiên Chúa nhiều lắm và có thể đem mọi ưu tư của chúng tôi đến với Ngài.

Lần chuỗi Mân Côi, các buổi đọc kinh ban trưa Chúa Nhật, các cuộc rước kiệu ngày Lễ Mình Thánh Chúa ở Bavaria: các thực hành lòng đạo bình dân này khiến cho đức tin người ta trở nên bản thân, không trừu tượng hay hình thức nhưng thiết thân, nhân bản, êm ái và qúy hóa, một đức tin đi vào câu truyện đời mình và đòi cho được một chỗ đứng thiết yếu.

Đức ông và người em trai của đức ông đều bị động viên vào quân đội Đức lúc còn thiếu niên. Ngài thoát qua kinh nghiệm ấy ra sao?

Nói chung, đó là thời kỳ đầy nôn nóng, chờ đợi và hy vọng, hy vọng nó sẽ chấm dứt và mình có thể sống thoát. Người ta không chú tâm chi đến hiện tại, mà luôn hướng về tương lai. Tôi xin đơn cử một thí dụ. Một đêm kia, chúng tôi được trao nhiệm vụ sửa đường giây điện thoại. Bầu trời lúc ấy được một đám cháy rừng vĩ đại thắp sáng, và ai trong chúng tôi cũng nghĩ: mình phải sống qua đêm nay. Cứ thế chúng tôi hy vọng sống thoát để có được cuộc sống bình thường, cuộc sống dân sự, trong đó mình có hể thực hiện được các kế hoạch trong đời, tham gia một nghề nghiệp, chuẩn bị một tương lai và rồi thực hiện được tương lai ấy, nghĩa là trở về cuộc sống có trật tự.

Lúc kết thúc chiến tranh, giống như em trai của đức ông, đức ông từng bị bắt làm tù binh. Em trai của đức ông nói rằng ngài không bao giờ quên được niềm vui được trở về nhà.

Tôi bị Mỹ bắt làm tù binh, ở miền Nam nước Ý gần Vesuvius, và không có bất cứ tiếp xúc nào với thế giới bên ngoài. Chúng tôi chỉ biết rằng mọi sự đang rối tung khắp hướng ở Đức, rằng người Mỹ đang tới, và người Đức đang cố đánh trận đánh cuối cùng. Nhưng tôi không biết liệu cha mẹ tôi còn sống hay không, chị gái và em trai tôi ra sao. Nhà chúng tôi còn đó hay không? Tôi thật sự không biết gì cả.

Đầu tháng Bẩy, chúng tôi được tầu chở lên miền Bắc rồi đi xe búyt tới Bad Aibling (một trại tù binh khổng lồ). Ở đó ít ngày, rồi chúng tôi được thả. Người Mỹ dùng xe tải chở chúng tôi về quê cũ. Tôi vội chạy về nhà và muốn biết xem “Có ai còn sống không? Vẫn những người cũ ở đấy đấy chứ? Nhà tôi còn đó không? ”. Ôi, mẹ tôi đang đứng ngay tại giếng, cha tôi thì ở trong nhà, em trai tôi cũng được thả khỏi tù, và cả chị gái tôi cũng đang có mặt. Đấy có lẽ là giây phút ngọt ngào nhất trong suốt cuộc đời tôi.

Về Nước Mỹ

Đức ông đã cùng ca đoàn Regensburg thăm viếng nước Mỹ. Đức ông còn nhớ nước đó không?

Đó là một đất nước rộng lớn với nhiều bộ mặt khác nhau. Các buổi trình diễn của chúng tôi đặc biệt thu hút người Đức lưu vong. Họ rất vui được gặp lại người từ quê cha và được nghe những bài ca đem quê hương lại gần họ.

Tôi nhớ một buổi phụng vụ trong nhà thờ ở Boston, trong đó chúng tôi cũng có hát. Qủa là một buổi lễ đầy nhân bản, thân ái, không gò bó. Chúng tôi rất thích. Đó là khía cạnh quan trọng nhất.

Tôi cũng nhớ có đến tiệm McDonald và rất lấy làm lạ thấy các anh ăn xong liệng hết chén dĩa đi. Nhưng lẽ dĩ nhiên, các anh cũng có nền văn hóa biết ăn trong khung cảnh tư riêng của đời sống Mỹ, bên ngoài các tiệm ăn lẹ.

Em trai đức ông sắp sửa thăm viếng nước này. Đức ông có nỗi sợ hay niềm mong ước gì không?

Tôi không hề sợ có chuyện xẩy ra. Tại Mỹ, khó có mưu toan ám sát. Tuy nhiên sợ là sợ không biết ngài có thành công trong việc thực hiện được các hoài mong của công chúng hay không thôi.

Ngài vốn có tài năng biết nói với người khác, tỏ ra một con người nhân bản đầy thiện cảm. Tôi hy vọng điều ấy sẽ rõ ràng đối với mọi người ở Mỹ.

Cuộc thăm viếng này không những chỉ có khía cạnh nhân bản, mà đặc biệt còn có khía cạnh tôn giáo nữa. Tôi hy vọng ngài sẽ làm cho đức tin thành thiện cảm, đáng tin. Đó mới là mục tiêu thực sự của cuộc thăm viếng mục vụ này. Đây không phải là vấn đề đi du lịch.

Tôi thực sự hy vọng rằng điều ấy sẽ thành công ở mọi giới ngài đến thăm. Hy vọng nó sẽ đem lại cho Giáo Hội Hoa Kỳ một thúc đẩy về mục vụ.

Thăm Đức Giáo Hoàng

Bây giờ em trai của đức ông đã là giáo hoàng. Đức ông nhớ gì về cuộc đến thăm ngài mới đây nhất, dịp lễ Giáng Sinh?

Thường thường chúng tôi dâng lễ với nhau vào buổi sáng. Em trai tôi là chủ tế: các thư ký và tôi cùng đồng tế. Sau thánh lễ, chúng tôi im lặng tạ ơn. Rồi ngài đọc sách nguyện cho tôi nghe; vì mắt tôi lôi thôi lắm. Tôi không còn đọc sách nguyện được nữa.

Chúng tôi cũng đọc kinh sáng (lauds) và kinh trưa với nhau. Tôi phải bằng lòng với Kinh Mân Côi thôi. Ngài đọc trọn bộ sách nguyện bằng tiếng Latinh.

Rồi chúng tôi dùng điểm tâm, với một số người khác. Sau đó tôi về phòng riêng. Đôi khi, Nữ Tu Christina đọc to một vài điều cho tôi nghe. Tôi nghe khá nhiều CD.

Trước bữa trưa mấy phút, ngài tới mời tôi, chúng tôi cùng nhau xuống dùng bữa. Ở đó đã có một số các vị thư ký. Ngài lưu tâm đến việc đi bộ, đến vận động, vì điều ấy quan trọng đối với tình trạng thể lý của ngài.

Tôi còn nhớ có lần chúng tôi được lái xe xuống Hang Đức Mẹ Lộ Đức trong Vườn Vatican. Tình trạng của tôi tệ đến nỗi không đi bộ xuống đó được. Và ở đó, chúng tôi cùng lần chuỗi Mân Côi với nhau. Rồi chúng tôi tản bộ trong chốc lát và sau đó gặp nhau ở bữa tối.

Ăn tối xong, chúng tôi xem tin tức trên Đài RAI (Đài Truyền Hình Ý), rồi tản bộ một lần nữa, đọc kinh tối (compline) và thế là hết ngày.

Các ngài có nhiều thì giờ để chuyện trò với nhau không?

Chút chút thôi, nhưng chúng tôi đã có những giờ ăn chung với nhau, cử hành Thánh Thể, đọc kinh Mân Côi buổi chiều và hầu hết buổi chiều Chúa Nhật, sau giờ nghỉ trưa, nhất là lúc ở Castel Gandolfo.

Thí dụ, chúng tôi ngồi bên cạnh hồ tắm, để cùng đọc sách và chuyện gẫu với nhau tại đó… Sau một ngày, thường thì thời giờ chẳng còn bao nhiêu. Nhưng những giây phút ở bên nhau như thế cũng đủ rồi.

Đức ông có dự tính một cuộc viếng thăm khác nữa không?

Tôi sẽ xuống dưới đó ngày 22 tháng Tư này vì ngày 24 tháng Tư sẽ có buổi hòa nhạc do Tổng Thống Ý (Giorgio) Napolitano tổ chức, và tôi sẽ tham dự buổi hòa nhạc đó. Do đó, tôi sẽ lưu lại ít bữa nữa.

Sau khi em trai đức ông được bầu làm giáo hoàng, có điều gì thay đổi trên bình diện bản thân chăng?

Không. Em trai tôi đã 78 tuổi khi được bầu làm giáo hoàng. Mối liên hệ bản thân của chúng tôi lúc ấy đã kéo dài được 78 năm rồi. Nên về căn bản, chả có chi thay đổi về phương diện ấy cả.

Nhưng rất có thể đức ông sẽ phân biệt “đứa em trai” của mình với Đức Thánh Cha chăng?

Chắc chắn rồi, tôi vốn kính trọng ngài và người ta phải phân biệt giữa khía cạnh nhân bản tổng quát, (thì) ngài là em trai tôi, với khía cạnh giáo hội, (thì) ngài lại là bề trên của tôi. Và trong khía cạnh đó, ngài cũng được tôi hết sức thán phục.

Nhưng khi chuyện trò bản thân, chúng tôi vẫn như xưa.

Các ngài có bao giờ chuyện trò về thần học và chính trị giáo hội không?

Ít khi lắm. Chúng tôi thường nói về chuyện thường ngày, và cả các hoài niệm nữa. Về chính trị giáo hội, rất ít, vì nói chung, tôi không muốn can dự vào công việc của ngài và không muốn gây ảnh hưởng bất cứ cách nào đối với ngài.

Những vấn đề mọi người đều biết thì đôi lúc được đưa vào câu truyện, nhưng thường thì rất ít.

Còn thần học?

Tôi thích đọc các tác phẩm của ngài, nhưng nói về chúng lại là chuyện khác. Đôi lúc, sau khi đọc được điều gì đó, tôi mang ra hỏi để ngài giải thích. Nhưng (phần lớn) chúng tôi… chỉ ở bên nhau theo cách nhân bản và nói về cuộc sống nhân sinh hàng ngày.

Ngài hỏi thăm về những người ngài biết ở Regensburg và những nơi khác. Ngài muốn biết họ ra sao, họ sắp làm gì.

Các ngài có thường xuyên gọi điện thoại cho nhau không?

Cái đó không nhất định; không có luật lệ chi cả, nhưng nói chung, ít nhất mỗi tuần một lần. Bắt đầu ngài muốn biết chuyện đã xẩy ra, tôi cho ngài hay. Và ngược lại. Chúng tôi thường nói với nhau khá lâu trên điện thoại.

Có lợi lộc thực tiễn nào cho đức ông khi em trai đức ông làm giáo hoàng không?

Hiển nhiên là có, tôi thấy có lợi lộc thực tiễn khi đến thăm em trai mình ở Rome: từ phi trường về Vatican rất lẹ. Nếu anh biết nạn kẹt xe ở Rome thì hẳn anh biết việc đó không dễ dàng gì đâu.

Cũng còn một chiều kích quan trọng quanh Phép Thánh Thể: ở đây, chính Đấng Đại Diện Chúa Kitô đang cử hành Thánh Thể. Có cả một bầu khí đặc biệt đâu đó. Ngoài những chuyện đó, mọi sự khác đều như nhau thôi.

Di Sản Bênêđíctô

Em trai của đức ông đã quen với chức vụ mới của ngài chưa? Con muốn nói, ngài vốn có kế hoạch khác cho đời sống.

Ngài rất mềm dẻo. Ngài có thể thích ứng dễ dàng với một hoàn cảnh nhất định. Và ngài hoàn toàn chú tâm đến mọi điều người ta đòi hỏi, người ta chờ mong ở ngài. Và đây là một đòi hỏi mới, một chiều kích mới trong cuộc sống hàng ngày của ngài, một điều ngài đã mau chóng thích ứng được.

Việc bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô có thay đổi Giáo Hội tại Đức không?

Khó thấy được sự dị biệt hiển nhiên. Đối với những người đã tin, chắc chắn có cải tiến. Đối với những người đứng bên lề, không hẳn chống lại nó, chắc chắn đây là dịp để suy tư một cách bén nhậy. Nơi một số giới, nó đã dẫn tới sự thay đổi thái độ bản thân. Một số giới đã tìm thấy sự nối kết cách này cách khác với Giáo Hội, đến mức nào thì tôi không thể nói được. Thí dụ, tôi từng được nghe rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Cologne mang lại nhiều thành quả cho thừa tác vụ giới trẻ ở giáo xứ: quan tâm nhiều hơn, nhiều thái độ tích cực hơn, sống động hơn và nhiều thiện chí hơn. Đấy mới chỉ là một chứng tá, chắc chắn còn nhiều chứng tá khác nữa.

Liệu em trai của đức ông có viếng thăm Đức lần nữa không?

Ý muốn thì có đó. Nhưng ngài cũng có cùng một bổn phận ấy với toàn thể thế giới. Ngài vốn đã về Đức hai lần rồi. Bây giờ đến lượt các nước khác. Bởi vậy, một dấu hỏi có lẽ khôn ngoan hơn. Mặt khác, du hành đâu còn dễ dàng gì với tuổi gìa.

Khi cuộc đời về chiều, đức ông có kế hoạch hay ước muốn gì không?

Đến tuổi của chúng tôi, cuộc sống đã được sống trọn rồi. Người ta hoặc đã đạt được mục đích hoặc ngồi mà hối tiếc chúng. Người ta ráng sống những tháng hay những năm cuối cùng một cách nào đó để không gây ra vấn đề, mà là để tạo ra bình an, cố gắng thi hành bổn phận của mình bao nhiêu có thể. Đức Giáo Hoàng có một viễn tượng mới, một chân trời mới, sau khi được bầu, cũng đã được ba năm rồi, (tuy) ngài không có những kế hoạch đặc biệt lớn lao gì (nhưng vẫn phải) giáp mặt với một thực tại hoàn toàn mới và cố gắng tìm ra giải pháp đúng đắn cho thực tại ấy. Còn giấc mơ hay ước muốn ư? Không, giờ đây tôi chả còn giấc mơ hay ước muốn chi.

Kỳ sau: ơn gọi